Nhiễm trùng tiết niệu, một trong những
bệnh lý dễ mắc phải của thai phụ
(Webtretho) Nhiễm
trùng tiết niệu là bệnh
lý nhiễm trùng do vi
trùng, thường xảy ra,
nhất là trong lúc mang
thai. Mặc dù thai kỳ
không có khuynh
hướng làm gia tăng
các yếu tố động lực
của vi trùng nhưng
tình trạng dãn nở
đường niệu, trào
ngược bàng quang niệu quản, phối hợp với sự
căng trướng bàng quang do chuyển dạ kéo dài,
sau gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng, tình
trạng kháng lợi niệu sau sanh khi ngưng dùng
Oxytocin và đặt thông tiểu sẽ thúc đẩy thêm quá
trình nhiễm trùng.
Nhiễm trùng tiết niệu gặp ở nữ nhiều hơn nam (gấp
14 lần). Ngoài ra còn có yếu tố nguy cơ bị nhiễm
trùng tiết niệu khác như bệnh hồng cầu hình liềm và
tiểu đường.
Tỷ lệ nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ có thai khoảng
dưới 10%.
Nhiễm trùng tiết niệu có liên quan đến sanh non, sự
gia tăng tỷ lệ tử vong cho thai và chậm phát triển thời
thơ ấu.
Sinh bệnh học nhiễm trùng tiết niệu và thai kỳ
- Những thay đổi về cơ thể và sinh lý trong lúc mang
thai có thể giúp cho nhiễm trùng tiết niệu dễ dàng xảy
ra:
+ Thận ứ nước sinh lý: hiện tượng này là do sự phối
hợp các yếu tố cơ học và nội tiết. Hiện tượng ứ nước
rõ hơn ở thận phải.
Hai quả thận gia tăng thể tích: dài thêm khoảng 1 cm
và nặng thêm khoảng 4,5 g. Đài thận và bể thận giãn.
+ Khi có thai, tử cung nghiêng về bên phải, đè vào
niệu quản vùng chậu làm giãn nở phần trên và khi tử
cung lớn lên có thể chèn ép niệu quản, bàng quang bị
đẩy lên trên ra trước, niệu quản bị kéo dài làm cho
dòng nước tiểu không lưu thông dễ dàng, tiểu không
hết. Đến cuối thai kỳ, đầu thai nhi lại đè vào bàng
quang nên không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn
mỗi khi tiểu, càng làm cho dòng nước tiểu khó lưu
thông, ứ đọng, tạo thuận lợi cho vi trùng phát triển
trước khi bị thải ra ngoài.
Ngoài vấn đề niệu quản giãn nhẹ do sức ép của thai
nhi, có thể có hiện tượng trào ngược bàng quang –
niệu quản. Hiện tượng này sẽ kéo dài đến 3 tháng
sau sanh.
+ Dưới tác dụng của Progesterone, nhu động niệu
quản và ruột giảm gây dẫn lưu nước tiểu kém và táo
bón.
Vi trùng gây bệnh thường là trực trùng đường ruột
nhất là E. coli, do táo bón xâm nhập qua máu tới thận
rồi vì ứ đọng và dẫn lưu nước tiểu kém trở nên dễ
gây bệnh nhiễm trùng tại chỗ.
+ Thay đổi sinh lý hóa học của nước tiểu: nước tiểu
trở nên kiềm hơn do gia tăng thải bicarbonate. Đường
niệu và đạm niệu là các yếu tố tạo thuận lợi thêm cho
vi khuẩn phát triển.
- Trong thời kỳ sau sanh, sự bí tiểu do phản xạ gây
nên sau một thủ thuật sản khoa, do chấn thương sinh
dục dưới, do dùng nhiều Oxytocin có tính chất chống
lợi niệu trong lúc sanh, sau đó khi ngưng Oxytocin,
nước tiểu thải ra nhanh… Tất cả những lý do này làm
bàng quang căng to, gây ứ đọng nước tiểu và nhiễm
trùng lại càng dễ xảy ra nếu có dùng thông tiểu để
thoát nước tiểu.
Vi sinh gây bệnh:
- Vi trùng gây nhiễm trùng niệu thường là những
chủng thường trú ở vùng tầng sinh môn, E.coli là tác
nhân gây nhiễm trùng tiết niệu trong 80 – 90% trường
hợp.
- Các vi trùng gram âm như Klebsiella, Proteus,
Enterobacter và Pseudomonas.
- Nhiễm trùng qua đường giao hợp như Chlamydia
trachomatis (chú ý trong trường hợp này cấy nước
tiểu âm tính), Neisseria Gonorrhae.
