Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

VIẾNG LĂNG BÁC (1976, Viễn Phương)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (66.32 KB, 3 trang )

VIẾNG LĂNG BÁC (Viễn Phương)
1. Hoàn cảnh sáng tác : Tháng 4 năm 1976. Tác giả là người miền Nam. Thơ
của Viễn Phương là tiếng nói của đồng bào miền Nam hướng về vị Cha già
kính yêu của dân tộc.
- Sáng tác sau khi đất nước thống nhất, thể hiện cảm xúc chân thành và
suy ngẫm sâu sắc về hình tượng Bác Hồ trong lòng dân tộc.
2. Kết cấu : Gồm 4 khổ thơ, thể hiện tình cảm với lãnh tụ qua tình cảm riêng tư.
Bố cục nghệ thuật từ xa tới gần, từ ngoài vào trong, kết nối suy tưởng - cảm
xúc. Thể thơ tự do, riêng khổ 3 kết cấu theo thể thất ngôn, cô đọng vẻ đẹp hình
tượng Bác Hồ.
3. Phân tích :
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.
Tình cảm bộc lộ trực tiếp qua cách xưng hô : Con – Bác, từ đó tạo thành
mối liên hệ đồng cảm, gần gũi, vừa yêu thương vừa kính trọng với lãnh tụ. Tác
giả không dùng từ « viếng » trong câu thơ mà dùng từ « thăm » để tạo cảm giác
như được tiếp xúc với Bác. Tính chất gặp gỡ thân tình mà cảm động, nên từ xa
nhìn thấy đã ngập tràn xúc cảm : « sương » vừa là báo hiệu thời gian ra thăm
từ rất sớm, tạo nên không khí se chùng niềm thương nỗi nhớ. Nhưng cũng cho
phép liên tưởng hình ảnh tác giả nhìn cảnh vật như mờ ảo sau màn sương –
nhoà lệ nhớ thương ! Hình ảnh lăng Bác tạo cảm giác thân thuộc gần gũi, vì có
sự xuất hiện của « hàng tre ». Hai sắc thái được diễn tả là « bát ngát » và
« xanh xanh » để bao quát không gian rộng, thoáng và yên bình, không gian mở
ra ngút ngát. Thăm Bác, nhìn thấy hàng tre cũng là lúc tác giả nói lên cảm giác
xúc động mãnh liệt về hình ảnh biểu tượng của dân tộc. Thán từ « Ôi ! » cùng
với cảm nhận dáng tre « đứng thẳng hàng » nghiêm trang cũng tạo nên cảm
giác thành kính thiêng liêng trước lăng Bác. Không những thế, tư thế « đứng
thẳng hàng » còn đặt trong thế đối lập với « bão táp mưa sa » gợi lên phẩm
chất của tre dẻo dai, cứng cáp bền bỉ, cũng là tư thế hiên ngang của dân tộc


vượt qua bao thử thách gian lao để đi đến thắng lợi vinh quang. Để từ đó, tác
giả như cảm nhận giây phút về bên Bác, có toàn thể dân tộc cùng canh giấc
ngủ cho Người.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Nếu như khổ thứ nhất là cảm nhận không gian trong cảm giác thanh tĩnh
tuyệt đối thì khổ thứ hai là cảm nhận từ góc độ thời gian nghệ thuật. Thời gian
được nói đến là « ngày ngày » cùng với hình ảnh so sánh « mặt trời » thực và
« mặt trời trong lăng » tạo nên vẻ đẹp của suy tưởng biết ơn thành kính. Hình
ảnh Bác được nâng tầm ngang với hình ảnh bất tử - mặt trời – mang tầm vóc vũ
trụ. Mặt trời trong lăng là cách hình dung về Bác, theo thủ pháp hoán dụ. Mặt
trời đem cho thế gian ánh sáng, sự sống, cũng như Bác đem ánh sáng lý tưởng
cộng sản, sắc đỏ tương lai cho toàn dân tộc. Sự nghiệp của Bác tạo dựng nên
cũng bất tử trường tồn như ánh thái dương. Suy ngẫm ấy không làm cho hình
ảnh của vĩ nhân quá xa vời mà lại khiến Bác càng sống trong niềm thương nỗi
nhớ của mọi người. Tình cảm thành kính biết ơn đã được tác giả đặt trong liên
tưởng « dòng người » - « tràng hoa » và từ « dâng ». Cuộc đời Bác là « bảy
mươi chín mùa xuân », mang ý nghĩa biểu tượng của một sức sống vĩnh cửu,
một vẻ đẹp hoà vào thiên nhiên đầy sức sống như mùa xuân. Thủ pháp điệp kết
cấu « ngày ngày đi qua trên lăng » và « ngày ngày đi trong thương nhớ » tạo
hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt : vừa chiêm ngưỡng cảm phục, vừa trân trọng yêu
thương. Vẻ đẹp của Bác luôn sáng mãi trong lòng dân tộc, luôn gần gũi thân
thương trong trái tim mọi người.
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim
Khổ thơ diễn tả khoảnh khắc tác giả được đứng chiêm ngưỡng Bác trong

