Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

báo cáo nghiên cứu khoa học 'tín dụng phi chính thức ở nông thôn miền trung qua một cuộc khảo sát – nhận định và giải pháp'

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (330.76 KB, 6 trang )

TÍN DỤNG PHI CHÍNH THỨC Ở NÔNG THÔN
MIỀN TRUNG QUA MỘT CUỘC KHẢO SÁT –
NHẬN ĐỊNH VÀ GIẢI PHÁP
A SURVEY ON THE UNOFFICIAL CREDIT IN THE RURAL AREAS
OF CENTRAL VIETNAM



LÂM CHÍ DŨNG
Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng


TÓM TẮT
Thông qua phân tích kết quả khảo sát tín dụng phi chính thức trên các hộ mẫu ở nông thôn
các tỉnh miền Trung bài viết rút ra các nhận định và đề xuất các giải pháp nhằm đạt đồng thời
2 mục đích:
+ Thay thế các giao dịch phi chính thức bằng các giao dịch chính thức, thu hẹp thị phần của
kênh phi chính thức bằng các giải pháp có tính thị trường.
+ Hạn chế những mặt tiêu cực của thị trường phi chính thức, lành mạnh hoá thị trường này.
ABTRACT
Based on an analysis of the results of the unofficial credit survey in the rural areas of Central
Vietnam, this paper presents some conclusions and solutions to achieve two goals:
- Replacing the unofficial credit with the official credit and curtail the market-share of the
unofficial credit by the solutions of the market mechanism.
- Limiting the negative sides of the unofficial market and improving it.


1. Khái niệm tín dụng phi chính thức được dùng ở đây với nghĩa tương đối, phản
ảnh một thực trạng tài chính rất phức tạp ở nông thôn nước ta hiện nay. Thuật ngữ phi chính
thức thường được dùng để chỉ những quan hệ tín dụng ngầm hoặc nửa công khai (nhiều
trường hợp là công khai) ở đó có một hoặc một số hoặc tất cả các yếu tố vượt ra ngoài khuôn


khổ của thể chế pháp lý hiện hành (mà yếu tố cơ bản nhất là lãi suất). Tuy nhiên, trong thực
tế, nó cũng có thể bao gồm cả những quan hệ tín dụng trực tiếp giữa các cư dân nông thôn mà
yếu tố lãi suất hoàn toàn bình thường, thậm chí thấp hơn so với lãi suất thị trường chính thức.
Những quan hệ này phát sinh trên cơ sở những quan hệ tình cảm (họ tộc, bạn bè ) hoặc nhiều
thứ quan hệ đa dạng khác.
Vì vậy, để cho bao quát nên hiểu tín dụng phi chính thức bao gồm những giao dịch tín
dụng theo kiểu tài chính trực tiếp giữa các chủ thể kinh tế nông thôn với nhau và những giao
dịch tài chính gián tiếp không thông qua những tổ chức tín dụng hoạt động trong khuôn khổ
của Luật Tổ chức tín dụng (tạm gọi là các tổ chức tín dụng chính quy = TCTDCQ).
2. Nhận định
Khảo sát của NH thế giới về đánh giá nghèo đói ở Việt Nam đã tổng kết “Những nông
dân nghèo kém tiếp cận với tín dụng chính quy nhất và có được phần lớn tín dụng từ thị
trường phi chính quy với lãi suất cao hơn nhiều so với khu vực chính quy mà họ tiếp cận
được” [1, tr. 71] (Khái niệm phi chính quy được dùng ở đây tương đương với nghĩa phi chính
thức trong các tài liệu của Việt Nam- Ghi chú của tác giả - LCD).
Báo cáo này được viết vào năm 1995 và tình hình này đã dược cải thiện nhiều. Tuy
nhiên, gần đây trong trả lời phỏng vấn Báo Thanh niên ngày 31/5/2002, Thống đốc NH Nhà
nước, Ông Lê Đức Thuý cũng thừa nhận “Vừa qua, có những hộ nông dân phải đi vay với lãi
suất gấp 4 lần lãi suất cho vay của NH” [2].
Xét riêng ở nông thôn miền Trung, số liệu khảo sát do tác giả bài viết và các cộng tác
viên tiến hành trên các hộ mẫu từ Tỉnh Quảng Bình đến Phú Yên (từ đây sẽ gọi tắt là KSHM)
cho thấy tình hình (Bảng 1).
Bảng 1. Kết quả KSHM về tín dụng phi chính thức ở nông thôn miền Trung
Hình thức
Số lượt hộ
vay
Mức vay trung bình/
hộ (1000đ)
Tổng mức vay
(1000đ)

