Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

nhân vật bà Hiền

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (63.42 KB, 3 trang )

Vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa tâm hồn người Hà Nội qua nhân vật cô Hiền.
Nguyễn Khải là một trong những cây bút hàng đầu của văn xuôi sau Cách mạng tháng
Tám năm 1945. Đời văn của ông phản ánh chân thực và sinh động quá trình vận động của
văn học nước ta từ quỹ đạo chiến tranh sang quỹ đạo hòa bình. Nếu như ở giai đọan thứ nhất,
ông quan tâm đến những vấn đề thời sự chính trị như xung đột giai cấp, xung đột cũ và mới,
… thì từ sau năm 1978 trở đi, ông tập trung ngòi bút vào chuyện đời thường,chuyện riêng tư
với những mối quan hệ đa chiều, phức tạp. Cảm hứng triết luận đã trở thành cảm hứng nổi
bật trong những sáng tác của ông.
Truyện “Một người Hà Nội” được Nguyễn Khải hòan thành vào những ngày đầu của
năm chín mươi. Tác phẩm thể hiện cái nhìn riêng của tác giả về đất Kinh kì, cái nhìn ấy thể
hiện tình yêu với Hà Nội và những hiểu biết sâu sắc, tinh tế về Hà Nội. Thông qua hình tượng
nhân vật cô Hiền, nhà văn đã có những khám phá thú vị về vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa của
người Hà Nội.
Cô Hiền hiện lên ở tác phẩm trước hết là một phụ nữ Hà Nội trung thực, tự trọng và có
trách nhiệm với gia đình.
Là một người con gái Hà Nội có nhan sắc, yêu văn chương, xuất thân từ một gia đình
khá giả, cô Hiền có điều kiện giao lưu với nhiều trí thức, nghệ sĩ. Nhưng chỉ ở “cái thời son
trẻ”, cô Hiền mới cho phép mình mộng mơ kím một anh chồng mai mốt sẽ trở thành quan
đốc, quan trạng, quan huyện. Cả Hà Nội phải “kinh ngạc” khi cô quyết định chọn ông giáo
cấp tiểu học chăm chỉ, hiền lành làm chồng. Sự lựa chọn cho thấy cái khác thường. Nó cho
thấy cô không hám danh, hám lợi, hay cơ hội. Cô luôn hướng tới một cuộc sống gia đình hạnh
phúc, đủ tỉnh táo để nhận thức đâu là lãng mạn viễn vông, đâu là thực tế cần thiết. Hiện diện
trước mắt chúng ta không phải là một người đàn bà yếu đuối chốn thành thị, chỉ biết dựa
dẫm vào chồng. Cô Hiền như một “nội tướng” trong cái gia đình nhỏ của mình. Mọi đường đi
nước bước trong cuộc sống luôn được cô cân nhắc kĩ càng. Ngay cả chuyện sinh con, cô cũng
có những tính tóan hợp lí : “Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và
tôi sống đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập, khói sống bám vào các anh chị.” Ở
cái thời mà ai cũng muốn đẻ nhiều con thì cô Hiền ngược lại, cô chấm dứt chuyện sinh đẻ ở
cái tuổi bốn mươi, cô không tin “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Cô quan niệm con cái phải được
dạy chu đáo để chúng có thể sống tự lập. Theo cô Hiền, trách nhiệm của người làm cha làm
mẹ không phải ở việc sinh con mà quan trọng hơn là cho con một nhân cách, một tương lai.


