Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

Kênh đào Panama và một thế kỷ biến động

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.32 KB, 4 trang )

Kênh đào Panama và một thế kỷ biến động
Kênh đào Panama là con đường huyết mạch nối giữa Thái Bình Dương và
Đại Tây Dương. Chính do vị trí chiến lược này mà nó có một lịch sử đầy
thăng trầm trong suốt gần 100 năm qua.
Khi nhà thám hiểm Tây Ban Nha, Vasco Nuez de Balboa, đặt chân tới Panama năm 1513, ông chỉ
nghĩ đến việc biến vùng đất mới này thành lãnh thổ của nước mình mà không biết rằng nó còn có ý
nghĩa lớn hơn nhiều về mặt giao thông. Hai thập niên sau, vào năm 1534, Vua Charles I của Tây
Ban Nha, trong một nỗ lực tìm kiếm con đường thông giữa Đại Tây Dương với Thái Bình Dương,
đã ra lệnh cho thống đốc Panama khảo sát đoạn hẹp nhất của eo đất này để xây dựng kênh đào.
Nhưng viên thống đốc báo cáo lại rằng ý tưởng này là không thể thực hiện được. Phải hơn 300 năm
sau, việc đào một con kênh thông giữa hai biển mới được Pháp và Mỹ khởi động lại.
Thất bại của người Pháp
Pháp là nước tiên phong trong việc khảo sát xây dựng kênh đào Panama. Năm 1878, Hội Địa lý
Paris đã ký một hiệp ước với Colombia (khi đó Panama là một tỉnh của Colombia) về việc đào một
con kênh từ vịnh Limon bên bờ Đại Tây Dương tới thành phố Panama bên bờ Thái Bình Dương.
Nhưng tiến trình xây dựng kênh đào của người Pháp phải đình lại vì không thống nhất được phương
án kỹ thuật. Hơn nữa, những người xây dựng không có phương pháp nào để đối phó với nạn sốt rét
rừng và bệnh sốt vàng da gây thương vong hành loạt cho công nhân.
Năm 1894, Lucien N.B. Wyse, người từng tham gia khảo sát kênh đào và thương thuyết với
Colombia trước đây, lại một lần nữa bắt tay vào việc xây dựng kênh đào Panama. Lần này, công ty
của ông thực hiện phương án xây hai hồ nước ở hai đầu kênh và 8 cửa cống kiểu âu thuyền ở giữa.
Đây là cách tối ưu mà về sau người Mỹ vẫn sử dụng, nhưng do tình hình tài chính eo hẹp nên cuối
cùng công ty Wyse cũng phải bỏ dở công việc.
Vị trí kênh đào Panama.
Hàng
ngày có
rất nhiều
tàu thuyền
qua kênh
đào
Panama.


