Hợp đồng mua bán theo công ước Vienna
1980: Hiệu lực của chào hàng (Phần 1)
09:39' AM - Thứ ba, 16/03/2004
Công ước của Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế năm 1980
(CISG - Công ước Vienna) quy định một đề nghịphải thoả mãn ba điều kiện mới
trở thành một chào hàng.
Một là đề nghị đó phải được gửi tới một hoặc nhiều người cụ thể. Hai là đề nghị đó phải
đủ chính xác, tức là phải nêu rõ tên hàng và ấn định rõ ràng hoặc ngầm định hay quy
định phương pháp xác định số lượng và giá cả. Ba là phải chỉ rõ ý chí của người đề
nghị muốn tự ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp có chấp nhận. Nếu một đề nghị
không thoả mãn điều kiện thứ nhất, nhưng người đề nghị nêu rõ đó là một chào hàng
thì đề nghị đó cũng được coi là một chào hàng. Trong ba điều kiện thì điều kiện thứ hai
là quan trọng nhất vì nó xác định tính chất của giao dịch là giao dịch mua bán hàng
hoá. Để thể hiện một giao dịch mua bán thì nội dung của giao dịch phải xác định rõ đối
tượng hàng hoá (tên hàng và số lượng) và phải xác định giá cả để phân biệt với giao
dịch khác (tặng, cho ). Mặc dù vậy, CISG lại quy định nếu hợp đồng được ký kết hợp
pháp nhưng trong hợp đồng không ấn định rõ ràng hoặc ngầm định hay quy định
phương pháp xác định giá cả thì giá cả trong hợp đồng được coi là giá trên thị trường
trong những điều kiện tương tự vào thời điểm ký kết hợp đồng (Điều 55). Điều này
khiến người ta hiểu có sự mâu thuẫn là nếu coi điều khoản giá là điều khoản bắt buộc
phải có trong chào hàng thì hợp đồng không xác định giá cả sẽ không được coi là "ký
kết hợp pháp" và do đó quy định này trở nên vô nghĩa. Nhưng trong thương mại quốc
tế, một hợp đồng không thể hiện rõ một trong ba nội dung trên, nhưng dựa vào những
thói quen được thiết lập giữa các bên mà có thể xác định được ý định của các bên về
các nội dung đó thì hợp đồng đó vẫn có hiệu lực.
Theo các nguyên tắc giải thích hợp đồng của Công ước của Liên Hiệp Quốc thì một
hợp đồng phải được giải thích theo cách hiểu, ý định thông thường của các bên, sau đó
là theo cách hiểu của người bình thường có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc theo ý
định của bên đó nếu bên kia biết hoặc không thể không biết. Thực tế, khi các bên đã
thiết lập những thói quen với nhau thì những nội dung được các bên hiểu theo thói
quen đó sẽ không được nêu trong hợp đồng và chúng được coi là các bên đã ngụ ý
(ngầm hiểu) với nhau về những nội dung đó. Điều này cho phép các bên trong hợp
đồng không cần thoả thuận đầy đủ các nội dung (cơ bản). Cần lưu ý rằng CISG quy
định ba điều kiện trên là các điều kiện để một đề nghị trở thành một chào hàng, vì thế
chỉ nên hiểu đó là các điều kiện bắt buộc của một chào hàng mà không phải là của hợp
đồng.
Cần lưu ý rằng CISG quy định ba điều kiên trên là các điều kiện để một đề nghị trở
thành một chào hàng, song không có quy định nào nói rằng đó là các nội dung bắt buộc
của hợp đồng mua bán hàng hoá ( vì có thể thiết lập hợp đồng không qua chào hàng,
chấp nhận chào hàng). Do đó, chỉ nên hiểu đó là các điều kiện bắt buộc của một chào
hàng mà không phải là của hợp đồng.
Từ phân tích trên, có thể lý giải sự khác nhau giữa hai quy định của CISG là do khi
chào hàng được gửi đi thì giữa các bên chưa thiết lập thói quen đối với giao dịch mua
bán nêu trong chào hàng đó. Do vậy, một đề nghị được coi chào hàng thì phải có các
nội dung bắt buộc, nhưng không đồng nghĩa điều kiện đó cho mọi hợp đồng mua bán.
Tuy vậy, nếu như những lập này ủng hộ các quy định về nội dung cơ bản của chào
hàng của CISG thì nó lại chỉ ra hạn chế trong việc CISG chỉ quy định thời điểm hợp
đồng có hiệu lực đối với phương thức giao kết hợp đồng qua chào hàng, chấp nhận
chào hàng mà không đề cập đến các phương thức khác.
Phạm Đình Thưởng
Theo Điều 15 CISG chào hàng bắt đầu có hiệu lực kể từ khi bên chào hàng được
chào hàng nhận được . Nhưng theo Điều 20 CISG thì thời hạn để chấp nhận chào
hàng bằng thư, điện tín lại "bắt đầu từ lúc bức điện được giao để gửi đi hoặc từ
ngày ghi trên thư hoặc nếu không có ngày đó thì là ngày ghi trên bì thư" và thời
hạn để chấp nhận chào hàng bằng điện thoại, telex hoặc phương tiện thông tin
tức thời khác thì "bắt đầu từ thời điểm chào hàng tới nơi người được chào
hàng". Phải chăng hai quy định này của CISGmâu thuẫn nhau?