Đó là tình yêu sâu sắc của một người mẹ yêu con nhưng cũng rất tôn trọng con.
Cô Hiền dạy con từ khi chúng cong nhỏ và dạy từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cô không
coi chuyện ngồi ăn, chuyện cầm bát, cầm đũa, múc canh là chuyện vặt vãnh mà coi đây là cả
một văn hóa sống. Cô Hiền vẫn răn các con, cháu :”Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi
đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng.” Cô Hiền dạy con phải
biết tự trọng, biết xấu hổ. Theo cô, lòng tự trọng là chuẩn mực của con người. Lòng tự trọng
không cho phép con người sống hèn nhát, ích kỉ. Thời chiến tranh, những người con trai của
cô tự nguyện ra mặt trận. Cô thẳng thắn thừa nhận :”Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao
không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn bè.”Nguyễn Khải đã rất tinh tế khi xử lí
những nét tâm trạng đối nghịch nhau kiểu này. Nhà văn công tâm không muốn giấu giếm sự
“đau đớn” của cô Hiền. Nó là tâm tư vốn có, chân thực nhất của người mẹ nào có con ra trận.
Thái độ “bằng lòng” của cô xuất phát từ lòng tự trọng nên khi người con thứ hai của cô làm
đơn ra trận, cô vẫn không ngăn cản. Mọi suy nghĩ của cô đều rất công bằng : “Tao cũng muốn
được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống hoặc chết cả, vui lẻ có hay hớm gì.”Nếu
trong lòng không có sẵn ý thức công dân cao độ thì không thể có được ý nghĩ bình thường mà
cao đẹp vậy. Ý thức tự trọng đã xuyên suốt nguyên tắc ứng xử của con ngừơi này, khiến bà
luôn là mình mà cũng luôn được xung quanh nể trọng vì ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Lòng tự trọng từ người mẹ còn có sức lan truyền tới cả thế hệ các con. Những người con cô
Hìên đã biết sống xứng đáng với niềm tự hào của mẹ.
Cô Hiền cũng như những người Hà Nội khác, cuộc đời đã cùng Hà Nội, cùng với Đất
nước trải qua bao biến đổi, thăng trầm nhưng vẫn luôn giữ được cái cốt cách, cái bản lĩnh văn
hóa người Hà Nội.
Ở cô Hiền thấy nổi lên bản lĩnh của một ngừơi luôn dám là mình. Là mình trong mối
quan hệ với cộng đồng, với đất nước. Là mình trong những chiêm nghiệm về lẽ đời. Trong
những năm kháng chiến, cô Hiền không tản cư, không lên căn cứ mà ở lại Hà Nội, chỉ vì
“không thể rời xa Hà Nội”.Vả lại, cô nghĩ chồng mình là một ông giáo Tiểu học, mà ở đâu
người ta chẳng mang con đi học. Hòa bình lặp lại, cô Hiền cũng vui trong niềm vui chung của
cả dân tộc nhưng cô cũng tinh ý nhận ra rằng “vui hơi nhiều, nói cùng hơi nhiều”.Theo cô,
Chính phủ can thiệp vào nhiều chuyện của dân quá. Cuộc sống có nhiều thay đổi, cô vẫn tính
tóan mọi chuyện trước sau rất khéo léo. Mà đã tính là làm. Mà đã làm là không để ý đến