Mỹ vào cuộc
Tổng thống Mỹ Ulysses S. Grant quan tâm đến việc đào một con kênh ở Panama từ
năm 1852, khi ông qua eo đất này thời còn là một đại úy quân đội Mỹ. Năm 1869,
Grant đã cho khảo sát để tìm một khu vực khả thi thực hiện ý định đó. Mặc dù cuộc
khảo sát tập trung vào 3 khu vực, trong đó có Panama và Nicaragua, nhưng vẫn
không thu thiết kế nào khả quan.
Đến thời tổng thống William Mckinley, ông quyết định tập trung khảo sát xây dựng một con kênh ở
Nicaragua. Nhưng vị thổng thống này đã bị ám sát năm 1901 khi mọi việc còn dang dở. Người kế
nhiệm ông là Theodore Roosevelt đã quay trở lại eo đất Panama, sau khi được thượng nghị sĩ đảng
Cộng hòa đầy quyền lực của bang Ohio là Mark Hanna kiên trì thuyết phục.
Tuy nhiên, Colombia đã từ chối bán quyền xây dựng kênh đào ở Panama cho Mỹ. Trước sự việc đó,
Washington hậu thuẫn cho cuộc nổi dậy của người Panama và giúp nước này tuyên bố độc lập vào
năm 1903. Ngay sau đó, Roosevelt đã gây sức ép với chính quyền non trẻ để ký một hiệp ước, trong
đó cho phép Mỹ đào kênh và thiết lập một vùng đất gọi là “khu vực kênh đào”, có chiều rộng 16 km
bao quanh con kênh và coi đó là lãnh thổ của Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ đảm bảo cho nền độc lập của
Panama và trả cho Chính phủ Panama 10 triệu USD cùng với 250.000 USD mỗi năm; số tiền này sẽ
tăng lên hằng năm.
Để tiến hành công việc, trước hết quân đội Mỹ cử đại tá William Gorgas, nguyên là bác sĩ phẫu
thuật, đến Panama để xử lý căn bệnh sốt rét rừng và sốt vàng da. Đây là một bác sĩ có nhiều kinh
nghiệm trong việc điều trị những căn bệnh vùng nhiệt đới. Sau một thời gian làm việc cùng với
đồng nghiệp là thiếu tá Walter Reed, bác sĩ Gorgas đã thành công trong việc tiêu diệt bệnh sốt vàng
da và giảm đáng kể tỷ lệ sốt rét ở Panama. Như vậy, hai chướng ngại cho cho việc xây dựng kênh
đào đã được người Mỹ loại bỏ, chỉ còn khó khăn thứ 3 là địa hình.
Nhưng cuối cùng người Mỹ cũng đã thành công sau 10 năm ròng rã, với sự lao động cật lực của
hơn 70.000 công nhân. 5.600 trong số đó đã thiệt mạng vì tai nạn lao động. Tổng chi phí cho toàn
bộ công trình là 400 triệu USD theo thời giá lúc đó. Ngày 15/8/1914, kênh đào Panama chính thức
được khai thông ngay khi Chiến tranh Thế giới I vừa bùng nổ.
Con kênh này có chiều dài gần 80 km, chạy từ thành phố Panama bên bờ Thái Bình Dương tới
Colon bên bờ Đại Tây Dương. Sự ra đời của nó là một cuộc cách mạng trong giao thông đường biển
của thế giới. Hải trình từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương và ngược lại đã được rút ngắn

xuống hàng chục nghìn km. Mỹ là nước có lưu lượng tàu thuyền đi qua kênh đào Panama nhiều
nhất thế giới: Ước tính 12% số hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, vận chuyển bằng đường biển của Mỹ
đã đi qua đây.
Những biến động ở kênh đào Panama
Tổng thống
Mỹ
Theodore
Roosevelt.
Khi kênh đào Panama được khánh thành và những điều khoản trong hiệp ước ký
với Mỹ năm 1903 có hiệu lực, thì nước cộng hòa Panama non trẻ bắt đầu gặp
phải khó khăn: Ngày càng có nhiều người đấu tranh chống lại việc người Mỹ
chia cắt nước họ qua con kênh. Việc Mỹ nhúng tay vào cuộc bầu cử ở Panama,
cùng hàng loạt hành động can thiệp của Washington vào các cuộc nổ dậy ở đây
giữa những năm 20 càng làm cho thái độ chống đối trên mạnh mẽ hơn. Do bị
sức ép, nên từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, Mỹ thực hiện chính sách
không can thiệp vào Panama. Chính vì vậy, khi nổ ra cuộc đảo chính đẫm máu ở
Panama năm 1931, do Arnufo Arias Madrid cầm đầu, Mỹ đã đứng ngoài cuộc.
Mặc dù vậy, sự có mặt của Mỹ tại Panama vẫn vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của quần chúng ở
đây. Cuối năm 1941, tổng thống Panama Arnulfo Arias đã bị phái quân sự trong nước đảo chính,
giữa lúc Mỹ đang đòi thiết lập các căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ Panama để chuẩn bị cho Chiến
tranh Thế giới II. Người kế nhiệm Arias - Ricardo de la Guardia - đã đáp ứng yêu cầu của Mỹ. Còn
nhân dân Panama thì vẫn kiên quyết đấu tranh chống lại ý định mở rộng vùng đất chiếm đóng của
Mỹ, yêu cầu cơ quan lập pháp nước này phủ quyết mọi hiệp ước liên quan.
Sau năm 1945, tư lệnh lực lượng Cảnh sát quốc gia - Jose Antonio Remon - giành chiến thắng trong
cuộc bầu cử và trở thành tổng thống Panama. Ông Remon đã nỗ lực đàm phán với Mỹ để ký một
hiệp ước mới, nhằm tăng lượng cổ phần của Panama trong số thuế thu được từ kênh đào Panama.
Nhưng vị tổng thống này lại bị ám sát năm 1953, hai năm trước khi hiệp ước được thực hiện.
Việc quốc hữu hóa kênh đào Suez của Ai Cập năm 1956, cộng với tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ
John Foster Dulles cho rằng, vùng đất ở “khu vực kênh đào” thuộc chủ quyền lãnh thổ của Mỹ,
càng làm cho quan hệ giữa Washington và Panama thêm căng thẳng. Giữa những năm 50, sinh viên