- Streptococcus nhóm B và Staphylococcus
saprophyticus.
Các vi trùng này từ vùng hậu môn, âm đạo xâm nhập
vào bàng quang qua niệu đạo, nhiễm trùng khu trú ở
đó gọi là nhiễm trùng niệu đạo. Tiếp theo, vi trùng di
chuyển đến bàng quang gây viêm bàng quang và
cuối cùng lan đến thận qua đường niệu quản gây
viêm thận – bể thận.
Các biểu hiện nhiễm trùng tiết niệu:
Nhiễm trùng tiết niệu xuất hiện dưới nhiều dạng từ
một nhiễm trùng niệu không triệu chứng đến một
nhiễm trùng thật sự có triệu chứng liên quan tới từng
phần của hệ tiết niệu như viêm bàng quang, viêm đài
bể thận, viêm thận. Mỗi dạng đều có thể là ổ nhiễm
trùng nguyên phát và có thể có sẵn trước khi mang
thai hoặc xảy ra do thai kỳ.
* Nhiễm trùng niệu không triệu chứng:
Nhiễm trùng niệu không triệu chứng (không có triệu
chứng lâm sàng) chiếm tỷ lệ 4 – 7% trong thai kỳ. Tỷ
lệ thay đổi theo số lần sanh và điều kiện kinh tế xã
hội: sanh nhiều lần, nghèo hay gặp nhất.
Phát hiện được nhiễm trùng niệu không triệu chứng
nhờ xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu tầm soát
cho các thai phụ; cấy nước tiểu giữa dòng khi có tiểu
mủ, khuẩn niệu hoặc nitrite.
Nhiễm trùng niệu không triệu chứng là khi cấy định
lượng có sự hiện diện của trên 100.000 khúm vi
trùng/ml nước tiểu trong 2 mẫu liên tiếp nước tiểu
được lấy sạch giữa dòng.
(Lưu ý cách lấy nước tiểu giữa dòng: rửa sạch âm
hộ, tiểu vào trong lọ chứa vô trùng sau khi bỏ đi vài
ml đầu và cuối của nước tiểu.)
Nhiễm trùng niệu không triệu chứng có ý nghĩa lâm
sàng đặc biệt quan trọng, nhất là trên cơ địa tiểu
đường, tiền căn nhiễm trùng tiết niệu:
- Đối với mẹ:
+ Nếu không điều trị, khoảng 25 – 40% các trường
hợp sẽ tiến triển đến nhiễm trùng có triệu chứng cấp
tính. Mặc dù không phải tất cả nhiễm trùng niệu
không triệu chứng đều sẽ chuyển sang nhiễm trùng
niệu có triệu chứng nhưng nếu có điều trị tình trạng
này bớt xảy ra hơn.
+ 30 – 50% nhiễm trùng niệu không triệu chứng phát
triển thành viêm đài bể thận trong thai kỳ, 15 – 20%
sau khi sinh.
- Đối với thai: sẩy thai, đẻ non (16%); suy dinh dưỡng
(14%).
Nên tầm soát nhiễm trùng niệu không triệu chứng
bằng cách cấy nước tiểu ít nhất 2 lần trong thai kỳ:
một lần ngay khi khám thai phụ lần đầu và một lần
trong ba tháng cuối của thai kỳ.
* Nhiễm trùng niệu có triệu chứng:
- Viêm bàng quang niệu đạo.
- Viêm đài bể thận cấp.
- Viêm đài bể thận mãn.
Nhiễm trùng niệu có triệu chứng chiếm tỷ lệ khoảng
2% trong thai kỳ. Có thể gây những nguy cơ:
- Đối với mẹ:
Biến chứng nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng,
suy thận cấp, suy gan thận đưa đến phải lấy thai
khẩn cấp.
Sau khi sanh, biến chứng cần đề phòng là viêm đài
bể thận mãn, nguyên nhân sau này của cao huyết áp
và suy thận.
- Đối với thai:
Sanh non do nhiễm trùng niệu có tỷ lệ khoảng 20%
mà nguyên nhân là sốt cao và lây nhiễm vi trùng qua
đường nhau thai, dị tật bẩm sinh thai, thai chết.
Tầm soát nhiễm trùng niệu không triệu chứng sẽ
giảm được các biến chứng này.
Xét nghiệm: có thể được bác sĩ đề nghị làm để hổ trợ
chẩn đoán và theo dõi trong khi điều trị:
- Tổng phân tích nước tiểu.
- Công thức máu.
- Điện giải trong máu.
