IPM-Quản lý dịch hại tổng hợp đối với cây hồ tiêu
IPM – (Intergrate Pest Managerment ) là quản lý dịch hại tổng hợp hay nói
cách khác là sử dụng các biện pháp tổng hợp để quản lý dịch hại cây trồng,
trên cơ sở sinh thái học sẽ làm tăng năng suất, cải thiện chất lượng nông sản
phẩm, bảo vệ môi trường, và giảm chi phí đầu tư.
Quản lý dịch hại tổng hợp là một hệ thống điều khiển dịch hại bằng cách sử dụng
hài hòa những biện pháp kỹ thuật như biện pháp sinh học, hóa học một cách thích
hợp, trên cơ sở phân tích hệ sinh thái đồng ruộng một cách hợp lý để đạt hiệu quả
kinh tế cao nhất và an toàn nhất. IPM đối với mỗi cây trồng có những đặc thù riêng
3 biện pháp cơ bản trong IPM đối với cây hồ tiêu. (Piper nigrum Linneaus).
1-Biện pháp sinh học:
Con người đã tác động đến môi trường sinh thái bằng cách tạo điều kiện thuận lợi
cho thiên địch (côn trùng có ích) phát triển và thiên địch sẽ tấn công sâu hại. Sự
đấu tranh tự nhiên này làm cân bằng sinh thái trong thiên nhiên. Ví dụ hạn chế
phun thuốc sâu sẽ giữ được tắc kè, chuồn chuồn, bọ ngựa, kiến vàng, bọ rùa, nhện
là những loài chuyên ăn rệp hại trên cây tiêu, nhất là rệp sáp. Không cần phun
thuốc hóa học mà vẫn tiêu diệt rệp sáp, xét về mặt hiệu quả kinh tế lợi hơn nhiều.
Rệp, rệp sáp trên vườn tiêu sẽ bị các thiên địch tiêu diệt nếu chúng ta không xua
đuổi và bắt hay tiêu diệt thiên địch.
2-Biện pháp kỹ thuật
a) Chọn giống tiêu tốt:
Chọn những giống tiêu có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Hiện có rất nhiều
giống tiêu đang trồng tại Việt Nam, tuy nhiên tại vùng này có thể phát triển tốt,
kháng bệnh khá nhưng vùng khác có thể kháng bệnh kém. Do vậy tùy mỗi địa
phương có thể chọn những giống phù hợp nhất để trồng.
Ví dụ: Giống Lada Belangtoeng nguồn gốc từ Indonesia có lá to xanh đậm du nhập
vào Việt Nam từ những năm 50 thế kỷ trước, giống này dễ trồng, cho năng suất
khá cao, leo mau, dây lá rất xanh tốt. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu giống này kháng bệnh
thối rễ khá, nhưng đưa lên trồng tại Tây nguyên do mùa mưa tập trung ẩm quá cao
nên kháng bệnh rễ lại kém.
- Giống Pannijur-1 nguồn gốc Ấn độ, được nhập nội Việt Nam từ 1989, chín sớm,
chín khá đồng đều, năng suất cao, kháng bệnh tốt tại Bà Rịa nhưng tại Bình Phước
giống này kháng bệnh chỉ ở mức trung bình.
b) Nhân giống:
- Chỉ cắt cành ươm từ các vườn không nhiễm sâu bệnh, những vườn có năng suất
cao, chống chịu sâu bệnh khá và có nhiều đặc tính tốt.
- Các cây mẹ để cắt cành ươm phải là những cây tốt nhất, được chọn lọc trong
vườn cây tốt (trong một vườn tốt vẫn có những cây chưa tốt hoặc không đạt yêu
cầu làm giống).
- Độ tuổi cây mẹ: Chỉ nên cắt cành ươm từ những cây mẹ từ 3-4 năm tuổi, nên
dùng các cành thân chính để ươm giống (không dùng cành ác làm hom giống).
- Giâm cành ươm vào bầu Nylon đục 8 lỗ, trước khi dâm hom vào bầu phải xử lý
hom bằng Bordeaux 1%, Aliette 0,2-0,%, hay Rovral 0,2-0,3%. Xử lý nấm bệnh
ngay từ khi ươm bầu. Nếu xử lý và chọn lọc hạn chế nguồn bệnh ngay từ khi nhân
giống sẽ hạn chế một phần dịch bệnh sau này.
