Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Lời bình bài thơ Lá đỏ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (102.12 KB, 3 trang )


LÁ ĐỎ
Nguyễn Đình Thi
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
*
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường
*
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa
*
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn
Mùa thu 1974
Lời bình:
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi kể lại: mùa thu 1974, ông đã cùng mấy
văn nghệ sĩ vượt Trường Sơn vào mặt trận Tây Nguyên, rồi Nam bộ
để sáng tác, kịp thời phục vụ chiến trường nóng bỏng. Chứng kiến
cảnh bộ đội cứ nườm nượp tiến bước, ông hiểu sắp có trận đánh lớn.
Điều đặc biệt là ở những nơi trọng điểm luôn có những đội nữ TNXP
sửa đường và nhiều cô gái luôn đứng ở những cung đường nguy hiểm
để dẫn đường cho người, xe đi qua được an toàn. Rồi vượt qua những
con đường giáp Lào, lại thấy những cánh rừng như vô tận cây cối
toàn lá đỏ, rất lạ và rất đẹp. Bài thơ Lá đỏ đã được viết vào một đêm
trên chặng đường hành quân năm ấy.
Bài thơ chỉ có tám câu, chia thành bốn khổ, mỗi khổ có hai câu.
Cấu trúc hình thức bài thơ xinh xắn như cùng tương hợp với vẻ đẹp
nhỏ nhắn của chiếc lá đỏ, vẻ đẹp dịu hiền, duyên dáng của những cô
“em gái tiền phương”. Nhưng với tình cảm thơ chất chứa thì có thể
xem đây là bức phù điêu, bức tượng chạm khắc vào đá. Bởi vì, với


giọng điệu hào sảng vốn có, nhà thơ đã làm rõ cảnh và người của
những binh đoàn lớn đang tiến quân vào sào huyệt của kẻ thù. Mùa
thu chiến trường, rừng đại ngàn Trường Sơn cứ “ào ào lá đỏ”, bước
chân thần tốc những đoàn quân đi như hòa vào gió cuốn, bụi bay
“nhòa trời lửa”, hòa vào cái không khí hối hả, náo nức “đường ra trận
mùa này đẹp lắm”(Phạm Tiến Duật). Trên cái phông nền ấy, hiện lên
thật đẹp hình tượng những cô TNXP “đứng bên đường”“trên cao
lộng gió” trong cái tư thế “vai áo bạc quàng súng trường”…Những
chàng trai cô gái tuổi mười tám đôi mươi gặp nhau nơi đây chỉ kịp
trao nhau nụ cười, lời chào và lời hẹn ước, tin vào chiến thắng ngày
mai đang đến rất gần.
Là người nghệ sĩ- chiến sĩ thường có mặt nơi chiến trường đánh
Pháp, rồi đáng Mĩ, Nguyễn Đình Thi luôn sẵn có những cảm xúc say
mê và nhiệt thành để phát hiện và ngợi ca cái đẹp của con người, của
quê hương đất nước trong vất vả và gian lao, trong khổ đau và quật
khởi: Từ những năm đau thương chiến đấu/ Đã ngời lên nét mặt quê
hương. (Đất nước). Trong Lá đỏ, ta thấy hai câu thơ bình dị mà tài
hoa ở khổ 2 tả cái đẹp của cô gái đã làm ta suy nghĩ để rồi nhớ mãi.
Toàn bài đều là thơ 6 tiếng với nhịp 2/4 và 3/3. Nếu câu nệ thì viết:
Em bên đường/như quê hương(3/3) hoặc: Bên đường/em như quê
hương(2/4). Cả hai câu không là gì nữa. Là nhà thơ bậc thầy về ngôn
ngữ, Nguyễn Đình Thi đã hạ một câu 7 tiếng với nhịp 4/3 vào đây
thật là thần tình, mà không hề gây cộm cho nhạc tính của thơ: Em
đứng bên đường/như quê hương(4/3). Phép tu từ so sánh và chữ
“đứng”đặt đúng chỗ quả là đắc địa. Nó chiếu lên câu mở đầu để làm
rõ cái tư thế đẹp, tư thế chiến đấu, kiêu hãnh làm người! Chữ “bạc”
trong “vai áo bạc” cũng là một nhãn tự, gợi ra nhiều ý nghĩa và tình
cảm trong ta.
Thơ Nguyễn Đình Thi có cách tổ chức ngôn ngữ độc đáo, lại vốn
rất kiệm lời, đặc biệt là kiệm lời trong sự mô tả. Bài thơ ít câu, mỗi

câu lại it chữ mà sức vang động của ngôn từ thật nhiều. Tình cảm ở
đây mãnh liệt như được dồn nén để rồi bùng nổ cho trường liên tưởng
thẩm mĩ từ hình tượng cứ lan tỏa. Trong 4 khổ thơ, chỉ khổ thứ 3 tả
đoàn quân, bụi đường và trời lửa, ba khổ dành để nói về em, chào em
và hẹn em ngày hội ngộ; và hình ảnh lá đỏ cũng chỉ xuất hiện một lần
ở câu thứ 2. Thế mà bài thơ lại mang tên là Lá đỏ chứ không phải
một tên nào khác. Phải chăng, “Em”là một chiếc lá đỏ trong muôn
ngàn lá đỏ, làm đẹp cho cuộc sống Trường Sơn gian khổ mà oanh
liệt, nơi mà có nhà thơ đã nói: “Muốn sống bình thường thôi, cũng
phải sống anh hùng!”(Anh Ngọc). Ta nhận ra cái màu đỏ rực rỡ kia là
ẩn dụ, tượng trưng cho hình ảnh và sức phấn đấu khôn xiết cuả người
lính, cho sự đổ máu hi sinh, để cờ đỏ Tổ quốc mãi mãi thắm tươi!
Cũng theo tác giả, bài thơ được đọc lần đầu ở Cục Chính trị Tây
Nguyên và sau đó nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ nhạc. Thế là nhạc ngữ
và ca từ hòa quyện, để cho giai điệu vang lên hào hùng, thiết tha và
điềm tĩnh, như thế và lực của ta lúc này. Thơ và nhạc Lá đỏ đã có mặt
kịp thời ở chiến trường, cùng với nhiều tác phẩm khác, động viên
toàn quân toàn dân bước vào trận chiến cuối cùng như lời tiên cảm:
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn! Và sau ngày toàn thắng, 30/4/1975, Lá
đỏ là khúc khải hoàn ca thống nhất đất nước.
Cũng như những tác phẩm ưu tú thời ấy, thơ và nhạc Lá đỏ phục
vụ chiến đấu mà không mang tính nhất thời, trái lại, nó vẫn giữ được
cốt cách nghệ thuật, giữ được tính thẩm mĩ lâu dài. Lá đỏ sẽ còn sống
mãi với thời gian!
Phạm Văn Chữ


Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×