Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Sự chật chội của tinh thần và xuởng vẽ doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (234.37 KB, 13 trang )

Sự chật chội của tinh thần và
xuởng vẽ*
Birgit Hussfeld


Hai hoạ sĩ trẻ thuê phòng triển lãm của Bộ Thông tin-Văn hoá. Kể
từ khi tốt nghiệp Đại học mỹ thuật Hà Nội, đó là lần đầu tiên họ sẽ
trình làng đúng như họ mong muốn, và không phải chỉ trong phạm vi
nhà trường. Ấy là một địa điểm được nhiều người thích, địa điểm lý
tưởng nhất Hà Nội, ngay trung tâm, mọi người đều biết, mà cũng là nơi
duy nhất thích hợp cho những vật triển lãm có kích thước lớn. Lại do
một người quen phụ trách, anh này cũng là nghệ sĩ, tương đối cởi mở.
Mọi chuyện tưởng đã đâu vào đấy. Thế mà triển lãm vẫn không thành.
Thời điểm tiến hành trùng với ngày Quốc Khánh mùng Hai tháng Chín.
Người phụ trách có phần bối rối. Anh ta đã đồng ý, vì chẳng có lý do gì
mà không đồng ý. Bây giờ anh ta phải tìm cách dùng quan hệ của mình
trong Bộ để dàn xếp. Nhưng đành chịu. Cá nhân hai họa sĩ kia thì
không có vấn đề gì. Họ còn rất trẻ nhưng đã có chút tên tuổi ở nước
ngoài. Tranh của họ, Bộ không lấy gì làm thích, đẹp thì ít mà bạo liệt
thì hơi nhiều. Gặp lúc khác thì cũng chẳng sao, miễn là trả đủ tiền thuê
phòng và không dính dáng gì đến chính trị. Cái khó là ở chỗ: quan hệ
của địa điểm này với ngày Quốc Khánh. Năm ngoái, cũng ở đó, có triển
lãm của một hoạ sĩ khác, sắp đặt không gian, quy mô lớn, kèm theo
một performance của hai người bạn, điều trước đó chưa từng có ở Hà
Nội. Họ khai thác chính cái không gian của địa điểm này, biến nó thành
bộ phận của nghệ thuật, và mở ra cho một số người những viễn cảnh
mới. Cái kiến trúc rộng rãi ở đó cho phép trưng bày kích thuớc lớn,
hoành tráng, không nơi nào khác trong thành phố được như vậy. Mấy
chục năm trước nó được xây lên để phục vụ chính mục đích ấy, bây giờ
chỉ cần thay thế bằng những nội dung khác. Việc các nghệ sĩ được phép
thuê làm chỗ triển lãm khiến nó có vẻ như một địa điểm trung lập, một


thứ "White Cube". Nhưng không phải. Nó vẫn gắn liền với lịch sử ra
đời của nó.

Sau khi chế độ thực dân Pháp bị hoàn toàn lật đổ vào giữa những năm
50, Bộ Thông tin-Văn hoá xây ngôi nhà này làm chỗ triển lãm. Mọi
triển lãm của các nuớc bạn xã hội chủ nghĩa đều tập kết ở đó. Những
nghệ sĩ danh giá nhất của guồng máy nghệ thuật Việt Nam cũng lấy đó
làm chỗ xuất hiện. Luôn luôn với danh nghĩa quốc gia. Thời chiến
tranh thì Ban tuyên huấn trung ương bày áp phích "Bắn rơi chiếc máy
bay Mỹ thứ 3000", sau này thì thành chỗ trưng bày các cuộc vận động
sáng tác về những chủ đề như sinh nhật Bác, kỷ niệm ngày giải phóng
miền Nam, đoàn kết với các dân tộc thiểu số…Gần đây các đợt vận
động sáng tác như vậy ngày càng thưa dần, có chăng thì nhân những
chiến dịch toàn dân chống tiêu cực, từ 1996 thường là chống tệ nạn mãi
dâm, hút xách và cờ bạc.

Sáu tháng sau, lịch thuê phòng triển lãm ở đó lại còn trống, nhưng hai
chàng họa sĩ kia đã hết hứng. Họ nhận lời mời ra nuớc ngoài triển lãm.