Nhân được các giống tốt sạch bệnh là một trong những yếu tố thành công cho quản
lý dịch hại tổng hợp sau này.
c) Thiết kế và chăm sóc vườn cây:
Vườn tiêu tồn tại hàng chục năm, do vậy cần thiết kế khoa học và hợp lý ngay từ
đầu, đảm bảo mật độ vừa phải, tùy theo khả năng đầu tư của mỗi gia đình (không
nhiều phân hữu cơ, vô cơ bón hàng năm nên trồng thưa hơn nhưng vẫn đảm bảo
20kg phân chuồng, 0,5 kg vôi, 0,5kg lân/gốc và NPK theo quy trình kỹ thuật).
-Miền Nam có lượng mưa khá lớn và tập trung vào các tháng cuối mùa mưa, do
vậy độ ẩm không khí và đất rất cao, tiểu khí hậu đồng ruộng khá ẩm ướt nên cần
trồng mật độ thích hợp để không che cớm lẫn nhau, dễ bị nhiễm các bệnh trên thân
lá.
- Nọc sống: Có thể bố trí mật độ khoảng cách 2,5 x 2,5 hoặc 3 x 3 m ( 1.600 –
1.200 gốc/ha).
- Nọc betong: Có thể bố trí khoảng cách mật độ 2,5 x 2,5 m hoặc (1.600 gốc,/ha).
- Cây nọc chết bằng gỗ không được khuyến cáo sử dụng để tránh nạn phá rừng và
nấm bệnh.
- Cây nọc sống – Hạn chế tối đa việc dùng cây Anh đào, Lồng mức, Bình linh dùng
làm cây nọc sống vì những cây này là môi trường tốt để rệp sáp sinh sôi, nó là ký
chủ của rệp sáp hại tiêu. Có thể dùng rất nhiều cây để làm nọc sống tùy mỗi địa
phương như cây keo rừng, cóc rừng… Nên thiết kế hàng cây theo hướng Đông –
Tây để tận dụng nhiều ánh sáng mặt trời nhất.
d) Xen canh:
Vườn trồng tiêu nọc chết được xen canh cà phê, sầu riêng, bơ… và thường trồng
trên bìa lô xung quanh vườn sẽ tạo hàng rào che chắn gió. Nó còn có tác dụng che
bớt ánh sáng bức xạ trực tiếp, tạo môi trường sinh thái hài hòa và tạo thêm thu
nhập.
3-Biện pháp hóa học:
Đây là biện pháp cuối cùng khi phải bảo vệ cây trồng khỏi dịch hại tấn công mà
các biện pháp trên không có hiệu quả và dịch hại phát triển quá ngưỡng kinh tế cho
phép. Tuy nhiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phải ưu tiên thuốc sinh
học không độc hại cho môi trường và nông sản, sau đó mới đến thuốc hóa học.
Thuốc hóa học phải ưu tiên sử dụng loại thuốc ít độc hại cho môi trường, thuốc ít
tồn tại trong nông sản và mau phân hủy. Khi sử dụng thuốc hóa học BVTV phải
tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng lúc, đúng
cách ).
- Đúng thuốc: Chọn loại thuốc phù hợp ghi trên nhãn bao bì, đúng đối tượng dịch
hại.
- Đúng liều lượng nồng độ: Không pha nồng độ cao lãng phí và độc hại, không pha
quá loãng không diệt được sâu bệnh lại phải phun thêm lần sau. Pha thuốc theo
hướng dẫn trên bao bì của thuốc BVTV.
- Đúng lúc: Phun thuốc đúng thời điểm sâu còn non dễ tiêu diệt. Phun thuốc khi
mới nhiễm bệnh sẽ dễ trị bệnh hơn khi đã quá nặng.
- Đúng cách: Loại rệp ẩn mặt dưới của lá thì phải phun mặt dưới, tuyến trùng hại rễ
hồ tiêu thì phải tưới thuốc vào rễ, bệnh đốm lá phải phun thuốc mặt trên của lá…
Riêng đốm lá do nấm Rosellina sp, mặt dưới lá bị bệnh có các vết nâu rải rác và
tập trung ở bìa lá nặng thì toàn lá héo vàng, có thê dùng Carbenzim 500FL hoặc
Topsin M70WP (10cc/bình 8 lít phun đẫm) nên phải phun thuốc vào mặt dưới lá
mới có tác dụng.
- Dùng loại thuốc trong danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT
IPM không phải là một quy trình kỹ thuật cụ thể, mỗi nơi mỗi cây trồng có những
đặc thù riêng nên cần áp dụng phù hợp mới mang lại hiệu quả cao.