Đột phá sức sáng tạo. Bí mật của những thiên tài sáng tạo (Michael
Michalko)
Mục lục:
Phần 1: Nhận ra những điều người khác không thấy
Chiến lược 1 : Biết cách nhìn nhận
Chiến lược 2: Trình bày suy nghĩ bằng những hình ảnh trực quan
Phần II: Nghĩ những điều không ai nghĩ tới.
Chiến lược 3: Tư duy mạch lạc
Chiến lược 4: Tạo những kết hợp mới mẻ
Chiến lược 5: Kết nối những ý tưởng rời rạc
Chiến lược 6: Nhìn vào mặt khác của vấn đề
Chiến lược 7: Kiếm tìm trong những thế giới khác
Chiến lược 8: Tìm thấy cái bạn không định tìm kiếm.
Chiến lược 9: Đánh thức tinh thần hợp tác
Về tác giả:
Michael Michalko là chuyên gia hàng đầu thế giới về sáng tạo và là tác giả của nhiều cuốn sách
bán chạy nhất như Thinkertoys, Think Pak, Cracking Creativity v.v. Nhờ ứng dụng những kỹ
thuật tư duy sáng tạo nghiên cứu được, ông đã tham gia giải quyết thành công rất nhiều vấn đề
trong Chính phủ cũng như trong các tập đoàn doanh nghiệp của Hoa Kỳ.
Tóm lược nội dung:
Từ nhiều năm nay, các học giả và nhà nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu về thiên tài bằng cách đưa
ra những thống kê cần thiết với rất nhiều dữ kiện để bằng cách nào đó làm sáng tỏ được bản chất
của thiên tài .
Ý tuởng sáng tạo của các thiên tài được hình thành như thế nào? Đặc trưng trong chiến lược tư
duy của họ là gì? Mối liên quan giữa thiên tài và trí thông minh ra sao? Có phải thiên tài bao giờ
cũng có chỉ số IQ cao nhất?
Một đặc điểm quan trọng nhất của thiên tài là không tái lập suy nghĩ cũ dựa trên hiểu biết trong
quá khứ mà là thiết lập những suy nghĩ mới.
Muốn thành công trong cuộc sống phải luôn đưa ra những ý tưởng sáng tạo khác nhau. Nếu không
đưa ra các ý tưởng đổi mới, các ý tưởng vốn có của chúng ta sẽ trở nên trì trệ và mất đi ưu điểm
của chúng. Cuối cùng chúng ta sẽ bị đánh bại trong cuộc cạnh tranh với đối thủ của mình.
Thiên tài tương đồng với quá trình tiến hóa sinh học ở chỗ cả hai đều đòi hỏi sự hình thành những
lựa chọn và ước đoán không biết trước. Bằng cách nào thiên tài lại có khả năng hơn hẳn chúng ta
như vậy? Câu trả lời nằm trong toàn bộ cuốn sách; trong đó có một luận giải quan trọng: thiên tài
là những người có lối tư duy sinh sôi/nảy nở/vận động, không phụ thuộc vào những điều người đi
trước đã nghĩ, đã được truyền dạy trong xã hội hoặc nhà trường.
Những kỹ năng tư duy sáng tạo được nghiên cứu trong cuốn sách này sẽ chỉ ra cho bạn cách tạo
nên những ý tưởng và giải pháp sáng tạo cần trong công việc và đời sống của mình.
Nói một cách khái quát, khi bạn cần một giải pháp mới lạ và cơ bản cho hoạt động kinh doanh
hoặc các vấn đề khác nảy sinh trong cuộc sống, bạn cần:
* Tạo ra vô số cách nhìn khác nhau cho vấn đề cho đến khi bạn tìm ra một cách nhìn mong muốn.
* Tạo ra một lượng lớn các phương án và phỏng đoán. Từ trong số này, giữ lại những ý tưởng tốt
nhất để phát triển.
* Tạo ra những biến đổi trong những ý tưởng của bạn bằng cách kết hợp những yếu tố ngẫu nhiên
hay không liên hệ.
Để trình bày tư tưởng của mình, tác giả chia cuốn sách thành hai phần, mỗi phần đi sâu vào các
chiến lược cụ thể, hợp thành 9 chiến lược cơ bản.
Nắm được những chiến lược tư duy đó và vận dụng sáng tạo vào công việc bạn đang tiến hành,
bạn hoàn toàn có khả năng gặt hái nhiều thành công hơn nữa ...
