Có nên tin dùng các bài thuốc kinh
nghiệm dân gian?
Có thể nói vấn đề này hiện nay vẫn đang tồn tại nhiều quan niệm khác nhau. Một số
người cho rằng không nên tin dùng các bài thuốc kinh nghiệm dân gian vì phần lớn
chúng chưa được chứng minh và giải thích trên cơ sở khoa học của y học hiện đại cho
nên không biết trong các vị thuốc, bài thuốc đó có những hoạt chất gì, cơ chế tác dụng
của chúng ra sao, chỉ định và phản chỉ định như thế nào. Thậm chí có người còn tỏ ra coi
thường các bài thuốc dân gian, xem đó chỉ là một mớ những kinh nghiệm cổ hủ, lạc hậu
của những “lang băm”, “lang vườn” không đáng tin cậy. Một số khác lại tin tưởng và đề
cao một cách quá mức, họ thi nhau sưu tầm, tuyên truyền và vận dụng những bài thuốc
dân gian mặc dù những kiến thức của họ về vấn đề này rất hạn chế. Thậm chí một số cây
thuốc, bài thuốc được họ ca tụng và sử dụng một cách cẩu thả, bừa bãi để rồi chính họ
hoặc con bệnh của họ phải chuốc lấy những hậu quả không đáng có. Tồi tệ hơn nữa là có
một số ít người nắm được một vài bài thuốc dân gian nhưng lại chủ tâm khuếch trương,
quảng cáo dưới dạng kinh nghiệm “gia truyền”, “bí truyền” để lấy tiền của người bệnh
một cách thái quá, không tương xứng với giá cả và giá trị thực của chúng. Vậy nên hiểu
vấn đề này như thế nào cho đúng?
Trên thực tế, trong công tác khám chữa bệnh hàng ngày, người thầy thuốc y học cổ
truyền thường sử dụng 3 nhóm bài thuốc chủ yếu để kê đơn: một là, các bài thuốc cổ
truyền và các bài thuốc được xây dựng theo nguyên tắc “đối pháp lập phương” (kê đơn
theo lý luận của y học cổ truyền); hai là, các bài thuốc kinh nghiệm dân gian và gia
truyền (kê đơn theo nghiệm phương); ba là, các bài thuốc được xây dựng trên cơ sở sử
dụng linh hoạt các bài thuốc có ở địa phương được chia làm 2 phần: phần điều hòa cơ thể
và phần chữa bệnh (kê đơn theo toa căn bản). Như vậy, có thể thấy các bài thuốc kinh
nghiệm dân gian là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền y dược học cổ truyền
phương Đông.
Từ xa xưa, trong quá trình đấu tranh với thiên nhiên, bệnh tật để bảo vệ cuộc sống, con
người đã biết dùng cây cỏ quanh mình để làm thuốc. Trong lúc tìm kiếm thức ăn, có khi
tổ tiên chúng ta ăn phải các thứ hoa, thứ lá có độc làm phát sinh tình trạng đau bụng, đi
lỏng, thậm chí có thể hôn mê dẫn đến tử vong. Nhưng cũng có khi trong lúc cơ thể đang
mệt mỏi, đau yếu tình cờ vớ được một số củ quả hoa lá ăn vào cảm thấy tay chân khỏe
mạnh, tinh thần phấn chấn, bệnh tật tiêu tan. Ban đầu, củ gừng, củ tỏi có thể chỉ được
dùng với mục đích tạo mùi vị thơm ngon cho thức ăn, nhưng sau đó con người nhận thấy
khi dùng chúng kèm theo các đồ ăn thức uống dễ gây đầy trướng, đi lỏng thì các triệu
chứng này không xuất hiện nữa, và thế là củ gừng, củ tỏi được lấy từ rừng về trồng quanh
nhà quanh vườn, rồi từ vườn lại được đem vào dự trữ trong nhà bếp để chế biến thức ăn
và làm thuốc dùng dần.
Những kinh nghiệm dùng thuốc được lưu truyền trong nhân dân, cha truyền con nối từ
đời này sang đời khác hình thành nên nền y học dân gian. Và rồi trên cơ sở kinh nghiệm
thực tiễn của nền y học này, con người mới tìm cách tổng kết, quy nạp và xây dựng một
hệ thống lý luận chỉ đạo vững chắc, hình thành một nền y học cổ truyền có tính bác học.