những lời đàm tiếu của thiên hạ.
Trải qua những thăng trầm, vạn biến của xã hội thì con người Hà Nội ấy vẫn giữ được
lối sống, lối suy nghĩ đậm chất Hà Nội. Bất luận thời đại có làm con người nhếch nhác một
cách có lí do thì cô Hiền và gia đình vẫn giữ một nếp sống văn hóa. “Mùa đông ông mặc áo ba-
đờ-xuy,đi giày da, bà mặc áo măng-tô cổ lông, đi giày nhung đính hạt cườm. Lại cái ăn nữa
cũng không giống số đông. Bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát úp trên đũa,
đũa bọc trong giấy bản và từng người ngồi đúng chỗ đã qui định.” Cô Hiền không thích xưng
hô đánh đồng kiểu “đồng chí” của thời chiến. Đó là lí do cô cau mặt gắt và thở dài quay đi khi
chồng con xưng hô hai tiếng đó. Từ cái ăn, cái mặc đến cách nói năng của họ đều toát lên vẻ
lịch thiệp, văn hóa. Nó trở thành nền nếp, gia phong bất di bất dịch của gia đình. Chẳng vì thế
mà những năm đất nước đi vào thời kì đổi mới, giữa không khí xô bồ của nền kinh tế thị
trường, cô Hiền tuy đã già nhưng vẫn là một người Hà Nội của hôm nay, thuần tuý Hà Nội,
không pha trộn. Phòng khách của cô vẫn lưu giữ cái hồn của Hà Nội, cổ kính, quý phái và
tinh tế. Cái nơi tiếp khách của cô mấy chục năm không hề thay đổi, vẫn là một bộ xa lông gụ,
cái sập gụ chân quỳ, trong tủ thì bày một lọ men Thúy hồng, một cái lư hương thời Hán, một
cái liễn hấp sâm Giang Tây và mấy thứ bình lọ màu men.
Chất Hà Nội của cô con thể hiện qua thái độ ung dung, tự tại trước những biến động
lớn cùa cuộc đời. Chín năm kháng chiến, cô không lên chiến khu mà ở lại Hà Nội. Khi Hà Nội
được giải phóng, không mải vui trong chiến thắng của dân tộc, cô Hiền tự giác nghĩ đến
chuyện làm ăn. Có phần cực đoan khi kết luận :Chế độ này không thích cá nhân làm giàu, chỉ
cần họ đủ ăn, thiếu ăn một chút càng hay,thiếu ăn là vinh chứ không là nhục nên tao chỉ cần đủ
ăn.” Cô Hìên đã lựa chọn một giải pháp kinh tế an tòan : bán hoa giấy. Làm hoa giấy không
giàu nhưng đủ ăn, lại nhàn và không phải lo lắng gì. Đây cũng là phần công việc nhẹ nhàng,
thanh nhã phù hợp với người như cô Hiền.
Trước bao xao động của cuộc sống, cô Hiền vẫn giữ cho mình những nét đẹp nhất của
nhân cách con người. Như ai đó đã khẳng định :”Ngay cả khi cơn lốc của nền kinh tế thị
trường làm xói mòn đi nếp sống của Hà Nội ngàn năm văn vật thì cũng không thể làm lay
chuyển ý thức của những con người luôn tin vào giá trị văn hóa bền vững của Hà Nội không thể
mất đi.” Chỉ ra những nét tính cách phức tạp nhưng hết sức hợp lí ở một người phụ nữ bình
thường, Nguyễn Khải đã đề cao nét đẹp văn hóa Hà Nội ẩn chứa trong nhân vật bà Hiền. Bà

Hiền không chỉ là biểu tượng của một thời vàng son đã qua của Hà Nội mà còn là hiện thân
của văn hóa Tràng An đứng vững trong đảo điên thường nhật. Ở bà vẫn sáng lên một niềm
tin trọn vẹn vào giá trị văn hóa của cuộc sống. Sau sự kiện cây si bị bật gốc sống lại, trổ lá
non, bà nói :”Thiên địa tuần hòan, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được.”Những
điều kì diệu như thế chỉ có thể xảy ra nhờ những con người còn biết lưu giữ những giá trị đích
thực của quá khứ như bà Hiền.
Với cốt cách và những nét đẹp văn hóa Hà Nội của cô Hiền, tác giả đã gọi cô Hiền là
một “hạt bụi vàng” của Hà Nội. Hạt bụi là một thứ nhở bé, tầm thường, ít ai nhìn thấy được
nhưng “hạt bụi vàng” dù nhỏ bé vẫn mang giá trị quý giá. Nhiều “hạt bụi vàng” hợp lại sẽ
thành ánh vàng chói sáng đất Kinh kì.
Nhân vật cô Hiền được xây dựng không theo khuôn mẫu như các nhân vật trong các
tác phẩm viết trước năm 1978. Cô Hiền là một người bình thường nhưng ở cô thấm sâu cái
tinh hoa cốt cách người Hà Nội. Những người Hà Nội như cô là những “hạt bụi vàng” lấp
lánh đâu đó ở phố phường Hà Nội. Nhưng những “hạt bụi vàng” ấy “bay lên cho đất kinh kì
chói sáng những ánh vàng”. “Ánh vàng” ấy là nét đẹp văn hóa Hà Nội, một Hà Nội văn hiến,
hào hoa. “Một người Hà Nội” là một khám phá bất ngờ về đất kinh kì qua một con người cụ
thể, sinh động.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×