*

Một nghệ sĩ khác, vài năm trước, cũng Hà Nội, nhưng ở một địa
điểm khác. Nơi này không có một lịch sử to tát. Là gallery thương mại,
bà chủ chịu trách nhiệm với Bộ Thông tin-Văn hoá về các nội dung
triển lãm. Không gian: một toà vi la cổ, phục chế theo đúng phong cách
Pháp để gợi hơi hướm thời thuộc Pháp đầu thế kỷ, tất nhiên là bằng con
mắt hoài cổ của những cựu thực dân thuở ấy. Triển lãm ở đây bám vào
quan niệm về Việt Nam của giới ngoại giao và doanh nhân nước ngoài,
đứng đầu là Pháp, và kinh phí xây dựng cũng do sứ quán Pháp giúp
vào. Họ muốn mình là địa điểm hàng đầu của mỹ thuật Việt Nam

đương đại. Là địa chỉ quan trọng nhất cho bất kỳ ai quan tâm đến nghệ
thuật của đất nuớc này, bà chủ không giấu tham vọng độc tôn trong
việc viết nên lịch sử mỹ thuật, chẳng khác gì cung cách của Bộ. Phụ tá
cho bà là một nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật người Pháp, tiếng là cố
vấn, nhưng bên trong thực ra nắm toàn bộ các đầu mối kinh doanh.

Người hoạ sĩ sẽ triển lãm tại đó đang là hiện tượng nóng hổi, thô,
hoang dã, thậm chí trái với dòng chủ lưu, tức rất gây tranh cãi. Bảng
màu của anh chỉ giới hạn vào ba màu: đen, trắng, đỏ. Không lãng-mạn-
Indochine, không kế thừa truyền thống hội họa Pháp như trào lưu rộ lên
cuối những năm 80 ngay khi Đổi Mới vừa bắt đầu, để tưởng nhớ những
hoạ sĩ từng bị chỉ trích dưới thời sung mãn của chủ nghĩa xã hội. Bây
giờ tác phẩm của họ lại được nâng lên hàng "nghệ thuật Việt Nam đích
thực". Anh không có gì giống thế, nhưng anh đang là hiện tượng quan
trọng trong giới mỹ thuật, vì dám theo những ngả đường hoàn toàn
khác lạ. Vậy họ sẽ để anh triển lãm, chung với một nghệ sĩ Mỹ hiện có
mặt tại Việt Nam. Cả bà chủ lẫn ông cố vấn đều không thích tranh của
anh. Nhưng họ thấy chúng có vẻ gì đó khá là Mỹ, gợi liên tưởng tới
trường phái vẽ bằng graffiti, hay gần gũi với Keith Haring, đi chung
với ông khách Mỹ có lẽ hợp.

Nhưng triển lãm này cũng không diễn ra như dự định. Vài tiếng đồng
hồ trước giờ khai mạc, công an tuyên bố đóng cửa, không giải thích gì
hết. Vấn đề không phải là anh bạn Mỹ. Tranh anh ta chỉ đuổi theo lý
tưởng về một Việt Nam hoang sơ tiền tư bản nào đó, là thứ có lẽ chỉ có
nổi trong đầu những người Mỹ mang đầy mặc cảm tội lỗi. Để tránh tai
tiếng, nhất là với đám quan khách, trong đó có cả giới báo chí quốc tế,
bà chủ phải giở hết mọi quan hệ với Bộ Thông tin-Văn hoá để dàn xếp,
sao cho khách mời khỏi đứng trước những bức tường trống trơn. Tranh
của anh bạn Mỹ thì được bày hết. Chàng họa sĩ Việt chỉ được bày 5

bức, 18 bức khác phải hạ xuống, thay vào đó là mẩu giấy đề dòng chữ:
"Excusez-moi. Xin lỗi." Bà chủ bị cảnh cáo rằng, chính quyền muốn
đóng cửa cái gallery này lúc nào chẳng được. Cuối cùng thì bà trả một
khoản tiền phạt, còn chàng họa sĩ "chỉ" bị thẩm vấn và yêu cầu giải
thích từng chi tiết trong các bức tranh của anh, đặc biệt là phải cho biết
màu đỏ được dùng trong từng trường hợp mang ý nghĩa gì. Từ đó
chẳng phòng tranh nào, bất kể tư nhân hay nhà nước, muốn cho anh
triển lãm. Mọi dấu vết của anh bị xoá bằng hết. Kỷ niệm trường đại học
mỹ thuật, tác phẩm của anh phải sơ tán, trước khi quan khách kéo đến.

