Họ tên: Lê Hoàng Hải Yến.
Lớp: 12 Văn.
KIỂM TRA MÔN:
Ngữ Văn (90 phút)
Đề bài: Phân tích tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim
Lân.
Điểm Lời phê của thầy cô giáo
Bài làm.
“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái
gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa.” Câu
triết lí của nhà văn Nam Cao vẫn cứ vang mãi trong tâm trí người đọc. Dường như ta nhìn
thấy cả một xã hội vì cái nghèo đói, cái khổ mà mất đi tình yêu thương. Và dường như ta
còn nhìn thấy cả những bóng đen lầm lũi đi trong màn sương chiều nhập nhoạng “xanh
xám như những bóng ma” đầy kinh hoàng, u ám. Tuy nhiên chính cái đói, cái nghèo ấy
lại là cội nguồn tạo nên tình huống truyện độc đáo trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn
Kim Lân. Nhưng vấn đề nhân văn sâu sắc mà nhà văn thể hiện ở trong tác phẩm nhờ việc
khéo léo chọn tình huống truyện không phải như quan niệm của Nam Cao. Đối với ông,
khi con người cận kề với cái chết, họ vẫn sưởi ấm cho nhau bằng trái tim, nuôi dưỡng
niềm tin và hi vọng ngay trong tuyệt vọng. Có thể nói, việc xây dựng được một tình
huống truyện đầy độc đáo, nhưng cũng đầy oái oăm, bi thương xoay quanh câu chuỵên
của nhân vật Tràng, Kim Lân đã đóng góp một tác phẩm xuất sắc thấm đẫm giá trị nhân
đạo cho nền văn học văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Khi nói đến truyện ngắn, người ta thường quan tâm đến ba yếu tố: tình huống truyện,
nhân vật trong truyện và giọng điệu trần thuật của tác giả. Và dĩ nhiên trong ba yếu tố ấy
thì tình huống truyện đóng vai trò then chốt quan trọng nhất. Tình huống là điểm nút của
cốt truyện, nó có tác dụng tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển của truyện, dẫn dắt sự
phát triển mâu thuẫn. Đặt vào trong tình huống ấy, nhân vật truyện thường bộc lộ sâu sắc
tâm lí và tính cách; tư tưởng nghệ thụât của thiên truyện cũng nhờ thế mà đậm đà; các chi
tiết xoay quanh tình huống ấy trở nên hấp dẫn và giàu ý nghĩa. Hơn thế nữa, nó còn giúp
bộc lộ chủ đề của tác phẩm , đồng thời thể hiện tài năng nghệ thuật của tác giả. Tình
huống chỉ trở thành điển hình khi và chỉ khi người viết bằng hết tài năng, bản lĩnh nghệ
thụât và tấm lòng của mình để giải quyết tình huống ấy. Và Kim Lân đã làm được điều
ấy!
Đặt trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945, tác phẩm hiện lên với không gian
đầy sự chết chóc. Cũng như Đỗ Kim Hồi đã từng cho rằng: “Cảm quan về cái đói đã
thấm đến tận cái nhìn vào cảnh vật” – tất cả mọi thứ từ cảnh vật đến con người đều
nhuốm màu tang thương. Sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 như hiện dần lên trước mắt
người đọc với hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói, giống như nhân vật Độ trong “Đôi
mắt” của Nam Cao đã hồi tưởng: “Cái hồi đói khủng khiếp mà có lẽ đến năm 2000, con
cháu chúng ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình.”. Bóng đen chểt chóc đã bao
phủ bầu trời, đã “tràn đến xóm này tự lúc nào”- hình bóng của thần chết đang lạnh lùng,
nhẫn tâm đi reo rắc niềm kinh hoàng cho cả dân tộc Việt. Cơn đại hồng thuỷ ấy tràn đến
cuốn phăng tất cả mọi thứ, huỷ dịêt tất cả mọi thứ. Đó có thể coi là sự tàn diệt không thể
tránh khỏi của con người. Cái tài của Kim Lân chính là đã tạo được không khí thê lương,
chết chóc đầy sức ám ảnh đối với người đọc. Hẳn không ai có thể quên được hình ảnh
những người dân “đội chiếu, lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng
ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ… Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và
mùi gây của xác người.”. Miền trần gian mà cứ ngỡ như miền địa ngục, như nhà văn gọi
những con người là những bóng ma trên dương thế. Dường như ta không còn nhìn thấy
ranh giới giữa con người và bóng ma, giữa sự sống và cái chết. Với bối cảnh ấy, nhân vật
của thiên truyện xuất hịên với một tình huống đầy độc đáo. Vậy tình huống ấy là gì?