- Nồng độ creatinin.
- Cấy nước tiểu.
- Cấy máu.
Điều trị:
- Nhiễm trùng niệu không triệu chứng có thể được
bác sĩ cho điều trị kháng sinh bằng một liều duy nhất
có hiệu quả tương đương với điều trị 7 – 10 ngày
trong phần lớn các trường hợp.
- Nhiễm trùng niệu có triệu chứng:
Viêm bàng quang niệu đạo được điều trị kháng sinh 7
– 10 ngày.
Viêm đài bể thận phải nhập viện, bác sĩ thường chỉ
định dùng kháng sinh tĩnh mạch và truyền dịch cho
đến khi có cải thiện triệu chứng lâm sàng. Tiếp sau
đó người bệnh được cho dùng kháng sinh uống cho
đủ 10 – 14 ngày. Người bệnh cũng được cho các
thuốc chống co thắt và giảm đau.
Các biến chứng ở mẹ bao gồm choáng nhiễm trùng,
suy hô hấp và rối loạn chức năng thận thoáng qua.
Khi được điều trị kháng sinh phối hợp, các triệu
chứng lâm sàng thường thuyên giảm trong vòng 24
giờ. Nếu sau 72 giờ mà cải thiện lâm sàng không rõ,
bác sĩ thường sẽ đánh giá xem có tắc nghẽn đường
niệu không hay do nguyên nhân sản khoa khác.
Thử nghiệm độ nhạy của vi trùng được làm thường
quy vì trên 50% vi trùng gây bệnh đường niệu có
kháng thuốc.
Liều lượng được cho phù hợp với tình trạng bệnh và
được theo dõi nồng độ trong huyết thanh để tranh
khả năng nhiễm độc.
Sau khi điều trị cần cấy lại nước tiểu để chắc chắn là
đã khỏi bệnh.
Nhiễm trùng tiết niệu chiếm một tỷ lệ cao và ảnh
hưởng nhiều đến thai kỳ, ngay cả trong những trường
hợp khuẩn niệu, lượng vi trùng khoảng 20.000 –
50.000 vi trùng/ml cũng có thể gây ra biến chứng. Vì
vậy, những trường hợp này cũng nên điều trị. Trong
nhiễm trùng tiết niệu đồng thời với điều trị kháng sinh
nên uống nhiều nước, acid hoá nước tiểu, điều trị táo
bón, dự phòng viêm âm hộ – âm đạo và việc tiểu cho
hết nước tiểu trong bàng quang ở mỗi lần đi tiểu là
cần thiết.
Dự phòng nhiễm trùng tiết niệu:
Ở người phụ nữ, do có những đặc điểm giải phẫu học
của hệ tiết niệu nên thường dễ bị nhiễm trùng. Thai
kỳ với những yếu tố thay đổi về nội tiết và cơ học đã
làm cho hiện tượng nhiễm trùng niệu càng dễ xảy ra
hơn. Vì vậy, thai phụ cần phòng tránh bệnh bằng
cách uống nhiều nước (ít nhất 1,5 lít mỗi ngày).
Không nên nhịn đi tiểu và cố gắng tiểu hết nước tiểu
mỗi khi tiểu. Rửa vùng hậu môn và sinh dục bằng xà
phòng sau mỗi lần đi vệ sinh và quan hệ tình dục, từ
trước ra sau. Không dùng thuốc xịt hay xà phòng
mạnh ở vùng sinh dục. Dùng đồ lót làm bằng cotton
cho dễ thấm nước và thoáng.
Khi có thai, cần được quản lý thai với chất lượng tốt.
Tầm soát nhiễm trùng tiết niệu bằng xét nghiệm tổng
phân tích nước tiểu. Tránh hết sức những tình huống
có thể dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu như sang chấn
sản khoa, thông tiểu khi không cần thiết… Nếu có
triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu (như tiểu ít, tiểu rát,
tiểu buốt,…) cần được khám, chẩn đoán và điều trị
sớm. Đặc biệt nhiễm trùng tiết niệu trong thai kỳ cần
phải được điều trị tích cực để tránh những diễn biến
xấu và những biến chứng nặng nề lên cả mẹ và thai.
Dự phòng nhiễm trùng tiết niệu trong tất cả các
trường hợp có biến chứng niệu khoa như ghép thận,
tái tạo niệu quản và trong những trường hợp nhiễm
trùng niệu tái phát. Nếu nhiễm trùng tái phát và kéo
dài cần phải được khảo sát chức năng thận, siêu âm
thận và thậm chí chụp đường niệu qua đường tĩnh
mạch.