Anh cũng muốn bỏ ra nuớc ngoài, dù biết rằng mình quan trọng với
Việt Nam, còn ra ngoài thì guồng máy nghệ thuật náo nhiệt của thế giới
sẽ chẳng buồn để ý.

Đó chỉ là một trường hợp kiểm duyệt lẻ tẻ. Nhưng nó đã xảy ra, và rất
có thể sẽ còn xảy ra. Vài ngày sau có tin đồn rằng phải can thiệp tương
đối thô bạo như vậy, vì Bộ không muốn khách nuớc ngoài hôm ấy hiểu
nhầm rằng đó diện mạo thật của văn hoá Việt Nam mà chẳng qua là
phong cách riêng của một hoạ sĩ.

*

Đồng thời, ở những địa điểm khác, trong cùng một thành phố. Các
bà quả phụ, vợ những họa sĩ lớn của Việt Nam, bận rộn trông nom di
cảo của chồng. Nhiều thứ đem bán, rất đắt, nhưng phần còn lại thì
muốn đưa ra công chúng. Sinh thời, được lờ đi là may, nay cái huyền
thoại về những nghệ sĩ nghèo kiết nhưng bất chấp sự theo dõi của chính
quyền vẫn sáng tạo nên nghệ thuật chân chính, trường tồn hơn mọi tác
phẩm chính thống, được các bà quả phụ bỏ công chăm bón. Còn hơn
thế nữa, bây giờ họ được coi là cha đẻ của hội hoạ Việt Nam. Thực ra

những gì còn lại của họ ở trong nuớc chỉ là vài mảnh ký hoạ, chân
dung, bé xíu, phác vội trên giấy tạp, vỏ bao diêm, giấy báo, dấu tích về
một thời cơ cực.

Bảo tàng mỹ thuật quốc gia tại Hà Nội có thể là nơi thích hợp để giờ
đây giới thiệu giá trị then chốt của dòng nghệ thuật phi chính thống
thuở ấy. Nhưng Bảo tàng còn phải tổ chức lại toàn bộ cấu trúc của nó,
để theo kịp quan điểm xét lại từ ngày có Đổi Mới, thoát ly các giáo
điều của nghệ thuật xã hội chủ nghĩa. Các tác phẩm mỹ thuật không
nhằm mục đích giáo dục quần chúng hay xây dựng ý thức dân tộc tuy
được dọn riêng một khoảnh bên lề, nhưng cái khung chính với trọng
tâm là nghệ thuật do nhà nước đặt hàng vẫn còn nguyên đó.

Đến nay bảo tàng tư nhân như các bà quả phụ mong muốn cho di cảo
của chồng họ vẫn chưa được cấp giấy phép. Bao giờ? Hay có khi chẳng
bao giờ? Nào ai biết? Chắc các bà quả phụ chẳng còn sống đến ngày
Đảng và Nhà nuớc chính thức nới lỏng phần nào độc quyền giải thích
và trình bày lịch sử dân tộc, ít ra là ở vài lĩnh vực. Nên họ đành biến
xưởng vẽ ngày xưa của chồng thành những không gian trái hẳn với tinh
thần của Bảo tàng quốc gia, tất nhiên không được phép gọi là bảo tàng
cá nhân, không được cấp kinh phí, không được bán vé thu tiền, và
không được quyền xuất bản.

*

Đổi Mới, chính thức tuyên bố và bắt đầu vào năm 1986. Thời điểm
đó như một điểm cắt giữa cũ và mới, giữa bao cấp của nhà nuớc và tự
do cá nhân. Có không khí của một cuộc lên đường. Nhưng lên đường đi
đâu? Những thiết chế cố hữu như các hội văn nghệ chính thống từ trung
ương đến địa phương, trường đại học mỹ thuật, viện bảo tàng, Bộ

