Loạn nhịp tim và điều trị
(Dysrhythmias and therapy)
(Kỳ 4)
PGS.TS. Ng.Phú Kháng (Bệnh học nội khoa HVQY)
2.1.7. Rung nhĩ (atrial fibrillation):
+ Rung nhĩ là tình trạng từng bó sợi cơ nhĩ co bóp không đồng thời, do
những xung động kích thích bệnh lý khác nhau về hướng, thời gian và biên độ
+ Nguyên nhân: nhiễm khuẩn cấp tính, nhồi máu cơ tim cấp tính, nghẽn
động mạch phổi, ngộ độc rượu, hẹp lỗ van 2 lá, Basedow, soi dạ dày, soi phế
quản, thông tim, vô căn
+ Biểu hiện lâm sàng: giống như cuồng động nhĩ, nhịp không đều, tần số
nhịp tim cao hơn nhịp mạch.
. Mất sóng P mà thay bằng sóng f; sóng f thay đổi liên tục về biên độ,
tần số
. Phức bộ QRS cũng thay đổi: thời gian khoảng RR không đều, biên độ
các sóng R cũng không đều, thường độ rộng phức bộ QRS < 0,12 giây, nhưng
cũng có khi > 0,12 giây nếu là ngoại tâm thu thất, hội chứng WPW.
+ Điều trị:
- Cơn rung nhĩ cấp tính:
. Điều trị bệnh gây ra cơn rung nhĩ cấp tính: bệnh viêm phổi, nhồi máu
cơ tim cấp, nghẽn mạch phổi, sốc
. Dùng thuốc: digitalis, verapamil, cordaron, blốc thụ cảm thể bê ta,
disopyramide, ajmaline, propafenone, hoặc flecainide.
. Đảo nhịp bằng phương pháp sốc điện, khi về nhịp xoang thì dùng một trong
số thuốc trên để duy trì nhịp xoang, chỉ ngừng thuốc khi tái phát rung nhĩ.
. Điều trị thuốc chống đông máu để dự phòng tắc mạch: thuốc kháng
vitamin K (warfarin, sintrom uống kéo dài, theo dõi những tai biến chảy máu do
thuốc gây ra).
2.1.8. Hội chứng yếu nút xoang (sick sinus syndrome: SSS):
+ Hội chứng yếu nút xoang là tình trạng mệt mỏi, choáng váng do rối
loạn nhịp mạn tính, kết hợp giữa rối loạn nhịp trên thất (từng cơn hay kéo dài)
với blốc xoang nhĩ hoặc ngừng xoang.
+ Nguyên nhân: hay gặp ở bệnh nhân đau thắt ngực, nhồi máu cũ cơ tim,
tăng huyết áp, bệnh cơ tim, bệnh van tim do thấp, ở lứa tuổi từ 50-70.
+ Biểu hiện lâm sàng: khi nhịp tim chậm thì bệnh nhân cảm thấy mệt
nhọc, choáng váng; khi nhịp tim nhanh lại thấy hồi hộp đánh trống ngực. Hai biểu
hiện trên luân phiên nhau ở những bệnh nhân có hội chứng nhịp tim chậm-nhanh, nếu
kéo dài sẽ dẫn đến suy tim ứ trệ mạn tính hoặc nghẽn động mạch não.
+ Biểu hiện trên điện tim đồ: hội chứng yếu nút xoang được biểu hiện điển
hình bởi hội chứng nhịp chậm-nhanh (tachycardia-bradycardia syndrome).
- Nhịp chậm trên thất có thể là: nhịp chậm xoang; ngoại tâm thu nút, blốc
xoang nhĩ, blốc nhĩ-thất
độ 2; ngoại tâm thu nhĩ, sau ngoại tâm thu nhĩ có một thời gian vô tâm thu,
hoặc rung nhĩ, hoặc cuồng động nhĩ với nhịp thất chậm.
- Cơn nhịp nhanh thường gặp là rung nhĩ hoặc cuồng động nhĩ với đáp
ứng nhịp thất nhanh, hoặc nhịp nút nhanh, hoặc nhịp nhanh nhĩ.
+ Điều trị: phải cấy máy tạo nhịp, tùy theo loại rối loạn nhịp mà lựa
chọn loại: DDI, DDD, AAI-R, DDI-R
2.2. Rối loạn nhịp thất của tim:
2.2.1. Loạn nhịp ngoại tâm thu thất (ventricular extrasystoles):
+ Loạn nhịp ngoại tâm thu thất là có một hay nhiều ổ phát nhịp nằm ở thất
kích thích tim đập.