- Hụi
- Mượn
- Mua chịu
- Vay nóng
- Vay nông sản non
- Vay bình thường
- Vay người thân
11
4
5
13
12
7
2

2572,7
3625,0
1820,0
5630,7
1137,5
2100,0
3000,0
28300

14500

9100

73200


13650

14700

6000

Cộng 55

3080,9 169.450

Nguồn: KSHM

Bảng 1 tổng hợp câu trả lời của 334 hộ, (một số hộ không trả lời câu hỏi này vì nhiều
lý do), rõ ràng là khó có một tổng kết định lượng chính xác nhưng vẫn có thể nêu được những
xu hướng chính. Có 23,1% số hộ điều tra trả lời có vay vốn từ kênh phi chính thức với số vốn
vay bình quân là 3080,9 nghìn đồng/ hộ, mức vay cao nhất 1 hộ là 40 triệu đồng, mức vay
thấp nhất chỉ 150.000 đồng. Hình thức vay mượn rất đa dạng, trong đó chiếm cao nhất về số
lượt giao dịch là vay nóng chiếm 24%, kế đến là vay nông sản non chiếm 22% và chơi hụi cả
dưới dạng tiền và hiện vật (ví dụ hụi lúa) chiếm 20% trong tổng số lượt giao dịch. Về doanh
số cao nhất vẫn là vay nóng chiếm 43% tổng doanh số.
Về lãi suất nhiều người trả lời không thể xác định được, chẳng hạn trong trường
hợp hụi, vay lúa non Có 45% trả lời là không xác định được lãi suất, trong số những người
xác định được thì có đến 49% trả lời lãi suất vay phải trả trên 2%/ tháng, 14% phải trả lãi suất
trên 5%/tháng. Về kỳ hạn vay, 89% lựơt vay ngắn hạn, chỉ 5% vay trung hạn, số còn lại
không xác định được, không có trường hợp nào trả lời vay dài hạn. Trả lời câu hỏi về lý do
vay theo kênh phi chính thức 65% cho rằng họ không vay được ở các kênh chính thức hoặc
họ thấy vay vốn ở kênh phi chính thức dễ dàng hơn, 22% cho rằng vay theo kênh này có lợi
hơn theo tính toán của họ, 6% không có ý kiến.
Tình hình nói trên phản ảnh những vấn đề sau:
(i) Hệ thống tín dụng chính thức chưa thể đáp ứng các nhu cầu giao dịch đa dạng về

