Thế nào là sống đẹp ?
Trước hết cần phải hiểu từ “sống" không phải là một khái niệm tồn tại đơn
thuần. "Tồn tại nhưng phải để cho người khác biết có sự tồn tại của mình tức
là phải thể hiện rằng "Tôi đang ở đây! Tôi có mặt trên cõi đời này, bằng hành
động trong cuộc sống chứ không phải chỉ lặng lẽ như một cái bóng qua đêm
rồi lại đến ngáy". Và mỗi người chọn cho mình những cách thể hiện khác
nhau hình thành lên những cách sống khác nhau: sống đẹp, sống có ích và lối
sống ích kỷ, buông thả thậm chí chìm trong vòng tội lỗi. Như vậy “sống đẹp" là
một lối sống tích cực mà mỗi người cần phải hướng tới. Nhưng sổng thế nào
mới là lối "sống đẹp”, còn là điều băn khoăn của rất nhiều người.
“Đẹp” không phải chỉ là cái đẹp hình thức. Cái "đẹp" thể hiện từ những hành
động cư xử nhỏ nhất trong cuộc sống đến nghị lực vươn lên trong mỗi con
người. "Sống đẹp" trước hết phải xuất phát từ lòng nhân ái, từ chính tình yêu
trong trái tim để từ đó mà sống hết mình vì người khác, để bao dung, thứ
tha Xuất phát từ tình yêu thương nên bất cứ hành động nào dù là nhỏ nhất
cũng đầy sự quan tâm, chia sẻ giữa những con người. Một sáng đến trường,
bạn không sợ muộn học mà dừng lại giúp một cụ già qua đường. Mỗi ngày
dành dụm tiền để ủng hộ quỹ "Vì người nghèo". Những hành động ấy dù nhỏ
nhặt nhưng đều là những nghĩa cử cao đẹp.
Lại nhớ đến hơn 30 năm trước đây, người con gái Hà Nội Đặng Thuỳ Trâm
xung phong vào chiến trường Quảng Trị gian khổ bản thân chịu những thiệt
thòi nhưng chị vẫn dành một tình thương bao la cho những người quanh chị.
Bất lực trước một ca mổ, chị đau đớn, lo lắng cho người em nuôi giờ này
đang đè nặng tang tóc, đêm chị mất ngủ.
Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ lòng yêu thương trong trái tim chị! Để
chính từ những lo lắng, đớn đau ấy dân tộc Việt Nam có một người con anh
dũng, kiên cường tận tụy làm người. Đó là chuyện của 30 năm trước, còn giờ
đây có biết bao người ngày đêm nhen lên ngọn lửa tình yêu thương trên cõi
đời này. Một nhà giáo già ngày ngày đạp xe khắp chốn bán những bức hình
cụ Rùa Hồ Gươm mà thầy vô tình chụp được để lấy tiền góp vào quỹ "Vì
người nghèo". Bao nhà hảo tâm, bao con người có mỗi năm lại lắng lòng
mình nhớ đến những người còn trong đói khổ bần cùng.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ tạo nên muôn nghìn gương mặt con người
khác nhau: có người tốt, kẻ xấu, có những người từng gây ra tội ác. Nhưng
không có ai chưa từng sai lầm. Dẫu có lầm lạc bước vào ngõ cụt vẫn có thể
quay đầu lại. Chúng ta vẫn luôn dang tay chờ đón một con người mới ở
những người từng mắc tội. Mỗi dịp lễ lớn, không chỉ những người ngoài
khung sắt nhà lao mới náo nức chờ đợi mà những người ở trong cũng vui
mừng vì mỗi dịp ấy họ lại có cơ hội được ân xá, được trở về với người thân,
bè bạn. Chào đón họ bằng lòng bao dung tha thứ, tin vào một sự thay đổi ở họ
đó cũng là "sống đẹp". Chính nhờ có lòng yêu thương mà không ít người tìm
lại được chính mình. Có một nhà thơ với bút danh "Hoàn Lương" từng nửa
đời làm tướng cướp trên những chuyến tàu Đà Nẵng - Nha Trang, làm đại
gia buôn lậu xảo quyệt, thi nhân ấy tên là "Nguyễn Đức Tân" (Đông Mỹ -
Thanh Trì - Hà Nội). Nửa đời làm việc thất đức nhưng trong trại giam được
nghe lời khuyên nhủ tâm tình của giám thi, như người tỉnh cơn mê anh tâm
sự:
“Đêm đêm nghe tiếng vọng vang
Tiếng ngoài xã hội rộn ràng trong đêm
Đã buồn lại thấy buồn thêm
Khát thèm cuộc sống ấm êm ngoài đời”
Và cuộc đời của tên tướng cướp ấy rẽ sang một ngả khác khi mãn hạn tù, anh
trở thành một nhà thơ, một thành viên của đội Công an xã. Khi được hỏi làm
thế nào mà cá sự thay đổi lớn trong anh như vậy, tướng cướp, thi nhân ấy trả
lời nhờ có sự bao dung, tình yêu của người vợ hiền và của tất cả mọi người.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết "Sống trên đời cần có một tấm lòng. Để làm
gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…". Gió sẽ cuốn những tấm
lòng thảo thơm gieo tình yêu khắp muôn nơi, mang lại ánh sáng cho miền đất
tăm tối, mang lại hạnh phúc cho những người cùng khổ. Mỗi chúng ta, hãy
gửi theo gió tấm lòng mình để cứu giúp bao người và để chính chứng ta là
những con người có lối "sống đẹp”.
“Cuộc sống không có con đường cùng - chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là
phải làm sao để vượt qua được những ranh giới ấy” (Nguyễn Khải). Cuộc
sống luôn chứa đựng những thử thách, và không ai là không vấp ngã một lần.