Thông tin-Văn hoá với vô số ban bệ và ngạch nối với Bộ Nội vụ, tất cả
vẫn hoạt động như cũ. Nội dung bên trong tất nhiên có thay đổi, một
vài chức vụ có người mới lên thay, và đội ngũ cán bộ cũ cũng đã tự đổi
khác. Mọi thứ đều khác, nhưng toàn bộ cấu trúc quyền lực thì không
thay đổi. Vai trò của quyền lực đó thì suy giảm, vì hàng loạt yếu tố mới
xuất hiện, ảnh hưởng tới sự phát triển của nền nghệ thuật của đất nuớc
hơn hẳn cung cách kiểm soát trực tiếp của các thiết chế nhà nuớc. Thời
Bùi Xuân Phái, tức từ những năm 50 đến đầu những năm 80, muốn
được triển lãm, và nhất là muốn ra nuớc ngoài thì nhất định phải là hội
viên của hội mỹ thuật. Toan, sơn, cọ đều ở diện phân phối như thực
phẩm thời chiến. Mọi nghệ thuật đều là nghệ thuật theo hợp đồng, và
nơi duy nhất đặt hàng là nhà nuớc. Dĩ nhiên ngay cả thời ấy cũng tồn
tại một luồng phi chính thống, trong giới tự đổi chác, môi giới, sưu tập
lẫn nhau, như một thứ chợ đen. Tranh đổi lấy hiện vật, đúng như hình
dung về cảnh nghệ sĩ đổi tác phẩm lấy cơm cháo và chút tiền lẻ. Luồng
ngầm đó nay vẫn tiếp tục, nhưng là một sự đổi chác đã lan rộng, từ bạn
bè trong giới đến các cơ quan quyền lực, đã gồm cả những mánh mung
thủ đoạn. Một người đồng thời mang vô số bộ mặt. Ranh giới giữa
chính thống và phi chính thống nhoà đi trong thực tế, để có dịp cần đến
thì lại hiện rõ nguyên hình.

Dòng nghệ thuật đã và đang tiếp tục hình thành bên rìa hệ thống hợp
đồng của nhà nuớc vẫn giữ nguyên tính chất liên đới cá nhân của nó.
Chỗ nào cũng vậy, nhất là tại Hà Nội và TPHCM, người nọ móc nối
người kia: nghệ sĩ, chủ phòng tranh, nhà phê bình, nhà sưu tập, cán bộ
văn hóa, và tình trạng cấu kết bằng những quan hệ riêng ấy lộ ra trong
các tác phẩm nghệ thuật, cả về hình thức lẫn nội dung. Lúc nào cũng
phải cẩn thận ngoái lại phía sau. Nỗi ngại ngùng, sợ phơi ra quá nhiều
chỗ hớ riêng tư, quá nhiều chỗ hớ chính trị. Sợ không bắt trúng mạch
thời đại, không bán được tranh, không có tiền mà chiêu đãi bạn bè. Sự

chật chội trong tinh thần lộ ra chẳng kém cái eo hẹp của xuởng vẽ.

Kích thước nhỏ của tranh, hay việc giấy dó, thứ dễ cuộn và dễ vận
chuyển, được đặc biệt ưa chuộng, là chứng chỉ của những không gian
nơi chúng ra đời: nhà riêng, hay những phòng làm việc chật hẹp. Chúng
vừa là thoả hiệp với những phòng tranh cũng chẳng rộng rãi gì, vừa là
biểu hiện, về mặt hình thức, của sự bó buộc vào một không gian tồn tại
ít nhiều mang tính cá nhân. Ngược hẳn với chúng là những bức tranh
sơn dầu hay sơn mài hoành tráng của dòng nghệ thuật chính thống,
được nhà nuớc chu cấp, cồng kềnh và nặng nề, chẳng khác nào sự đối
nghịch giữa một bên là nền công nghiệp nặng của khu vực kinh tế quốc
doanh theo mô hình Liên Xô, và bên kia là khu vực tư nhân, quy mô
nhỏ, dựa vào hoạt động của gia đình, nhưng bao giờ cũng thành công
hơn.