Rõ ràng một thông báo chấp nhận tới nơi người chào hàng trước khi chào hàng có hiệu
lực thì chưa thể coi là một chấp nhận (chào hàng). Nhưng một chấp nhận như vậy sẽ
trở nên có hiệu lực khi chào hàng bắt đầu có hiệu lực, vì nó đảm bảo trong thời hạn
hiệu lực của chào hàng thì chấp nhận đó đã tới nơi người chào hàng. Chính vì vậy,
Điều 18 CISG quy định "chấp nhận chào hàng có hiệu lực kể từ khi nó tới nơi người
chào hàng" - mà nếu chỉ dừng ở đây thì rõ ràng mâu thuẫn với Điều 20 - nhưng Điều 18
còn quy định: "Chấp nhận chào hàng không phát sinh hiệu lực nếu nó không được gửi
tới người chào hàng trong thời hạn quy định trong chào hàng hoặc, nếu không có thời
hạn đó, thì trong khoảng thời gian hợp lý". Nếu như quy định chào hàng có hiệu lực kể
từ khi nó được gửi đi thì chưa hẳn có lợi cho bên được chào hàng. Nhưng ngược lại sẽ
bất lợi cho người chào hàng trong trường hợp vì lý do nào đó chào hàng tới nơi người
được chào hàng rất muộn. Có lẽ vì lý do này mà thời hạn chấp nhận chào hàng theo
CISG (Điều 20) được chia thành hai trường hợp theo phương thức trên. Thêm nữa một
thời hạn hợp lý được xác định là thời hạn hiệu lực của chào hàng được xác định trên
cơ sở căn cứ vào nhiều tình tiết, trong đó có tốc độ truyền tin của phương tiện truyền
tin. Điều đó đảm bảo được quyền lợi của cả hai bên một cách hợp lý.
Nhưng Luật Thương mại quy định về "thời hạn trách nhiệm" của bên chào hàng và bên
chấp nhận chào hàng (Điều 53). Nhưng thời hạn trách nhiệm của các bên và thời hạn
hiệu lực là không đồng nhất. Bởi vì một chấp nhận chào hàng được gửi đi sẽ ràng buộc
trách nhiệm của bên chấp nhận nhưng không thể có hiệu lực nếu không tới nơi bên
chào hàng. Hơn nữa, dựa vào quy định về thời điểm ký kết hợp đồng ("hợp đồng mua
bán hàng hoá được coi là đã ký kết kể từ thời điểm bên chào hàng nhận được thông
báo chấp nhận toàn bộ các điều kiện đã ghi trong chào hàng trong thời hạn trách nhiệm
của người chào hàng" (Điều 55) thì có thể suy luận rằng chấp nhận chào hàng có hiệu
lực kể từ khi bên chào hàng nhận được thông báo chấp nhận chứ không phải từ khi nó
được gửi đi.
Tóm lại, theo Công ước Vienna thì: chào hàng có hiệu lực kể từ khi nó tới nơi người
được chào hàng nhưng thời hạn để chấp nhận chào hàng được bắt đầu từ khi chào
hàng được gửi đi đối với thư, điện tín và từ khi chào hàng tới nơi người được chào đối
với các phương tiện truyền thông tức thời;thời hạn hiệu lực của chào hàng được người
chào ấn định hoặc là một khoảng thời gian hợp lý; chấp nhận chào hàng có hiệu lực kể
từ khi nó tới nơi người chào hàng trong thời hạn hiệu lực của chào hàng. Theo Luật
Thương mại thì chào hàng sẽ có hiệu lực kể từ khi nó được gửi đi mà không phân biệt
hình thức truyền tin và có hiệu lực trong vòng 30 ngày nếu không có quy định khác. Với
quy định như vậy, CISG cho phép các bên có thể thu hồi chào hàng và chấp nhận chào
hàng nếu thông báo thu hồi đến trước hoặc cùng lúc với chào hàng và chấp nhận chào
hàng (tức là khi chúng chưa có hiệu lực). Luật Thương mại không quy định như vậy khi
đã quy định thời hạn trách nhiệm của các bên là từ khi chào hàng và chấp nhận chào
hàng được gửi đi.
Về những nội dung cơ bản của chào hàng: Công ước Vienna quy định một thông báo
trả lời tỏ ý chấp nhận chào hàng nhưng có những sửa đổi, bổ sung vẫn được coi là một
chấp nhận chào hàng nếu những sửa đổi, bổ sung đó không làm thay đổi tính chất
những điều kiện của chào hàng (trừ trường hợp người chào hàng ngay lập tức thông
báo không đồng ý về những sửa đổi đó). Những sửa đổi, bổ sung liên quan đến các nội
dung (nhưng không giới hạn ở) giá cả, thanh toán, chất lượng, số lượng của hàng hoá,
địa điểm và thời hạn giao hàng, phạm vi trách nhiệm của một bên đối với bên kia hay
việc giải quyết tranh chấp được coi là những sửa đổi, bổ sung làm thay đổi tính chất
các điều khoản của chào hàng.
Với quy định như vậy, tám nội dung trên thường được xem là những nội dung cơ bản
(chủ yếu) của chào hàng hay của hợp đồng. Đó là những nội dung quan trọng liên quan
đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Nhưng đó không phải là những
nội dung bắt buộc của chào hàng hay hợp đồng, khác với ba nội dung bắt buộc để một
đề nghị (thoả mãn hai điều kiện còn lại) được coi là một chào hàng.
Về thời điểm ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá: Công ước Vienna quy định hợp đồng
được coi là ký kết từ thời điểm chấp nhận chào hàng tới nơi người chào hàng nhưng
không đề cập đến các hình thức giao kết khác. Ngoài quy định như Công ước Vienna,
Luật Thương mại còn quy định hợp đồng có hiệu lực kể từ khi các bên có mặt ký vào
bản hợp đồng đối với hình thức giao kết này. Theo các Nguyên tắc của Unidroit về Hợp
đồng thương mại quốc tế thì hợp đồng có thể được ký kết bằng cách chấp nhận chào
hàng hoặc bằng cách khác của các bên miễn là nó thể hiện sự thoả thuận giữa các
bên.