+ Nguyên nhân: do rượu, cà phê, thuốc lá, nhiễm trùng, nhiễm độc, mất
ngủ; nguyên nhân hay gặp và có ý nghĩa tiên lượng nặng là: nhồi máu cơ tim
cấp, bệnh cơ tim tiên phát, viêm cơ tim, nhiễm độc digitalis, sa van 2 lá
+ Lâm sàng: nhịp tim không đều, tức ngực, khó thở, cảm giác hẫng hụt
rõ cả khi bắt mạch và nghe tim; có thể bị ngất hoặc đột tử
+ Điện tim đồ: nhịp ngoại tâm thu thất, không có sóng P đi trước phức bộ
Q’R’S’, Q’R’S’ giãn rộng > 0,12 giây, S’T’ chênh trái chiều so với R’, nhịp
ngoại tâm thu thất thường đến sớm và có nghỉ bù so với nhịp xoang (RR’R= 2RR).
Trên 80% các trường hợp ngoại tâm thu thất là ngoại tâm thu ở thất phải, gần
20% ngoại tâm thu thất nằm ở thất trái.
Lown đã chia ngoại tâm thu thất thành 5 độ:
Độ 0 : không có ngoại tâm thu thất.
Độ I : có < 30 nhịp ngoại tâm thu thất/1 giờ.
Độ II : có > 30 nhịp ngoại tâm thu thất/1 giờ.
Độ III : ngoại tâm thu thất nhiều dạng, nhiều ổ.
Độ IVa : có 2 nhịp ngoại tâm thu thất đi liền nhau.
Độ IVb : có 3 nhịp ngoại tâm thu thất đi liền nhau.
Độ V : nhịp ngoại tâm thu thất rơi vào sóng T của nhịp ngay liền trước
nó (R on T
phenoment).
Người ta còn phân chia ngoại tâm thu thất: một ổ, một dạng, đa ổ, đa
dạng, nhịp đôi, nhịp ba, hàng loạt.
+ Điều trị:
- Loại trừ các yếu tố nguy cơ và điều trị những nguyên nhân gây ra loạn
nhịp ngoại tâm thu thất.
- Nghỉ ngơi, cho liều lượng thấp diazepam (seduxen, valium) hoặc
chlordiazepoxit (librium)
5-10 mg, uống ~ 3-5 tối, nếu không có tác dụng thì phải lựa chọn một
trong các thuốc chống loạn nhịp sau đây:
. Disopyramide (rythmodan, norpace) 100-200 mg ~ 1-4v/ngày chia 2 lần;
dùng 10-15 ngày.
. Thuốc chẹn thụ cảm thể β: propranolol (inderal) 20-40 mg/ngày ~ 10-
15 ngày (ngừng thuốc khi nhịp tim chậm và hạ huyết áp).
. Procainamide (pronestyl) 250 mg ~ 2- 4v/ngày; hoặc 2- 4 ống, tiêm
bắp thịt, đợt 10-15 ngày. Hạ liều và ngừng thuốc khi thấy mệt mỏi, nhược cơ
hoặc có hội chứng giả luput ban đỏ.
. Cordaron 0,20 ~ 1-3 v/ngày, đợt dùng 10-15 ngày.
- Những trường hợp nặng, có ngất lịm, nhanh thất do hiện tượng “R on T
phenoment” thì phải dùng mexiletin (mexitil) hoặc lidocain 100-200mg, tiêm
bắp thịt hoặc 1/2 liều tiêm trực tiếp tĩnh mạch (thử nghiệm trong da âm tính) và
1/2 liều pha vào 50-100ml huyết thanh natri clorua 0,9% (nếu không có suy tim)
hoặc dung dịch glucose 5% (nếu có suy tim) để truyền tĩnh mạch 20-30
giọt/phút, dưới sự kiểm tra theo dõi điện tim đồ trên monitoring.
- Nếu nhồi máu cơ tim, ngoài lidocain như trên phải cho rythmodan
0,10 x 2-4v/ngày, chia uống sáng và chiều cho đến khi hết ngoại tâm thu thất.
- Nếu ngoại tâm thu thất do ngộ độc digitalis thì phải dừng ngay thuốc
digitalis và cho thuốc:
Lidocain cách dùng như trên. Sodanton 0,10 ~ 1-2v/ngày.
Panangin hoặc kaliclorua 0,60 ~ 2-4v/ngày.
Những thuốc này dùng cho đến khi hết loạn nhịp ngoại tâm thu thất.
- Trong trường hợp ngoại tâm thu thất mức độ nặng, dai dẳng, kéo dài,
không có tác dụng khi dùng thuốc thì phải tiến hành biện pháp đốt ổ phát nhịp
gây ngoại tâm thu thất bằng năng lượng tần số radio qua ống thông.
- Một số trường hợp châm cứu các huyệt: hợp cốc, nội quan (tay trái) hoặc
uống nước sắc “thủy xương bồ” 10-20 g/ngày cũng có kết quả điều trị.