Vậy nhưng sau cú ngã đau đớn ấy, bạn làm gì mới là điều đáng nói. Trong
đầu tôi cứ thể hiện lên hình ảnh con lật đật nhỏ bé miệng luân nở nụ cười và
lần nào vấp ngã cũng bật dậy, trên môi vẫn là nụ cười lạc quan. Đã bao giờ
bạn được như con búp bê ấy, kiên cường và nghị lực? Đọc Đặng Thuỳ Trâm,
những dòng tâm sự của chị, từng câu từng chữ bao giờ cũng tràn ngập một
lòng ham sống phi thường. "Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu
trước giông tố ". Câu nói tâm đắc ấy của chị, giờ đây, mỗi chúng ta cũng phải
lấy đó làm châm ngôn sống cho cuộc sống của mình.
Tôi được nghe thầy dậy Hoá kể câu chuyện về người học trò cũ của thầy. Anh
là một học sinh chăm ngoan, học giỏi, luôn nằm trong nhóm đầu. Vậy nhưng
trong kỳ thi Đại học quan trọng anh lại trượt điều tưởng như không thể đã
xảy ra. Đau buồn, thất vọng về chỉnh mình, cuộc sống của một thanh niên 18
tuổi lúc ấy chỉ toàn một màu đen khi bao hứa hẹn tương lai, kỳ vọng của gia
đình, thầy cô đều sụp đổ. Không chịu giam mình trong màn đêm, anh tự mình
thắp lên ngọn nến niềm tin và tiếp tục học tập hết mình. Anh đã đỗ vào năm
sau với một số điểm cao. Dù so với bạn bè, anh là người đến sau nhưng anh
lại là người đạt được chiến thắng lớn nhất: Chiến thắng chính mình, cuộc
sống với những ranh giới của nó luôn bao quanh bạn. Nếu không có nghị lực
làm sao bạn có thể đi hết được con đường của riêng mình ? Từ số 1 đến số 0
chỉ trong gang tấc nhưng khoảng cách từ số 0 đến số 1 trên trục đời là cả một
quá trình mà nếu không có niềm tin, nghị lực, bạn sẽ mãi chỉ là con số 0 mà
thôi. Hãy là một người bộ hành với đôi chân dẻo dai sẵn sàng đạp lèn mọi
chông gai để bước đi: "Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân
cũng thấm đau vô vàn những mũi gai” - Lời bài hát của ban nhạc tôi yêu thích
cứ văng vẳng bên tai. Bàn chân có thể sẽ chảy máu vì gai nhọn nhưng đừng
ngồi xuống rên xiết, hãy để máu ấy thấm lên những cánh hồng đỏ thắm trên
bước đường vinh quang của bạn! Làm được như vậy tức là bạn đang "sống
đẹp", sống và luôn giữ cho mình một niềm tin vào ngày mai, luôn có một nghị
lực vươn lên hướng đến ánh mặt trời.
Tôi từng đọc một bài thơ nghe qua tưởng chỉ là thơ vui nhưng lại mang một ý
nghĩa sâu sắc:
"Khi anh sinh ra
Mọi người đều cười
Riêng anh thì khóc tu tu
Hãy sống sao để khi chết đi
Mọi người đều khóc
Còn môi anh thì nở nụ cười”
Bạn và tôi, hãy tự chiêm nghiệm cho mình lối sống đẹp để khi ở cuối con
đường, chúng ta đều mỉm cười mãn nguyện!
Suy nghĩ về vai trò của rừng và việc bảo vệ rừng
Từ xưa, rừng đã được coi là tài sản quí báu vào bậc nhất mà thiên nhiên ban
tặng cho con người. Trong thực tế, rừng đã đem lại nhiều lợi ích to lớn. Ông
cha ta đã nhận xét giá trị to lớn của rừng qua câu: Rừng vàng, biển bạc.
Trước hết, rừng là nguồn cung cấp nhiều loại lâm sản cần thiết cho cuộc
sống. Nói đến rừng là người ta nghĩ ngay đến gỗ. Từ đinh, lim, sến, táu cứng
bền như sắt (nên được gọi là tứ thiết) là nguyên liệu xây dựng đình chùa,
lăng tẩm, có độ bền hàng ngàn năm đến lát chun, cẩm lai, vàng tâm, giáng
hương rất được ưa chuộng để làm đồ gia dụng, đồ thủ công mĩ nghệ và các
loại gỗ thông thường để làm nhà cửa. từ cây gỗ chống lò trong hầm mỏ đến
cành củi, mẩu than … tất cả đều từ rừng mà ra.
Ngày nay, với khoa học kĩ thuật tiên tiến, hiện đại, con người đã chế ra nhiều
nguyên liệu tổng hợp từ các sảnh phẩm hóa học, nhưng vẫn không thể thay
thế được vai trò của gỗ trong đời sống. Tre, nứa, trúc, mai, vầu, … cùng với gỗ
là nguyên liệu chính để sản xuất giấy và hàng ngàn vật dụng quen thuộc khác.
Rừng còn cung cấp cho ta những sản vật quí hiếm. Nhiều loại cây cỏ của rừng
là những vị thuốc đem lại sức khỏe và sự sống cho con người. Không sao kể
hết những nguồn lợi mà rừng đem lại.
Rừng còn giữ vai trò điều hòa khí hậu, bảo vệ sự sống. Rừng cây xanh bạt
ngàn là lá phổi khổng lồ thanh lọc không khí, cung cấp nguồn dưỡng khí duy
trì sự sống cho con người. Có loại rừng chắn gió, chắn cát ven biển. Có loại
rừng ngăn nước lũ trên núi. Rừng giúp con người hạn chế thiên tai. Đặc biệt,
rừng là khu bảo tồn thiên nhiên vô giá với hàng ngàn loài chim, loài thú quí
giá, là nguồn đề tài nghiên cứu bất tận cho các nhà sinh vật học. Rừng ngập
mặn là bức tường thành ngăn chặn bão gió, sóng thần, lũ lụt, …
Đối với dân tộc Việt Nam, rừng còn gắn chặt với từng chặng đường lịch sử.
Trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, rừng trở thành căn cứ cách
mạng: “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Trong thời bình, rừng là nơi nghỉ
ngơi, an dưỡng, là điểm tham quan du lịch của mọi người.
