Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Thấp cổ bé họng doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.1 KB, 5 trang )

Thấp cổ bé họng




Ba đi đâu về bảo mẹ: Hôm nay ba mệt, không buồn ăn
cơm, uống cốc nước chanh thôi. Mẹ không nói gì. Đứa con
3 tuổi không chịu ăn, mẹ liền quát lên: Phải ăn hết tô cơm
và ép con ăn lấy ăn để, mệt nhọc gì mẹ cũng không cần
biết, con cũng chẳng nói ra được, bữa ăn biến thành một
cuộc vật lộn giữa hai mẹ con, có khi cả ba cả ông bà chen
vào, cuối cùng em bé nôn ọe, mẹ lại càng cáu giận.

Thích ăn gì, no đói lúc nào, ba mẹ biết hơn con vì ba mẹ là
Thượng Đế có quyền an bài cho tất cả.
Vẻ chi ăn uống sự thường
Cũng còn áp đặt khá thương lọ là
Đối với người lớn thì “trời đánh tránh bữa ăn”, đối với con
nhỏ lại khác. Chính vì toàn quyền mà ba mẹ dễ vô tình gây
ra những tấn kịch, gây khổ cho con.

Đứa cháu ngoại tôi, chiều ở mẫu giáo ra về, mẹ đưa lại chơi
với ông nửa tiếng trước lúc về nhà, mỗi lần tôi kể cháu câu
chuyện phiêu lưu của Mèo mướp, trôi dạt từ mũi Cà Mau
đến núi rừng Cao Bằng, đi khắp thế giới, từ những đỉnh
Hymalaya đến Bắc Cực, cậu cháu nhập vai vào chú mèo
gan dạ thông minh, hễ đến là nhảy lên đầu gối tôi ngồi nghe
chuyện. Nhưng 4,5 giờ chiều cũng là lúc là nhiều ông
khách cũng tranh thủ đến gặp bàn việc này việc khác,
khách đến ông phải bảo cháu ra sân chơi. Cháu hờn dỗi,
không chịu đi, bảo chào khách, nói lại: "Cháu không biết


chào" rồi có khi xô đẩy ông khách. mẹ cháu vào kéo ra la
mắng. Bao lần ông đang tiếp khách, có người đến, ông bảo:
Xin đợi ít phút, bàn xong việc tôi sẽ xin tiếp bác. Tại sao
ông không bảo: Tôi đang kể chuyện cho cháu, xin đợi chốc
lát hết chuyện tôi sẽ tiếp ông? Khổ là cháu cũng không nói
lên được như vậy.

Biết bao nhiêu chuyện đều như vậy. Đang say mê làm ông
tướng, mà lại là đại tướng kia, oai phong lẫm liệt, đánh
đông dẹp tây, ba bảo: "Im đi, làm ồn không cho ba làm
việc. 9 - 10 tuổi còn nhỏ bé gì nữa". Nhiều khi giữa đám
đông bè bạn, mẹ quấn quýt vuốt mái tóc, sửa tà áo, kéo
quần cho như một em bé, xấu hổ đến chết.
Tệ hơn nữa! Ba mẹ bất hòa, ngày này qua ngày khác cãi
nhau, con lo sợ trằn trọc, hôm sau đến lớp học, đầu óc phân
tán, không tập trung nghe cô giảng, bị phạt điểm 0. Về nhà
ba mẹ xem vở lại quở mắng, quả là oan, lỗi tạI ai? Đứa bé ở
nhà bị mắng, đến lớp bị phạt, bị những con người mà em
yêu thích nhất xử oan. Khổ là oan ức chỉ cảm nhận, mà
không thể nhìn nhận rõ ràng, trái lời ba mẹ, trái lời cô giáo
những con người cao siêu, những thần tượng mình từng tôn
thờ, thì chắc là mình có tội thật, mình xấu xa như thế nào
nên sự việc mới xảy ra như vậy. Nói theo tâm lý học, một
“mặc cảm tội lỗi” đã nảy sinh trong thâm tâm, trong vô
thức của em bé, một đám mây đen đã lấp mất một quảng
trời trong sáng.

Không chỉ thấp cổ bé miệng, mà miệng nói cũng không ra,
không có đường gỡ, ba mẹ thầy cô không hiểu cho mà cứ
giận dữ, trừng phạt thì đành chịu oan.

Dù khi sấm sét bất kỳ
Làm thân con cháu kêu gì được con
Nhiều nhà tâm lý học thấy có những em bé cứ như là cố
tình, quấy rối để ba mẹ, giáo viên trừng phạt mà hình như
có bị phạt chúng mới yên tâm. Mặc cảm tội lỗi đã thúc đẩy
dần đến những hành vi chuộc tội, bằng cách nhận phạt, như
những tín đồ tôn giáo sám hối tự hành hạ thân mình để
chuộc tội. Chuộc tội để cầu lại tình yêu, sự che chở của ba
mẹ, bảo đảm cho an toàn, bằng không cứ lo sợ bị ruồng bỏ
ám ảnh mãi. Bị ruồng bỏ là một nỗi lo hãi thường ngự trị
trong tâm tư các em.

Hồi đứa cháu ngoại của tôi 4 tuổi nghe kể câu chuyện tí
hon, đến đoạn: ba mẹ hết tiền mua gạo bàn với nhau đành
phải bỏ lạc đàn con trong rừng sâu, nó trầm ngâm chốc lát
rồi hỏi: Nhà mình đủ tiền mua gạo, ông nhỉ? Tác giả câu
chuyện tí hon đã đánh trúng mối tâm tư sâu sắc của trẻ em.

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×