Phần I: Nhận ra những điều người khác không thấy
Phần này gồm hai chiến lược “Biết cách nhìn nhận“ và “Trình bày suy nghĩ bằng những hình ảnh
trực quan“. Những chiến lược này giải thích làm cách nào thiên tài tạo ra vô số góc nhìn và ước
đoán bằng cách trình bày những vấn đề của họ theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc sử
dụng biểu đồ.
1. Biết cách nhìn nhận:
Thiên tài thường bắt đầu từ việc tìm ra các góc nhìn mà chưa ai nghĩ đến. Leonardo da Vinci tin
rằng để hiểu được dạng thức của vấn đề, bạn nên bắt đầu bằng việc học cách làm thế nào sắp xếp
lại vấn đề đó theo chiều hướng khác nhau. Ông nhận thấy cách nhìn đầu tiên của ông về một vấn
đề thường thiên về hướng thông thường ông vẫn nhìn nhận sự việc. Ông sẽ sắp xếp lại vấn đề đó
bằng cách xem xét nó từ một góc độ này rồi chuyển sang một góc độ khác và một góc độ khác
nữa. Sau mỗi lần chuyển đổi, ông sẽ hiểu vấn đề sâu sắc hơn và bắt đầu nắm được bản chất của
nó. Về bản chất, Thuyết tương đối của Einstein mô tả tác động tương hỗ giữa các cách nhìn nhận
khác nhau. Những phương pháp phân tích của Freud được lập nên để tìm ra các chi tiết không
đúng theo quan niệm thông thường, từ đó tìm ra một góc nhìn hoàn toàn mới.
Có lẽ điều đáng nói nhiều nhất về những con người kiệt xuất này là họ không tiếp cận vấn đề theo
cách lặp lại, tức là dựa trên cơ sở của những vấn đề đã được giải quyết trước đó. Cảm nhận vấn đề
dựa vào những trải nhiệm trong quá khứ đương nhiên sẽ khiến chúng ta lạc hướng. Để giải quyết
vấn đề một cách sáng tạo, nhà tư duy cần quên đi cách tiếp cận ban đầu xuất phát từ kinh nghiệm
và xây dựng lại khái niệm về vấn đề đó. Không chịu dừng lại với một khả năng, thiên tài không
chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề đang tồn tại, như tìm cách chữa căn bệnh ung thư chẳng hạn. Họ
còn nhận ra những vấn đề mới. Freud không phân tích những giấc mơ mà trước hết, những giấc
mơ đòi hỏi thiên tài này phải biết chúng mang tới những ý nghĩa gì cho tinh thần.
2. Trình bày suy nghĩ bằng những hình ảnh trực quan:
Trong thời kỳ Phục hưng, sự bùng nổ sáng tạo có gắn bó mật thiết với những ghi chép và truyền
thụ khối lượng kiến thức đồ sộ bằng một ngôn ngữ khác, song song với chữ viết; đó là ngôn ngữ
của tranh vẽ, đồ thị và biểu đồ - như biểu đồ nổi tiếng của Leonardo da Vinci và Galileo. Galileo
đã thay đổi hoàn toàn thế giới khoa học bằng cách trình bày những suy nghĩ của ông một cách trực
quan thông qua các biểu đồ, bản đồ và hình vẽ trong khi những người cùng thời của ông lại chọn
cách tiếp cận truyền thống bằng toán học và ngôn từ.
Dường như, khi khả năng trình bày ngôn ngữ bị hạn chế ở mức tối thiểu, thiên tài lại phát triển khả
năng nhìn và cảm nhận về không gian. Điều này cho phép họ thể hiện thông tin một cách linh hoạt
theo nhiều chiều hướng khác nhau. Khi suy nghĩ về một vấn đề, Einstein luôn thấy cần phải trình
bày rõ ràng ý tưởng của mình theo nhiều cách khác nhau càng tốt, bao gồm cả việc sử dụng đồ thị.
Ông có khả năng nhìn và nhớ rất tốt. Ông thích suy nghĩ theo hướng sử dụng không gian và hình
ảnh hơn là suy nghĩ thuần tuý theo hướng lập luận bằng toán học và ngôn từ. Thực tế, ông tin rằng
từ ngữ và chữ số, dù được viết hay nói ra, cũng không có vai trò quan trọng trong quá trình tư duy
của ông.
