Chữa nhiễm trùng tiết niệu bằng Y học cổ
truyền
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh phổ biến đến nỗi hầu như tất cả mọi người
đều có thể mắc phải vào một thời điểm nào đó trong đời mình. Phụ nữ và trẻ em gái
thường bị nhiễm và tỷ lệ cao hơn nam giới gấp đôi. Hậu quả của bệnh này là làm gia
tăng tỷ lệ nhiễm các bệnh khác, gây tốn kém nhiều cho ngân sách quốc gia.
Mã đề
Riêng ở nước ta, đa số phụ nữ nông thôn làm việc đồng áng thường ngâm mình dưới
ruộng, trong sinh hoạt hàng ngày còn sử dụng nước sông, ao, hồ và ý thức giữ vệ sinh ở
chị em còn kém, do đó dễ nhiễm bệnh. Nhiễm trùng đường tiết niệu là loại bệnh cần phải
phòng ngừa và điều trị triệt để nhằm tránh những di chứng trầm trọng lên bàng quang và
gây suy thận. Ở phụ nữ đang mang thai bị bệnh dễ sảy thai, đẻ non hoặc nhiễm trùng trẻ
sơ sinh.
Triệu chứng rõ rệt nhất của nhiễm trùng đường tiết niệu là đi tiểu buốt, rát, tiểu gắt, tiểu
lắt nhắt nhiều lần, thậm chí còn tiểu ra máu, đi tiểu ban ngày lẫn ban đêm, cảm giác bị
đau lưng, nặng bụng dưới, có cảm giác thúc hậu môn muốn đi tiêu nhưng không thể và
đôi khi kèm sốt nhẹ. Ngoài nguyên nhân nhiễm trùng còn có thể do sạn thận hoặc do sỏi
niệu đạo. Có khi sau vài ngày, bệnh tự khỏi, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn những
triệu chứng này lại tái phát và có phần nặng hơn.
Để phòng bệnh và tránh bệnh lặp lại sau khi điều trị, ngoài việc tăng cường vệ sinh cá
nhân, uống nhiều nước (tối thiểu 2-3 lít/ngày) để đào thải các thành phần có hại, tránh sự
tăng sinh của mầm bệnh, cần sử dụng thêm thảo dược trong Y học cổ truyền cũng có rất
nhiều loại có tác dụng tốt trên bệnh viêm đường tiết niệu như Dành dành, Mã đề, Cỏ
tranh, Râu ngô, Rau má, Rau sam, Râu mèo, Bồ công anh, Đạm trúc diệp, Kim ngân,
Liên kiều, Mộc thông, Thông thảo, Ý dĩ, Trạch tả, Kim tiền thảo, Rau đắng…Đây là
những vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, kháng viêm, lợi tiểu, tán sỏi. Bên cạnh
các cây cỏ trên, người bệnh nên ăn thêm nhiều loại trái cây chứa vitamin C như cam,
chanh, quýt, bưởi, vì hàm lượng acid cao trong nước tiểu hạn chế vi trùng phát triển và
tăng sức đề kháng cơ thể.
Dạng trà
- Trà Kim ngân hoa, mã đề, rễ cỏ tranh, mỗi loại 8-10g, đun trong 1 lít nước, chia 3-4 lần
uống trong ngày, chữa viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu, sạn thận.
- Trà Hạ khô thảo 8-10g, thêm khoảng 1g Cam thảo, đun sôi trong 600 ml nước còn
khoảng 300 ml nước rồi chia nhiều lần uống trong ngày, tác dụng thông tiểu tiện, sát
trùng đường tiểu.
- Trà Cỏ tranh, rau đắng, thài lài tía, rau má, râu bắp, mỗi loại 8-10g, nấu trong 1 lít nước
sôi nhẹ trong 5 phút rồi uống trong ngày, uống liền trong một tuần.
- Trà Rau má, râu bắp, rễ tranh (mỗi loại 5-10g), thêm một nhúm hạt Mãn đình hồng
(Thục quỳ tử), nấu uống ngày 1-2 lần, uống trong 5 ngày sẽ hết tiểu đỏ.