thời hạn, về quy mô món vay, về cách thức giải ngân, về các điều kiện ràng buộc
(ii) Việc khống chế lãi suất cho vay trong một thời gian dài đã làm cho các Ngân hàng
thương mại (NH) gạt ra ngoài những giao dịch tín dụng có độ rủi ro cao hoặc những giao dịch
có chi phí giao dịch cao do quy mô nhỏ và những yếu tố khác
(iii) Chi phí giao dịch tín dụng chính thức thực sự ở một số trường hợp nhất định vẫn
cao hơn chi phí danh nghĩa. Chi phí thực nên được hiểu là những hao phí về thời gian,
công sức, tiền bạc cả những hao tổn tâm lý và không loại trừ chi phí ngầm (ví dụ tiêu cực
phí). Chi phí này cao một phần xuất phát từ nguyên nhân thứ 2 nói ở trên. Ở đây, chi phí giao
dịch cao được hiểu là sự bù đắp phi chính thức để cho những giao dịch vốn khó xảy ra - theo
kiểu chính thức - được tiến hành. Điều đáng nói là những chi phí này đều tồn tại dưới dạng
chi phí ngầm vốn rất tai hại cho hoạt động NH. Điều này dẫn đến trong một số trường hợp chi
phí trên một đồng vốn vay thực tế cao hơn lãi suất danh nghĩa. Đây là nguyên nhân dẫn đến
22% trả lời lý do vay phi chính thức là vì tính toán có lợi hơn như đã đề cập ở trên.
3. Giải pháp
Như vậy, tín dụng phi chính thức ở nông thôn miền Trung chiếm một tỷ trọng đáng
kể. Mặt khác, những yếu tố không lành mạnh vẫn còn tồn tại ở mức cao, nhất là lãi suất cao
hơn rất nhiều so với lãi suất cho vay của NH thương mại cùng thời điểm.
Xét về phương diện thực tiễn vẫn cần phải thừa nhận những yếu tố tích cực nhất định
của thị trường tín dụng phi chính thức. Nó bù đắp cho các thiếu hụt vốn của các kênh chính
thức cũng như đáp ứng những nhu cầu giao dịch tín dụng đa dạng về quy mô, về thời hạn, về
điều kiện ràng buộc, về mức độ rủi ro mà trong khuôn khổ của những thể chế hiện hành, các
TCTDCQ chưa thể đáp ứng đầy đủ. Sự tồn tại của thị trường này phản ảnh những nhu cầu về
dịch vụ tài chính chưa được đáp ứng từ kênh chính thức và vì vậy nó mang lại lợi ích cho thị
trường. Chừng nào mà những giao dịch này vẫn còn tồn tại thì không nên đặt vấn đề ngăn
cấm bằng các biện pháp có tính hành chính mà chỉ nên đặt vấn đề hạn chế các mặt tiêu cực,
không lành mạnh của các quan hệ loại này.
Do đó, cần có những giải pháp nhằm đạt đồng thời 2 mục tiêu cơ bản có liên quan với
nhau:
+ Thay thế các giao dịch phi chính thức bằng các giao dịch chính thức, nói cách khác
các kênh tín dụng chính thức phải chiếm lĩnh những phân khúc thị trường còn bỏ ngỏ, thu hẹp

thị phần của kênh phi chính thức bằng các giải pháp có tính thị trường.
+ Bằng các giải pháp tổng hợp hạn chế những mặt tiêu cực của thị trường phi chính
thức, lành mạnh hoá thị trường này.
Đây là những mục tiêu dài hạn đòi hỏi phải phấn đấu kiên trì và nỗ lực đồng bộ của
nhiều chủ thể trong và ngoài hệ thống tài chính. Tuy nhiên, về cơ bản các giải pháp cần và có
thể thực hiện ngay là:
(i) Cải thiện năng lực tiếp cận vốn từ các cơ quan tài trợ chính thức của các nhóm hộ
có trình độ học vấn thấp và nhóm hộ trung bình và nghèo trong cộng đồng cư dân nông thôn.
Bảng 2 phản ảnh tương quan giữa trình độ học vấn của chủ hộ và mức vốn vay bình
quân của từng nhóm hộ phân theo mức học vấn.

Bảng 2: Tỷ lệ hộ có vay vốn từ thị trường phi chính thức phân theo trình độ học vấn
và khả năng thu nhập (% trên tổng số hộ điều tra của từng nhóm)

Nhóm hộ Tỷ lệ (%)
1. Phân theo trình độ học vấn
a. Nhóm hộ có trình độ từ tốt nghiệp cấp 1 trở xuống
b. Nhóm hộ có trình độ cấp 2
c. Nhóm hộ có trình độ cấp 3
d. Nhóm hộ có trình độ trên phổ thông

61
25
20
0
2. Phân theo thu nhập
a. Hộ giàu
b. Hộ khá
c. Hộ trung bình
d. Hộ nghèo