Phần II: Nghĩ những điều không ai nghĩ tới:
Chiến lược đầu tiên - “Tư duy mạch lạc” - giới thiệu một bộ các nguyên tắc có giá trị lâu dài và
bền vững về việc làm thế nào để hình thành nên một lượng lớn ý tưởng. Bên cạnh việc tạo ra nhiều
ý tưởng, một phần rất quan trọng của thiên tài là đưa tới các ý tưởng sáng tạo, độc đáo khác nhau
và để sự đa dạng này thực sự hiệu quả, chúng cần phải “không định trước”. Năm chiến lược tiếp
theo: “Tạo những kết hợp mới mẻ”, “Kết nối những ý tưởng rời rạc”, “Nhìn vào mặt khác của vấn
đề”, “Kiếm tìm trong những thế giới khác” và “Tìm thấy cái bạn không định tìm kiếm” trình bày
cách mà các thiên tài có được những ý tưởng sáng tạo và độc đáo bằng việc kết hợp chặt chẽ sự
tuỳ ý hay ngẫu nhiên trong một quá trình sáng tạo để cố tình làm mất tính ổn định của những
khuôn mẫu tư duy sẵn có và tái tổ chức suy nghĩ theo hướng mới. Chiến lược cuối cùng - “Đánh
thức tinh thần hợp tác”- giới thiệu những điều kiện để tư duy nhóm hiệu quả và một bộ các kỹ
năng tư duy đẳng cấp.
1. Tư duy mạch lạc:
Một đặc điểm giúp ta nhận ra những thiên tài là suy nghĩ sáng tạo và phong phú. Thomas Edison
giữ 1093 bằng sáng chế và đến đến nay, đây vẫn là một kỷ lục. Ông đảm bảo sự sáng tạo bằng
việc đặt cho bản thân và những cộng sự của mình các chỉ tiêu ý tưởng. Chỉ tiêu của chính cá nhân
ông là cứ 10 ngày một sáng chế nhỏ và cứ sáu tháng một phát minh lớn. Hàng tuần, Bach viết một
bản can-tát, ngay cả khi ông mệt mỏi hay kiệt sức. Mozart sáng tác được trên 600 bản nhạc lớn
nhỏ. Nổi tiếng bởi Thuyết tương đối nhưng bên cạnh đó, Einstein còn công bố 248 công trình
khác. Vô số những phác thảo bài thơ Vùng đất hoang của T.S.Eliot gồm cả những đoạn văn hay và
dở đã góp phần tạo ra một tác phẩm kiệt xuất.
Tự nhiên tạo ra rất nhiều khả năng và sau đó để cho quá trình chọn lọc tự nhiên quyết định loài
nào được tồn tại. Phần lớn trong số đó không tồn tại; thực tế, 95% loài mới suy vong và chết đi
trong một thời gian ngắn. Trong một nghiên cứu về 2036 nhà khoa học trng lịch sử, Keith
Simonton thấy rằng những người đáng kính trọng nhất tạo ra không chỉ nhiều sản phẩm tốt hơn
mà còn nhiều sản phẩm tồi hơn. Một số trong những kết quả đó trở thành kiệt tác. Thiên tài là
như vậy.
2. Tạo những kết hợp mới mẻ:
Vào năm 1988, trong cuốn sách Thiên tài khoa học của mình, Dean Keith Simonton của Đại học
California, Davis, cho rằng những thiên tài là thiên tài bởi họ tạo ra nhiều sự kết hơp mới mẻ
hơn những người chỉ thuần tuý tài năng. Ý kiến này của ông dựa vào từ nguyên học: cogito-
“tôi nghĩ”- có ý nghĩa ban đầu là “trộn với nhau”; intelligo, từ gốc của “thông minh” nghĩa là “lựa
chọn trong số”. Đây chính là trực cảm ban đầu, rõ ràng về ích lợi của việc kết hợp ngẫu nhiên các
ý tưởng và suy nghĩ với nhau cũng như của việc lựa chọn giữ lại một số trong nhiều ý tưởng đó.
Giống như một đứa trẻ rất thông minh với vô số khối xếp hình Lego, một thiên tài luôn kết hợp và
tái kết hợp các ý tưởng, hình ảnh và suy nghĩ theo các hướng khác nhau trong ý thức và tiềm thức
của mình. Hãy đề cập công thức của Einstein “E = mc2”. Einstein không sáng tạo ra các khái niệm
năng lượng, khối lượng hay vận tốc ánh sáng. Đúng hơn, bằng việc kết hợp các khái niệm này
theo một cách mới mẻ, ông có khả năng nhìn thấy cùng một thế giới giống mọi người và nhận ra
những điều khác biệt. Cách suy nghĩ của Einstein mơ hồ hướng tới phương thức được gọi là “trò
chơi tổ hợp”. Trên thực tế, trò chơi tổ hợp này có vẻ là nét đặc trưng nổi bật trong những tư duy
sáng tạo của ông.