Trước tiên, ta thử ngẫm nghĩ về nhan đề của tác phẩm. Tình huống truyện được bộc lộ
ngay trong tên gọi của tác phẩm. Người ta thường dùng tính từ đằng sau danh từ để định
danh, xác định một phẩm chất, nhưng ở đây lại là “Vợ nhặt”. Từ “nhặt” chỉ dùng cho
những đồ vật rơi vãi, thường là không có giá trị. “Vợ nhặt” có nghĩa là cô vợ ấy được một
người đàn ông, mà cụ thể là anh Tràng “nhặt” về như một thứ đồ rơi, như một vật thể bị
người ta vứt bỏ mà mình còn tận dụng, vì thế không phải ngẫu nhiên mà tác giả để cho
nhân vật người vợ từ đầu đến cuối tác phẩm không có lấy một cái tên. Cũng như ông giải
thích: “Nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ. Trong cảnh đói 1945 người dân lao dộng
dường như khó ai thoát khỏi cái chết. Bóng tối của nó phủ xuống xóm làng. Trong hoàn
cảnh ấy giá trị của một con người thật vô cùng rẻ rúng. Người ta có vợ theo chỉ nhờ mấy
bát bánh đúc ngoài chợ - Đúng là nhặt được vợ như tôi đã nói trong truyện”. Như vậy,
“vợ” là cái vô cùng thiêng liêng đã trở thành cái rẻ rúng (nhặt) thật chẳng như người xưa
từng nói:
“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay.
Và nhờ cái tên “Vợ nhặt” mà người đọc bước đầu nhìn thấy sự nghịch lí, độc đáo trong
tình huống truyện của tác phẩm.
Một anh Tràng nghèo khổ, xấu xí, thô kệch, ế ẩm bỗng nhiên “nhặt” được vợ, có vợ
một cách dễ dàng giữa năm đói khủng khiếp. Việc này không biết là nên vui hay nên
buồn? Mừng hay lo? May hay rủi? Dại hay khôn? Tình huống anh Tràng nhặt được vợ là
một tình huống độc đáo, đầy bất ngờ, thú vị làm xôn xao cả xóm ngụ cư, tiếp thêm nụ
cười cho những đứa trẻ đang rũ đi vì đói, làm những “khuôn mặt hốc hác u tối” của người
dân nơi đây “rạng rỡ” hẳn lên. Một người như Tràng bỗng nhiên có vợ đúng là đáng vui
mừng, nhưng giữa nạn đói khủng khiếp đang đe doạ tất cả mọi người, nuôi thân chẳng
xong nữa là đèo bòng. Cho nên khi bên cạnh cái lưng to rộng như lưng gấu của hắn lại có
cả một người đàn bà rón rén và e thẹn, cả xóm ngụ cư đều ngơ ngác, không hiểu thế nào.
Họ chưa thể nghĩ đấy là vợ anh, và cũng không thể nghĩ anh ta lại có thể lấy vợ vào lúc
này: “Ôi chao! Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua
được cái thì này không?”. Sự tò mò, xoi mói cứ lan dần theo từng bước đi của Tràng và
người đàn bà trên con đường xao xác, heo hút. Mặc những lời bàn tán, Tràng vẫn bước đi
“dưới những gốc đa, gốc gạo xù xì, bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những
bóng ma.”, thỉnh thoảng lại có những tiếng quạ kêu “cứ gào lên từng hồi thê thiểt”. Vậy
mà Tràng lại có vợ. Ôi chao…
Nhưng có lẽ chính người trong cuộc mới là người cảm thấy ngạc nhiên và khó tin nhất.