23
23
50
44
Nguồn: KSHM
Số liệu cho thấy các nhóm hộ có trình độ học vấn càng thấp có số vốn vay trên thị
trường chính thức càng ít, ngược lại họ càng có xu hướng tìm kiếm tài trợ từ thị trường phi
chính thức. Tương tự, các hộ càng có thu nhập thấp càng có xu hướng tiếp cận vốn từ thị
trường phi chính thức hơn là những hộ có thu nhập cao hơn. Có đến 61% hộ trong nhóm có
trình độ học vấn thấp nhất vay vốn từ thị trường phi chính thức, trong khi đó đối với nhóm
trình độ cấp 3 chỉ có 20% và trên phổ thông là 0%. Trong tương quan với thu nhập, giữa hộ
giàu với hộ khá chênh lệch về tỷ lệ vay vốn trên thị trường phi chính thức không đáng kể,
thậm chí nếu tính mức vay bình quân/ hộ trên thị trường này, nhóm hộ giàu còn có xu hướng
cao hơn.
Phân tích cụ thể cho thấy nhóm hộ giàu thường tìm kiếm những nguồn tài trợ ngắn
hạn gọi là vay nóng với quy mô tương đối lớn nhằm tài trợ cho những nhu cầu vốn kinh
doanh có tính đột xuất. Khi được hỏi lý do phải vay nóng trên thị trưòng phi chính thức, câu
trả lời chung là họ không thể vay được khoản vốn như thế từ NH. Điều này, thực ra cũng dễ
lý giải vì với phương thức cho vay hiện nay của các chi nhánh NH hoạt động trên địa bàn
nông thôn khó có thể đáp ứng ngay tức thì một nguồn vốn lớn. Đáng chú ý là nhóm hộ trung
bình và nghèo tỷ lệ hộ vay theo kênh phi chính thức chiếm từ 44% đến 50%, trong đó nhóm
hộ trung bình có tỷ lệ cao hơn 6% so với hộ nghèo. Có thể là vì các hộ nghèo đã được nhận
một phần tài trợ từ NH người nghèo. Ngoài ra, mức vốn vay trung bình của nhóm hộ này rất
nhỏ, lãi suất lại rất cao.
Các giải pháp có thể thực hiện nhằm cải thiện năng lực tiếp cận vốn từ kênh chính
thức của các nhóm không có ưu thế nói trên bao gồm các giải pháp định hướng đối tượng như
sau:
- Ưu tiên xúc tiến chương trình nâng cao trình độ học vấn cho các đối tượng văn hoá
thấp (cấp 1) và chương trình tập huấn các hiểu biết cũng như kỹ năng vay vốn từ các cơ quan

tài trợ chính thức cho đối tượng trên cũng như nhóm hộ trung bình và nghèo.
- Thực hiện các chương trình tài trợ chính thức có sự chủ động định hướng đối tượng
nhằm tăng cơ hội tiếp cận của các đối tượng trên. Chương trình cho vay người nghèo là một
ví dụ về chương trình tài trợ có định hướng đối tượng.
(ii) Từng bước đa dạng hoá các dịch vụ tín dụng của các chi nhánh NH hoạt động trên
địa bàn nông thôn sao cho có thể đáp ứng những nhu cầu đa dạng về thời hạn vay, về quy mô
món vay, về cách thức giải ngân, về các điều kiện ràng buộc
Trước mắt, cần đẩy mạnh hoạt động của các NH lưu động, của các tổ cho vay phụ
trách từng địa bàn. Giải pháp thiết thực cần tính đến là sử dụng các đại lý với phương thức
khoán gọn về chi phí để họ có thể bán lẻ cho các nhu cầu tín dụng có quy mô nhỏ và đa dạng
về thời gian với điều kiện không chế lãi suất trần. NH cung cấp vốn cùng với các hướng dẫn
và hạn chế cần thiết, kiểm soát thường xuyên, các đại lý được chủ động về quyết định cho vay
trong khuôn khổ của những hạn chế đã thoả thuận và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn
vốn. Lãi suất có thể chấp nhận cao hơn lãi suất tối đa của NH cùng thời điểm nhưng phải dưới
mức khống chế. Các khoản vốn giao cho các đại lý có thể phải áp dụng biện pháp bảo đảm tài
sản hoặc không tuỳ thuộc vào các quan hệ cụ thể áp dụng theo cơ chế cho vay mới.
Về phương thức cho vay, cần vận dụng phương thức cho vay theo hạn mức. Phương
thức này cho phép người vay có thể nhanh chóng có được khoản vay có thời hạn vay từ ngắn
đến rất ngắn trong thời gian sớm nhất và với thủ tục nhanh gọn nhất do đó tránh tình trạng
phải vay nóng trên thị trường tín dụng phi chính thức.
(iii) Tận dụng chính sách chuyển từ khống chế sang phi khống chế lãi suất của NH nhà
nước và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho NH theo thoả thuận với khách hàng [3]
vừa được ban hành nhằm mở rộng phạm vi giao dịch chính thức
Đây sẽ là một nhân tố góp phần đẩy lùi những tiêu cực của tín dụng phi chính thức.
Trong thực tế đa số các NH đều cho đây là cơ hội tốt để phát triển tín dụng nông thôn. Đã có
cơ sở để dự báo 2 hệ quả tích cực:
Thứ nhất, các NH có thể đáp ứng những giao dịch có chi phí cao, có độ bất định cao
hơn bình thường bằng cách xác định mức lãi suất cao hơn mức trung bình nhưng thấp hơn lãi
suất trên thị trường phi chính thức. Sở dĩ, các tổ chức tín dụng có thể xác định mức lãi suất
thấp hơn thị trường phi chính thức là vì:

+ Lợi thế quy mô lớn và tính chuyên nghiệp cho phép giảm tối thiểu chi phí
+ Khả năng chịu đựng rủi ro cao hơn nhờ vào lợi thế quy mô lớn nói ở trên và năng
lực phân tán rủi ro nhờ đa dạng hoá đầu tư trên nhiều lĩnh vực và trên một danh mục khách
hàng vô cùng đông đảo.
+ Khả năng cung cấp kết hợp với các dịch vụ khác cũng sẽ là một lợi thế vô cùng quan
trọng xét về phương diện chi phí cũng như phương diện thu hút khách hàng bằng cách tạo
thuận lợi hơn cho khách hàng khi giao dịch.
Thứ hai, như nhận định của nhiều NH đây là cơ hội tốt để mở rộng cho vay vùng sâu,
vùng xa, cho vay nhỏ lẻ, cho vay tiêu dùng Nói chung, chen chân vào các thị trường bán lẻ
tín dụng món nhỏ đến rất nhỏ ở nông thôn vốn rất đa dạng về nhu cầu và bù đắp chi phí đa
dạng hoá bằng lãi suất cao hợp lý.
Điếu cần thiết là các chi nhánh NH trong khu vực phải có quyết tâm cao để tận dụng
cơ hội này và triển khai các chương trình hành động từng bước khắc phục những nhược điểm
trong cách thức cung cấp dịch vụ và trong quan điểm về thị trường (đã hình thành khá lâu dài
và không dễ thay đổi trong một sớm một chiều).
(iv) Hạn chế đến mức tối thiểu khoảng cách giữa chi phí thực và chi phí danh nghĩa
mà người vay phải trả cho các NH và các cơ quan tài trợ khác.
Trong tiểu mục 2, (iii), bài viết đã phân tích về các khái niệm này và nhận định chi phí
thực cao là một nguyên nhân dẫn đến việc người vay lựa chọn tín dụng phi chính thức như là
một giải pháp có lợi hơn theo họ. Những phân tích đó dẫn tới các ý tưởng có tính giải pháp
sau:
+ Cải tiến quy trình, thủ tục, chủ động đưa hoạt động NH về các địa bàn cư trú, cải
tiến cung cách phục vụ nhằm tối thiểu hoá chi phí thời gian, công sức và tạo sự thuận tiện,
cảm giác thoải mái, thân mật, tự nhiên nói chung là môi trường tâm lý của giao dịch phải
được cải thiện sao cho có thể giảm đáng kể chi phí giao dịch. Những cư dân nông thôn ở
những vùng mà các quan hệ thị trường, có tính thương mại chưa thâm nhập sâu vốn không có
kỹ năng giao tiếp, thương lượng (mà chỉ quen với những quan hệ thân tình) việc tạo ra một
môi trường tâm lý giao tiếp thích hợp là vô cùng quan trọng (không như nhiều người vẫn nghĩ
là chuyện nhỏ, là tiểu tiết). Khảo sát cụ thể cho thấy trong khá nhiều trường hợp, chính xu
hướng tìm kiếm cảm giác thoải mái, tự tin trong giao dịch đã đẩy những người vay ở nông

