Tải bản đầy đủ (.docx) (8 trang)

Một số nguyên nhân làm cho thị trường tiền tệ của Việt Nam chưa phát triển doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (48.97 KB, 8 trang )

Một số nguyên nhân làm cho thị trường tiền tệ của Việt Nam chưa
phát triển
Thứ nhất, sự hoạt động hiệu quả thấp của thị trường vốn. ở các
nước thị trường phát triển thì huy động vốn thông qua việc phát
hành cổ phiếu và các công cụ nợ dài hạn phải đáp ứng trên 60%
nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế. Việt Nam với tốc độ tăng
trưởng GDP liên tục nhiều năm đạt mức trên 7% đòi hỏi một khối
lượng vốn đầu tư rất lớn, trong khi đó huy động thông qua thị
trường chứng khoán hầu như không đáng kể; gánh nặng về vốn đầu
tư đổ dồn lên vai các ngân hàng với tư cách là các trung gian tài
chính, đi vay để cho vay. Nói cách khác, áp lực về vốn tín dụng đầu
tư đối với các ngân hàng thương mại là rất lớn và các ngân hàng
nhận thấy rằng việc đầu tư vào thị trường tín dụng hiệu quả hơn
nhiều so với đầu tư thông qua các công cụ trên thị trường tiền tệ.
Điều này hoàn toàn khác với các nước có nền kinh tế thị trường
phát triển, đó là hầu hết các doanh nghiệp lớn, làm ăn có hiệu quả
đều lựa chọn việc huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu
và các trái phiếu công ty, vì chi phí rẻ và doanh nghiệp chủ động
hơn là vay tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng chỉ có thể tiếp cận
được với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có “thương hiệu” trên
thị trường; tuy nhiên, việc cho vay với các đối tượng khách hàng
loại này là rủi ro rất cao; vì vậy, các ngân hàng phải cân nhắc và họ
thích đầu tư vào thị trường tiền tệ hơn. Sự thiếu quan tâm tới các
“sản phẩm” trên thị trường tiền tệ vì cho rằng không hiệu quả bằng
đầu tư vào thị trường tín dụng của các ngân hàng là một trong
những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự hoạt động trầm lắng của thị
trường tiền tệ trong thời gian qua.
Các ngân hàng thương mại là những trung gian tài chính rất quan
trọng trên thị trường tài chính nói chung và thị trường tiền tệ nói
riêng, bởi vì các ngân hàng thương mại có khả năng tài chính lớn,
phạm vi hoạt động rộng và đưa ra các “sản phẩm dịch vụ ” thoả


mãn được nhu cầu đa dạng của thị trường. Các ngân hàng thương
mại thường đóng vai trò là những người tạo lập thị trường (market
maker), cụ thể là phải thường xuyên yết giá 2 chiều của tất cả các
công cụ của thị trường. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại Việt
Nam chưa làm được điều này. Ngay thị trường vốn ngắn hạn liên
ngân hàng là thị trường hoạt động tích cực nhất hiện nay thì các
ngân hàng tham gia cũng nhằm đáp ứng mục tiêu bảo đảm thanh
khoản là chủ yếu (chưa đặt vấn đề kinh doanh chênh lệch giá trên
thị trường này). Vì vậy, các ngân hàng cũng thường chỉ đặt giá 1
chiều (vay hoặc đi vay) khi có nhu cầu phát sinh. Vai trò tạo lập thị
trường của các ngân hàng thương mại Việt Nam còn rất mờ nhạt.
Thứ hai, sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động của thị trường tiền
tệ. Sự thiếu chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ các công cụ của thị trường
không theo những quy chuẩn của thị trường. Hiện nay, trên thị
trường tiền tệ Việt Nam đã hình thành một số “hàng hoá” nhất
định, có thể tham gia giao dịch như tín phiếu, trái phiếu Kho bạc
Nhà nước; giấy tờ có giá của các ngân hàng thương mại; trái phiếu
của chính quyền địa phương (Tp. Hồ Chí Minh), trái phiếu doanh
nghiệp (Tổng Công ty dầu khí) và tín phiếu của Ngân hàng Nhà
nước. Tuy nhiên, khối lượng các công cụ có thể giao dịch được trên
thị trường không lớn và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Để thị trường thứ cấp giao dịch giấy tờ có giá phát triển đòi hỏi các
thủ tục mua - bán, trao đổi phải hết sức đơn giản, thuận tiện trong
khi đó phần lớn các giấy tờ có giá hiện nay đều là các giấy tờ có giá
ghi danh. Những tín phiếu, trái phiếu vô danh chiếm một tỷ trọng
rất nhỏ vì thế gây ra sự bất tiện khi giao dịch trên thị trường. Mặt
khác, thời hạn của các giấy tờ có giá đơn điệu và phụ thuộc chủ yếu
vào nhu cầu vốn của người phát hành. Tín phiếu kho bạc là một ví
dụ điển hình: Bộ Tài chính trong những năm qua chủ yếu phát hành
loại tín phiếu kho bạc có thời hạn là 364 ngày, vì thế không thể căn