lăng. Cảm xúc dồn nén, chất chứa thương yêu đem lại sự lắng sâu về vẻ đẹp
tâm hồn Bác. Ở trên, Bác được so sánh với “mặt trời” thì ở khổ này Bác lại
được đặt vào ánh sáng “vầng trăng” . Thực ra, vầng trăng này là một liên tưởng
sáng tạo của Viễn Phương, bởi lẽ trong lăng nhưng tâm hồn Bác luôn có vầng
trăng tri kỷ. Tâm hồn Bác là tâm hồn thi nhân, trăng từng làm bạn với Người
trong bao bài thơ khi bị giam cầm, lúc đi kháng chiến… nên giờ đây khi Người
vào “giấc ngủ bình yên” thì dường như trăng lại toả sáng cốt cách thi nhân của
Bác. Toát lên từ khuôn mặt Bác là vẻ đẹp mà tác giả cảm nhận như giấc ngủ
bình yên, giấc ngủ của con người thanh thản vì đã làm tròn sứ mệnh với dân
tộc, hoàn thành sự nghiệp cách mạng của mình. Câu thơ gợi cảm giác nghiêm
trang, đến lúc đó mới cảm thấy nỗi đau mất mát. Tác giả nghĩ về “trời xanh”
cũng có nghĩa là nghĩ đến thời điểm đất nước thanh bình, nhưng cũng là cách
ẩn dụ nói về con người Bác đã hoà nhập vào vũ trụ vĩnh hằng. Ý thơ này giống
như câu thơ của một cao tăng Nhật Bản là thiền sư Ryokê Osini từng viết: Trời
xanh đón ngừơi cứu nước về/Đau lòng chúng sinh trên đường mê/ Xưa nay
hiếm bậc lão anh kiệt/ Chiếc lá thu bay trời ủ ê. Nỗi đau là có thật, xuất phát từ
sâu thẳm trái tim của đứa con miền Nam ra thăm Bác ngày đất nước đã hoàn
toàn thống nhất.(Chúng ta biết Bác luôn dành tình cảm sâu đậm cho đồng bào
miền Nam khi sinh thời Người nói “Miền Nam trong trái tim tôi” và Tố Hữu trong
bài tơ “Bác ơi” cũng từng viết: Miền Nam đang thắng mơ ngày hội/ Rước Bác
vào thăm thấy Bác cười!). Ngày hội non sông không chứng kiến nụ cười của
Bác rạng rỡ, nên nỗi đau như “nhói ở trong tim” là nỗi đau không gì bù đắp.
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này
Tình cảm của nhà thơ đến khổ thơ này tự nhiên không hề kìm giữ, làm
nên phút giây “trào nước mắt” của nỗi xúc động bồi hồi. Tình cảm ấy không hề
bi lụy mà thăng hoa thành khát vọng, thành lời tâm nguyện trước anh linh của
Bác. Nỗi nhớ nhung biến thành ước muốn thật đẹp đẽ của đứa con miền Nam:

muốn làm con chim hót, đoá hoa toả hương, muốn giữ lại những thời khắc lắng
đọng và đẹp đẽ nhất của tâm hồn khi được gần bên Bác. Nói như một ý thơ Tố
Hữu: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” hay như câu thơ: “Ta bên Người, Người
toả sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”. Mượn những hình tượng
tự nhiên để diễn tả lòng mình, Viễn Phương cũng nói hộ tấm lòng những đứa
con của Bác: muốn lòng mình trong sáng hơn, đẹp đẽ hơn. Hơn thế, tác giả còn
muốn hoá thân “làm cây tre trung hiếu chốn này” - bồi đắp tâm hồn và phẩm
chất để sống xứng đáng với tình thương của Bác. Đó cũng là lời hứa tiếp tục
thực hiện ước vọng của Người.
Sau này bài thơ đã thành giai điệu trong bài hát nổi tiếng cùng tên, lời thơ
được chắp cánh, thăng hoa thành bài hát xúc động bao thế hệ. Bởi những gì
mà tác giả gửi gắm đã nói lên tình cảm đồng điệu của bao thế hệ người Việt
Nam yêu nước.
=====================

×