Thuốc dùng ngoài da
Thuốc dùng ngoài da là dạng thuốc có thể chất mềm, dùng để bôi lên da hay
niêm mạc để bảo vệ da, chữa bệnh ngoài da hoặc đưa thuốc thấm qua da để
có tác dụng điều trị tại chỗ và/hoặc toàn thân.
Thuốc dùng ngoài da cũng có rất nhiều dạng khác nhau: dạng mỡ, kem,
thuốc băng dán, thuốc lỏng dạng dung dịch, hỗn dịch hay nhũ tương, dạng
thuốc bột (ví dụ bột bỏng) Hiện nay phổ biến nhất là các dạng thuốc mỡ
dùng ngoài da hoặc kem bôi da được đựng trong các tuýp hoặc ống như kem
đánh răng bằng chất dẻo hoặc kim loại dễ bóp.
Không dùng cùng lúc nhiều loại thuốc bôi ngoài da
Các dạng thuốc dùng ngoài da
Thuốc mỡ mềm: thuốc có thể chất mềm gần giống mỡ lợn hoặc vaselin.
Hoạt chất được phân bố trong tá dược là các chất dầu, mỡ hoặc sáp.
Bột nhão (paste): dạng thuốc mỡ trong đó các dược chất rắn không tan ở
dạng bột chiếm tỉ lệ lớn (khoảng 40%).
Sáp: thuốc mỡ có thể chất dẻo do có một tỉ lệ lớn sáp, parafin hoặc alcol béo
cao (ví dụ như cao sao vàng, bạch hổ hoạt lạc cao ).
Kem (cream): dạng thuốc có thể chất mịn màng có chứa một lượng lớn các
tá dược lỏng có cấu trúc nhũ tương.
Gel: dạng thuốc chính chứa một lượng lớn các chất keo thân nước trương nở
và tạo gel khi điều chế.
Khi điều chế các dạng thuốc bôi ngoài da nói trên, nhà sản xuất tùy theo tính
chất dược lý của hoạt chất mà chọn các loại tá dược khác nhau để sao cho
thuốc có tác dụng làm dịu da, bám tốt trên da nhưng dễ rửa sạch khi bôi
xong. Đối với một số thuốc bôi với mục đích không điều trị bên ngoài da mà
muốn cho thuốc tác dụng vào bên trong vùng được bôi thì chất tá dược phải
chọn loại sao cho dược chất thấm sâu vào trong.
Đối với các thuốc dùng với mục đích điều trị ngoài da cần chọn loại thuốc
mỡ hoặc kem bôi có tác dụng bảo vệ da, sát trùng, chống nấm ngoài da.
Những thuốc này đã được nghiên cứu sản xuất bằng các loại tá dược sao cho
thuốc không có khả năng thấm sâu vào bên trong da, đồng thời lại có tác
dụng bịt kín trên da ngăn cản dược chất thẩm thấu vào trong. Bản thân da
lành lặn vốn không phải là cơ quan hấp thu thuốc mà ngược lại nó là hàng
rào của cơ thể chống lại sự xâm nhập ngoại mô vào cơ thể.
Một số thuốc mỡ dùng ngoài da nhưng với mục đích cho dược chất thấm
qua da và đi vào máu gây tác dụng tại chỗ hay toàn thân (ví dụ như các loại
kem giảm đau) lại phải chú ý khi sử dụng nên bôi thuốc ở chỗ nào trên cơ
thể. Nếu là những chỗ da mỏng như nách, bẹn, thái dương dược chất dễ
thấm vào hơn những chỗ da dày.
Một số dạng thuốc mỡ dùng ngoài phổ biến
Các loại cao xoa có mentol và một số loại tinh dầu khác: đây là dạng thuốc
truyền thống rất thông dụng được mọi người dùng nhiều để giải cảm (cạo
gió), chống rét, làm nóng bụng, chữa các chứng đau cơ kinh niên Chú ý
không dùng thuốc này ở trẻ em nhỏ tuổi, nhất là trẻ sơ sinh vì da trẻ mỏng
nên thuốc có thể gây bỏng rát. Một số loại kem bôi có metyl salicylat phối
hợp với các loại tinh dầu có tác dụng giảm đau tận gốc, hiệu quả nhanh được
dùng trong tập luyện thể thao khi bị sang chấn. Thoa kem lên chỗ đau xong
cần xoa bóp kỹ để tăng tác dụng.
Trong các chứng đau khớp cũng thường dùng thuốc này để kháng viêm,
giảm cơn đau rất tốt.