Tràng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ lấy vợ. Chỉ vài ba câu “tầm phơ tầm phào” giữa
chợ mà thị theo anh về nhà thật. Cái ngỡ ngàng theo anh suốt đường về: “đến bây giờ hắn
vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế”, thậm chí cho đến tận sáng nagỳ hôm sau: “Trong
người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay
hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải. Người đàn bà chỉ gặp mới hai lần lại trở thành
vợ hắn. Mà thật ra, hắn cũng không có ý định gì với thị Thị liều lĩnh đến với hắn chỉ
bằng một câu nói suông:
“Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!
Lại đây mà đẩy xe bò với anh , nì!”
Thị theo hắn như phó mặc cho số phận. Cái đói đã đẩy họ đến với nhau.
Với bà cụ Tứ, bà không tin nổi vào mắt mình với sự việc đang xảy ra, “đến giữa sân bà
lão đứng sững lại”. Một loạt những câu hỏi vang lên trong tâm trí bà, quẩn quanh mà
chưa có lời giải đáp. Làm sao kể xiết sự sững sờ của bà khi trông thấy người đàn bà đứng
ở đầu giường của con mình, bà không tin nổi lại có bất cứ một người con gái nào khác
ngoài cái Đục ở trong nhà của mình lại còn chào mình bằng u nữa. Bà không thể nghĩ
rằng con mình lại có vợ, ngay trong cái thời buổi đói kém này. Bà cứ hấp háy cặp mắt
cho đỡ nhoèn mà càng lúc nó cứ nhoèn mãi ra. Nhưng việc con trai của bà “nhặt” được
vợ là có thật. Điều đó thật lạ đời. Không ai thấm thía điều này hơn bà cụ mẹ Tràng:
“Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá…” Như thế cái cảnh ngộ khó tin, đáng ngạc
nhiên nhưng lại có thật chính là điều làm nên một phần sự độc đáo, hấp dẫn của tình
huống truỵên.
Trong cái thời tao đoạn ấy, việc Tràng lấy vợ quả là một tình huống oái oăm bi thương
của kiêp người. Ta sẽ mừng hay lo, buồn hay vui cho cặp vợ chồng này? Tâm trạng của
những nhân vật trong câu chuyện đầy những cảm xúc ngổn ngang và mâu thuẫn. Một tình
huống đặc biệt éo le: vừa mừng vừa lo, vừa vui vừa buồn và càng ngẫm nghĩ càng thấy
“ai oán xót thương”. Chàng trai tên Tràng nghèo khổ, xấu xí bỗng nhiên lấy được vợ âu
cũng là điều đáng vui, đáng mừng. Nhưng lại ở trong tình trạng đói khổ khủng khiếp đến
thân mình còn nuôi chẳng xong, đó lại là điều đáng lo. Nhưng nếu không phải vào năm
đói chắc chẳng ai thèm lấy Tràng. Tràng “nhặt” được vợ giữa đường nên không cần tiền
cheo, cuới, năm đói âu thế nào cũng xong. Thế mà Tràng cuới được vợ, đó cũng là cái
may. Lấy vợ trong năm đói để rồi mỗi người lưng cháo “lõng bõng” rồi thì phải ăn cám
trong lặng câm, ngượng ngập. Đó là rủi cho cô dâu mới cưới và cho cả nhà chồng, cho
những ngày hạnh phúc đầu tiên cho cả đôi trai gái. Cái oái oăm, éo le ở đây chính là con
người bị đặt vào một hoàn cảnh không biết nên vui hay nên buồn, nên mừng hay nên lo,
là may hay là rủi.