Kết luận: Một trong những bất cập lớn của các chế định về hợp đồng trong Luật
Thương mại hiện hành là gây ra nhiều hợp đồng vô hiệu trong thực tế, không đáp ứng
được mong muốn của các chủ thể tham gia hoạt động thương mại và gây nhiều tốn
kém. Từ những phân tích trên cần tham khảo, cân nhắc các quy định của Công ước
Vienna để sửa đổi các điều khoản quy định về hợp đồng trong Luật Thương mại cho
phù hợp.
Phạm Văn Thưởng
THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
09/11/2007
Giải quyết hợp đồng mua bán quốc tế
Công ước Vienne năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) được soạn thảo bởi
Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) trong một nỗ lực hướng tới
việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
Công ước này đã trở thành công ước được áp dụng rộng rãi nhất trong số các điều ước quốc tế đa
phương về mua bán hàng hoá quốc tế. Cho đến thời điểm hiện nay, đã có 66 quốc gia là thành viên Công
ước này .
Từ khi công ước có hiệu lực (ngày 01/01/1988), đến thời điểm hiện nay tổng số các bản án, phán
quyết đã lên tới hơn 1.600.
CISG cũng góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy sự phát triển của quan hệ thương mại về hàng hoá
giữa các quốc gia. Việc cùng trở thành thành viên của công ước giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn
trong quan hệ mua bán, giúp cho việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hoá
quốc tế được nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Trong số hàng nghìn án lệ về CISG, đã có một án lệ liên quan đến Việt Nam. Đây là án lệ về tranh
chấp giữa Công ty thương mại Tây Ninh - Tanico (Việt Nam) và DN Ng Nam Bee (Singapore), được xét
xử tại Toà phúc thẩm - TAND Thành phố Hồ Chí Minh, bản án tuyên ngày 4/5/1996. Khi xét xử vụ việc
này, Toà án đã tham chiếu điều 29 và điều 53, điều 64 CISG. Đây là một án lệ về CISG đầu tiên đối với
Việt Nam. Án lệ này cho thấy, dù Việt Nam chưa phải là thành viên công ước, nhưng vẫn có những
trường hợp công ước này có thể được áp dụng ở Việt Nam.
Câu hỏi được đặt ra là: một khi VN chưa trở thành một quốc gia thành viên của công ước thì khi nào
và trong trường hợp nào, CISG có thể được áp dụng tại VN?
Vì vậy, để xem xét các trường hợp có thể áp dụng CISG ở Việt Nam, chúng ta cần nghiên cứu Điều
1 của CISG. Điều 1.1 của CISG quy định: "Công ước này áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa
giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau: a. Khi các quốc gia này là các quốc gia
thành viên của công ước; b. Khi theo các quy phạm tư pháp quốc tế thì luật áp dụng là luật của một quốc
gia thành viên của công ước."
Khi Việt Nam chưa là thành viên của CISG thì không thể áp dụng CISG theo điều 1.1.a nói trên cho
các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà một bên là bên Việt Nam.
Tuy vậy, ở trường hợp thứ hai, CISG sẽ có thể được áp dụng cho các hợp đồng mua bán quốc tế
được ký kết giữa một bên có trụ sở thương mại tại một quốc gia là thành viên và một bên có trụ sở
thương mại tại một quốc gia chưa phải là thành viên công ước. Lấy ví dụ, một hợp đồng mua bán sản
phẩm viễn thông được ký kết giữa người bán Singapore (Singapore đã gia nhập CISG vào ngày
16/02/1995 và có hiệu lực từ ngày 1/3/1996) và người mua Việt Nam (Việt Nam chưa gia nhập hay phê
chuẩn Công ước). Hai bên không lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng. Khi có tranh chấp xảy ra, toà án
(trọng tài) sẽ phải dựa vào các qui phạm xung đột trong tư pháp quốc tế để xác định luật áp dụng cho hợp
đồng. Nếu quy phạm xung đột dẫn chiếu đến luật nước người bán - tức là luật Singapore, thì luật áp dụng
cho hợp đồng sẽ là luật Singapore. Nhưng vì Singapere là một quốc gia thành viên của CISG nên đối với
các tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, toà án (trọng tài) sẽ không áp dụng luật của
Singapore mà sẽ áp dụng CISG để giải quyết tranh chấp. Nếu tranh chấp được giải quyết tại Việt Nam và
quy phạm xung đột của Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một quốc gia thành viên công ước
thì chúng ta cũng có kết quả tương tự: đó là CISG sẽ được áp dụng cho hợp đồng. Đây là điểm mà các
DN Việt Nam cần chú ý nhằm có được thế chủ động khi CISG được áp dụng vào hợp đồng theo trường
hợp thứ hai nêu trên.
Ngoài trường hợp nói trên, còn có hai trường hợp khác ở đó CISG có thể được áp dụng:
- Khi các bên trong hợp đồng lựa chọn CISG là luật áp dụng cho hợp đồng của mình;
- Khi trong hợp đồng, các bên không lựa chọn luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp lựa
chọn CISG để giải quyết tranh chấp. Cơ quan giải quyết tranh chấp có thể là toà án VN, toà án nước
ngoài, trọng tài VN hay trọng tài nước ngoài.