cứ vào lãi suất tín phiếu kho bạc để xác định đường cong lãi suất
chuẩn của thị trường. Sự thiếu tính chuyên nghiệp của thị trường
tiền tệ Việt Nam còn thể hiện ở chỗ thiếu những nhà tạo lập thị
trường, những tổ chức trung gian trên thị trường như các nhà kinh
doanh chuyên nghiệp, các công ty môi giới, những công ty xếp hạng
tín dụng… Người kinh doanh chuyên nghiệp và tạo lập thị trường là
những người được yêu cầu phải yết giá mua và giá bán của tất cả
các công cụ đang giao dịch trên thị trường, nói cách khác, họ phải
mua của những người cần bán và bán cho những người cần mua
trên thị trường và được hưởng chênh lệch giá. Tuy nhiên, ở Việt
Nam, các ngân hàng chưa làm tốt vai trò này, nhiều ngân hàng phát
hành các kỳ phiếu có cam kết sẽ mua lại trước hạn và coi đó như là
sự “ưu việt” của kỳ phiếu của ngân hàng mình còn hầu hết người
chủ sở hữu các giấy tờ có giá có nhu cầu tạm thời về vốn phải đi vay
có thế chấp bằng các kỳ phiếu, trái phiếu, sổ tiết kiệm… mà mình
đang nắm giữ với thủ tục rất phức tạp. Do chủ sở hữu các công cụ
của thị trường khi cần vốn không biết bán ở chỗ nào cho nên đã
phản ứng tiêu cực lại đối với thị trường sơ cấp phát hành ra các
công cụ đó. Vào thời điểm giữa năm 2003, trong khi hầu hết các
ngân hàng đều thực hiện việc tăng lãi suất như là đòn bẩy kinh tế để
mở rộng huy động vốn, tuy nhiên,l vẫn không thu hút được nguồn
vốn trung dài hạn mà lý do là những người đầu tư không dám “mạo
hiểm” đầu tư vào các công cụ có thời hạn dài mà khi cần vốn họ
không thể bán lại được trên thị trường.
Thứ ba, các văn bản pháp lý cho hoạt động của thị trường tiền tệ
chưa đồng bộ. Có thể nói, các nội dung cơ bản của thị trường tiền tệ
đều đã được luật pháp hoá, cụ thể là ở các mức độ khác nhau (Luật,
Pháp lệnh, Nghị định, Quy chế, Thông tư…), chúng ta đã ban hành
các quy định đối với hoạt động của thương phiếu; phát hành tín
phiếu và trái phiếu Chính phủ, phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, trái

phiếu của các tổ chức tín dụng, quy định về quan hệ tín dụng giữa
các tổ chức tín dụng… Tuy nhiên, các quy định này còn nhiều bất
cập và chưa đồng bộ. Mặc dù Pháp lệnh Thương phiếu đã ban hành
từ năm 1999, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có Nghị định và
các văn bản hướng dẫn, tuy nhiên cho đến nay các quy định này vẫn
chưa đi vào cuộc sống. Tín phiếu kho bạc là một công cụ tài chính
rất được ưa chuộng giao dịch trên thị trường tiền tệ; tuy nhiên, hiện
nay việc phát hành tín phiếu kho bạc chủ yếu với mục đích bù đắp
thiếu hụt của Ngân sách Nhà nước mà chưa chú trọng đến vai trò
thúc đẩy thị trường tiền tệ phát triển của nó, cho nên hiện nay, Bộ
Tài chính chỉ phát hành một loại kỳ hạn 364 ngày là chủ yếu (ở
nhiều quốc gia, ví dụ Singapore, mặc dù Ngân sách luôn bội thu
nhưng Trái phiếu Chính phủ vẫn được phát hành với khối lượng
lớn, thời hạn đa dạng để phục vụ cho hoạt động của thị trường tiền
tệ).
Thứ tư, xuất phát điểm thấp của nền kinh tế và công tác thông tin
tuyên truyền cho các sản phẩm của thị trường tiền tệ chưa đáp ứng
được yêu cầu. Xuất phát điểm từ một nền sản xuất nhỏ đi lên chủ
nghĩa xã hội, lại trải qua một thời gian dài trong cơ chế kế hoạch
hoá tập trung, cho nên cơ sở hạ tầng cũng như nhận thức của công
chúng về nền kinh tế thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính - thị
trường tiền tệ còn rất hạn chế. Đơn cử ví dụ, hình thức gửi tiền
truyền thống của dân chúng hiện nay vẫn là gửi tiết kiệm tại các
ngân hàng thương mại và giữ đến khi đáo hạn để hưởng lãi; Đa
phần người dân chưa có thói quen mua các công cụ nợ (như tín
phiếu, trái phiếu) và mua bán lại các công cụ nợ đó trên thị trường.
Vì vậy, muốn thị trường tiền tệ phát triển thì đòi hỏi các đơn vị có
liên quan (đặc biệt là hệ thống ngân hàng) phải tích cực thông tin,
tuyên truyền, quảng cáo về các tiện ích của các giao dịch trên thị
trường tiền tệ. Trong thời gian qua, do các ngân hàng chưa quan

