Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng đời sống văn hoá mới
15:55 | 29/01/2005 (ĐCSVN)- Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là anh hùng giải
phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, vừa là nhà văn hoá
lớn của nhân loại. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã gắn chặt với sự nghiệp
cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Trên mọi lĩnh vực của đời sống
xã hội Việt Nam đều sáng ngời những tư tưởng của Người. Cũng như ở các
lĩnh vực khác, trong quá trình kiến tạo đời sống văn hoá mới, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã giữ một vai trò đặc biệt to lớn. Người không chỉ vạch ra đường
lối có tính chiến lược mà còn chỉ đạo việc thực hiện và chính Người là hiện
thân của đường lối ấy.
Sau khi cách mạng tháng Tám giành thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu tâm
ngay đến việc xây dựng đời sống mới trong nhân dân. Ngày 3/4/1946, Uỷ ban vận
động đời sống mới Trung ương được thành lập. Một năm sau (20/3/2947), Người
viết tác phẩm ''Đời sống mới '' nhằm tuyên truyền và vận động toàn Đảng, toàn dân
ta thực hiện đời sống văn hoá mới.
Tại sao phải xây dựng đời sống mới? Đất nước ta qua hơn trăm năm bị thực dân
Pháp xâm lược và thống trị, đời sống nhân dân bị dìm trong tăm tối và lạc hậu thì
việc xây dựng đời sống mới thực sự là một cuộc cách mạng trong toàn dân. Đây là
một cuộc vận động cách mạng, một cuộc đấu tranh chống lại cái cũ, lạc hậu để xây
dựng đời sống mới tươi trẻ và tiến bộ.
Xây dựng dời sống mới bắt đầu từ đâu? Theo Hồ Chí Minh phải bắt đầu từ những
điều cơ bản nhất nhưng cũng đơn giản nhất mà mọi người đều phải thực hành. Bác
Hồ nói: ''Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi thì phải làm. Từ trước đến giờ,
ta vẫn có làm, vẫn có cơm áo, nhà, đường xá. Nhưng vì làm chưa hợp lý nên số
đông dân ta ăn đói,mặc rách, nhà cửa chật hẹp, đường sá gập ghềnh, người nghèo
khổ thì nhiều, người no ấm thì ít…Đời sống mới không cao xa gì, cũng không phải
khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hi sinh chút gì. Nó chỉ sửa đổi những việc cần
thiết, rất phổ thông trong đời sống mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc,
cách ở, cách đi lại, cách làm việc. Sửa đổi những điều đó thì mọi người đều được
hưởng hạnh phúc''(l). Từ quan niệm đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây
dựng nên những chủ trương, biện pháp thực hành ''đời sống mới''.
Đối với làng xã, việc thực hiện đời sống mới theo Người cần phải làm những việc
sau: Về văn hoá phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của
công dân. Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa cờ bạc, hút sách, trộm cắp, đĩ điếm.
Tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình trở
thành một làng ''thuần phong mỹ tục''. Còn trong gia đình, theo Bác thực hiện đời
sống mới về tinh thần thì trên thuận dưới hoà, không thiên tư, thiên ái, về vật chất
từ ăn mặc đến việc làm ăn đều tiêu pha có kế hoạch, ngăn nắp. Cưới hỏi giỗ tết nên
đơn giản tiết kiệm. Hiện nay nhiều gia đình, nhiều người ít quan tâm tới con cái,
đến việc tu dưỡng học hành, kỷ cương nề nếp. Do đó mà cương thường, đạo lý
lung lay và gia đình là nơi bắt nguồn của những tệ nạn bất khả. Đúng như Bác Hồ
đã nói: ''Ta phải xây dựng nếp sống mới từ gia đình, quan tâm từ cái nhỏ nhất từ
trong nhà ra đến ngoài xã hội'' (2). Từ đó gia đình mới trở thành rường cột, làm chỗ
dựa cho cá nhân và góp phần hữu ích cho đất nước.
Người luôn kêu gọi bình đẳng, tôn trọng, hoà thuận, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ
vợ chồng, cha mẹ, con cái và trong xã hội giữa các dân tộc. Đồng thời Người đề
cao nhiệm vụ giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình đẳng có ý nghĩa xã hội
lớn lao, vì ''nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây
dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa''. Người cho đó là ''một cuộc cách mạng khá to
và khó. Vì trọng trai, khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Nó ăn sâu
trong đầu óc của mọi " người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội''(3).
Trong xã hội cũ người phụ nữ hầu như không có sự bình đẳng, không được nắm
quyền kinh tế trong gia đình, không được học hành và tham gia các hoạt dộng xã
hội. Cho nên muốn cải tạo được xã hội cũ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần phải
quan tâm đến phụ nữ để họ được học hành, có trình độ tham gia vào các địa vị xã
hội và hường mọi quyền lợi như nam giới. Đồng thời chị em phụ nữ cũng phải
nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà, phải có quyết
tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm tròn những nhiệm vụ mới của mình,
góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước. Ngay cả trong đời sống
giao tiếp hàng ngày, theo Người cần phải chân thành, cởi mở, ''trên kính, dưới
nhường'' trong từng cử chỉ lời nói. Qua giao tiếp mà con người mở rộng quan hệ.
