Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Internet – bài toán nan giải của Đông Nam Á

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (101.95 KB, 4 trang )

The Diplomat
Internet – bài toán nan giải của Đông Nam Á
Tác giả: Mong Palatino
Người dịch: Đan Thanh
25-9-2012
Camera giám sát ở các quán café Internet, các
webmaster phải tuân theo quy định giải trình rất gắt gao, và bóng ma tự kiểm duyệt
ám ảnh, tất cả đã đặt ra rất nhiều câu hỏi về tương lai của tự do Internet.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã không chỉ tạo ra một cuộc cách
mạng trong cách thức con người tương tác với nhau, mà còn buộc nhiều chính quyền phải
vận hành trong một khung cảnh chính trị có rất nhiều thay đổi lớn.
Trong một số trường hợp, chính quyền có thể góp phần giải phóng toàn bộ tiềm năng của
một không gian Internet tự do và cởi mở; chẳng hạn, bằng việc bảo đảm rằng ai cũng có


thể vào được Internet. Mặt khác, chính quyền lại cũng có thể tìm cách để ngăn chặn đường
vào đó.
Khả năng thứ hai có lẽ đang xảy ra ở Đông Nam Á, nơi mà, núp dưới cái vỏ truy quét tội
phạm mạng, các chính quyền ban hành vô số luật phá hoại tự do Internet và tự do dân sự
của người dân.
Chẳng hạn, chính quyền Campuchia đang thực thi một dự thảo luật được đưa ra hồi đầu
năm nay, theo đó, các quán café Intenet phải lắp đặt hệ thống camera giám sát và phải đăng
ký người sử dụng. Luật này được cho là một biện pháp ngăn ngừa tội phạm, nhưng những
người phản đối cho rằng nó xâm phạm quyền riêng tư. Nó còn có thể dễ dàng được sử
dụng để quấy nhiễu những người chỉ trích chính phủ trên không gian mạng. Nỗi lo sợ đó
của họ có lẽ không hoàn toàn vô căn cứ, khi mà cách đây một năm, chính phủ đã chỉ thị
cho các nhà cung cấp dịch vụ (ISP) sở tại chặn một số website đối lập.

Trong khi đó, ở Singapore, Bộ Quy tắc Ứng xử dự kiến dành cho các blogger – vốn dĩ
không nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng Internet sở tại – cuối cùng đã bị chính
quyền bác bỏ theo đề nghị của một Hội đồng Tri thức Truyền thông. Thành lập hồi tháng 8
vừa qua, hội đồng này có nhiệm vụ nâng cao nhận thức của cộng đồng về truyền thông và
ứng xử trên mạng. Tuy thế, những người chỉ trích đã đặt nghi vấn về sự thiếu minh bạch
trong việc chỉ định các thành viên của hội đồng – cơ quan bị một số người xem như là một
công cụ kiểm duyệt Internet kiểu khác. Họ lo ngại rằng hội đồng có thể khuếch trương một
cách diễn giải hạn hẹp và méo mó khái niệm “tri thức truyền thông”, từ đó ngăn cản quyền
tự do thể hiện quan điểm và cảm xúc của các công dân mạng.
Gần đây, Philippines ban hành Luật Chống Tội phạm mạng, nhằm ngăn không gian mạng
biến chất thành “một xứ sở không luật pháp”. Nhưng các nhà báo – những người phản đối
việc đưa điều khoản về tội bôi nhọ (libel – bôi nhọ, phỉ báng) vào trong luật, vào phút cuối

cùng – thì cho rằng luật này là một mối đe dọa đối với tự do báo chí. Thay vì hợp pháp hóa
hành động tố cáo, vốn là yêu cầu của nhiều nhóm truyền thông trong nhiều năm qua, thì
chính quyền lại ban hành một đạo luật tăng số năm phạt tù cho tội phỉ báng. Hơn thế nữa,
các luật sư cũng trích dẫn một điều khoản từ luật này, theo đó Bộ Tư pháp có quyền đóng
tất cả các hệ thống dữ liệu máy tính vi phạm luật. Cũng vậy, Bộ Tư pháp có quyền kiểm
duyệt ngay lập tức mọi nội dung có hại hoặc bị cấm, ngay cả khi không có đủ bằng chứng
thuyết phục để trình chính quyền.
Cũng như Philippines, Malaysia vừa đưa vào luật một số sửa đổi có tác dụng thu hẹp tự do
Internet. Theo khoản 114A trong Luật Bằng chứng năm 1950 sửa đổi, các cơ quan hành
pháp có quyền xác định người phải giải trình vì đã tải lên (upload) hoặc đã xuất bản nội
dung trên Internet. Đó là những người sở hữu, quản trị và biên tập nội dung website, blog,
diễn đàn mạng. Luật sửa đổi cũng điều chỉnh cả những cá nhân cung cấp dịch vụ lưu trữ

web (webhosting) hoặc cung cấp dịch vụ truy cập Internet. Điều này có nghĩa là, blogger
hoặc người quản trị (mod) của diễn đàn nào mà để cho các bình luận (comment) mang tính
kích động xuất hiện trên trang của mình thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo luật đó. Một chủ
quán café Internet sẽ phải chịu trách nhiệm nếu khách hàng của ông ta đưa nội dung bất
hợp pháp lên mạng thông qua hệ thống wifi của quán. Chủ sở hữu điện thoại di động hoàn
toàn là đối tượng tình nghi nếu các nội dung bôi nhọ được phát hiện là bắt nguồn từ thiết bị
di động của anh ta. Những người cổ súy cho tự do truyền thông đã cảnh báo rằng, luật sửa
đổi này có thể buộc các cây viết trên mạng phải tự kiểm duyệt còn các quản trị mạng (mod)
thì phải cấm mọi bình luận có tính phê phán, để tránh bị truy tố hoặc bị kiện tụng lằng
nhằng.
Có lẽ cả Philippines và Malaysia đều lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Thái Lan. Thái Lan
đã bị tai tiếng vì sử dụng luật pháp rất nghiêm khắc để trừng trị những người chỉ trích