Khuyến nghị cho các DN VN
Khuyến nghị thứ nhất là DN cần nghiên cứu để nắm được tinh thần và nội dung của CISG: Theo
chúng tôi sẽ còn có nhiều tranh chấp nữa về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế giữa doanh ngiệp Việt
Nam và các đối tác nước ngoài sẽ được giải quyết bằng CISG bởi các tòa án Việt Nam, tòa án nước
ngoài và đặc biệt là các trọng tài quốc tế. Như vậy, tuy Việt Nam chưa tham gia CISG nhưng các tranh
chấp trong mua bán hàng hoá quốc tế của các DN nước ta rất có thể sẽ được xét xử theo Công ước này.
Vì vậy, chúng tôi nhấn mạnh trước hết đến việc phổ biến Công ước này cho các DN xuất nhập khẩu Việt
Nam, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận và nắm được tinh thần và nội dung của Công ước này. Bộ
Thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI có thể tổ chức các khoá học cho DN
nhằm mục đích này. Các DN cũng có thể tham gia các khoá học do trường Đại học Ngoại Thương tổ
chức (ví dụ các khoá học xuất nhập khẩu ngắn hạn, các lớp học chuyên đề về xuất nhập khẩu…). Ngoài
ra, các DN có thể chủ động tiếp cận với các nguồn thông tin rất phong phú, đa dạng trên Internet liên
quan đến CISG.
Khuyến nghị thứ hai là DN có thể lựa chọn CISG là luật áp dụng cho hợp đồng: Lựa chọn luật áp
dụng luôn là một vấn đề quan trọng và khó khăn đối với các nhà đàm phán hợp đồng mua bán hàng hoá
quốc tế của Việt Nam. Họ có sự lựa chọn giữa luật Việt Nam, luật quốc gia của đối tác, luật quốc gia của
nước thứ ba, điều ước quốc tế như CISG hay tập quán thương mại quốc tế…
Hiện tại Việt Nam chưa gia nhập CISG nhưng các DN xuất nhập khẩu Việt Nam có thể lựa chọn
CISG làm nguồn luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế vì ba lý do sau:
- Thứ nhất, tránh được những khó khăn khi phải đàm phán lựa chọn luật quốc gia làm luật áp dụng
cho hợp đồng. Trên thực tế, việc lựa chọn luật quốc gia thường gặp phải rất nhiều khó khăn.
§ Nếu như các nhà đàm phán nước ngoài thường có xu hướng lựa chọn luật quốc gia của mình
thì điều này lại không hoàn toàn đúng với các nhà đàm phán Việt Nam. Họ hiểu rằng việc dẫn chiếu đến
luật Việt Nam đôi khi không phải là giải pháp tối ưu, vì pháp luật về hợp đồng nói chung và về hợp đồng
mua bán hàng hoá quốc tế nói riêng của Việt Nam còn hàm chứa nhiều quy định chưa phù hợp với điều
kiện quốc tế, với pháp luật, tập quán thương mại quốc tế và như vậy, chưa thể bảo vệ một cách hiệu quả
lợi ích của các bên trong hợp đồng quốc tế.
§ Việc lựa chọn luật quốc gia của nước ngoài có thể đem lại những rủi ro pháp lý cho DN Việt
Nam do thiếu sự hiểu biết đầy đủ về luật đó.
- Thứ hai, đây là nguồn luật phổ biến nhất điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế hiện nay.
CISG đã được phê chuẩn bởi 66 quốc gia, trong đó có rất nhiều quốc gia là bạn hàng lớn và lâu dài của
Việt Nam như Pháp, Mỹ, Italia, Liên bang Nga, Canada, Đức, Hà Lan, Australia, Trung Quốc Các công
ty, DN của các nước này đã áp dụng và đã quen áp dụng CISG cho các hợp đồng mua bán hàng hoá ký
với các đối tác nước ngoài. Vì vậy, nếu DN Việt Nam đề xuất việc áp dụng CISG thì sẽ dễ dàng được đối
tác chấp nhận.
- Thứ ba, có được sự an toàn về mặt pháp lý. Qua việc tìm hiểu các quy định của CISG cũng như
qua việc phân tích các án lệ liên quan đến CISG trong thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua
bán hàng hoá quốc tế, chúng tôi thấy rằng các quy định của CISG là phù hợp với thực tiễn thương mại
quốc tế, thường được các DN và công ty lựa chọn áp dụng cũng như được các toà án, đặc biệt là các
trọng tài quốc tế dẫn chiếu đến khi giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, với tư cách là một văn bản luật thực
chất nhằm giải quyết các xung đột trong kinh doanh quốc tế, các quy định trong Công ước được coi là rất
hợp lý, đã thống nhất được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, tạo
được sự bình đẳng giữa người bán và người mua trong quan hệ hợp đồng, giúp các bên bảo vệ được
quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế.
Khi đã thống nhất lựa chọn CISG làm luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, vì Việt
Nam chưa gia nhập Công ước nên khi ký kết hợp đồng, cho dù quốc gia của đối tác chưa tham gia hay
đã là thành viên của CISG, cần phải quy định cụ thể việc áp dụng CISG trong "Điều khoản Luật áp dụng"-
"Applicable Law Clause". Điều khoản này cần được quy định cụ thể, rõ ràng, tránh gây ra những xung đột
khi tranh chấp phát sinh. Theo chúng tôi, muốn lựa chọn CISG để áp dụng cho hợp đồng, có thể quy định
"Điều khoản Luật áp dụng" trong hợp đồng như sau: "Any questions relating to this Contract which are not
expressly or implicitly settled by the provisions contained in the Contract itself shall be governed by the
United Nations Convention on the International Sale of Goods and to the extent that such questions are
not covered by CISG, by reference to the law of the country where the Seller has his place of business".
(Bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hợp đồng này mà không được qui định một cách rõ ràng hay ngầm hiểu
trong các điều khoản của hợp đồng thì sẽ được điều chỉnh bởi Công ước Viên của Liên hợp quốc về mua
bán hàng hoá quốc tế, và nếu những vấn đề đó cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG thì sẽ
tham chiếu tới Luật của quốc gia nơi người bán đặt trụ sở kinh doanh) .
Nhìn vào điều khoản mẫu nói trên, sẽ có câu hỏi đặt ra là: Tại sao đã chọn CISG rồi lại còn phải
chọn luật quốc gia nơi người bán đóng trụ sở? Mặc dù các nhà phân tích và các nhà kinh doanh hết lời ca
ngợi CISG, nhưng CISG không phải là một công cụ toàn năng, CISG không điều chỉnh tất cả các vấn đề
liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Một số vấn đề được CISG "bỏ ngỏ" , ví dụ như vấn
đề thẩm quyền ký kết hợp đồng, điều kiện hiệu lực của hợp đồng . Do vậy, để chặt chẽ và tránh phát sinh
tranh chấp khi lựa chọn CISG là luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, các bên nên lựa
chọn một nguồn luật "phụ trợ" để giải quyết các vấn đề mà CISG không bao trùm (thường nguồn luật phụ
trợ này là luật quốc gia).
Khuyến nghị về việc Việt Nam tham gia Công ước
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc gia nhập CISG là hết
sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với các hoạt động ngoại thương nói chung và hoạt động mua bán
hàng hoá (xuất nhập khẩu) nói riêng của Việt Nam. Đây là Công ước về mua bán hàng hóa quốc tế đã
được nhiều nước tham gia, phê chuẩn, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột pháp
luật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Việt Nam đang trên con đường
hội nhập một cách chủ động và tích cực vào nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh các quan hệ hợp tác song
phương và đa phương, do đó, việc các văn bản luật quốc gia chưa phù hợp với pháp luật quốc tế sẽ gây
cho chúng ta nhiều khó khăn, bất lợi, làm phát sinh những xung đột pháp luật với các nước khác và khi
giải quyết tranh chấp cũng khó khăn. Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 (và ngay cả Luật Thương mại
Việt Nam năm 2005) liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế và
còn chứa đựng những điều khoản chưa phù hợp với thực tiễn và đòi hỏi của các nhà kinh doanh quốc tế.
Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng có các giải pháp tiến tới gia nhập CISG trong thời gian sớm
nhất để thống nhất nguồn luật áp dụng cho mua bán hàng hóa quốc tế giữa các DN Việt Nam và các đối
tác nước ngoài. Khi đó các DN Việt Nam và nước ngoài sẽ cùng chung "tiếng nói", cùng chung quan điểm
và nhờ đó, các mối quan hệ hợp tác thương mại quốc tế sẽ ngày càng gắn chặt hơn, lâu bền hơn và rộng
mở hơn.
(Theo dddn.com.vn)
ThS Nguyễn Minh Hằng - Trường ĐH Ngoại Thương
THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
06/11/2007
Xác định pháp luật điều chỉnh thẩm quyền đại diện doanh nghiệp trong quan hệ quốc tế.
Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định nhằm
mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh. Để tồn tại, doanh nghiệp phải có người đại diện.
Việc xác định ai là người có thẩm quyền đại diện doanh nghiệp trong giao dịch sẽ tuân theo pháp
luật Việt Nam nếu doanh nghiệp đó là doanh nghiệp Việt Nam và giao dịch đó được thực hiện ở
Việt Nam.
Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định nhằm mục đích
thực hiện các hoạt động kinh doanh. Để tồn tại, doanh nghiệp phải có người đại diện. Việc xác định ai là
người có thẩm quyền đại diện doanh nghiệp trong giao dịch sẽ tuân theo pháp luật Việt Nam nếu doanh
nghiệp đó là doanh nghiệp Việt Nam và giao dịch đó được thực hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi các
doanh nghiệp Việt Nam giao dịch với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua người đại diện, thì việc
xác định ai là người có thẩm quyền đại diện của các doanh nghiệp này để thực hiện một giao dịch lại trở
nên phức tạp. Bởi về vấn đề này, pháp luật trong nước và pháp luật nước ngoài quy định không giống
nhau. Trong khi đó, thực tiễn pháp lý Việt Nam trong những năm gần đây thường xảy ra những tranh
chấp về thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp trong quan hệ quốc tế. Vì vậy, trong những trường hợp
đó, việc quy định sử dụng pháp luật nước nào để điều chỉnh là cần thiết. Ví dụ:
Ngày 28/10/1995, Công ty Kurihara Kogyo được thành lập theo pháp luật Nhật Bản có chi nhánh tại
Singapore ký với Công ty HN (là công ty liên doanh) một hợp đồng. Ngày 06/6/1998, Công ty HN ký một
hợp đồng thanh toán trong đó thỏa thuận chọn trọng tài Hồng Kông khi các bên có tranh chấp. Người đại
diện ký kết của Công ty HN là ông Thành và người đại diện của bên kia là ông Tài. Sau đó, Công ty HN
cho rằng "ông Thành - Tổng giám đốc Công ty liên doanh không có quyền ký thỏa thuận trọng tài vì đây
là vấn đề xác định vốn Công ty liên doanh nên phải do Hội đồng quản trị Công ty liên doanh quyết định".