tâm đúng mức đến hoạt động của thị trường tiền tệ; vì vậy, công tác
thông tin, tuyên truyền còn hạn chế; thị trường giao dịch giữa khách
hàng với các ngân hàng không phát triển, dẫn đến thiếu cơ sở vững
chắc cho thị trường giữa các trung gian tài chính.
Những giải pháp phát triển thị trường tiền tệ
Để thúc đẩy thị trường tiền tệ phát triển cần có sự phối hợp chặt chẽ
của các ngành, các cấp đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp
sau đây:
Một là, chuẩn hoá các công cụ giao dịch trên thị trường tiền tệ: Để
thị trường thứ cấp phát triển thì một mặt, phải tạo nên nhiều “hàng
hoá” đồng thời phải chuẩn hoá các công cụ tài chính trên thị
trường. Trong thời kỳ đầu, cần phải tăng cường việc phát hành các
giấy tờ có giá dưới dạng chứng chỉ để công chúng nắm giữ (sau này
khi thị trường đã phát triển thì có thể phát hành thông qua ghi sổ
tại ngân hàng). Các giấy tờ có giá này phải bảo đảm lưu thông một
cách dễ dàng, điều này đồng nghĩa với việc các giấy tờ có giá này
phải không ghi danh và có thể chuyển nhượng, chiết khấu, thanh
toán một cách dễ dàng (như vậy các giấy tờ có giá này sẽ phải được
thiết kế an toàn giống như tiền). Ngoài ra, thời hạn của các giấy tờ
có giá này phải đa dạng để đáp ứng nhu cầu của thị trường (nhất là
tín phiếu kho bạc và các chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng).
Để phát triển thị trường tiền tệ và thị trường tài chính, đề nghị Bộ
Tài chính xem xét phát hành tín phiếu, trái phiếu kho bạc thêm
nhiều loại kỳ hạn, như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng… (Kho
bạc Mỹ thường công bố kế hoạch đấu thầu tín phiếu, trái phiếu kho
bạc hằng năm, với thời hạn từ 4 tuần đến 10 năm).
Hai là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường
tiền tệ: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của thị trường
tiền tệ cần tập trung vào các nội dung sau:
- Rà soát và hoàn thiện các quy định hiện hành về phát hành các

công cụ trên thị trường sơ cấp như phát hành thương phiếu, các
chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại;
- Xây dựng và hoàn thiện các quy định liên quan tới các nghiệp vụ
của thị trường tiền tệ, xây dựng các định chế chuyên nghiệp cho thị
trường như các văn bản hướng dẫn liên quan đến nghiệp vụ chiết
khấu, REPO, nghiệp vụ hoán đổi… để các ngân hàng thương mại
thực hiện; quy trình thành lập các định chế tài chính trung gian trên
thị trường (Broker, Dealer…).
- Khuyến khích các ngân hàng xây dựng các thoả thuận khung (có
thể trong khuôn khổ của Hiệp hội Ngân hàng) để làm cơ sở thực
hiện các giao dịch trên thị trường tiền tệ, như quy định về hợp đồng
mẫu REPO, các thoả thuận về thanh toán bù trừ các giấy tờ có giá
do các ngân hàng phát hành; thoả thuận chia sẻ thông tin và liên kết
mạng …
Ba là, nâng cao vai trò của các ngân hàng thương mại trên thị
trường tiền tệ, như là những người tạo lập thị trường.
Trên cơ sở các công cụ tài chính được quy chuẩn giao dịch trên thị
trường, các ngân hàng thương mại (đặc biệt là các ngân hàng
thương mại Nhà nước, các ngân hàng TMCP quy mô lớn) phải đóng
vai trò là các tổ chức tạo lập thị trường; cụ thể là:
- Phải quan tâm và dành một nguồn vốn nhất định để tham gia trên
thị trường tiền tệ và đưa ra nhiều “sản phẩm” để đáp ứng nhu cầu
về vốn, đầu tư, phòng ngừa rủi ro của thị trường, như chiết khấu
các giấy tờ có giá, các hợp đồng REPO, các hợp đồng SWAPS,
Option…
- Phải niêm yết giá chào 2 chiều (cả cho vay và đi vay) trên thị
trường liên ngân hàng và sẵn sàng thực hiện các giao dịch theo các
mức lãi suất đã niêm yết.
- Phải niêm yết lãi suất chiết khấu; giá mua, giá bán các giấy tờ có
giá công khai tại các hội sở và chi nhánh của ngân hàng và thực hiện