Mẹ con Tràng nghèo khổ, Tràng lại hẩm hiu, chỉ có thời buổi đói khát, mạng người
không có giá trị mới đưa đẩy khiến Tràng “nhặt” được vợ. Cái đói không có hình dạng,
mùi vị, cũng không có khối lượng mà lại đè nặng lên cuộc sống của con người, lên những
kiếp người thật đáng sợ. Cái đói khiến các nhân vật đều rơi vào tình thế bối rối, khó xử,
nghẹn ngào. Khi đến bước đường cùng người ta thường liều lĩnh. Tràng đùa nhưng cô gái
sắp chết đói ấy lại bấu víu vào lời nói bông đùa của anh mà theo không anh về nhà:
“Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mà xem con Tạo xoay vần ra sao”
Với người đàn bà không tên tuổi, không quê quán họ hàng xuất hiện giữa chợ tỉnh, cái
đói đã hành hạ và đẩy thị đến bờ vực của cái chết: từ một người đàn bà cong cớn, đanh đá
trở thành một người đàn bà rách rưới, tả tơi với “khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy
hai con mắt”. Cái đói đã biến thị thành kẻ trơ tráo, liều lĩnh, cùng đường. Để sống con
người ta có thể bấu víu vào bất cứ cái gì, dù đó là chàng trai nghèo, hẩm hiu, thô kệch
đang rũ vì đói. Số phận con người thật thảm hại trước cái đói. Bằng tình huống đầy bi
hài, nó xoáy vào tố cáo chế độ thực dân phát xít, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái đói
kinh hoàng. Cái đói mang đến sự chết chóc, tang thương khắp mọi nơi và cũng chính nó
làm những giá trị con người bị hạ xuống mức thấp nhất. Con người dường như mất hẳn
tính người, chỉ còn sống theo bản năng để được ăn, được sống Cơn đói khát làm cho
ngườii đàn bà quên cả sĩ diện, được mời ăn “hai con mắt trũng hoáy của thị sáng lên” tức
thì, thế rồi “thị sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng
chuyện trò gì”. Đoạn văn làm cho bất cứ ai có lương tâm cũng phải xấu hổ, phải quay
mặt đi để cười ra nước mắt, làm ta nhớ đến bà lão trong tác phẩm “Một bữa no” của nhà
văn Nam Cao. Con người thị hiện lên khiến ta vừa giận mà lại vừa xót xa. Cái đói với
bóng đen bao trùm mọi nơi như xoáy vào tâm hồn người đọc. Còn gì thê thảm bằng đám
“rước dâu” có tiếng quạ kêu thê thiết đón chào, đêm tân hôn có tiếng ai hờ khóc tỉ tê “có
mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt”. Tất cả các
nhân vật trong bức tranh xóm ngụ cư đầy khốn khổ ấy đều có chung một tâm trạng khó
xử như thế, từ những người dân xóm ngụ cư đến chính Tràng cũng “chợn” nghĩ: “Thóc
gạo này đến cái thân mình cũng chẳng biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng.” Đói
kém đã đẩy đưa người phụ nữ đến với hắn, mang đến cho hắn niềm hạnh phúc của một
người có được mái ấm gia đình với bao ước mơ về tương lai dung dị nhưng đầy cảm
động. Chính vì thế, hắn nhận ra trách nhiệm của mình đối với hạnh phúc mà mình vừa có
được. Lòng hắn chợt loé lên một ý nghĩa được đổi đời, tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ,
vẩn vơ, khó hiểu.