Công ty HN cũng cho rằng, "ông Tài không đủ thẩm quyền ký hợp đồng thanh toán 06/6/1998 vì ông Tài
là Giám đốc Công ty liên doanh Kurihara Thăng Long ký hợp đồng với Công ty liên doanh HN
28/10/1995, rồi lại thay mặt Công ty Kurihara Kogyo Ltd - Chi nhánh Singapore - ký hợp đồng là không
đúng quy định của pháp luật"(Xem Quyết định số 01/QĐ ngày 21/9/2001, thụ lý số 01/KTST ngày
18/6/2001 của TAND TP. Hà Nội).
Để biết ông Thành và ông Tài có thẩm quyền ký kết giao dịch trên hay không, chúng ta phải xác
định pháp luật nước có thẩm quyền giải quyết. Chọn pháp luật nước nào khi ở đây có ba hệ thống pháp
luật có thể được sử dụng: pháp luật Nhật Bản, pháp luật Singapore và pháp luật Việt Nam? Pháp luật
Việt Nam hiện chưa quy định rõ về vấn đề này. Vì vậy, chúng ta cùng nghiên cứu và tìm hướng giải
quyết.
Thực trạng pháp luật Việt Nam
Thực trạng văn bản
Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện nay có quy định về xác định pháp luật điều chỉnh năng lực hành vi dân
sự của cá nhân (Điều 762) và năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài (Điều 765). Tuy
nhiên, cần thấy rằng, năng lực hành vi hay năng lực pháp luật dân sự của cá nhân hay pháp nhân và
thẩm quyền đại diện doanh nghiệp là hai vấn đề khác nhau. Năng lực là khả năng của ai đó làm việc gì.
Trong khi đó, thẩm quyền là khả năng của một ai đó thay mặt chủ thể khác thực hiện một hành vi pháp lý.
Ví dụ, công ty A hoàn toàn có khả năng ký kết một thoả thuận trọng tài nhưng liệu ông B, phó giám đốc
của công ty, có thể thay mặt công ty ký một thoả thuận trọng tài hay không lại là vấn đề thẩm quyền của
ông B. Ngược lại, ông A là giám đốc một công ty có thể không có năng lực dân sự để ký thỏa thuận trọng
tài để giải quyết một số tranh chấp cá nhân của mình, nhưng hoàn toàn có thể ký một thỏa thuận trọng tài
với đối tác của công ty trên danh nghĩa là người có thẩm quyền đại diện công ty.
Bộ luật Dân sự Việt Nam cũng đã có các quy định về xác định pháp luật áp dụng điều chỉnh năng
lực pháp luật dân sự nhưng chưa có các quy định về vấn đề thẩm quyền. Luật Doanh nghiệp năm 2005
có những quy định về pháp luật áp dụng và quốc tịch của doanh nghiệp (Điều 3, 4) nhưng cũng không
cho biết là pháp luật nước nào sẽ được chọn để điều chỉnh thẩm quyền đại diện doanh nghiệp trong
quan hệ quốc tế. Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện chưa quy định cụ thể, rõ ràng về việc xác định pháp
luật điều chỉnh thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp trong quan hệ có yếu tố nước ngoài.
Thực tiễn pháp lý
Thực tiễn pháp lý Việt Nam có hai xu hướng xác định pháp luật áp dụng về thẩm quyền đại diện
doanh nghiệp.
Xu hướng thứ nhất là xác định thẩm quyền thông qua nghiên cứu một hệ thống pháp luật (pháp luật
một nước). Ví dụ, tại Quyết định số 51/KTPT ngày 26/10/2001, Toà phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí
Minh có nhận xét: "Hợp đồng mua bán mà Công ty Recofi (Pháp) và Công ty Sunimex (Việt Nam) có quy
định tại Điều 11 là việc thoả thuận chọn Trọng tài thuộc Phòng thương mại quốc tế Paris là không chặt
chẽ theo điều lệ mẫu quy định. Do đó, khi phát sinh tranh chấp; quan điểm của mỗi bên hoàn toàn khác
biệt nhau, không giải quyết thân thiện với nhau được theo nội dung của hợp đồng, mà phải ký thêm các
điều kiện thoả thuận về việc chọn Trọng tài. Ngày 15/8/1998, các bên tiến hành ký kết các thể thức tham
chiếu ICC vụ kiện số 9677/AC/DG. Phía Sunimex do ông Minh làm đại diện. Nhưng ở thời điểm này, ông
Minh chỉ giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Sunimex theo quyết định của UBND TP. Hồ Chí
Minh. Việc ông Minh tham gia ký đã không đủ tư cách là người đại diện hợp pháp để thoả thuận thể thức
tham chiếu ICC ngày 15/8/1988 theo quy định của pháp luật Việt Nam, đã vi phạm Khoản 1, Khoản 2,
Điều 102 Bộ luật Dân sự, Điều 37 Luật Doanh nghiệp nhà nước và trái với Điều 19 Điều lệ hoạt động của
Tổng công ty Sunimex".
Ví dụ trên cho thấy, tòa án Việt Nam đã sử dụng pháp luật Việt Nam để cho rằng, ông Minh là người
không có thẩm quyền đại diện công ty Sunimex trong giao dịch với Công ty Recofi, bởi lẽ, ông Minh chỉ là
Phó Tổng Giám đốc Sunimex.
