Lập dàn ý chi tiết- Một cách để ôn thi tốt môn văn
Nếu bạn đã từng xem đáp án một đề thi ĐH môn
Văn với thang điểm chia cho từng ý nhỏ, chính xác
đến từng 0,5 điểm, bạn sẽ hiểu: một bài văn đủ ý là
điều cực kỳ quan trọng.
Hãy tưởng tượng với một bài văn cần có đủ 4 ý, bạn diễn đạt rất hay, phân
tích sát vấn đề, sâu sắc trong từng khía cạnh, dẫn chứng rất sinh động, nhưng
bạn chỉ nêu được 2 trong 4 ý cần có. Điều gì sẽ xảy ra? Bài văn của bạn có hay
đến mức nào đi chăng nữa điểm số tối đa của bạn cũng chỉ đạt 50-60% số điểm,
không hơn. Lập dàn bài trước khi làm bài thi chính là một cách để tránh sót và
lặp ý.
Dàn bài được lập một cách chi tiết hay sơ lược phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ
thể. Trong quá trình ôn tập, chúng mình nên làm quen với việc lập dàn ý chi tiết.
Còn trong phòng thi, để tiết kiệm thời gian chúng ta nên vạch nhanh một số ý
chính để hình dung hướng đi bài viết của mình. Trong quá trình làm bài, bạn sẽ
bổ sung dàn bài của mình bằng những ý nhỏ hơn và tiến hành triển khai trong
bài viết.
Đề văn ĐH thường có ba phần khá rõ ràng: 1 câu về kiến thức cơ bản (VD: cuộc
đời, sự nghiệp của một tác gia, đặc điểm nghệ thuật của một tác gia ), 1 câu
yêu cầu bình giảng, phân tích một đoạn trong một bài thơ, 1 câu yêu cầu nghị
luận về các vấn đề trong một tác phẩm (thường là văn xuôi, truyện ngắn), một
giai đoạn, hoặc những vấn đề lớn bao quát nhiều tác phẩm
Thường thì chỉ với bài văn nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn xuôi, hay
trong cả giai đoạn thì việc lập dàn bài mới thực sự phát huy lợi thế của mình.
Công việc của bạn là chia nội dung môn Văn ra làm ba nhóm theo ba dạng đề
như đã nói trên. Và bây giờ tập trung lập dàn bài cho từng tác phẩm văn xuôi
theo
1. Nắm chắc nội dung toàn tác phẩm
Để biết mình đã nắm chắc tác phẩm hay chưa, bạn hãy trả lời các câu hỏi sau.
Tác phẩm này do ai sáng tác? Trong hoàn cảnh nào? Đề tài và chủ đề của tác
phẩm? Bạn có thể tóm tắt nội dung của tác phẩm đó chưa (đối với tác phẩm văn
xuôi)? Đối với tác phẩm thơ thì không chỉ nắm nội dung toàn tác phẩm bạn còn
phải học thuộc lòng những phần nội dung nằm trong chương trình học. Các thủ
pháp nghệ thuật chủ đạo trong tác phẩm này là gì? v.v
2. Xem xét các dạng đề đối với tác phẩm đó (dạng đề ở đây được hiểu là về thể
loại và nội dung)
VD: Với tác phẩm Vợ nhặt, chúng ta có thể gắt gặp các dạng đề nghị luận về:
các nhân vật trong tác phẩm (Tràng, bà cụ Tứ, vợ Tràng), giá trị hiện thực và
nhân đạo trong tác phẩm, nghệ thuật miêu tả tâm lý và khắc họa nhân vật, nghệ
thuật xây dựng tình huống truyện
3. Lập dàn bài chi tiết cho từng dạng đề ở mỗi tác phẩm
Đối với mỗi dạng đề các bạn cần lập ra cho mình một dàn bài. Tuy hơi mất thời
gian nhưng điều này sẽ giúp bạn lường hết mọi tình huống đề có thể bắt gặp và
không phải lúng túng khi làm bài thi.