chính phủ. Điều 112 bộ luật hình sự Thái Lan thường được đánh giá là luật lèse majesté
khắc nghiệt nhất thế giới (lèse majesté, tiếng Pháp, nghĩa là chống xúc phạm hoàng gia –
ND). Đạo luật gây tranh cãi này thường được viện dẫn để kiểm duyệt nội dung web và
đóng cửa website. Ngoài các webmaster ra thì ngay cả dân thường cũng có thể bị tống
giam nếu bị buộc tội là đã gửi các tin nhắn xúc phạm hoàng gia. Giới học giả và các nhà
hoạt động đã và đang đòi thay đổi đạo luật không còn hợp thời này, song chính quyền đã
giải tán phong trào kiến nghị.
Ở một nơi khác, Việt Nam đang tự nổi bật lên như là quốc gia đứng đầu trong khu vực về
số lượng nhà báo bị bỏ tù (trên thế giới, chỉ có Iran và Trung Quốc có số nhà báo bị tù
nhiều hơn, theo báo cáo của tổ chức Phóng viên Không Biên giới). Thậm chí đến Thủ
tướng cũng công khai phê phán một số blogger có khuynh hướng đối lập, kết tội họ kích
động, gây mất đoàn kết. Chính phủ cũng đã quen thói thỉnh thoảng lại chặn các mạng xã

hội phổ biến và bắt giam những blogger bị buộc tội tuyên truyền lật đổ.
Chính quyền các nước trong khu vực bao biện cho việc áp đặt những chính sách quản lý
web rất nghiêm khắc, rằng họ làm như thế là để bảo vệ quyền của người sử dụng Internet
bình thường và để duy trì đạo đức công cộng. Trong khi bày tỏ cảm tình với những điều kỳ
diệu được Internet tạo ra, thì họ cũng lo ngại về vô vàn tội lỗi trên không gian mạng.
Chẳng hạn, Cơ quan Phát triển Truyền thông Singapore biện hộ cho việc thành lập Hội
đồng Tri thức Truyền thông bằng cách nhấn mạnh nhu cầu tuyên truyền nhận thức về sự
gia tăng các hoạt động bất hợp pháp trên mạng, làm hại thanh thiếu niên. “Các vấn đề xã
hội như hành hạ, xúc phạm, lợi dụng thanh thiếu niên, cùng những lời bình luận chưa phù
hợp đã tìm ra đất sống và sinh sôi nảy nở thông qua nhiều tầng lớp tác động của Internet và
truyền thông xã hội” – cơ quan này cảnh báo như vậy.
Tương tự, chính quyền Campuchia viện dẫn đến khái niệm phúc lợi công cộng. Họ nói

thêm rằng, các hành động khủng bố và tội phạm xuyên biên giới gây ảnh hưởng tới truyền
thống và giá trị văn hóa của mỗi nước đều được thực hiện thông qua dịch vụ viễn thông.
Nghị sĩ Philippines, ông Edgardo Angara, tác giả chính của Luật Phòng chống Tội phạm
mạng, rất tự tin rằng luật này là cần thiết để mang lại lợi ích cho cộng đồng Internet. “Nhờ
luật này, chúng tôi hy vọng sẽ khuyến khích việc sử dụng không gian mạng vào các mục
đích thông tin, giải trí, học tập, thương mại. Bảo vệ tất cả người dùng Internet khỏi bị lạm
dụng và lợi dụng, chúng tôi sẽ giúp cho các công dân mạng sử dụng Internet một cách hiệu
quả hơn. Việc ban hành luật Phòng chống Tội phạm mạng gửi một thông điệp mạnh mẽ ra
thế giới, rằng Philippines rất nghiêm túc giữ gìn an toàn trên không gian mạng” – ông
Angara nói.
Đối với các chính phủ trong khu vực, thật tiện lợi nếu có thể thổi phồng bóng ma tội phạm
mạng và vấn nạn lạm dụng mạng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, họ đã phóng đại quá

đáng các nguy cơ và áp đặt những biện pháp mang tính trừng phạt cao cũng như hoạt động
kiểm soát truyền thông rất chặt chẽ. Mục tiêu chính của họ có thể là thuần dưỡng không
gian mạng và điều tiết nó theo cái cách mà họ đã sử dụng để kiểm soát thành công báo chí
truyền thống. Việc điều tiết mạng được coi là cần thiết, bởi lẽ sự tồn tại của một nền truyền
thông mới, không kiểm soát được, đã đe dọa độc quyền lãnh đạo (nguyên văn: political
hegemony, bá quyền chính trị – ND) của tầng lớp tinh hoa chính trị.
Cho đến nay, các phong trào trên mạng đã khá thành công trong việc bóc trần động cơ xấu
của những chính trị gia muốn kiểm duyệt Internet, tuy nhiên vẫn chưa ngăn được chính
quyền thực thi những chiến dịch và đạo luật hạn chế quyền tự do ngôn luận trên không
gian mạng. Dường như chính quyền các nước Đông Nam Á đã rất chủ động nghiên cứu
luật về Internet trong khu vực và tích cực trao đổi kinh nghiệm kiểm soát hiệu quả sức
mạnh tiềm ẩn đáng sợ của Internet.

Đã đến lúc cư dân mạng ở Đông Nam Á phải chống lại khuynh hướng gây xáo trộn
mang tính khu vực này bằng chính các phong trào hoạt động trên mạng của họ.

×