Xu hướng thứ hai là để xác định một người có thẩm quyền đại diện hay không, tòa án còn dẫn chiếu
pháp luật nước ngoài và pháp luật Việt Nam (pháp luật hai nước), ví dụ:
Ngày 20/4/1993, Công ty Novus của Nga ký hợp đồng và hai phụ lục hợp đồng để bán cho Công ty
Vinatex của Việt Nam một số lượng thép. Đại diện ký hợp đồng và phụ lục của bên bán là ông Malitski
(Tổng giám đốc Công ty Novus) và bên mua là ông Nội (đại diện của Công ty Vinatex tại Nga). Thời gian
sau, hai bên phát sinh tranh chấp. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, phía Việt Nam cho rằng, ông Nội
không đủ tư cách ký hợp đồng và không được ủy quyền ký hợp đồng; còn phía Nga cho rằng, ông Nội có
thẩm quyền ký kết hợp đồng (các bên không có tranh chấp về thẩm quyền đại diện của ông Malitski).
Xung quanh thẩm quyền đại diện của ông Nội, tòa án nhận định: "Căn cứ Quy chế về tổ chức và hoạt
động của Cơ quan Đại diện kinh tế thương mại Việt Nam ở nước ngoài - ban hành kèm theo Nghị định
283/HĐBT ngày 8/8/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, căn cứ Khoản 2, Điều 2 Quy định số 299/TMDL-XNK
ngày 09/4/1992 quy định về ký kết và quản lý hợp đồng Vinatex - chiểu theo quy định của pháp luật Việt
Nam, ông Nội là người không đủ thẩm quyền, không được ủy quyền để ký kết hợp đồng cũng như ký kết
thỏa thuận trọng tài nêu trên". Mặt khác, "Xét thấy, tại giải trình ngày 08/4/1996 của Công ty Novus gửi
Tòa án trọng tài thương mại quốc tế, đại diện Công ty Novus nêu ra một trong những lý do để từ chối
việc ký kết văn bản của Công ty là: "Theo Điều lệ của Công ty Novus thì chỉ có Tổng giám đốc mới có
quyền ký bất kỳ văn bản nào mà không cần giấy ủy nhiệm. Mọi cán bộ trọng trách của Công ty Novus chỉ
có thể ký kết hợp đồng khi có ủy quyền do Tổng giám đốc Công ty cấp…". Đây cũng là nguyên tắc chung
thống nhất được ghi nhận ở cả hai nước, bên ký kết đều phải tuân thủ và thực tế đều đã biết" (Xem
Quyết định số 59/KTPT ngày 04/6/1998, thụ lý số 174 ngày 13/12/1997 của Toà phúc thẩm TANDTC tại
Hà Nội).
Như vậy, để biết ông Nội có thẩm quyền đại diện Công ty Vinatex hay không, tòa án Việt Nam đã
dẫn chiếu những quy định của pháp luật hai nước.
Từ những ví dụ trên, có thể nói là thực tiễn pháp lý Việt Nam chưa thống nhất về xác định thẩm
quyền đại diện doanh nghiệp trong quan hệ quốc tế.
Phương hướng giải quyết
Giải pháp có thể: Có thể xác định một người nào đó là đại diện của doanh nghiệp bằng nhiều hệ
thống pháp luật hay không ?
Những tranh chấp được đề cập trên đây liên quan đến thẩm quyền để thiết lập một thỏa thuận trọng
tài hay một hợp đồng. Đây không phải là một đặc thù của Việt Nam, bởi ở Pháp, những tranh chấp liên
quan đến thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp Pháp (xem ví dụ 1) hay của doanh nghiệp nước ngoài
(xem ví dụ 2) đối với việc ký kết một số giao dịch cũng thường xuyên xảy ra. Vì vậy, chúng ta có thể áp
dụng pháp luật của nước sở tại - nơi mà các giao dịch được ký kết - theo nguyên tắc, nếu giao dịch được
ký tại Việt Nam thì xác định thẩm quyền đại diện doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam; nếu giao dịch
được thiết lập ở nước ngoài thì theo pháp luật nước ngoài. Tuy nhiên, giải pháp này có nhược điểm là
làm cho việc xác định thẩm quyền đại diện của một doanh nghiệp phụ thuộc vào nơi ký kết giao dịch,
trong khi đó nơi này hoàn toàn có thể là sự lựa chọn tình cờ (một thỏa thuận trọng tài có thể được ký ở
Việt Nam, hay ở nước mà đối tác của doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở hoặc ở một nước thứ ba). Thực
tiễn pháp lý một số nước trên thế giới cho thấy, những tranh chấp về thẩm quyền đại diện doanh nghiệp
không chỉ giới hạn ở những giao dịch. Vì vậy, việc lấy tiêu chí pháp luật của quốc gia mà tại đó đã thiết
lập giao dịch như trên, không bao trùm được hết những vấn đề pháp lý cần giải quyết (xem ví dụ 3).
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng pháp luật của tòa án (ở đây là pháp luật Việt Nam), pháp luật nơi
doanh nghiệp có trụ sở để giải quyết. Chúng ta cũng có thể xem xét đồng thời hai hay nhiều hệ thống
pháp luật nêu trên cùng một lúc để xem xét thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp.
Giải pháp nên sử dụng: Vì vấn đề thẩm quyền liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, thiết
nghĩ, chúng ta nên sử dụng pháp luật của nước nơi doanh nghiệp có trụ sở vào thời điểm mà người đại
diện thiết lập giao dịch trên danh nghĩa của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp được đại diện có trụ sở ở
nước ngoài, thì chúng ta xác định là người nào đó có thể đại diện doanh nghiệp hay không theo pháp
luật của nước ngoài này. Ngược lại, nếu doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam, thì xác định thẩm quyền
này theo pháp luật Việt Nam như Tòa án đã làm trong tranh chấp giữa Recofi của Pháp và Sunimex của
Việt Nam mà chúng tôi đã đề cập ở trên.