Rừng đem lại nhiều lợi ích như thế nên con người ra sức khai thác nguồn lợi
quí giá từ rừng. Bọn lâm tặc săn lùng gỗ quí khắp nơi. Muốn lấy một cây gỗ
quí, chúng chẳng ngại phá hại hàng trăm cây cối to nhỏ xung quanh. Vì tiền,
chúng bẫy hổ, săn gấu, bò tót, hươu, nai, lợn rừng, … ngay cả trong mùa sinh
sản. Việc đốt rừng làm rẫy đã thu hẹp rất nhiều diện tích rừng. Nguy hại nhất
là việc làm đó đã phá hủy vành đai rừng phòng hộ, dẫn đến hiểm họa sạt núi,
lở đất và những cơn lũ lớn không thể nào ngăn chặn được sẽ gây ra hậu quả
ghê gớm.
Khai thác rừng để phục vụ cuộc sống con người là việc làm cần thiết, nhưng
muốn hưởng lợi ích lâu dài thì con người cần phải biết bảo vệ rừng. Cùng với
việc chặt cây lấy gỗ, chúng ta phải biết trồng cây, gây rừng. Khai thác lâm sản
cũng phải có kế hoạch, có mức độ, nếu không, chẳng mấy chốc mà tài nguyên
rừng cạn kiệt. Khi đó, thử hỏi con người lấy gì để chống đỡ với gió, cát, nước
lũ, … và lấy đâu ra rừng vàng biển bạc cho con cháu mai sau?
Để bảo vệ rừng, Nhà nước ta đã có pháp lệnh cụ thể về khai thác rừng. Với sự
ủng hộ của các tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới, phong trào thực hiện
vườn rừng, phuãnh đất trống đồi trọc … đang được tiến hành rộng khắp.
Chúng ta hi vọng rằng rừng Việt Nam sẽ đưc[jbaor tồn và ngày càng phát
triển.
"Tình thương là hạnh phúc của con người"
“Nếu có một gia vị làm tăng thêm hơi ấm và ý nghĩa trong cuộc sống… đó
chính là tình yêu thương. Nếu có một tình cảm thiêng liêng giúp chúng ta
vượt qua bao khó khăn,thử thách đó chính là tình yêu thương”. Sự ân cần, ấm
áp cảu tình thương thật đẹp! Với tình thương đó,chúng ta có thể chia sẽ
những cảm xúc và thấu hiểu lẫn nhau. Tình yêu thương giúp chúng ta trong
lúc khó khăn bởi vì nó giúp ta kết nối ngôn ngữ trái tim. Có tình thương
chúng ta cùng sát cánh bên nhau khắp mọi nẻo đường đời. Có tình thương,
chúng ta cùng ươm mầm cho trái tim hoài bão và khát vọng. Qua đó, chúng
ta có thể thấy rõ:” Tình thưong là hạnh phúc của con người”.
Trên thế gian này, có rất nhiều cách để định nghĩa tình thương nhưng nhìn
chung tình thương yêu là một cảm giác đến từ sự chân thành cảu trái tim, nó
vô cùng đơn giản, mộc mạc, không mang những mưu toan, tính toán và tình
thương hiện diện khắp mọi nơi. Hạnh phúc là cảm giác vui vẻ, sung sướng
hay đơn giản chỉ là sự thanh tịnh trong tâm hồn. Chính vì mà tình thương yêu
và hạnh phúc luôn tồn tại trong nhau.
Xã hội ngày nay luôn bận rộn trong guồng máy công việc, con ngừoi luôn phải
chạy đua với thời gian, nhưng không vì thế mà tình thương yêu giữa người
và người bị mất đi. Ở đâu đó vẫn còn rất nhiều những tấm lòng chan chứa
yêu thương luôn rộng mở. Có rất nhiều bạn học sinh, sinh viên tham gia các
chiến dịch “Mùa hè xanh”, "Hoa phượng đỏ" để giúp đỡ những người kém
may mắn.Các bạn không quản khó khăn để mangcon chữ đến cho các bạn
vùng sâu vùng xa. Hay như bản thân chúng ta, khi Trung thu đến ta vẫn
thường quyên góp lồng đèn giúp các em nhỏ vui tết Trung thu. Tất cả những
điều đó đã phần nào chứng minh cho tình yêu luôn hiện hữu ở tất cả mọi nơi.
mặt khác tình thương còn là tấm lòng người mẹ, ngừoi cha, người ông, người
bà, … đối với con cháu. Họ cả đời lo lắng, chăm sóc, dành những gì tốt nhất
cho người thân yêu. Thế đấy, sự thương yêu muôn màu muôn vẻ với muôn
nghìn sự thể hiện. Nó tồn tại ở khắp mọi nơi và trong nhiều mối quan hệ từ
bạn bè, gia đình đến xã hội.
Thế nhưng tấm huy chưong nào cũng có mặt trái của nó, tình yêu cũng vậy.
Nếu chúng ta không đặt đúng chỗ, không mang đến cho những người cần thì
nó sẽ trở thành một tác nhân xấu cho gia đình và xã hội. Ví như một người mẹ
thì lúc nào cũng yêu thương con nhưng nếu người mẹ đó lầm tưởng rằng yêu
thương là cưng chiều thì sớm muộn đứa con ấy sẽ trở nên hư hỏng vì chúng
cho rằng chúng là nhất.
Không những thế, cuộc đời muôn hình vạn trạng, có người tốt cũng có kẻ xấu.
Tuy xã hội có rất nhiều người tình yêu thương vô bờ đối với mọi người xung
quanh nhưng cũng tồn tại những kẻ ích kỷ.Những người đó chỉ biết cuộc sống
của mình, họ không quan tâm đến bất cứ ai. Họ không hề biết rằng cuộc đời
là tập hợp của rất nhiều số phận may mắn, bất hạnh. Vì vậy những số phận
may mắn cần dang rộng vòng tay yêu thương để giúp đỡ những số phận bất
hạnh, giúp họ vượt qua khó khăn của cuộc đời.