Tâm trạng của bà cụ Tứ trong câu chuyện chứa đầy những cảm xúc ngổn ngang và
mâu thuẫn. Bà cụ vui vì cuối cùng con mình cũng có vợ nhưng lại tủi vì sự trớ trêu của số
phận: có phải thời “tao đoạn” như thế, người ta mới chịu lấy con mình? Bà mẹ nghèo
nặng trĩu những lo âu cho tương lai của con mình, “liệu chúng nó có nuôi nhau nổi sống
qua được cơn đói khát này không?”. Câu hỏi từ tận đáy lòng của bà mẹ “chất chứa nỗi
hoang mang, ám ảnh của kiếp bần hàn không lối thoát và cả sự rình rập trước ngõ của
cơn ác mộng về cái đói chưa bao giờ dữ dội đến thế”. Trong lòng bà, ta cảm thấy cả nỗi
buồn của một người mẹ không được thấy con trong ngày vui, không được một vài mâm
làm lễ gia tiên. Trong lời nghẹn ngào tâm sự của bà có cả sự xót xa, một chút ân hận vì đã
không làm được đầy đủ bổn phận của một người mẹ đối với con: “Năm nay thì đói to
đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”.
Cái chậc lưỡi mặc kệ số phận của Tràng; hành động “nén một tiếng thở dài” tủi thân
của người đàn bà khi liếc nhìn gia cảnh nhà chồng; sự nghẹn ngào, xót xa của bà cụ Tứ
trước hạnh phúc của con trai mình… khiến người đọc không biết nên vui hay nên buồn,
không cảm nhận được đây là hạnh phúc hay bất hạnh, sự sống hay là cái chết.
Đặt nhân vật của mình vào tình huống bất ngờ và éo le như vậy, Kim Lân đã làm nổi
bật được nhiều ý nghĩa sâu sắc cho tác phẩm của mình. Với việc xây dựng một tình
huống truyện đầy độc đáo, nhà văn đã thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm: Trong cái đói, cái
thảm đạm, con người vẫn khát khao kiếm tìm hạnh phúc.Đồng thời, tình huống đã tố cáo
hiện thực xã hội đã tước đoạt hết quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Không
cần dùng đến những lời lẽ đanh thép hay “đại ngôn”, không cần đến những lời kết tội to
tát và hùng bịên mà tố cáo được tội ác của bọn thực dân phát xít và tay sai của chúng đã
gây ra nạn đói khủng khiếp năm 1945 và tác phẩm “Vợ nhặt” mang đến một giá trị nhân
bản vô cùng to lớn. Người dân lao động dường như không ai có thể thoát khỏi cái chết.
Thậm chí giá trị của con người trở nên thật rẻ rúng, nhân phẩm con người bị hạ xuống
mức thấp nhất, tha hoá như tên Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Nhưng không phải vì thế mà những người dân lao động đánh mất cái bản chất lương
thiện vốn có. Chí Phèo tha hoá đến mức trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại vẫn khát
khao được yêu thương, khát khao được làm người lương thịên huống chi họ vốn là những
con người có phẩm chất lương thịên bị cái đói hành hạ? Và chính trong cái cảnh thê
lương ấy, những tấm lòng nhân hậu lại sáng ngời lên mà tiêu biểu trong tác phẩm là bà cụ
Tứ. Trong lòng người mẹ nghèo ấy lúc nào cũng mang sẵn tình thương con vô bờ bến
“vừa ai oán vừa xót xa cho số kiếp của đứa con mình”. Trong cái nhìn đăm đăm vào
người đàn bà đang “cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt” có sự xót thương, thông
cảm sẻ chia. Tình thương con dù bao la đến mấy cũng có thể chỉ làm bà “rủ xuống hai
dòng nước mắt”. Cái khổ đau vất vả một đời đã vắt kiệt nước mắt người mẹ. Nó không
đủ để chảy thành dòng “rủ” xuống như chết non một cách tức tưởi. Không còn nước mắt
nhưng bà vẫn nhận lấy nguy cơ bị cái chết gần thêm bước nữa. Nơi ngưỡng cửa của sự