Nhà nuớc đã thôi dần tác động trực tiếp vào nghệ thuật, nhưng như vậy
cũng có nghĩa là chấm dứt chế độ bao cấp vốn được thực hiện phần nào
qua các hội. Bây giờ danh nghĩa hội viên chẳng mang lại lợi lộc gì đáng
kể nữa. Chẳng cần hội vẫn có thể triển lãm, kiếm toan, sơn, và đi nuớc
ngoài. Những khoản bồi dưỡng lúc ốm đau hay nhà trẻ cho con cái
cũng hết. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của hội mỹ thuật là
thông tin, nhưng nó đã bao giờ làm tròn nhiệm vụ ấy đâu, vậy bây giờ
không có nguồn thông tin ấy cũng chẳng sao. Nhưng rõ nhất là sự thiếu
vắng một tổ chức có khả năng giúp các nữ nghệ sĩ. Thuở trước, để triển
khai công cuộc giải phóng phụ nữ và nam nữ bình quyền, nhà nuớc còn
quan tâm đến những biện pháp điều chỉnh tỉ lệ phụ nữ trong mọi lĩnh
vực. So với các thế hệ trước, tỉ lệ phụ nữ trong giới nghệ sĩ trẻ hiện nay
giảm hẳn. Mỹ thuật lại trở thành sự nghiệp của giới mày râu.

*


Ở đâu đó, không còn là Hà Nội. Thế hệ nghệ sĩ trẻ ấy không còn bằng
lòng với hoàn cảnh trong nuớc. Đột nhiên có những chân trời khác,
triển vọng khác xuất hiện. Với thế hệ chỉ trên họ một chút thì một
chuyến triển lãm ở nuớc ngoài là toàn bộ tham vọng, phần nhiều chẳng
phải vì tò mò và khao khát nghệ thuật, cũng chẳng phải vì hi vọng gì ở
sự thành công trên trường quốc tế, cái chính là để làm đà cho những
triển vọng tiến thân ở trong nước. Mới vài năm trước, đường ra nuớc
ngoài chỉ mở ra cho kẻ đủ sức thích nghi với hệ thống và đạt được một
địa vị chính thức nào đó trong guồng máy. Thời gian ở nuớc ngoài
không quan trọng bằng thời điểm trở về, và hào quang ngoại quốc có
thể tỏa thành những địa vị cao hơn.

Thế hệ trẻ hiện nay, nhiều người hầu như cả năm không ở Hà Nội và
chẳng có chức vụ gì hết. Họ không muốn có và không cần chức vụ. Họ
không cần phải thích nghi với hệ thống để có điều kiện làm nghệ thuật.
Họ được hưởng cái hoàn cảnh đáng ghen tị, là tốt nghiệp đại học mỹ
thuật vào đúng thời điểm mà giới quan sát mỹ thuật quốc tế bắt đầu để
ý đến Việt Nam. Họ dám vuợt rào, dám khao khát, dám đem hết cái
năng luợng ấy mà làm một cái gì cho có kích thước trước đã, dù giễu
cợt, độc địa hay đa cảm, hết sức cá nhân, tương đối phi thương mại, tất
cả những thứ đó trùng với sự mong đợi của guồng máy nghệ thuật quốc
tế và vì vậy cũng được đánh giá xứng đáng. Cái van chỉnh năng luợng
nghệ thuật của thế hệ họa sĩ cực trẻ này hiện nay đang xả ra ngoại quốc,
với công chúng lớn: Singapore Art Museum, Ludwig Museum Aachen,
Printemps Vietnamien Paris, Nhà văn hoá thế giới Berlin, Sydney,
Hồng Kông, Tokio…, nơi mỹ thuật hiện đại Việt Nam là thứ chưa ai
biết đến, nên được ghi nhận, rồi sau đó lại biến đi, không để lại một dấu
vết.


Không có một cố gắng nào ở tầm vóc quốc gia nhằm thu những năng
luợng này về một mối, dù chẳng khuân nổi về trong nuớc thì cũng
chuyển vào tương lai. Nửa kiêu hãnh, nửa lại bối rối, người ta hoặc là
nhận vơ những thành công này cho chính mình, hoặc là lờ đi như
không đáng để ý. Các cấu trúc quyền lực của nhà nuớc thì bất lực,
không đủ sức phá bỏ sự xơ cứng của hệ thống thiết chế cố hữu để kịp
phản ứng một cách tích cực với tiến trình quốc tế hoá đang diễn ra
trong mỹ thuật, mà những cơ quan tổ chức độc lập khác thì vẫn chưa
được phép ra đời. Tuy đất nuớc đã trút bỏ phần nào tình trạng cô lập
quốc tế và các cửa quan đã dần mở, nhưng tác động của quá trình này
đối với sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam vẫn chỉ là những mảnh lác đác,
mang tính ấn tượng, không khác gì những mẩu lặt vặt, quà ngoại quốc,
trong va li những nghệ sĩ ra nuớc ngoài đem về, nơi mà họ được khai
thác những không gian khác để sắp đặt và trình diễn. Họ đại diện cho
nuớc mình trong những triển lãm quy mô lớn và góp phần chỉnh lại
phần nào những quan niệm của nuớc ngoài về một Việt Nam đồng
nghĩa với chiến tranh. Họ có một tiếng nói quan trọng trong công
chúng.

