Biển Ngọc
Biển Ngọc là một khoảng biển xanh nhất so với mấy ngàn cây số đường
biển chạy từ Đông – Bắc tới Tây – Nam của nước Việt Nam. Chẳng ai biết vì
sao biển ấy xanh như vậy! Chỉ biết rằng biển nơi ấy nhiều cá nhất, nước biển
nơi ấy cho nhiều muối nhất. Và người ta kể, nếu chịu khó lặn sâu dưới đáy
biển Ngọc sẽ gặp cả một thế giới tuyệt đẹp rực rỡ san hô, lấp lánh ngọc trai
cùng những con cá đủ màu, nhiều hình thù như là cả một vương quốc của
vua rồng dưới đáy đại dương… Một nét độc đáo nữa của biển Ngọc là những
đồi cát khổng lồ chạy viền quanh bờ biển. Nhiều người nước ngoài rất mê
những đồi cát nầy. Một số thương nhân Nhật Bản sang thương lượng để mua
từng xe cát về làm chén kiểu. Nhiều nhiếp ảnh gia ở Hồng Kông, Đức, Ý chạy
ra tận đó để săn được những tấm ảnh đẹp lạ lùng, đoạt nhiều giải quốc tế.
CÂY CỘT MỐC VÀ CON NGỰA
Giữa trưa, đường vắng. Nghe xa xa có tiếng vó ngựa khua giòn.
Kìa, một chiếc xe chở hàng chạy tênh tênh trên đường nhựa. Chiếc xe lắp
bánh ô-tô lăn êm ru. Thế lại càng làm cho tiếng móng sắt gõ vang trưa vắng.
Nắng tinh quái cưỡi lên lưng chú Ngựa mà đốt. Nóng râm ran, toát cả mồ hôi.
Chú ngựa ngửng đầu nhìn con đường dài hun hút
- Pập pập pập! Pập pập pập! Sao mà thèm, mà mong được chạy
trên con đường cát mịn quá. Lần nào cũng thế, chú ngựa lúc đi, chỉ mong
chóng hết chặng đường đá. Khi về, chú ta ước ao cho đoạn đường cát mịn
dài ra Chú Ngựa gật gật cái đầu mỗi lúc một nhanh, chẳng còn mấy nữa sẽ
tới ngã ba, nơi rẽ sang vệt đường cát mịn. Chú ta sẽ được nghỉ cho đỡ rát
móng. Chặng nghỉ này không lâu nhưng thú vị.
- Phi!
Chú Ngựa hào hứng nghĩ: "Mình lại tiếp tục cho cái anh chàng
Cột Mốc đứng ơ chỗ nghỉ chân kia một mẻ mới được. Lần trước, nói
chưa xong câu chuyện thì đã phải lên đường rồi".
NHỚ BÀ
Sân nhà tôi vui nhất vào những hôm có trăng. Trăng mùa rét tôi ít
gặp nên chỉ nhớ mang máng (như cái lúc buồn ngủ) còn trăng mùa hè thì
trong vẻo trong veo, sáng lừng lựng. Bà tôi trải chiếu ngay giữa sân rồi quạt
cho tôi ngủ. Ngả trong lòng bà, mắt thao láo nhìn trăng, tôi vòi bà kể chuyện.
Bà là kho truyện cổ tích đấy. Bà không kể như cô giáo đâu. Nghe thì
hay nhưng khó bắt chước lắm. Cái câu quen thuộc "Ngày xửa ngày xưa"
mở đầu cho tất cả mọi câu chuyện, bao giờ cũng báo hiệu trước những điều
thú vị, những con người đáng yêu, đáng thương hoặc đáng tức, đáng
ghét (sẽ xuất hiện). Bà vừa kể, vừa quạt cho tôi. Chiếc quạt mo trong tay bà
thật lắm gió mát. Tôi cứ thê nằm trong ánh trăng mà thiếp đi cùng với câu
chuyện kể thì thầm của bà tôi.
