Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

TÔN GIÁO TRONG THƠ HÀN MẠC TỬ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (153.94 KB, 11 trang )


Ảnh hưởng đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử
QUÁCH TẤN

Hàn Mặc Tử rất chú trọng về âm nhạc và mầu sắc. Đó chính vì tâm hồn Tử
có nhiều trạng thái cá biệt, nhiều khi rất bí ẩn u huyền; để diễn tả, phải dùng màu
sắc, hình ảnh và âm nhạc -nhất là âm nhạc, vì chỉ có âm nhạc mới diễn tả nổi
những cái sâu xa, thầm kín, những cái tế nhị, u ẩn của một tâm hồn.
Nhiều khi Tử phải bỏ nghĩa thông thường của chữ, bỏ cả văn phạm của câu,
để cho thanh âm tiết tấu phù hợp với những biến chuyển, những rung động, những
xao xuyến của tâm hồn - một tâm hồn mênh mông và đối với chúng ta có phần xa
lạ - mà văn tự chính xác nhiều khi không diễn tả được thấu đáo, không diễn đạt
đúng ý muốn của người thơ.Cho nên xem thơ Hàn Mặc Tử, nhiều khi không nên
chấp ở chữ mà hại lời, không nên chấp ở lời mà hại ý. Và muốn nhận thức tình ý
trong thơ được đầy đủ, thì phải thưởng thức nhạc thơ trước nhất, vì trong thơ Tử,
nhạc đi trước mà ý theo sau, và có khi ý không ở tronglời mà ở trong nhạc.
Trong tâm hồn Tử, không có những bức thành kiên cố ngăn cách tôn giáo
của mình và tôn giáo của người, nhất là đối với Phật giáo. Vì không có những bức
thành kiên cố ngăn cách giữa tôn giáo mình và tôn giáo người, nên Tử đã đi tìm
nguồn cảm hứng trong Đạo Bồ Đề. Và mặc dù tự xưng mình là "Thi sĩ của đạo
quân Thánh Giá", Tử vẫn không ngần ngại đem những từ ngữ, những hình ảnh của
Phật giáo và dùng trong văn thơ mình, dùng cả vào trong những bài có tinh thần
Thiên Chúa giáo nhiều nhất. Như bài Thánh Nữ Đồng Trinh là một.
Bài này Là những lời Tử dâng lên Đức Maria để ca ngợi "ơn phước cả", mà
Thánh Nữ đã ban cho Tử trong "cơn lâm lụy". Trong bài có những chữ "Từ Bi",
"ba ngàn thế giới", là chữ của nhà Phật, dùng một cách sướng khoái:
Lạy Bà là Đấng tinh truyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giầu muôn hộc từ bi
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới
Hai chữ "Từ bi", còn thấy dùng trong nhiều bài khác:


Thơ tôi thường huyền diệu
Mọc lên đạo từ bi
(Cao Hứng)
Trời từ bi cảm động ứa sương mờ
Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá
(Hãy Nhập Hồn Em)
Nhiều từ ngữ khác của Phật giáo, như "hằng hà sa số" "mười phương" cũng thường
gặp trong thơ Tử :
Mây vẽ hằng hà sa số lệ
Là nguồn ly biệt giữa cô đơn
(Cuối Thu)
Đóng cửa mười phương lại
Dồn ánh sáng vào đây
(Điềm lạ)
Trời như hớp phải hơi men ngan ngát
Đắm muôn nghìn tinh lạc xuống mười phương
(Nguồn thơm)
Nhưng đó chỉ là những dấu tích bên ngoài. Trong thơ Hàn Mặc Tử có nhiều bài
chịu ảnh hưởng cả hình thức lẫn tinh thần Phật giáo:
Bay từ Đao Ly đến trời Đâu Suất,
Và lùa theo không biết mấy là hương.
(Phan Thiết)
Trở lại trời tu luyện với muôn đêm,
Hớp tinh khí lâu năm thành chánh quả.
(Phan Thiết)
Ngoài những ngôn ngữ phổ thông của nhà Phật, như "thành chánh quả",
"sông Hằng", Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng (Phan Thiết). Ngoài những hình
ảnh đẹp đẽ của trời "Đao Lỵ", trời "Đâu Suất" - những cõi Phật xa xăm, đầy nhạc,
đầy hương, đầy ánh trăng - chúng ta nhận thấy trong bài Phan Thiết, thuyết nghiệp
báo và thuyết luân hồi được thi vị hóa một cách tài tình:con chim Phụng Hoàng vì