thôn tìm đến thị trường phi chính thức mặc dù họ phải mua cảm giác đó bằng lãi suất cao hơn.
+ Các tháo gỡ về cơ chế cho vay như cơ chế lãi suất thoả thuận, về bảo đảm tiền vay
sẽ tạo khả năng mở rộng biên độ giao dịch chính thức. Nếu đi cùng với cơ hội này là sự tích
cực tuyên truyền rộng rãi, thông tin đầy đủ đến những người vay và sự giám sát chặt chẽ, cơ
chế thưởng phạt vật chất và những chế tài nghiêm minh của các cơ quan chủ quản đối với
những trường hợp tiêu cực trong cơ quan tài trợ sẽ làm chi phí cơ hội của các khoản tiêu cực
phí đối với người nhận trở nên lớn và lợi ích đạt được của họ trở nên nhỏ khi mà lãi suất danh
nghĩa đã được xác định đúng thực chất. Điều này sẽ là cơ chế kìm hãm động lực tiêu cực
trong các cơ quan tài trợ. Ngoài ra, có cơ sở để tin rằng sau những tháo gỡ về cơ chế cho vay,
quy mô tín dụng sẽ tăng lên, lãi suất được xác định đúng với quy luật thị trường tất yếu thu
nhập của các nhân viên NH hoạt động ở nông thôn cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Đây cũng
là một nhân tố quan trọng hạn chế tiêu cực. Ngoài ra, các biện pháp quản lý cán bộ, giáo dục
tư tưởng, chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho nhân viên cũng không được coi nhẹ.
(v) Hoàn thiện khung pháp lý về tín dụng phi chính thức
Đã đến lúc cần có khung pháp lý về các giao dịch tín dụng phi chính thức. Như đã nói
ở trên, cả về phương diện thực tiễn lẫn lý thuyết, sự tồn tại các giao dịch này là cần thiết
khách quan. Sự cần thiết khách quan xuất phát từ chính lợi ích của thị trường. Vì vậy, không
nên và cũng không thể ngăn cấm các giao dịch này. Tự thân thị trường sẽ có những con
đường riêng để thực hiện giao dịch bất chấp những ngăn cản dù những ngăn cản này sẽ có chi
phí rất cao. Điều cần làm nhất là hạn chế những mặt tiêu cực của thị trường này.
Vì vậy, về pháp lý cần có những văn bản chính thức thừa nhận các giao dịch tín dụng
phi chính thức đồng thời quy định rất rõ ràng các hạn chế, chẳng hạn: về lãi suất cho vay tối
đa, các hình thức giao dịch được phép, về các đảm bảo pháp lý, về cách thức xử lý các tình
huống trong giao dịch. Tuy nhiên, cần tránh những quy định duy ý chí, phi thực tế dẫn đến
không khả thi. Những quy định pháp lý không khả thi sẽ làm cho thị trường này trở thành thị
trường ngầm, chi phí giao dịch sẽ cao lên và mức độ không lành mạnh có thể lớn hơn tình
trạng hiện nay. Ngoài ra, cần đơn giản hoá khung pháp lý mà điều quan trọng nhất là chỉ nên
quy định những hạn chế tối cần thiết. Những vấn đề khác để thị trường tự điều tiết. Một
khung pháp lý ôm đồm quá nhiều rút cục cũng không thể nào vào được thực tiễn nông thôn
hiện nay.

Cuối cùng từ tất cả những điều nói ở trên có lẽ nên sử dụng thuật ngữ tín dụng phi
chính quy thay cho thuật ngữ phi chính thức vẫn thường hay dùng. Điều chỉnh này là cần thiết
vì nó phản ảnh đúng thực chất hơn.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Ngân hàng thế giới, Việt Nam - Đánh giá sự nghèo đói và chiến lược, Vụ Khu vực 1,
1995.
[2] Mạnh Quân, “Cởi trói để các tổ chức tín dụng mạnh dạn vay vốn”, Báo Thanh niên số
ra ngày 31/5/2002.
[3] Ngân hàng Nhà nước, QĐ 546/2002/QĐ - NHNN ngày 30/5/2002.

×