giao dịch theo các mức giá đã được niêm yết đó. Đối với các trái
phiếu do ngân hàng phát hành, phải cam kết sẽ chiết khấu (mua lại)
trước hạn theo mức lãi suất chiết khấu của ngân hàng tại thời điểm
chiết khấu.
- Thực hiện việc liên kết giữa các ngân hàng trong việc sẵn sàng
chiết khấu các giấy tờ có giá do các ngân hàng khác phát hành; hoặc
tổ chức thanh toán bù trừ về nghiệp vụ này.
- Nâng cao vai trò người cho vay cuối cùng của Ngân hàng Nhà
nước, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và nghiệp vụ cho vay qua
đêm đối với các ngân hàng.
Bốn là, hiện đại hoá công nghệ ngân hàng để phục vụ cho các giao
dịch trên thị trường tiền tệ và thu thập xử lý thông tin của thị
trường.
Các giao dịch trên thị trường tiền tệ đòi hỏi phải thực hiện nhanh và
trên phạm vi rộng (toàn cầu) vì vậy đòi hỏi việc chào giá, thoả thuận
và thực hiện giao dịch phải thông qua hệ thống mạng có độ an toàn
cao. Hiện nay, gần 30 ngân hàng thương mại đã thực hiện giao dịch
vốn (gửi tiền/cho vay và nhận tiền gửi/ đi vay) liên ngân hàng thông
qua hệ thống giao dịch của Hãng Reuters.
Tuy nhiên, do thông tin (lãi suất, thời hạn…) trên thị trường liên
ngân hàng rất quan trọng đối với Ngân hàng Trung ương trong việc
điều hành chính sách tiền tệ quốc gia cho nên ở các nước có thị
trường phát triển thì Ngân hàng Trung ương thường xây dựng các
mạng riêng của mình (như Fed Wire của Mỹ; BOK Wire của Hàn
Quốc…) và cho phép các ngân hàng thực hiện các giao dịch vốn
ngắn hạn liên ngân hàng thông qua mạng này. Việc hình thành
mạng này có vai trò tích cực đối với hoạt động của thị trường vì
thông qua việc cho phép các ngân hàng giao dịch qua mạng này,
Ngân hàng Trung ương có thể nắm bắt được đầy đủ các thông tin về
thị trường và thực hiện vai trò kiểm soát thị trường của mình. Đối

với các ngân hàng thì giao dịch qua mạng của Ngân hàng Trung
ương sẽ tiết kiệm được chi phí (nhiều nước Ngân hàng Trung ương
còn miễn phí giao dịch thông qua mạng này) so với thuê của các tổ
chức khác. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để đầu tư
một thiết bị mạng tương tự.
Ngoài ra, cần phải thu thập, phân tích và công bố các chỉ số cơ bản
của thị trường để công chúng và các định chế tài chính tham khảo.
Trong các thông số đó thì lãi suất giao dịch bình quân trên thị
trường liên ngân hàng là một thông số quan trọng để đánh giá sự
biến động của thị trường. Hiện nay, Hãng Reuters đã xây dựng
được trang lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân
hàng ở Việt Nam (VNIBOR) trên cơ sở chào giá hằng ngày của một
số ngân hàng. Tuy nhiên, trong thực tế lãi suất này ít được tham
chiếu vì nó chưa phản ánh chính xác lãi suất của thị trường vì vậy
cần phải tổ chức lại cho phù hợp hơn.
Năm là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo cán bộ
phục vụ cho hoạt động của thị trường tiền tệ.
Các nghiệp vụ của thị trường tiền tệ là các nghiệp vụ rất mới mẻ đối
với công chúng và cả các ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng cần phải
tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, quảng cáo để các
khách hàng biết được những tiện ích mang lại khi họ tham gia các
nghiệp vụ này. Đối với các ngân hàng thì việc đào tạo, bồi dưỡng các
cán bộ có trình độ về chuyên môn, ngoại ngữ để thực hiện kinh
doanh trên thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế là hết sức quan
trọng, đảm bảo hoạt động hiệu quả và thành công của ngân hàng
trên thị trường tiền tệ.
Tạ Quang Khánh

×