Như vậy, có thể thấy các bài thuốc kinh nghiệm dân gian mà cha ông ta để lại đã được
thực tiễn chứng minh trên người thực, bệnh thực từ bao đời nay rồi. Bởi vậy, chúng ta có
thể áp dụng. Tuy nhiên, trong khi sử dụng các bài thuốc kinh nghiệm dân gian chúng ta
cũng cần lưu ý mấy điểm sau đây:
- Vì chúng chỉ được truyền miệng từ người này sang người khác hoặc có thể được ghi
chép trong sách báo nhưng qua mỗi người, mỗi sách lại thay đổi một chút, có khi bị che
giấu, xuyên tạc do người có kinh nghiệm muốn giữ độc quyền; có khi bị nhầm lẫn, sai sót
do trình độ hiểu biết, do dịch thuật cho nên vấn đề quan trọng là phải phân biệt đâu là
những bài thuốc kinh nghiệm dân gian thực sự, đâu là những bài thuốc đã bị xuyên tạc
và nhầm lẫn, thậm chí có thể bị thần bí hóa.
- Tuy đa số các bài thuốc dân gian đều ít hoặc không có tác dụng phụ, tính an toàn tương
đối cao nhưng không phải không có những bài thuốc sử dụng các chất có độc tính cao
như thủy ngân, chì, thạch tín hoặc sử dụng các loại động vật hay côn trùng có chứa chất
độc như rắn, rết, cóc, mật một số động vật hoặc thậm chí cả những chất thải như nước
tiểu, phân động vật Bởi vậy, với những bài thuốc này nhất thiết không được tự tiện sử
dụng.
- Vì một bài thuốc có thể có một hay nhiều vị, mà mỗi vị lại có nhiều tên gọi dân gian
khác nhau tùy theo từng vùng, từng địa phương. Hơn nữa cách chế, cách cân đo theo đơn
vị cổ kim cũng không giống nhau. Nhiều vị có cùng tên gọi dân gian nhưng thực chất lại
là hai loại hoàn toàn khác nhau. Bởi vậy, khi sử dụng phải hết sức thận trọng.
- Nhiều bài thuốc được chỉ định dùng cho các chứng bệnh có tính danh mơ hồ như phúc
thống (đau bụng), ho, hậu sản, đầu thống (đau đầu) chưa có sự phù hợp giữa y học hiện
đại và y học cổ truyền. Có một số sách giới thiệu bài thuốc theo bệnh, có bệnh gọi theo
Tây y, có bệnh gọi theo Đông y nên rất dễ nhầm lẫn. Vì thế trong khi sử dụng phải hết
sức cảnh giác, tránh dùng bừa bãi dễ gây tai biến do nhầm bệnh, nhầm chứng.
Một số bài thuốc có khả năng chữa được những bệnh cấp tính, bệnh nặng nhưng tuyệt đối
không nên chủ quan, dùng bậy hoặc lạm dụng, coi thường sự chỉ dẫn của thầy thuốc vì có
thể dẫn đến sự chậm trễ trong cứu chữa.
- Gần đây có nhiều sách báo trong nước giới thiệu các bài thuốc dân gian của Trung
Quốc. Mặc dù có khá nhiều điểm tương đồng nhưng điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai,
thể chất con người giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có sự khác nhau ở một mức độ
nhất định. Bởi vậy, việc sử dụng các bài thuốc này cần có sự xem xét, so sánh đối chiếu
và lựa chọn hết sức thận trọng.
- Cuối cùng, mặc dù các bài thuốc kinh nghiệm dân gian nhìn chung đều dễ kiếm, dễ
dùng, an toàn và có hiệu quả ở mức độ khác nhau nhưng dù sao đã là thuốc thì không thể
không đề phòng những tai biến không lường trước được. Bởi thế, việc tham khảo ý kiến
của thầy thuốc y học cổ truyền chính danh luôn luôn là điều hết sức hữu ích và cần thiết.