Ông nội
Ông nội lúc nào cũng gần gũi Minh. Những buổi tối ngồi uống trà, ông
ôm Minh ngồi trên lòng và kể cho Minh nghe bao nhiêu là chuyện. Ông hay
kể về thành phố Hà Nội trước kia. Hà Nội khi ông còn là “anh vệ quốc” trong
trung đoàn Thủ đô, khác Hà Nội bây giờ nhiều. Ông yêu thành phố Hà Nội
lắm, ông bảo, “ở trong nhà lâu lại nhớ phố”, bởi vậy ông rất thích đi chơi chỗ
này, chỗ kia trong thành phố, thường là ông dẫn Minh đi theo. Ông kể cho
Minh nghe những chuyện xảy ra trong các phố và nhắc lại những tên phố cũ
ngày xưa, không chỉ đi chơi suông đâu, mỗi lần đi chơi ông đều cho Minh ăn
kem. Cái món kem dừa ở bờ hồ là Minh thích nhất, vừa thơm vừa mát lạnh.
Ông nội bảo khi Minh còn bé hơn nữa, lúc ba tuổi ấy, Minh ăn kem thấy khói,
tưởng kem nóng, nên cứ ra công mà thổi. Nghĩ lại buồn cười. Cứ mỗi lần đi
công tác về, ông lại mua cho Minh bao nhiêu thứ: kẹo, bánh, đồ chơi, có khi
ông còn nhặt cho Minh cả những vỏ ốc biển nữa.
Tết rằm tháng tám
Tết rằm tháng tám có những mấy tối gió mát trời sáng trăng, tết rằm
được mong đợi nhất. Tôi kể ra đây cả các thứ trong tết rằm. Ngày ấy không
phải nhà ai cũng có tiền sắm đủ các thứ ấy, nhưng cứ kể cho đủ lệ bộ mà trẻ
nào cũng mong ước. Trước nhất là cái trống. Không phải trống cái, trống đình
mà cái trống chỉ nhỉnh hơn cái đấu, cái thưng. Mặt trống mới, da bò ngửi còn
mùi khét thú vị, lại có miếng da làm quai xách, tang trống bôi phẩm vàng
nghệ. Cái dùi trống vót lấy chỉ to hơn chiếc đũa. Trống được mẹ mua từ phiên
chợ trước. Hầu như nhà nào cũng có trẻ nhất là có con trai đều có cái trống.
Tiếng gõ tong tong khắp xóm, rộn rã vui tai suốt ngày đến tận tối. Rồi con sư
tử. Không phải sư tử to như cái xảo đại, cái thúng đại có người chui vào múa,
có người cầm vạt đuôi, có người múa ngọc như đám rước sư tử, đêm rằm
giật giải ở chợ. Mà đây là cái đầu sư tử giấy bồi, chụp lên đầu như úp cái rổ.
Ấy vậy mà cũng nhấp nhoáng trang kim, hai mắt lồi long lanh với bộ râu trắng
không biết bằng rễ cây gì. Chặp tối, tụ tập đầu xóm, những đứa có sư tử đem
ra múa vờn nhau trong tiếng trống đánh giục giã.
Đôi Ri Đá
Ít lâu nay, có một loài lạ lạc vào vườn. Anh chim sẻ xưa nay vẫn to hó
đứng trong đầu nhà, kêu tẹc tẹc không được điềm tĩnh và đều đặn như mọi
khi. Ra vẻ thảng thốt. Như thể lo rằng có những kẻ lạ nào đương dò dẫm, tìm
kiếm nơi ăn chốn ở trong vườn nhà mình. Quả đúng như nỗi lo của sẻ. Có
hai con chim ri đá, mấy bữa rày thường lai vãng đến vườn. Chúng nhấm
nhoắt chuyền từ cây bưởi sang cây khế, đến cành hồng bì. Sẻ ta đứng băn
khoăn trên nóc đầu hồi, nhớn nhác nhìn, ra điệu ghét lắm. Bấy giờ là đầu
mùa đông. Ngoài ruộng, lúa chín vàng hây. Những bông thóc nếp mập và
tươi ong óng, trĩu gù lưng xuống. Màu vàng san sát giải từ cánh đồng làng
Nghĩa Đô mênh mông đến tận bờ tre làng Phú Gia. Theo với mùa lúa, từng
đàn chim ri bay về mọi cánh đồng.