khốn khó đó, họ sẽ chứng tỏ số phận và tính cách của mình, đồng thời ở nơi đó họ sẽ bắt
đầu một niềm tin mới, một niềm hạnh phúc mới, dù là tất mong manh. Đứng trước ranh
giới của sự sống và cái chết, con người ta mới thể hiện những nét đẹp cao quý. Vợ chồng
Tràng gặp nhau trên cái nền xám xịt của nạn đói năm Ất Dậu, nhưng đó cũng chính là cái
ngưỡng, cái mốc làm thay đổi cuộc đời họ. Nơi tận cùng của đói khát, chết chóc là nơi
nuôi dưỡng, nhen nhóm một cuộc sống mới, một tương lai mới. Tràng trở thành người
đàn ông hạnh phúc, biết lo toan, vun đắp cho tổ ấm của mình; người vợ nhặt không còn
đanh đá, chỏng lọn mà trở thành người vợ đảm đang, người con dâu hiền thục; bà cụ Tứ
lại là người gieo mầm sống, nhen nhom, nuôi dưỡng hi vọng. Và bà cụ trở nên: “nhẹ
nhõm, tươi tỉnh khác hẳn ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà
lão xăn xắn thu dọn, quét tước cửa nhà. Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp nhà
cửa cho quang quẽ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”
Dù ăn bát cháo cám xám xịt, dù trong hịên thực ảm đạm, họ đã nghĩ đến chuyện đi theo
đoàn người có hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đi phá kho thóc Nhật. Hình ảnh lá cờ đỏ sao
vàng thấp thoáng hịên lên trong tâm trí Tràng chính là ánh sáng dẫn đường cho cuộc đời
anh nói riêng, cuộc đời cả dân tộc nói chung thoát khỏi cái đói, thoát khỏi cái túng quẫn.
Tình huống truyện còn thể hịên tài năng và bản lĩnh nghệ thụât của tác giảBằng ngòi
bút tài năng của mình, Kim Lân có lúc đã đưa người đọc đến tận cùng màn đêm tối tăm, u
ám, nhưng rồi lại nhẹ nhàng hé ra một khe sáng lấp ló đâu đó khiến chúng ta hướng về và
vươn tới. Người dân Việt nam mà đại diện là những bà mẹ Tràng, anh Tràng và người
đàn bà vẫn khát khao cuộc sống hạnh phúc tươi sáng hơn. “Bà lão nói toàn chuyện vui,
chuyện sung sướng sau này”. Trong tâm trí bà đã có sẵn một viễn cảnh tươi sáng gia
đình. Niềm vui làm bà mẹ Tràng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác thường. Ta vui lây niềm vui
của gia đình hoà thuận, đầm ấm, niềm vui của Tràng được thấy xung quanh mình hôm
nay có gì vừa thay đổi mới mẻ, khác thường. Niềm vui bất chợt của gia đình làm ta cười
sung sướng nhưng nước mắt vẫn cứ tuôn mãi nghẹn ngào. Ta muốn tha thứ tất cả, kể cả
sự trơ tráo của người đàn bà và cả tội phung phí đến hai hào dầu của anh Tràng.
Rất nhiều nhà văn lớn đã viết về bài ca của con người, nhưng bài ca lớn nhất, âm vang
nhất vãn là sức mạnh tinh thần có thể giúp con người phá vỡ hoàn cảnh bế tắc để đi đến
tương lai tươi sáng hơn. Kim Lân đã góp thêm bài ca ấy, bài ca con người, một địêu nhạc
buồn nhưng trong những dòng nước mắt lặng lẽ, trong cái u ám tối trời tối đất của nạn
đói vẫn ánh lên những đốm lửa của hi vọng tương lai. Có thể nói, ấn tượng của người đọc
với tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân chính là ở tình huống truyện đầy độc đáo, bất ngờ
nhưng cũng không kém phần éo le của thiên truyện. Thành công đó khiến truỵên ngắn
của Kim Lân sống được với thời gian. Cái nạn đói năm 1945 với hơn hai triệu người bị
chết đói ấy, rồi một lúc nào đó sẽ lùi vào dĩ vãng. Nhưng câu chuỵên “nhặt vợ” của anh
Tràng thì vẫn sống cùng tâm hồn, cùng nỗi đau và niềm tin của người dân Việt Nam trên
hành trình đi tới hạnh phúc, ấm no.
…………………….HẾT……………………….
< >