Trên thế gian này, không có vị thần nào đẹp hơn thần mặt trời, không có ngọn
lửa nào đẹp hơn ngọn lửa yêu thương. Chúng ta hãy mở rộng cánh của trái
tim, mở rộng tấm lòng yêu thương, mang tình yêu đến với mọi ngừoi. Vì như
ta không những hạnh phúc đến cho mọi ngừơi, cho chính mình mà còn giúp
những người bất hạnh hiểu rằng thế giới này vẫn vô cùng ấm áp tình người.
Thất bại là mẹ thành công
Trước hết chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa câu tục ngữ.Thất bại là không đạt
được kết quả, mục đích như dự định, trái với thành công. Vậy mà câu tục ngữ
lại khẳng định thất bại là mẹ thành công-một điều hết sức mâu thuẫn.Hẳn ai
cũng biết mẹ là người sinh ra, tạo ra.Tổng kết lại, ta hiểu rằng có thất bại thì
ta mới có kinh nghiệm, từ đó dẫn tới thành công. Vậy đúng là thất bại đã sinh
ra thành công, có bại mới có thắng. Câu tục ngữ tưởng chừng như mâu thuẫn
nhưng thật ranó lại là 1 kinh nghiệm sống mang ý nghĩa thực tế: Thất bại dạy
cho ta những bài học để ta vượt lên và tiến tới thành công.
Tại sao vậy? Ta nên đi từ nguyên nhân của thành công. Nguyên nhân của
thành công có nhiều yếu tố nhưng chủ yếu nó bao gồm:
- Có năng lực
- Chớp được thời cơ.
Vậy thử xem Thất bại có sinh ra việc có năng lực và chớp thời cơ hay không?
Khi người ta thất bại người ta thường ngồi suy ngẫm vì sao người ta thất bại
hơn là khi người ta thành công thì người ta thường nghĩ vì sao người ta
thành công. Thay vào đó, người ta ăn mừng và tự mãn, điều này giết chết
thành công.
- Khi người ta nghĩ vì sao người ta thất bại thì điều đầu tiên nghĩ tới là năng
lực của mình đã đủ chưa (khả năng chuyên môn của bản thân, khả năng liên
kết và dùng người, nhân lực, vật lực và thời gian). Sau đó người ta nghĩ tới
liệu mình thực hiện như vậy đã đúng thời điểm chưa, đã đủ chín để thực hiện
chưa (chớp thời cơ). Khi người ta tìm được ra nguyên nhân như vậy, đa phần
họ sẽ chuẩn bị tốt hơn cho những lần sau để không bị thất bại. Do đó thất bại
sinh ra thành công là vậy.
- Con người thường có tính kiêu hãnh, họ thường không chịu thất bại, họ luôn
muốn chinh phục và luôn muốn thành công. Trong khi đó thất bại làm có tính
kiêu hãnh của họ nổi dậy và mạnh lên, đó là vì sao mà thất bại sinh ra thành
công vậy.Ý NGHĨA của nó như thế nào?
- Nó khuyên người ta khi thất bại thì đừng nản, phải biết nhìn lại để nhận ra
vì sao lại như vậy và điều quan trọng hơn cả là làm sao để lần sau không bị
như vậy nữa và lần sau làm như thế nào để đạt được Nó còn một ý nghĩa
nữa, một ý nghĩa hết sức con người, đó là an ủi người ta, đa phần sự an ủi
đều tốt, nó làm cho người ta lấy lại được tự tin. Nhưng đôi khi nó làm nhụt
chí người ta vì sự bằng lòng của họ lớn hơn ý chí của họ.Câu nói trên chỉ có
tác dụng đối với người có ý chí và lòng đam mê mà thôi.
Môi trường sống trên trái đất đang bị ô nhiễm trầm trọng
I/Mở bài Hiện nay, môi trường sống trên trái đất đang bị ô nhiễm trầm
trọng. Điều đó trở thành mối lo lắng chung cho các quốc gia vì ô nhiễm môi
trường làm giảm chất lượng sống con người và làm biến đổi đặc điểm sinh
thái trái đất.
II/ Thân bài
Thực vậy, hiện nay, mức ô nhiễm không khí đặc biệt ở các thành phố lớn, các
trung tâm công nghiệp đã vượt mức tiêu chuẩn cho phép. Không khí ở những
nơi này bị nhiễm bụi, nhiễm các khí thải độc hại CO2, SO2, … do lưu lượng xe
cơ giới hoạt động nhiều, do khói bụi từ các nhà máy công nghiệp thải ra.
Tầng Ozon đang bị phá hủy từng ngày, hiệu ứng nhà kính đang gia tăng làm
biến đổi khí hậu toàn cầu. Nguồn nước cũng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Nước biển đang bị nhiễm bẩn ngày càng nhiều đặc biệt là ở các hải cảng, các
cửa biển. Đây là những nơi thường bị rác thải và những vết dầu loang từ
những con tàu hủy hoại môi sinh. Những dòng sông chảy qua các đô thị, qua
các khu công nghiệp và chế xuất đã bị nước thải làm cho nhiễm độc, đổi màu
đen ngòm và bốc mùi hôi thối khó chịu. Đất đai cũng bị nhiều bãi rác khổng lồ
lấn chiếm. Lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu bị lạm dụng khiến đất ngày
càng trở nên bạc màu, mặn hóa, phèn hóa. Những khu rừng bị chặt phá hoặc
khai thác bừa bãi đã khiến cho lượng đất trống đồi núi trọc tăng cao gây hậu
quả khôn lường. Rác thải, chất thải đang gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ
độc hại… Vì vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay đã lên tới mức báo
động, trở thành hiểm họa chung cho toàn cầu.