- Trà Rau má, diếp cá (8-12g), giúp giảm tiểu buốt, tiểu gắt. Có thể thêm cỏ tranh càng
tốt
- Lấy vỏ cây đại (sao vàng) 10g, rễ cỏ tranh, rau má 10g, mã đề 5g, sắc uống chữa bí tiểu.
Ngày 3 lần trước bữa ăn. Cần uống trong 3 ngày.
- Bài Râu ngô, rau má, mã đề, ý dĩ, sài đất 8-10g. Nấu sôi trong 1 lít nước, chia ra uống
trong ngày, uống liền 1 tuần lễ.
- Bài Rau má 10g, bồ công anh 20g, mã đề 16g, thài lài tía, chi tử, râu ngô, mộc thông,
cam thảo dây, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chữa viêm đường tiểu, tiểu tiện không
thông.
- Bài Rau dừa nước khô 200g, nấu canh ăn liên tục 7 -10 ngày. Đây là bài thuốc có tác
dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, tiêu thũng, kháng viêm, dùng cho các trường hợp
viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu (tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu ra máu và tiểu đục).
Dạng thức ăn nên thuốc để tăng cường sức đề kháng và cũng có tác dụng bổ thận.
- Ngân nhĩ hầm đỗ trọng, ngân nhĩ, đỗ trọng khoảng 10g, đường phèn 30g. Đỗ trọng cắt
nhỏ, sao lên, khi tơ đứt hết là được. Ngân nhĩ ngâm nước cho mềm rồi rửa sạch. Cho hai
thứ vào nồi cùng 2 lít nước, đun to lửa cho sôi rồi đun nhỏ lửa trong 2 giờ, cho đường vào
là được. Ăn ngân nhĩ, uống nước ngày 2 lần.
- Nấu nước rễ tranh, củ năng tươi, mỗi loại 50-100g. Củ năng gọt bỏ vỏ, thái lát cho cùng
rễ tranh vào nồi, cho 2 lít nước, đun to lửa cho sôi rồi đun nhỏ lửa 30 phút nữa là được,
lọc lấy nước, bỏ bã, cho ít đường trắng vào đánh tan, uống thay chè.
- Nấu nước hoa cúc, kim ngân hoa, mỗi loại 10g, nước 1 lít. Cho tất cả vào nồi, đổ nước
đun lên cho sôi rồi thêm đường phèn vào đun tiếp 15 phút, lọc lấy nước uống thay chè.
- Nước sắc vỏ bí đao, rễ tranh (20g), đường trắng 50g, nước 1 lít. Cho tất cả vào nồi, đổ
nước đun sôi rồi hạ nhỏ lửa đun 20 – 30 phút nữa là được, chia uống nhiều lần trong
ngày.
- Nước sắc nấm mèo đen (3-5 tai) chung với rau cải (150g) và 1 lít nước. Nấm mèo ngâm
nở, rau cải rửa sạch, cho tất cả vào nồi đổ nước đun sôi một lúc là được. Vừa ăn vừa uống
nước liên tục 7 ngày.
Tóm lại khi đi tiểu thấy có những triệu chứng trên, người bệnh nên đến các cơ sở khám
chữa bệnh và các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhiễm trùng đường tiết niệu thông
qua kết quả xét nghiệm nước tiểu. Nếu kết quả xét nghiệm phát hiện bị nhiễm trùng, tùy
từng loại vi khuẩn gây ra mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thích hợp. Một đợt điều trị kháng
sinh từ một tuần đến 10 ngày. Có thể kết hợp thuốc tây và thuốc y học cổ truyền để tăng
hiệu quả điều trị. Tùy theo từng địa phương có loại cây thuốc nào ta có thể dùng loại ấy,
theo mùa theo vùng, không nên tìm những loại quá cầu kỳ tốn kém. Cần chẩn đoán đúng
nguyên nhân để tránh biến chứng viêm bàng quang, suy thận nguy hiểm đến tánh mạng.
Bệnh nhân cũng không được tự ý mua kháng sinh uống khi có những triệu chứng nhiễm
trùng đường tiết niệu mà dứt khoát phải được bác sĩ kê toa, nếu không sẽ dẫn đến tình
trạng lờn thuốc.