Panama liên tiếp biểu tình, đòi Mỹ trả kênh đào. Khi những người nổi dậy đe dọa tiến hành một
cuộc “xâm chiếm hòa bình” vùng đất “khu vực kênh đào”, Mỹ đã tăng cường binh lính tới đây để
đối phó. Họ cũng cho xây dựng một hàng rào kiên cố dọc hai bờ của con kênh và bao quanh vùng
đất được coi là “khu vực kênh đào” kể trên.
Sự căng thẳng lên đến tột cùng vào tháng 1/1964, khi học sinh Mỹ ở Trường trung học Balboa,
trong khu vực kênh đào, không chịu treo cờ Panama cạnh cờ Mỹ. Nhiều người Panama rất phẫn nộ
đã mang theo quốc kỳ, tràn vào khu vực này và gây náo loạn suốt 3 ngày liền. Kết quả là 23 người
Panama và 4 lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng.
Sau sự kiện này, chính quyền Panama tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nhà Trắng. Trước
tình hình đó, tổng thống Mỹ Lyndon B. Johson phải xuống nước, đồng ý chuẩn bị cho việc ký kết
một hiệp ước mới về kênh đào Panama và khu vực xung quanh. Nhưng cuộc đàm phán chưa bao
giờ đi đến thống nhất. Năm 1968, Anulfo Arias tái đắc cử chức tổng thống Panama. Ngay sau khi
cầm quyền, ông đã đòi Mỹ hoàn trả vô điều kiện vùng đất mà họ đang kiểm soát. Tuy nhiên, vị tân
tổng thống lại bị giới quân sự hạ bệ chỉ sau đó có 11 ngày.
Hiệp ước mới về kênh đào Panama
Sau cuộc đảo chính, tướng Omar Torrijos Herrera thuộc quân đội Panama đã lên làm tổng thống.
Năm 1971, vị tổng thống này đã khởi động lại các cuộc đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, vụ bê bối
Watergate đã làm gián đoạn các nỗ lực giải quyết vấn đề kênh đào Panama.
Một góc kênh
đào Panama.
Ngày 7/9/1977, 9 tháng sau khi nhậm chức tổng thống Mỹ, Jimmy Carter đã
cùng người đồng nhiệm Panama - Omar Torrijos - ký hai hiệp ước về kênh
đào Panama. Hiệp ước thứ nhất bãi bỏ vùng đất gọi là “khu vực kênh đào”,
bắt đầu từ ngày 1/10/1979, và chuyển quyền quản lý cho chính phủ nước sở
tại, đồng thời chuyển giao con kênh cho Panama từ ngày 31/12/1999. Hiệp
ước thứ hai cam kết duy trì sự trung lập của kênh đào Panama, ngay cả khi
có chiến tranh nổ ra để đảm bảo lưu thông của ngành hàng hải quốc tế.
Nhưng giữa lúc mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì tổng thống Omar Torrijos lại thiệt mạng trong
một vụ tai nạn máy bay năm 1981. Từ đó, Panama lại rơi vào một thời kỳ bất ổn mới. Đại tá
Manuel Noriega, cựu tư lệnh lực lượng Cảnh sát mật và là một nhân vật chịu sự chi phối của Cục

Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), lên nắm quyền. Tiếp theo đó là hàng loạt các biến cố xảy ra ở
Panama, trong đó có sự kiện năm 1989, khi quân đội Mỹ đổ bộ tấn công nước này, và vụ tổng thống
đương nhiệm Noriega bị bắt về tội buôn lậu ma túy.
Hiện nay, tình hình ở Panama đã tạm lắng xuống với việc chuyển giao thành công chủ quyền kênh
đào cho chính phủ sở tại, ngày 31/12/1999. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của nữ Tổng thống
Mireya Moscoso, nước Trung Mỹ này tỏ ra có năng lực trong việc quản lý con kênh có lưu lượng
tàu thuyền dày đặc nhất thế giới này.
(Theo An Ninh Thế Giới)
Tổng thống Mỹ
Jimmy Carter (trái)
và Tổng thống
Panama Omar
Torrijos Herrera bắt
tay sau khi ký kết
hiệp ước Panama
năm 1977.

×