Nguyên nhân chính của hiện tượng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng cao
bắt nguồn từ chính con người. Sự bùng nổ dân số và hậu quả nặng nề của nó
đã để lại những tác hại to lớn đến môi trường sống. Sự thiếu Ý thức gìn giữ,
bảo vệ môi trường trong nhiều người khiến họ xả rác bừa bài. Sự tham lam,
kiếm tiền bằng mọi giá của các chủ nhà máy khiến họ không xây dựng những
khu xử lí nước thải, rác thải. Sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân khiến họ
lạm dụng các chất hóa học, chất bảo vệ thực vật để tác động vào đất đai, cây
cối. Tham vọng quyền lực của một số cá nhân, đảng phái chính trị khiến họ
duy trì những vụ thử nghiệm và sử dụng vũ khí hạt nhân, làm cho nhiều vùng
đất đai, dân cư bị nhiễm phóng xạ. Đồng thời, sự thiếu đồng bộ về các chính
sách bảo vệ môi trường của các quốc gia cũng khiến nạn ô nhiễm tăng nhanh.
Các chế tài xử phạt các cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm môi trường cũng chưa
chặt chẽ và hiệu quả.
Chính sự ô nhiễm môi trường đang gia tăng trên là tác nhân khiến cho sức
khỏe con người ngày càng giảm sút. Hiện nay, rất nhiều người mắc các bệnh
về da: ung thư da, ngứa lở, viêm da do sống ở những vùng ô nhiễm nặng. Các
bệnh liên quan đến đường hô hấp như lao phổi, ung thư phổi do hít thở trong
bầu không khí độc hại, … Nhiều loài sinh vật đang bị tiêu diệt khiến cho
nguồn gen tự nhiên suy giảm, làm giảm đi sự phong phú đa dạng của tự
nhiên. Đất đai bị bạc màu, không cho hiệu quả canh tác cao. Nguồn nước sạch
ngày càng hiếm, là nguyên nhân cho bệnh tật và các cuộc chiến tranh giành
nước. Hàng năm, mỗi quốc gia phải đầu tư rất nhiều nhân lực và tiền của để
khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Trái đất sẽ trở thành bãi rác khổng
lồ nếu con người không tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ môi trường.
Để gìn giữ, làm môi trường xanh sạch đẹp, con người cần nâng cao hơn nữa Ý
thức tôn trọng, bảo vệ không gian sống của chính mình. Các quốc gia cần
nghiêm túc đưa môn giáo dục môi trường vào chương trình dạy học. Phát
động những phong trào cổ động bảo vệ môi trường như: trồng cây xanh, đặt
thùng rác ở những nơi công cộng, lập những đội thanh niên tình nguyện làm
sạch môi trường ở các khu dân cư, các khu du lịch, lập quỹ vì môi trường,
đăng thường xuyên các tin tức về môi trường trên các phương tiện thông tin
đại chúng. Các chính phủ cần kiểm tra nghêm túc, chặt chẽ hệ thống xử lí rác,
nước thải của các công ty, nhà máy khi cấp phép hoạt động. Các quốc gia
cũng cần có chính sách về môi trường, chế tài xử phạt nghiêm khắc những
trường hợp vi phạm gây hại đến môi trường. Đồng thời, cần lên án, chấm dứt
những trường hợp thử hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân hiện nay.
III/ Kết bài
Môi trường của chúng ta đang kêu cứu, trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ môi
trường sống xanh sạch đẹp thuộc về tất cả mọi người. Đặc biệt, thế hệ trẻ
càng cần tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ, cải tạo môi sinh trên trái đất.
Nếu không làm tốt việc bảo vệ môi trường, các thế hệ tương lai sẽ chẳng còn
không gian trong lành để sống./.
ứng xử có văn hóa
Có lần nào đó , đang đi trên đường , Anh ( chị ) chợt nhìn thấy một cảnh
tượng ngộ nghĩnh : Hai người đàn ông đi xe đạp chẳng may đụng vào nhau ,
cả hai người ngã chổng kềnh . Sau đó , cả hai cùng đứng dậy , mỗi người nhìn
thoáng vào cái xe của mình rồi cùng gật đầu chào và lên xe đi tiếp .
Anh / chị nghĩ gì về câu chuyện đó ?
1/ Đặt vấn đề
- Kể lại câu chuyện nhỏ theo đề bài .
- Nên nghĩ như thế nào ?
2/ Giải quyết vấn đề :
* Một chuyện tưởng buồn mà thành vui :
- Thật không hay khi phải chứng kiến một tai nạn giao thông dù nhỏ vào một
buổi sáng đẹp trời , làm buổi sáng ấy bớt đẹp đi.
- Nhưng thật bất ngờ , tình huống lại được giải quyết một cách nhanh chóng
và giản dị như vậy , như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
- Tuy nhiên , điều bất ngờ quan trọng nhất trong chuyện này là từ hai người
nói trên . Tại sao họ không có một lời phân bua hay to tiếng nào ? Có lẻ họ đã
nghĩ như thế này chăng :
+ Thôi đó là chuyện nhỏ , chẳng qua là việc không may . Mình không hề muốn
và chắc người kia cũng vậy .
+ Hình như người kia có lỗi , mà cũng có thể là do tại mình . Giá như mình cẩn
thận hơn một chút.
+ Mình đang vội , mất thì giờ vào một việc như thế này thì có ích gì ?
- Cuối cùng điều đáng vui nhất là : Tuy có lẻ là những ngưòi lao động bình
thường nhưng có cách xử sự thật văn hoá . Văn hoá là thế đấy . Đâu cần phải
bằng này, cấp nọ , đâu cần phải ăn mặc đúng thời trang , đi xe sang trọng .;
Đây mới là văn hoá đích thực , bởi nó đã thành thói quen , nếp ứng xử thường
trực.
* Từ câu chuyện nhỏ nghĩ về những chuyện lớn hơn :
+ Thường vẫn gặp trên đường những tình huống như vậy nhưng cách ứng xử
thì khác hẳn.