Với đề phân tích nhân vật, bao giờ các bạn cũng phải vạch cho mình hai ý chính
nhất: ngoại hình và tính cách. Bên cạnh đó một số yếu tố như: ngôn ngữ, hành
động, cử chỉ, mối quan hệ với xã hội với các nhân vật khác. Tất cả các yếu tố
này tựu trung lại cũng bổ trợ và làm bật lên tính cách của nhân vật. Song song
với phân tích nội dung, các bạn cần lưu ý và nhấn mạnh đến các thủ pháp nghệ
thuật xây dựng nhân vật.
Hầu hết các nhân vật trong tác phẩm văn học thường mang tính hình tượng,
đại diện cho một tầng lớp, một thế hệ nên sau quá trình phân tích ngoại hình và
tính cách các bạn cần rút ra được thông điệp mà nhà văn muốn gửi gắm qua tác
phẩm đó.
Trong mỗi ý lớn như vậy sẽ có thêm nhiều ý nhỏ hơn, bạn hãy dùng một mũi tên
cho một ý để sơ đồ hóa dàn bài của mình. Và ở mỗi ý nhỏ, các bạn cần tìm ra
những dẫn chứng phù hợp minh chứng cho những đặc điểm đó. Dẫn chứng
chính là những đoạn trích trong tác phẩm, bạn cần học thuộc một số câu văn
tiêu biểu để minh chứng cho những ý kiến đánh giá của mình trong bài viết. Qua
phân tích những dẫn chứng đó nhân vật của bạn sẽ hiện lên với đầy đủ tính
cách, chân thực và sống động.
Đối với dạng đề tổng hợp nghị luận về một vấn đề văn học (VD: giá trị nhân đạo
trong các tác phẩm của Nam Cao), chúng ta cần đi từ vấn đề bao quát nhất:
- Nhân đạo
Nhân đạo là gì?
Biểu hiện của tinh thần nhân đạo: Yêu thương con người, cảm thông sâu sắc với
những nỗi đau của con người, thông cảm với hoàn cảnh sống của nhân vật
(nhiều khi tinh thần nhân đạo được phản ánh ngay trong những giá trị hiện
thực), hướng con người một cuộc sống tốt đẹp hơn đều là những biểu hiện
của tinh thần nhân đạo.
- Tinh thần nhân đạo trong tác phẩm của Nam Cao
+ Khái quát về các tác phẩm của Nam Cao, các đề tài chính (đời sống của người
nông dân và trí thức nghèo)
+ Tinh thần nhân đạo thể hiện trong tác phẩm của Nam Cao như thế nào? bằng
những hình ảnh gì? trong tác phẩm nào? Vấn đề tác giả đặt ra trong tác phẩm là
gì?
+ Giá trị nhân đạo biểu hiện trong tác phẩm của Nam Cao có gì khác so với các
nhà văn khác ở các tác phẩm khác không? (có thể so sánh với các tác phẩm Vợ
nhặt, Vợ chồng A Phủ) v.v
Lần lượt, bạn tự đặt ra những câu hỏi và trả lời cho câu hỏi của chính mình. Điều
này sẽ giúp bạn vạch được cho mình những ý chính thật đầy đủ. Sau khi có được
những ý chính bạn mới triển khai các ý phụ. Thêm vào đó bạn có thể tham khảo
các bài văn hay để bổ sung các ý cần thiết.
Bằng cách sơ đồ hóa dàn bài bằng những gạch đầu dòng và mũi tên sẽ giúp bạn
thấy rõ các ý mà mình định triển khai. Và như thế, việc sót ý là một điều hiếm
khi xảy ra khi bạn làm bài thi. Chúc các bạn thành công!
Bạn có tham gia vào box Văn học của diễn đàn hocmai.vn để cùng trao đổi và
học hỏi kinh nghiệm học và thi của rất nhiều bạn học sinh trên mọi miền Tổ quốc
hoặc tham gia làm bài thi thử tốt nghiệp THPT để có thêm kiến thức môn Văn
nhé.