3. Kết nối những ý tưởng rời rạc:
Nếu một thiên tài có lối tư duy nhất định nổi trội, thiên tài đó có thể tạo ra những kết nối giúp
tránh được những sai lầm chết người. Hãy gọi đó là sự linh hoạt kết nối những điều chưa kết nối
bằng cách thúc đẩy những mối quan hệ cho phép họ tìm ra điều mà người khác không thấy.
Leonardo da Vinci đã chỉ ra được mối liên hệ giữa tiếng chuông và một hòn đá ném xuống mặt
nước. Điều này đã cho phép ông tìm ra sự liên kết: âm thanh truyền đi dưới dạng sóng. Vào năm
1865, F.A.Kekule trực cảm cấu trúc dạng vòng của phân tử benzen bằng việc liên hệ với giấc mơ
về con rắn tự cắn đuôi của nó. Samuel Morse vấp phải trở ngại khi cố gắng tìm ra một tín hiệu đủ
mạnh để truyền từ bờ bên này đến bờ bên kia đại dương. Một ngày, ông nhìn thấy người ta thay
ngựa tại một trạm chuyển tiếp và tìm ra ngay mỗi liên hệ giữa trạm chuyển tiếp ngựa và những tín
hiệu mạnh. Nokola Tesla tìm ra mối liên hệ giữa mặt trời lặn và một động cơ rồi cho ra đời động
cơ xoay chiều bằng cách cho điện trường của nam châm quay bên trong động cơ, giống như mặt
trời (theo quan điểm của con người khi đó) quay quanh trái đất.
4. Nhìn vào mặt khác của vấn đề:
Nhà vật lý học, triết gia David Bohm, tin rằng thiên tài có những suy nghĩ khác biệt bởi họ có thể
chấp nhận những cảm nhận trái ngược nhau giữa các sự vật đối lập hoặc không thể hoà hợp. Giáo
sư Albert Rothenberg, một nhà nghiên cứu về quá trình sáng tạo, nhận thấy khả năng này có ở rất
nhiều thiên tài như Einstein, Mozart, Edison, Pasteur, Joseph Conrad, Picasso và Niels Bohr. Bohr
tin rằng khi bạn đặt những mặt đối nghịch cạnh nhau, để cho bản thân suy nghĩ vẩn vơ một chút và
trí não của bạn sẽ chuyển sang một cấp độ mới. Suy nghĩ mông lung cho phép trí thông minh vượt
qua những tư duy thông thường để hoạt động và tạo ra dạng thức mới. Hoà quyện những mặt đối
lập tạo điều kiện cho một góc nhìn mới nổi lên. Khả năng tưởng tượng ánh sáng vừa có dạng hạt,
vừa là dạng sóng của Bohr đã dẫn tới khá niệm của ông trở thành nguyên lý hoàn chỉnh.
5. Kiếm tìm trong thế giới khác:
Aristotle cho rằng phép ẩn dụ là dấu hiệu của một thiên tài. Ông tin một cá nhân có khả năng cảm
nhận sự tương đồng giữa hai lĩnh vực tồn tại hoàn toàn tách rời là người có khả năng đặc biệt.
Nếu những sự việc không giống nhau lại thật sự tương đồng ở một số khía cạnh nào đó thì có
lẽ, chúng còn tương tự nhau ở những khía cạnh khác nữa.
Alexander Graham Bell quan sát thấy sự tương đồng giữa cơ chế làm việc của tai trong và chuyển
động của một dây làm thanh thép chuyển dịch, từ đó tượng tượng ra máy điện thoại.
Một ngày, Thomas Edison phát minh ra chiếc máy hát đầu tiên khi phát triển được sự tương đồng
giữa một cái phễu đồ chơi, chuyển động của hình nhân và rung động của âm thanh. Các công trình
dưới nước có thể thực hiện được nhờ việc quan sát đường ngầm do con hà tạo ra trong cây gỗ
bằng cách trước hết tạo ra những đường ống. Einstein nhận thấy và giải thích nhiều nguyên lý trừu
tượng bằng việc vẽ ra những điểm tương đồng giữa sự việc xảy ra hàng ngày như là chèo thuyền
hay đứng trên sân ga khi đoàn tàu chạy qua.
6. Tìm thấy cái bạn không định tìm kiếm:
Bất cứ khi nào chúng ta cố gắng làm điều gì và thất bại, chúng ta đều ngừng thực hiện những
việc khác. Đơn giản như chính tựa đề của chiến lược này, nguyên tắc đầu tiên của sáng tạo là sự
ngẫu nhiên. Chúng ta có thể tự hỏi mình tại sao lại thất bại khi thực hiện điều chúng ta muốn làm
- chính là điều hợp lý, dự kiến trước đó - nhưng sự ngẫu nhiên sáng tạo lại gợi lên một câu hỏi
khác: Chúng ta đã làm được điều gì?