+ Nhẹ nhất là người ta đứng lại cãi vả , mắng mỏ nhau , ai cũng tự cho mình
là đúng nhằm thoả mãn sự kiêu căng cho rằng mình là người có lí . Nặng hơn
thì xông vào đánh nhau . Như có một chi tiết trong chuyện ngắn của Nguyễn
Khải : Một anh thanh niên đã thúc xe vào đuôi xe người ta , còn nói : “Tiên sư
cái anh già” .
+ Một cách ứng xử đã trở thành quen mắt trong xã hội ta ngày nay : người ta
sẵn sàng gây gỗ , dùng vũ lực với nhau chỉ vì những va chạm rất nhỏ , những
câu nói tình cờ , đôi khi chỉ vì tiếng cười hay ánh mắt … Không ít những
trường hợp dẫn đến những kết quả đáng buồn , thậm chí là bi kịch đáng tiếc .
- Có những thứ văn hoá mang tên là văn hoá ứng xử :
+ Mỗi con người ngày nay đều là một con người xã hội , con người sống giữa
xã hội luôn luôn có quan hệ vừa lỏng lẻo vừa bền chặt với mọi người trong xã
hội , mỗi việc làm , mỗi cách ứng xử của mình đều có tác động đến người khác
+ Ứng xử như hai người nói trong câu chuyện trên là cách ứng xử đẹp , đáng
để nêu thành gương tốt . Ở đời đâu phải chuyện nào cần cần phải hơn thua
rằng mình có lí hay không ? Ở đời đâu phải lúc nào cũng dở luật này, lệ nọ với
nhau ? Còn có tình người, còn có mối quan hệ cộng đồng . Nhường nhau một
bước , nhường nhau một lời có thiệt gì đâu ?
+ Từ hành vi này suy rộng ra . Còn bao nhiêu tình huống đòi hỏi cách ứng xử
có văn hoá : biết nhường đường cho người khác ; biết đứng lên nhường ghế
cho người già ; cho phụ nữ , trẻ em , biết xin lỗi , biết nói lời cảmơn , biết dừng
lại trước đèn đỏ nơi giao lộ , không xả rác , không gây ồn ào nơi công cộng …
Xã hội sẽ trở nên thân ái hơn , đâu phaỉ chỉ có thêm nhiều công viên , nhiều
cao ốc mà chính là cách ứng xử có văn hoá như vậy . Xã hội càng phát triển
những cách ứng xử như vậy càng được coi trọng.
3/ Kết thúc vấn đề :
- Trong sự giao lưu ngày càng mở rộng với thế giới , nếp ứng xử góp phần
nâng cao vị trí của đất nước trước mắt mọi người.
- Người nước ngoài muốn tìm hiểu văn hoá nước ta . Họ có thể đánh giá qua
một câu chuyện nhỏ gặp trên đường phố.
Cuộc chiến chống lại HIV/ AIDS bắt đầu từ chính các bạn
“ Trong thế giới khốc liệt của AIDS không có khái niệm chúng ta và họ . Trong
thế giới đó , im lặng đồng nghĩa với cái chết . Hãy sát cánh cùng tôi , bởi lẻ
cuộc chiến chống lại HIV/ AIDS bắt đầu từ chính các bạn” ( Cô- phi An – nan –
Thông điệp nhân ngày phòng chống HIV/ AIDS 1/12/2003) .
Anh / chị có thể làm gì để hưởng ứng lời kêu gọi ấy ?
1/ Đặt vấn đề :
- Giới thiệu về những đại dịch mà loài người đã trải qua : dịch hạch , đậu mùa
, thổ tả , từng tiêu diệt cả thành phố hay làng mạc Nhưng chưa có bệnh dịch
nào có thể sánh bằng thứ tai hoạ mà cả thế giới đang đối diện hôm nay : HIV/
AIDS
- Trích dẫn lời kêu gọi
2/ Giải quyết vấn đề :
* HIV/ AIDS là thảm hoạ cho loài người
- Như tên gọi của nó , AIDS là một căn bệnh khủng khiếp : nó tác động ngay
vào cội nguồn sức đề kháng của con người , tức là nó làm giảm khả năng
miễn dịch của con người , có thể chống lại mọi thứ bệnh từ xưa đên nay . Căn
nguyên của thứ bệnh ấy là một thứ siêu vi đã được y học thế giới nhận dạng
và đặt tên là HIV , nghĩa là siêu vi gây ra giảm miễn dịch ở người .
- Từ hai thập niên cuối cùng của thế kỉ , nay đã gần hết muời năm đầu cảu thế
kỉ XXI , mà y học thế giới vẫn chưa có một thứ thuốc nào chống lại căn bệnh
ấy , chưa có thứ văc –xin nào phòng ngừa được thứ vi rút ấy . Những thứ
thuốc tốt nhât chỉ có thẻ kéo dài sự sống cho người mắc bệnh ấy , mọi biện
pháp phòng ngừa củng chỉ giảm bớt sự lay lan từ người này sang ngươì khác
, không để nó trở thành đại dịch mang tính toàn cầu mà thôi
- HIV/AIDS dù chưa là đại dịch nhưng đang là tai hoạ . Chỉ cần xem những
con số thống kê : Trong năm 2000 , toàn thế giới đã có 36,1 triệu người phải
sống cùng với HIV/ AIDS , trong đó 5,3 triệu người nhiễm . Từ đầu cho đấn
năm 2000 ( Trong khoảng hơn 10 năm ) , có 21,8 triệu người chết vì AIDS ,
mà riêng năm 2000 có 3 triệu người . Cho đến năm 2000 trễn thế giới có 13,2
triệu trẻ mồ côi vì cha mẹ chết vì AIDS . Nếu tính trung bình trong năm 2000 ,
thì cứ mỗi ngày trôi qua , thế giới lại có thêm 16 ngàn người nhiễm HIV/
AIDS , nghĩa là cứ mỗi giờ thì có 750 người mắc thứ bệnh ấy . Tất nhiên bước
sang thế kỉ mới , những con số thống kê này sẽ tăng lên cấp số cộng.
