Công bố báo cáo kiểm toán: “Vá”
những lỗ hổng
Ngày 25-11, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thông báo kết quả
một số cuộc kiểm toán trong năm 2008. Qua đó nhiều "lỗ hổng"
trong mua sắm, chi tiêu, quản lý tài chính,… dẫn tới tình trạng
ngân sách bị lãng phí nghiêm trọng đã được chỉ rõ . Kết quả kiểm
toán còn có tác dụng cảnh báo các đơn vị sử dụng ngân sách.
Các Ban quản lý dự án: Mua sắm lãng phí 8,568 tỷ đồng
Báo cáo kiểm toán việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản của
các ban quản lý dự án (BQLDA) thuộc một số bộ, ngành, địa
phương và kiểm toán các gói thầu thuộc dự án hồ Tả Trạch
(Thừa Thiên-Huế) đã chỉ ra những lỗ hổng lớn trong việc sử dụng
ngân sách nhà nước (NSNN).
Kiểm toán các BQLDA thuộc bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Giao thông Vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Y tế và 4 địa
phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình và Đồng Nai cho
thấy, tổng số tiền chi cho những hạng mục mua sắm tài sản vượt
tiêu chuẩn và sai mục đích sử dụng lên tới 71,358 tỷ đồng. Tính
riêng tài sản đã được các BQLDA mua sắm lãng phí lên tới 8,590
tỷ đồng, trong đó, các BQLDA thuộc Bộ Y tế lãng phí tới 8,568 tỷ
đồng. KTNN cũng chỉ rõ, những khoản chi sai tại các BQLDA
như: mua sắm phương tiện đi lại; trang bị tài sản, máy móc, cho
mượn và điều chuyển tài sản… Trong khi đó nhiều hạng mục
mua sắm phục vụ tiến độ thực hiện dự án đã duyệt lại không
được thực hiện. Có khoản thực hiện chậm từ 1 đến 3 năm khiến
dự án bị kéo dài thời gian hoàn thành và chậm phát huy hiệu quả.
Sự chênh lệch lớn giữa giá trúng thầu (giá hợp đồng) và giá dự
toán đã duyệt được KTNN chỉ rõ qua kiểm toán dự án hồ Tả
Trạch (Thừa Thiên - Huế). Cụ thể, giá trúng thầu của dự án
chênh lệch tới 128,609 tỷ đồng, còn giá dự toán được duyệt
chênh lệch 72,63 tỷ đồng. Số chênh lệch này là rất lớn nhưng cơ
quan thẩm tra, thẩm định lại không phát hiện được.
Tại Báo cáo kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), KTNN
đã chỉ ra nhiều điểm cần lưu ý. Về tỷ lệ tổn thất điện năng 10,56%
của EVN, theo KTNN, con số này tuy thấp hơn đề án do Bộ Công
nghiệp (nay là Bộ Công thương) đề ra trong giai đoạn 2004-2010.
Song nếu xét chỉ tiêu hạ mức tổn thất điện tới năm 2010 (chỉ còn
8% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ), EVN khó có thể
đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, KTNN cũng chỉ rõ việc quản lý
nợ tại Tập đoàn còn thiếu chặt chẽ, làm phát sinh nhiều khoản nợ
khó đòi. Đồng thời, KTNN cũng chỉ rõ sai phạm về sử dụng vốn
vay của Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh khi dùng vốn vay ngân
hàng xây sân tennis phục vụ hoạt động mang tính phúc lợi,
nhưng lại hạch toán lãi vay vào chi phí sản xuất .
KTNN đã chỉ rõ số chênh lệch tăng giá bán điện năm 2007 của
EVN là 3.402,940 tỷ đồng và xác định, nếu tính cả số chênh lệch
tăng giá điện vào kết quả kinh doanh 2007, tập đoàn này sẽ
không lỗ 506,077 tỷ đồng mà sẽ có tổng lợi nhuận trước thuế lên
tới 4.376,415 tỷ đồng. Những số liệu này sẽ là căn cứ để xác định
lợi nhuận của EVN, số thuế phải nộp ngân sách cũng như việc
điều chỉnh tăng giá điện trong thời gian tới…
Đề nghị xem xét trách nhiệm về các khoản chi sai
Theo Tổng KTNN Vương Đình Huệ, để có được báo cáo kiểm
toán công bằng, minh bạch và khiến các đơn vị được kiểm toán
"tâm phục, khẩu phục", KTNN phải xử lý một lượng lớn dữ liệu.
Trên cơ sở đó, các kiểm toán viên rà soát, tính toán để tìm ra
những điểm bất hợp lý. Thực tế cho thấy, trong năm 2008, KTNN
đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán quy mô lớn tại các tập đoàn,
tổng công ty lớn của Nhà nước. Những "lỗ hổng" trong việc chi
tiêu ngân sách của từng đơn vị đã được chỉ rõ thông qua số liệu
cụ thể. Đây là những lời cảnh báo với các đơn vị sử dụng ngân
sách kém hiệu quả, gây lãng phí nghiêm trọng. Quan trọng hơn,
từ những kiến nghị của KTNN, các bộ, ngành, doanh nghiệp liên
quan sẽ đúc rút được kinh nghiệm tránh vấp phải những sai
phạm tương tự. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chức năng
truy cứu trách nhiệm các cá nhân nhằm truy thu những khoản
thất thoát, lãng phí.
KTNN đã kiến nghị EVN xem xét lại số nộp ngân sách sau khi xác
định con số cụ thể từ chênh lệch nguồn thu tăng giá bán điện
năm 2007. Đồng thời yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cá nhân,
tập thể trong việc làm phát sinh công nợ khó đòi, đầu tư dàn trải
gây lãng phí… Theo ông Vương Đình Huệ, nếu EVN tăng cường
kiểm soát chi phí, tiết kiệm chi tiêu trong các khâu sản xuất,
truyền tải, phân phối, việc đưa ra mức giá bán điện hợp lý hơn
hiện tại là hoàn toàn khả thi.
Đối với Báo cáo kiểm toán việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài
sản của các BQLDA một số bộ, ngành, địa phương, KTNN đã
kiến nghị rà soát, thu hồi những trường hợp cấp trang thiết bị và
phương tiện sai quy định. Đồng thời đề nghị xem xét trách nhiệm
các cá nhân, tập thể có sai phạm khi thực hiện những khoản chi
sai, gây thất thoát tài sản và buộc cá nhân có sai phạm phải bồi
thường theo đúng luật định…