Để trả lời câu hỏi theo một cách mới mẻ, bất ngờ là hoạt động sáng tạo không thể thiếu. Nó không
phải do may mắn mà là khả năng hiểu thấu vấn đề ở mức cao nhất. Alexander Fleming không
phải là bác sỹ đầu tiên nhận biết hiện tượng nấm mốc phát triển trên môi trường để hở khi nghiên
cứu những vi khuẩn gây tử vong ở người. Những bác sỹ kém tài năng hơn sẽ bỏ qua hiện tượng có
vẻ không liên quan đó, nhưng Fleming lại coi nó là sự kiện “thú vị” và băn khoăn liệu có tiềm ẩn
khả năng nào không. Năng lực quan sát “thú vị” đó đã dẫn đến penecillin, loại thuốc kháng sinh đã
cứu hàng triệu sinh mạng.
Thomas Edison, khi suy nghĩ làm thế nào để tạo ra dây tóc bóng đèn từ cacbon, đã vô tình nghịch
một miếng mát-tít, xoay và vặn xoắn nó trong tay. Khi nhìn xuống tay mình, câu trả lời ở ngay
trước mắt: xoắn cacbon như sợi dây thừng.
B.F. Skinner đã nhấn mạnh nguyên tắc đầu tiên trong hệ thống phương pháp thực nghiệm khoa
học: Khi tìm thấy điều thú vị, hãy dừng tất cả mọi viêc khác và nghiên cứu nó. Rất nhiều người đã
bỏ lỡ cơ hộ tìm đến bởi họ phải thực hiện theo kế hoạch dự tính trước. Thiên tài sáng tạo không
chờ đợi cơ hội, thay vào đó, họ chủ động tìm kiếm những khám phá bất ngờ.
7. Đánh thức tinh thần hợp tác:
Điều đáng chú ý là tập hợp trí tuệ của một nhóm người luôn rộng lớn hơn là trí tuệ của một cá
nhân. Việc này gợi nhớ lại thời kỳ nguyên thuỷ khi những nhóm người săn bắn gặp nhau để bàn
bạc và giải quyết vấn đề chung. Đó là thói quen thông thường dễ hiểu và dễ chấp nhận. Khi một
nhóm tập trung trong môi trường tập thể, điểm khó khăn là phải để cho những suy nghĩ phát triển
trên tình thần hợp tác cởi mở và trung thực. Phần này giới thiệu những nguyên tắc và điều kiện
giúp những thành viên tham gia giữ được tính cá nhân khi kết hợp nỗ lực và tài năng của bản thân
theo các hướng cần thiết để tạo hoạt động tổng hợp.
Kết luận:
Thiên tài là thiên tài bởi họ biết suy nghĩ “như thế nào” thay vì suy nghĩ “về cái gì”. Vào năm
1977, nhà xã hội học Harriet Zuckerman đã công bố một nghiên cứu thú vị về những người đã
đoạt giải Nobel đang sống tại Mỹ. Bà phát hiện ra 6 học trò của Enrico Fermi đã được trao giải.
Ernest Lawrence và Niels Bohr mỗi người có 4 học trò được giải thưởng này. J.J. Thomson và
Ernest Rutherford cùng đào tạo được 17 người giành giải Nobel. Điều này không phải là ngẫu
nhiên. Nó chứng minh rõ ràng rằng, những người đạt giải Nobel không chỉ sáng tạo mà còn có
khả năng dạy những người khác tư duy như thế nào. Nghiên cứu của Zuckerman chứng tỏ sự
ảnh hưởng của người thầy khi dạy học những chiến lược và lối tư duy khác nhau thay vì suy nghĩ
về điều gì.
Nếu bạn có ý định áp dụng những chiến lược tư duy trong cuốn sách này vào công việc, đời sống
của mình, bạn sẽ trở nên sáng tạo hơn. Có lẽ bạn không thể trở thành Leonardo da Vinci hay
Einstein nhưng bạn sẽ trở nên sáng tạo hơn rất nhiều những người không có mục đích hay những
kiến thức này. Không có cách nào biết được những điều này sẽ giúp đỡ bạn đến đâu.
Nhưng có thể khẳng định một sự thật: Chúng ta đang sống trong một thế giới không có sự đảm
bảo, chỉ có những cơ hội mà thôi. Và ai sáng tạo hơn, ngườì ấy chớp được thời cơ.