- Từ những con số đó , có thể suy ra một con số khác : Những người hiện nay
không sản xuất ra sản phẩm , chỉ lo chữa bệnh , và bao nhiêu con người phải
tập trung để lo cho những người bệnh ấy , bao nhiêu thuốc men , tiền bạc đổ
vào việc chăm lo cho những con người bệnh ấy . Đó là chưa kể bao nhiêu trại
nuôi trẻ mồ côi phải dành cho những đứa trẻ sinh ra đã mang sẵn HIV . Công
việc chống đói nghèo của thế giới vốn gian nan lại càng thêm gian nan.
* Không ai được phép coi đây là việc làm của người khác , chỉliên quan đến
“họ” , tức là người đã bị nhiễm HIV hay đã bước vào thời kì AIDS.
- Trước hết với đaọ lí làm người , không ai được quyền dửng dưng trước tai
hoạ của đồng loại.
- HIV/ AIDS đang tác động xấu đến đời sống của nhân loại trên toàn thế giới .
Một số phần lớn tiền bạc và vật chất của thế giới đang phải dồn cho việc chữa
trị bệnh AIDS , lẻ ra phải được dùng để SX lương thực , phòng chống thiên tai
…
- Có nhiều con đường lây nhiễm HIV, mà bất kì ai cũng có thể không may gặp
phải : Truyền máu không an toàn ; lây từ mẹ sang con ; lây từ đời sống tình
dục thiếu trách nhiệm ; thiếu hiểu biết . Nếu khôgn có những biện pháp phòng
ngừa mạnh mẽ , bệnh có thể gõ cửa từng nhà.
* Mỗi người phải làm gì ?
- Trước hết , phải lên tiếng . Nói như Cô –phi An- nan “ im lặng đồng nghĩa với
cái chết” . Một hiện tượng rất đáng suy nghĩ : Riêng trong khu vực Châu Phi
cận sahara , với dân số chiếm 1/10 dân số toàn cầu , thì số người dương tính
với HIV chiếm 77,98% số lượng toàn cầu . Đó là do thiếu hiểu biết , thiếu sự
quan tâm , do thái độ thiếu sự kiên quyết trong phòng ngừa . Ở nước ta hiện
nay , có những vùng nông thôn xa sôi hay vùng miền núi có những người hoạt
chưa biết hoặc chưa hiểu biết không đúng về HIV/ AIDS.
- Phải cảnh báo với tất cả mọi người xung quanh về các nguy cơ lây nhiễm
HIV/AIDS để tự mình tích cực phòng tránh.
- Phải có họ như những người không may nhiễm phải một thứ bệnh mà đến
nay nhân loại chưa có thuốc chữa . Phải yêu thương và chia sẻ nỗi đau.
- Không được kì thị , phân biệt . Phải giúp họ tạo dựng được niềm tin và nghị
lực để sống và đóng góp . Trừ những con đường lây nhiễm đã được xác định ,
người ta có thể gần gũi với người bệnh.
- Cần góp một phần công sức vào công việc chung , góp một phần tiền bạc vào
việc phòng ngừa nơi cộng đồng của mình.
3/ Kết thúc vấn đề :
- Cũng như những đại dịch được xem là đại họa của thế giới đã có thuốc chữa
. Trong tương lai con người sẽ tìm ra thuốc chữa khỏi bệnh AIDS , tìm ra vắc
– xin ngừa HIV.
Tình thương với những trẻ em lang thang cơ nhỡ
1/Mở bài
"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan"
Sinh thời, Bác Hồ của chúng ta rất yêu thương và quan tâm đến thanh thiếu
niên đặc biệt là các em nhi đồng. Các em luôn được tạo mọi điều kiện để vui
chơi và học tập, vô tư hồn nhiên như chính tuổi thơ của mình vậy. Ngày nay,
trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang nhiều hơn, trẻ em được đến
trường học tập vui chơi cùng bạn bè, thầy cô. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta
không khỏi xót xa thương cảm khi bắt gặp những em bé phải lao động để lo
chén cơm, manh áo từng ngày cùng với những sấp vé số trên tay hay những
tờ báo đi khắp phố phường bán rong, và thấp thoáng ở đâu đó những hình
ảnh nhỏ nhắn của các em trong những bãi rác để tìm phế liệu bán kiếm tiền.
Chúng ta sẽ suy nghĩ gì khi chính chúng ta chứng kiến những cảnh tượng cảm
động ấy?
2/Thân bài
Vâng hình ảnh trẻ em lang thang, cơ nhở, mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn, kiếm sống ở các thành phố, thị trấn đã và đang được các cơ quan ban
ngành chú trọng và quan tâm nhiều hơn với những trung tâm bão trợ trẻ em,
hay làng SOS đã được đầu tư xây dựng với quy mô ngầy càng mở rộng.
Chính những nơi đây đã trở thành mái ấm tình thương là "một đại gia đình"
cho các em có thể vui chơi, học tập, rèn luyện để trở thành những công dân
tốt, sống lành mạnh và không là gánh nặng cho xã hội.
"Trong đêm một bàn chân đứa bé xiếu lang thang trên đường, ánh mắt buồn
nghẹn ngào của em, em rất buồn vì không biết đi, đi về đâu. Cuộc sống mưu
sinh chỉ làm em qua cơn đói từng ngày, vì em không cha vì em đã mất mẹ đau
thương vẫn là đau thương". Xa xa đâu đó vẫn còn văng vẵng lời bài hát "đứa
bé" của nhạc sĩ Minh Khang làm cho chúng ta không khỏi xúc động, lòng
người không khỏi da diết với nỗi lòng đau nhói, quặng thắt từng cơn khi
những hình ảnh đứa bé lang thang trong đêm tối để rồi không định hướng
được tương lai cũng như không biết đi về đâu tron đêm tối lạnh giá. Gia đình
ư? Người thân ư? không. Em không có gia đình và chẳng có người thân, ba
mẹ đã bỏ em ra đi mà không trở về nữa. Biết trách ai đây! có lẽ các em đã cố
nén đi nỗi bất hạnh để đau thương đêm ngày thành thương đau. Thử hỏi cộc
đời này còn có trái tim nào sắt đá hơn nữa, khi nghe giọng nói cảm động
nhưng trong sáng và ấm áp của các em cất lên:"Bác ơi! mua giúp con vài tấm
vé số đi chú" hay "chú ơi! đánh giầy phụ con đi chú" Thật khó có lời nào lẽ
nào để diễn tả hết những cảm xúc rung động trong trái tim mọi người dù "em
có một ước mơ một vì sao sáng dẫn lối em trong cuộc đời, đã lâu rồi em đã
không có tình thương".