Rừng cây
Thuyền chúng tôi cứ xuôi theo dòng nước. Hai bên bờ sông, hết lá dừa
nước thì đến gai chà là. Rừng cây chà là với những ngọn san sát giao nhau,
mặt trời phải khổ sở lắm mới chiếu xuyên qua được những tàu gai dày đặc,
để lọt một vài đốm sáng xuống mặt đất sình lầy đen kịt. Nhiều con rắn mai
gầm khoang đen khoang vàng nằm khoanh như những đống dây thừng,
nghếch mồm lên gốc cây chà là mọc sát mé nước đã bị sét đánh cháy thành
than. Đôi khi tôi quơ mái chèo gạt lên mình rắn mà nó cũng không thèm chạy.
Hết rừng chà là lại đến đồng cỏ. Bốn mặt chân trời, sắc cỏ nối liền với sắc
trời xanh biếc. Loài cỏ cao xứ nhiệt đới cao lấp mất đầu người, mọc lưu niên
trên những đầm lầy, bất cứ mùa nào cũng vươn thẳng ngọn xanh reo hát
dưới mặt trời.
§Êt ph¬ng nam
Tôi ngồi đong đưa hai chân trên chiếc mui thuyền chở gạo ngóng lên
chợ. Đèn măng-sông trong các hiệu buôn, các tiệm ăn của người Hoa kiều
thắp lên sáng rực. Chỗ khoảng sân rộng, những người đàn bà nông dân mặc
quần áo bà ba đen, khăn rằn đen vắt chéo qua vai ngồi xếp từng dãy dài sau
những chiếc cần xé to tướng, những chiếc thúng đựng đầy ắp không trông rõ
và không biết đó là thức gì mà họ mang ra chợ bán. Mỗi người bán hàng đều
thắp một ngọn đèn con ở chỗ mình ngồi. Và những người đi chợ, cũng có
nhiều người cầm theo trên tay một ngọn đèn. Đèn người mua, đèn người bán
cứ như sao sa. Từ trong đám người ồn ào và những ánh lửa đèn luôn luôn di
động ở tít chỗ cuối chợ, bỗng nổi lên bốn đầu ngọn đuốc cháy đỏ rực cùng
với tiếng trống, tiếng thanh la khua rung dồn dập.
Ngựa thồ
Ngoài dốc đầu núi, từng đoàn ngựa thồ người dắt lùi lùi xuống. Những
con ngựa thồ đi lặng im trong chớp bom như sét đánh. Người ngoảnh lại
không biết lửa bom vào rừng hay lửa cháy nhà. Tờ mờ sáng bỗng nhiên im
phăng phắc. Không nghe tiếng đàn vượn trên núi gọi sáng như mọi khi. Bốn
phía sương đùn như mây trắng mù mịt. Bỗng tiếng chó sủa tang tang. Trong
các khe cạn, người trốn bom lũ lượt chạy ra. Cùng lúc ấy, đàn ngựa bên mép
núi đá lũ lượt đi lên. Những con ngựa trễ tràng trên lưng chất cao những bao
tải không còn một túi ngô, bây giờ là những cái tải xếp không, dẹp đét, mấy
người rúc vào, ngồi núp trong tải tránh rét, những con chó cũng ẩn vào đấy.
Chó sủa lắc rắc trong bước chân móng ngựa vấp đá.
Trần Quốc Toản
Suốt ngày hôm qua, Hoài Văn ruổi ngựa đi tìm vua, quên không ăn
uống. Hôm nay, đợi mãi từ sớm đến trưa, Hoài Văn thấy đói cồn cào, mắt hoa
lên, đầu choáng váng, chân tay buồn bã. Hoài Văn không chịu được nữa.
Đứng mãi đây cho đến bao giờ? Thôi thì liều một chết vậy. Ta cứ xuống, chỉ
nói hai tiếng xin đánh, rồi mặc cho triều đình luận tội. Hoài Văn xô mấy người
lính Thánh Dực ngã chúi, xăm xăm xuống bến. Một viên tướng hốt hoảng
chạy tới, níu áo Hoài Văn lại. Quốc Toản tuốt gươm, mắt trừng lên một cách
điên dại:
- Không buông ra, ta chém!
Lính ập đến giữ lấy Hoài Văn. Thực ra, vì nể chàng là một vương hầu, nên
họ đã để cho chàng đứng đấy từ sáng.