- Các loại thuốc mỡ trị bệnh ngoài da như thuốc DEP trị ghẻ, ASA trị nấm,
BSI trị hắc lào, ketoconazol trị nấm, vảy nến khi bôi lên vùng da bị bệnh
cần làm sạch để tăng tiếp xúc giữa thuốc và da.
- Thuốc mỡ có povidon iodin 10%: đây là thuốc sát trùng có iod dùng để
ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn ở các vết thươngnhỏ, nông hoặc các vết
bỏng, điều trị hỗ trợ một số bệnh ngoài da do vi trùng hoặc nấm. Ngoài ra
còn dùng để sát trùng trước khi phẫu thuật. Khi sử dụng các thuốc sát trùng
ngoài ra có iod nói chung cần thận trọng đối với những vùng da mỏng, nhất
là đối với trẻ em. Tránh tình trạng dùng quá nhiều lần ở một vùng da mỏng
có thể gây kích ứng da hoặc tăng iodin quá mức ảnh hưởng đến chức năng
tuyến giáp.
- Kem bôi hoặc gel có chứa chất kháng viêm corticoid (ví dụ: flucina), chất
kháng sinh (chlorocid), chất nội tiết tố (oestrogel) hoặc chất kháng virút
(zovirax) có thể ở dạng đơn chất hoặc phối hợp nhiều thành phần. Trên thị
trường có rất nhiều biệt dược loại này. Đây là các thuốc dùng ngoài để điều
trị các bệnh ngoài da tại chỗ hoặc có tác dụng toàn thân. Tuy là thuốc dùng
ngoài nhưng nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng cách vẫn có thể bị các
phản ứng có hại của các hoạt chất trong thuốc như là dùng đường uống hoặc
tiêm. Vì vậy, đều phải sử dụng thận trọng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Một số hoạt chất kể trên là loại thuốc chống chỉ định dùng cho trẻ em.
- Hiện nay có một số dạng thuốc dùng ngoài da được bào chế thành miếng
dán ngoài da có tác dụng kéo dài. Một số thuốc là dạng bào chế kỹ thuật cao
mà phần lớn là thuốc nhập ngoại. Đã có các dạng thuốc là hệ điều trị qua da
TTS (transdermal therapeutic systems) ví dụ như TTS chứa nitroglycerin
dùng cho bệnh tim mạch. TTS được dán ở những vùng da mỏng theo kiểu
như băng dính và giải phóng dược chất từ từ trong khoảng 5 - 10 ngày tùy
từng biệt dược. Trên thị trường cũng có dạng thuốc giảm đau miếng dán như
salonpas được mọi người hay sử dụng vì tiện lợi.
Một số lưu ý
Khi sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da cần chú ý một số điểm sau:
Xem xét kỹ hạn sử dụng. Mỗi khi bôi thuốc xong cần đậy nắp kỹ và để tuýp
thuốc bảo quản ở nơi khô, mát.
Để thuốc xa tầm tay của trẻ.
Không bôi thuốc lên các vùng da nhạy cảm nếu không phải do yêu cầu điều
trị để tránh kích ứng da. Tuyệt đối không nên bôi thuốc lên da xong rồi lại
băng kín lại bằng khăn hoặc quấn tã lót quá chặt.
Không trộn thêm vào thuốc các loại thuốc bột khác để tránh các tương kỵ
hoá học làm giảm hoạt tính của thuốc.
Không bôi cùng lúc nhiều loại thuốc mỡ lên vùng da được điều trị. Tuy là
thuốc dùng ngoài nhưng cũng phải thận trọng khi sử dụng và tuân theo
hướng dẫn của thầy thuốc. Đối với dạng thuốc dùng ngoài da, đa số không
có dạng bào chế riêng dành cho trẻ em. Vì vậy, cần thận trọng khi chọn
thuốc sao cho mục tiêu an toàn cho trẻ phải đặt lên hàng đầu. Khi chọn thuốc
dùng ngoài da cho trẻ em cần lưu ý thêm một điều là da của trẻ mỏng và
nhạy cảm hơn da của người lớn, chưa bị sừng hóa nhiều nên dược chất cũng
dễ đi qua hơn. Do đó, phải lựa chọn loại thuốc phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
Đối với những thuốc kích ứng da hoặc dễ gây bỏng rát, tuyệt đối không nên
dùng cho trẻ em. Những thuốc dùng ngoài da có chứa các hoạt chất chống
chỉ định cho trẻ em cũng không được dùng, vì tuy là thuốc dùng ngoài song
vẫn có khả năng gây ra những phản ứng có hại rất nguy hiểm đối với trẻ em.