Còn mỹ thuật ở trong nước vẫn tiếp tục là nghệ thuật sinh ra từ các
xưởng vẽ trong môi trường cá nhân, vẫn tìm cách tiến ra một phạm vi
tạm coi là trung lập nào đó. Khá là tùy tiện. Cho đến nay, kinh nghiệm
thu được ở ngoại quốc đem về nuớc vẫn không chuyển nổi thành nếp
sinh hoạt tự nhiên, rằng nghệ thuật ở Hà Nội cũng phải trực tiếp hướng
đến công chúng. Nhưng việc gì cũng có lúc. Tạm thời, cứ cho ra những
kích thước lớn, hoành tráng, tức một nghệ thuật cần không gian và sự
tham dự của công chúng, chứ không phải những hình vẽ trên vỏ bao
diêm bé xíu, lang thang từ ngõ X sang ngõ Y.

Chủ nghĩa quốc tế trước đây, với Liên Xô, bỗng sụp đổ theo toàn bộ

các thể chế Đông Âu cũ. Chưa có gì thay thế vào chỗ ấy. Curator không
có, giới phê bình nghiêm túc cũng hầu như không có, không có các học
bổng, các tài trợ, các trao đổi thuờng kỳ giữa những cơ sở đào tạo mỹ
thuật trong nuớc và với nuớc ngoài, thậm chí hình thức gửi sinh viên
mỹ thuật du học nuớc ngoài như trước đây với các nuớc xã hội chủ
nghĩa cũng không còn nữa, hiếm hoi lắm mới có các nghệ sĩ và giảng
viên mỹ thuật quốc tế, mà chính sự vận động cá nhân của những người
đó rút cuộc mới là chỗ dựa cho việc tiến ra bên ngoài. Sách báo và
thông tin về mỹ thuật hiện đại kể từ Dada hay Duchamp hầu như không
có mà lưu hành. Ý thức về khả năng chinh phục thị trường tuyệt nhiên
không phát triển, đào tạo theo hướng đó cũng không có, hiểu biết về nó
lại càng không… Danh sách những cái thiếu ấy thật dài. Vị thế cô lập
của Việt Nam trên bao lĩnh vực vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ nhìn vào sự
tham dự của các nghệ sĩ, chủ yếu là những người rất trẻ, trong các công
trình quốc tế thì có thể nhầm về hiện trạng thực trong nuớc. Liệu họ,
chỉ bằng cách tự lực, không được một sự trợ giúp nào hết, có theo kịp
sự phát triển của mỹ thuật quốc tế đương đại hay không, thật là một câu
hỏi lớn. Mỗi quan hệ mở ra với môi trường mỹ thuật quốc tế là thêm
một lần tham vọng độc quyền về chính sách văn hoá ở Việt Nam bị đặt
dấu hỏi. Những triển vọng mới liên tục hiện ra. Nghệ thuật cần công
chúng. Công chúng nào và ở đâu, đó không còn là việc của riêng một
mình nhà nước Việt Nam nữa.

Talawas luợc dịch



* Đầu đề của Talawas

Birgit Hussfeld (Đức)

Thạc sĩ ngành nhân học, tốt nghiệp Trung Quốc học và Việt học, làm
việc nhiều năm tại Việt Nam, là tác giả của nhiều bài viết về văn học và
nghệ thuật Việt Nam đương đại và một cuốn sách về tranh áp phích
Việt Nam.
Nguyên bản tiếng Đức " Kunst-Orte-Öffentlichkeit-oder vietnamesische
Kunst auf Reisen " đăng trong Tuyển tập "Gặp Việt Nam " của Nhà văn
hoá thế giới Berlin, 1999.

×