Những mái ấm tình thương luôn mở rộng cánh cửa đón chào các em và ngày
càng có nhiều cá nhân, gia đình, các mạnh thường quân tổ chức nhận nuôi
dạy các em, kể từ đây khôn còn phải lo miếng cơm manh áo nữa. Những ước
mơ những ước mơ được vui chơi, được học tập của em không còn là mơ ước.
Các em sẽ được đến trường, vui chơi, nô đùa cùng chúng bạn hoà nhập với
thế giới hồn nhiên của trẻ thơ.
Các em sẽ không còn 'co ro trong manh chiếu rách", sẽ không ngủ đầu đường
xoá chợ, lang thang khắp phố phường nữa mà thay vào đó là một tương lai
tươi sáng đang đón chào các em, các em không phải mặc cảm, tự ti và cũng
chẳng còn những tháng ngày mưa nắng cùng với mãnh bánh mì trên tay lót
dạ để quên đi cơn đói từng ngày hành hạ thân xác nhỏ nhắn, ốm yếu của em.
Thật vậy, lòng nhân ái của con người không có gì có thể sánh được, mọi
người hãy mở rộng trái tim giúp đỡ và yêu thương các em, để các em có đủ tự
tin và nghị lực vượt qua những khó khăn để trở thành mầm non, một nền
tảng tương lai của đất nước. Dân tộc Việt Nam chúng ta chú trọng nhất
truyền thống nhân đạo nên vậy giờ đây chúng ta hãy mở rộng vòng tay nhân
ái bằng cách giúp đỡ các em nhiều và nhiều hơn nữa để ngày mai tương lai
các em được tươi đẹp hơn. Niềm vui của mọi người sẽ được nhân lên. Có khi
nào bạn nghĩ phía sau của những căn nhà sang trọng, có những đứa trẻ được
nương chiều sống buông thả, tron khi sau đó có biết bao các em bé khác khát
khao khát một phần hạnh phúc nhỏ là có nơi che mưa, che nắng, bố mẹ nâng
niu nương chiều hay được nhẹ nhàng đặt lên má những nụ hôn trước những
buổi đến lớp.
Vậy chúng ta còn chờ gì nữa? mà "hãy lau khô cuộc đời em bằng tình thương,
lòng nhân ái của con người mà hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em
bằng tất cả trái tim con người Việt Nam".
3/ Kết bài Một xã hội văn minh tươi đẹp khi xung quanh bạn không còn phải
thấy những đứa bé lang thang, vất vả kiếm sống và chúng ta phải biết sẽ chia
tình cảm thân thương chan hoà với mọi người bằng tất cả những gì mà bạn
đang có.
Thất bại là mẹ thành công
( Bài 400 chữ)
Thất bại là không đạt được kết quả, mục đích như dự định, trái với thành
công. Vậy mà câu tục ngữ lại khẳng định thất bại là mẹ thành công-một điều
hết sức mâu thuẫn.Hẳn ai cũng biết mẹ là người sinh ra, tạo ra, ta hiểu rằng
có thất bại thì ta mới có kinh nghiệm, từ đó dẫn tới thành công. Vậy đúng là
thất bại đã sinh ra thành công, có bại mới có thắng. Câu tục ngữ tưởng chừng
như mâu thuẫn nhưng thật ranó lại là 1 kinh nghiệm sống mang ý nghĩa thực
tế: Thất bại dạy cho ta những bài học để ta vượt lên và tiến tới thành công.
Nguyên nhân của thành công có nhiều yếu tố nhưng chủ yếu nó bao gồm: Có
năng lực. Chớp được thời cơ.
Khi người ta thất bại người ta thường ngồi suy ngẫm vì sao người ta thất bại
hơn là khi người ta thành công, điều đầu tiên nghĩ tới là năng lực của mình
đã đủ chưa (khả năng chuyên môn của bản thân, khả năng liên kết và dùng
người, nhân lực, vật lực và thời gian). Sau đó người ta nghĩ tới liệu mình thực
hiện như vậy đã đúng thời điểm chưa, đã đủ chín để thực hiện chưa (chớp
thời cơ). Khi người ta tìm được ra nguyên nhân như vậy, đa phần họ sẽ chuẩn
bị tốt hơn cho những lần sau để không bị thất bại. Do đó thất bại sinh ra
thành công là vậy.
Con người thường có tính kiêu hãnh, họ thường không chịu thất bại, họ luôn
muốn chinh phục và luôn muốn thành công. Trong khi đó thất bại làm có tính
kiêu hãnh của họ nổi dậy và mạnh lên, đó là vì sao mà thất bại sinh ra thành
công vậy.Ý NGHĨA của nó như thế nào?
Nó khuyên người ta khi thất bại thì đừng nản, phải biết nhìn lại để nhận ra vì
sao lại như vậy và điều quan trọng hơn cả là làm sao để lần sau không bị như
vậy nữa và lần sau làm như thế nào để đạt được Nó còn một ý nghĩa nữa,
một ý nghĩa hết sức con người, đó là an ủi người ta, đa phần sự an ủi đều tốt,
nó làm cho người ta lấy lại được tự tin. Nhưng đôi khi nó làm nhụt chí người
ta vì sự bằng lòng của họ lớn hơn ý chí của họ. Câu nói trên chỉ có tác dụng
đối với người có ý chí và lòng đam mê mà thôi.