ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA BỆNH
BƯỚU GIÁP ĐƠN THUẦN
(Kỳ 2)
IV.Triệu chứng lâm sàng:
1.Các triệu chứng tại Bướu giáp:
+ Thông thường Bướu nằm ở vùng cổ trước và hai bên
cổ,tương ứng với sụn giáp và các vòng sụn đầu tiên của khí quản.Có trường hợp
Bướu giáp nằm khuất sau xương ức nhưng một phần bướu vẫn xác định được ở
trên hõm ức (bướu giáp chìm).Bướu giáp trong lồng ngực là Bướu nằm hoàn toàn
trong trung thất,không sờ thấy được cả khi cho bệnh nhân ho hay gắng sức rặn.
+ Da trên mặt Bướu thường không thay đổi.Khi Bướu to thì có
thể thấy hình dáng của cổ bị biến dạng,các tĩnh mạch cổ nông bị chèn ép căng
to,giãn rộng,ngoằn ngoèo.
+ Bề mặt Bướu thường nhẵn.Khi là bướu hỗn hợp thì có thể sờ
thấy nhiều nhân to nhỏ không đều.
+ Mật độ Bướu thường mềm và đàn hồi.
+ Khi Bướu mềm thì thường khó xác định rõ được ranh giới,lúc
này nên để bệnh nhân nằm ngửa có đệm gối dưới vai để ưỡn cổ,nhờ đó xác định
ranh giới dễ hơn.
+ Hình thái của Bướu: nếu là Bướu lan toả thì vẫn giữ được
hình dáng của tuyến giáp,nếu là Bướu nhân hay hỗn hợp thì thường có hình méo
mó không đều,làm biến dạng vùng cổ.
+ Di động của Bướu: Bướu giáp luôn di động theo nhịp
nuốt,đây là một triệu chứng quan trọng để xác định Bướu giáp.
+ Độ lớn của Bướu: có thể dựa vào các bảng phân loại sau để
đánh giá độ lớn Bướu giáp:
- Bảng phân loại của tổ chức y tế thế giới (1979):
* Độ 0: Không sờ thấy tuyến giáp
* Độ Ia: Không nhìn thấy nhưng sờ thấy được tuyến
giáp to ra ít nhất là bằng đốt hai ngón cái của bệnh nhân.
* Độ Ib: Sờ được dễ dàng.Nhìn thấy được ở tư thế
ngửa đầu.Các trường hợp Bướu giáp thể một nhân cũng được xếp vào mức độ này.
* Độ II: Nhìn thấy rõ ngay khi đầu ở tư thế bình
thường.
* Độ III: Đứng xa đã nhìn thấy Bướu giáp.
* Độ IV: Bướu giáp rất to.
- Bảng phân loại của Khoa ngoại VQY 103:
* Độ I: Sờ thấy Bướu khi bệnh nhân nuốt.
* Độ II: Nhìn và sờ đều thấy rõ nhưng vòng cổ chưa
thay đổi.
* Độ III: Bướu lồi hẳn ra khỏi vòng cổ,chiếm một
diện tích rộng trước cổ,xác định được kích thước.
* Độ IV: Bướu to lấn quá xương ức,làm thay đổi
đáng kể hình dáng vùng cổ.
* Độ V: Bướu rất to,biến dạng hoàn toàn vùng cổ.
2.Các triệu chứng do Bướu chèn ép tổ chức xung quanh:
+ Chèn ép khí quản: gây khó thở theo tư thế nằm,tiếng thở khò
khè.Có thể ho khan kéo dài do Bướu gây kích thích khí quản.Có thể có những cơn
khó thở cấp tính về ban đêm gọi là “cơn hen giáp trạng”:bệnh nhân đang ngủ đột
nhiên xuất hiện cơn khó thở cấp tính,ho rũ rượi,tím tái,hoảng hốt,các tĩnh mạch
nông vùng cổ căng to.Cơn ngạt thở có thể rất nặng và dẫn tới tử vong.
+ Chèn ép thần kinh:
- Chèn ép dây thần kinh quặt ngược gây nói khàn,giọng
đôi.Soi thanh quản có thể thấy bị liệt dây thanh âm (thường ở một bên).
- Chèn ép dây X: có thể làm thay đổi nhịp tim,nhịp
thở,huyết áp (tuỳ mức độ chèn ép mà gây hiện tượng kích thích hay ức chế dây X).
- Chèn ép dây Hoành gây nấc hoặc liệt cơ hoành.
+ Các dấu hiệu chèn ép khác:
- Khó nuốt ,nuốt nghẹn do chèn ép thực quản.
- Ù tai,đau đầu (thường ở một bên) do bị chèn ép động
mạch cảnh.
- Phù nề,ứ trệ tĩnh mạch vùng cổ do chèn ép hệ tĩnh mạch
vùng cổ.
V. Các xét nghiệm cận lâm sàng:
1. Các xét nghiệm sinh hoá:
Kết quả định lượng Iot kết hợp Protein máu,định lượng T
3
và T
4
máu,Glucoza máu,Cholesterol huyết tương,định lượng Iot nước tiểu đều trong
giới hạn bình thường.
2. Một số xét nghiệm chức năng:
Các xét nghiệm chức năng thường dùng như Đo độ tập trung
131
I
tại Tuyến giáp, Chuyển hoá cơ sở, Điện tim, đều trong giới hạn bình thường.