Không ngừng tiếp cận, học hỏi cái hay, cái đẹp dể nâng cao trình độ hiểu biết và
tiến bộ.
Mục đích của việc xây dựng đời sống văn hoá mới là: ''Làm thế nào cho đời sống
của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn''(4).
Trước hết, theo Hồ Chí Minh muốn xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp hơn thì
cần phải tiêu diệt những thói hư, tật xấu của xã hội còn xót lại đồng thời phải bồi
dưỡng con người có đạo đức ''cần kiệm liêm chính chí công vô tư, một lòng một dạ
phục vụ nhân dân''. Trong khi xây dựng cái mới phải biết kế thừa và phát triển
những đức tính tốt đẹp của tổ tiên ta như yêu nước, yêu lao động, thương yêu đùm
bọc lẫn nhau, đoàn kết trong lao động và chiến đấu. . . và học tập những gương tốt
của nhân dân các nước anh em, bè bạn. Thực chất của việc xây dựng đời sống mới
ở nước ta lúc này là cuộc đấu tranh giữa hai con đường, giữa cái mới và cái cũ bảo
vệ và phát huy những cái tốt, quét sạch những tàn dư tư tưởng văn hoá lạc hậu,
phản động của chế độ thực dân phong kiến. Xoá bỏ, cải tạo nếp sống cũ lạc hậu và
xây dựng nếp sống mới là nhiệm vụ to lớn, phức tạp đòi hỏi phải tiến hành một
cách rất cẩn thận, chịu khó và lâu dài, không chủ quan, nôn nóng, áp đặt, muốn
làm hết ngay một lúc, phải nhận thức được quá trình biến đổi theo quy luật của xã
hội mới để xây dựng nếp sống phù hợp.
Để chiến thắng những thói quen cũ lạc hậu theo Chủ tịch Hồ Chí Minh những thói
quen mới chúng ta xây dựng phải thật sự khoa học và đòi hỏi sử dụng tổng hợp
nhiều sức mạnh, nhiều ngành, giới. Trong đó công tác tuyên truyền rất quan trọng
nhưng theo Người ''tuyên truyền không cần nói tràng giang, đại hải mà nói ngắn
gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được để mọi người hiểu rõ và
quyết tâm làm bằng được''. Người nói ''học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi
phải vất vả mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân
một cái là nhào xuống vực sâu''. Vì vậy Người luôn luôn nhắc nhở cần phải lấy
gương người tốt, việc tốt trong quần chúng nhân dân và cán bộ Đảng viên để giáo
dục lẫn nhau, là một phương pháp sinh động và có sức thuyết phục lớn cũng là
cách tốt nhất để xây dựng con người mới. Người coi ''thi đua cải tạo con người: lao
động sáng tạo xã hội'' chính phong trào thi đua, tập thể ấy là cái nôi làm xuất hiện
những con người mới tiên tiến xứng đáng nhận những danh hiệu vinh quang, lên
án những kẻ lười biếng, trốn tránh lao động của lối sống ươn hèn.
Ngày nay, trong sự tác động phức tạp của nền kinh tế thị trường thì việc xây dựng
đời sống văn hoá mới càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Cuộc vận động thực hành
tiết kiệm không xa hoa, lãng phí trong hội họp, cưới xin, tang lễ khuyến khích thi
đua trong toàn Đảng, toàn dân đã và đang tạo ra một môi trường văn hoá lành
mạnh, giúp chúng ta đẩy lùi được cái ác và làm cho cái thiện ngày càng sinh sôi
nảy nở. Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời từ những năm 1947 đã
luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta vận dụng qua các Nghị quyết, chỉ thị về việc
xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá mới. Chỉ thị 27 Bộ Chính trị về việc
cưới, việc tang và lễ hội cũng như các Nghị định 36, 87, 88 CP của Chính phủ và
Chỉ thị 814 - TTg của Thủ tướng Chính phủ là làm rõ hơn và cụ thể hoá việc xây
dựng đời sống văn hoá mới trong nhân dân theo lời dạy của Bác Hồ. Chúng ta
đang sống những năm đầu của thế kỷ 21, đang đứng trước nhiệm vụ công nghiệp
hoá, hiện đại hoá đất nước mà Đảng giao phó, trong những bước đi đầu tiên này
học lại những bài học của Bác Hồ về xây dựng đời sống mới là một điều rất cần
thiết. Đó cũng là cách trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, làm sống dậy tư tưởng của
Người trong công cuộc đổi mới hôm nay.