Thông thường, các bên có tranh chấp về thẩm quyền đại diện của một doanh nghiệp tham gia giao
dịch, nhưng đôi khi, thẩm quyền đại diện của cả hai doanh nghiệp tham gia giao dịch đều gây tranh cãi.
Trong trường hợp này, tòa án phải nghiên cứu pháp luật của cả hai nước. Tuy nhiên, ở đây tòa án không
nên sử dụng cả pháp luật nước ngoài và pháp luật Việt Nam để xác định thẩm quyền đại diện của doanh
nghiệp Việt Nam hay của doanh nghiệp nước ngoài, mà chỉ nghiên cứu pháp luật Việt Nam để xem xét
thẩm quyền đại diện của doanh nghiệp Việt Nam và áp dụng pháp luật nước ngoài để xem xét thẩm
quyền đại diện của doanh nghiệp nước ngoài. Đó cũng là giải pháp được sử dụng trong tranh chấp mà
chúng tôi đề cập ở phần trên. Cụ thể, liên quan đến thẩm quyền đại diện của ông Thành đối với Công ty
HN, tòa án đã có nhận xét sau: "Theo tài liệu do phía Công ty HN xuất trình và theo lời trình bày của đại
diện khách sạn thì đây là hợp đồng thanh toán cuối cùng của hợp đồng cung cấp thiết bị điện và vật liệu
để sửa chữa, mở rộng khách sạn HN được ký giữa Công ty liên doanh HN và Công ty Kurihara Kogyo
Singapore 28/10/1995 - Bổ sung ngày 05/3/1997, chứ không phải là bản quyết toán tăng vốn của toàn bộ
Công ty liên doanh. Do đó, ông Thành ký hợp đồng thanh toán ngày 06/6/1998 là hoàn toàn có đủ thẩm
quyền, phù hợp với Điều 12 Điều lệ Công ty liên doanh, không vi phạm điều 8, khoản 1 điểm c Pháp lệnh
hợp đồng kinh tế như Công ty đưa ra". Còn về thẩm quyền đại diện của ông Tài đối với Công ty Kurihara,
tòa án cho rằng: "Theo giải trình và hồ sơ yêu cầu mà Công ty Kurihara Kogyo Ltd - chi nhánh Singapore
xuất trình, thì ông Tài được Tổng giám đốc chi nhánh Singapore bổ nhiệm làm Giám đốc tại thông báo bổ
nhiệm có lực từ 01/7/1990 và Giám đốc cao cấp tại thông báo bổ nhiệm có hiệu lực từ 01/7/2000. Trong
quá trình Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông giải quyết tranh chấp, phía Công ty HN không thắc mắc
gì về tư cách ông Tài cũng như về pháp nhân Công ty Kurihara Kogyo Ltd - Chi nhánh Singapore, Trung
tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông cũng đã thừa nhận tư cách pháp nhân của Công ty Kurihara Kogyo Ltd -
Chi nhánh Singapore. Mặt khác, tại phiên tòa hôm nay, phía Công ty HN cũng không thắc mắc hay đưa
ra được chứng cứ hợp pháp khẳng định ông Tài hoặc Công ty Kurihara Kogyo không đủ năng lực ký kết
thỏa thuận trọng tài theo luật Singapore".
Ví dụ 1: Henri, Tổng giám đốc Công ty Aliment sain của Pháp, tham gia đầu tư bất động sản ở Marốc
(với tư cách cá nhân). Trong quá trình đầu tư, Henri đã ký chấp nhận bảo lãnh một khoản tiền với tư cách
là Tổng giám đốc Công ty Aliment sain. Khi bị người nhận bảo lãnh (một ngân hàng Marốc) khởi kiện,
Công ty Aliment sain cho rằng Henri không có thẩm quyền ký kết bảo lãnh trên. Tòa phúc thẩm Paris đã
giải quyết vấn đề thẩm quyền này theo pháp luật của Pháp (xem Tòa phúc thẩm Paris ngày 26/3/1966:
Tạp chí JDI năm 1966, tr. 841, bình luận B. Goldman và Tạp chí RCDIP năm 1968, tr. 58, bình luận Y.
Loussouarn).
Ví dụ 2: Một người đại diện của Công ty General (doanh nghiệp của Ê - cốt) đã ký chấp nhận một
bảo lãnh. Khi bị người nhận bảo lãnh khởi kiện, Công ty General đã viện dẫn pháp luật Pháp để cho rằng
hợp đồng bảo lãnh trên là không hợp pháp (theo pháp luật Pháp, hợp đồng bảo lãnh phải được Hội đồng
quản trị cho phép). Nhưng theo Tòa án, pháp luật điều chỉnh thẩm quyền đại diện của Công ty General
không phải là pháp luật Pháp mà là pháp luật của nước nơi Công ty có trụ sở, tức là pháp luật Ê - cốt
(xem Tòa dân sự, Tòa án tối cao Pháp ngày 8/12/1998: Tạp chí RCDIP 1999, tr. 284, bình luận M.
Menucq).
Ví dụ 3: vụ kiện giữa một công ty Pháp (bị đơn) và một công ty Đức (nguyên đơn) tại Pháp. Trong
quá trình tố tụng, bị đơn cho rằng người tham gia vụ kiện của nguyên đơn không phải là người đại diện
của doanh nghiệp Đức. Trước phản tố này, Tòa phúc thẩm Grenoble đã viện dẫn pháp luật Đức để giải
quyết (xem Tòa phúc thẩm Grenoble ngày 7/11/1989: Tạp chí Droit des sociétés tháng 5/1990, bình luận
số 121). ở đây, vấn đề thẩm quyền được đặt ra không liên quan đến giao dịch dân sự mà đến tố tụng
trước Tòa án Pháp.