Sân Si mà phải đoạn, và khi trở lại trời tu luyện thành chánh quả rồi, mà vì tập khí
chưa tiêu trừ trọn vẹn, nên phải trở xuống trần gian, "nơi đã khóc đã yêu đương da
diết" để mà "chôn hận nghìn thu" và "sầu muộn ngất ngư".
Trong bài Phan Thiết, chúng ta còn nhận thấy rằng Hàn Mặc Tử đã nhìn đời
bằng con mắt giác ngộ: những hiện tượng trong cõi đời này đều là những tuồng ảo
hóa:
Sao tan tành rơi xuống vũng chiêm bao,
Trăng tan tành rơi xuống một cù lao
Hoá đai điện đã rất nên tráng lệ
(Phan Thiết)
Và cõi đời này -mà Phan Thiết là tượng trưng - là nơi đau khổ, là nơi "chôn
hận nghìn thu", là nơi "sầu muộn ngất ngư". Vì nhận biết cõi đời là giả tạo, là nơi
khổ lụy, Tử đi tìm nơi giải thoát và đã tìm thấy Cực Lạc Quốc Độ của Phật A Di
Đà.
Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền
(Ngoài vũ trụ)
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác
Rất phương phi trên hết cả anh hoa
(Ra đời)
Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho,
Thêm nghĩa lý sáng trưng như thất bảo
(Đêm xuân cầu nguyện)
những "ánh sáng vô cùng" "sáng láng cả mọi miền", những tiếng "nhạc thiêng
liêng dồn trỗi khắp hư linh", những điệu nhạc "rất trọng vọng, rất thơm tho, man
mác" những "cây bằng gấm và lòng sông bằng ngọc", ở trong Tử là vang bóng của
"vô lượng quang" của "thiên nhạc", của "hoa sen đủ màu sắc và đủ hào quang mọc
trong ao Thất bảo" trên thế giới Cực Lạc mà Tử đã nhìn qua kinh A Di Đà.
Tinh thần Phật giáo còn ảnh hưởng trong nhiều văn thơ của Tử, nhưng nhiều
khi hoặc quá tiềm tàng, hoặc bị hình ảnh thơ lấn đi, nên chúng ta không thấy nếu

chúng ta không chú ý, không lưu tâm "Ôi trời hạo nhiên đây không phải là công
trình châu báu của Người sao? Lòng vô lượng đây không phải do phép màu nhiệm
của Đấng Vô Thỉ Vô Chung? (bài tựa Xuân Như Ý). Đó chẳng phải là chữ Tâm
được thi vị hóa bằng những hình ảnh tượng trưng? Hàn Mặc Tử đã xác nhận tính
chất vô thỉ vô chung của Tâm (lòng vô lượng), mà biểu hiện mầu nhiệm là Mùa
xuân thơm tho, trong đẹp, tràn lan khắp không gian (trời muôn trời) chen lấn vô
tận hồn tạo vật, và tồn tại cùng thời
gian (năm muôn năm). Nhưng vì là một tín đồ Thiên Chúa Giáo, Tử đã quan niệm
cái Tâm bất sanh bất diệt là Đấng Vô Thỉ Vô chung, và coi những hiện tượng do
"lòng vô lượng" đã "đưa ra" kia là "công trình châu báu" của Đức Chúa Trời, nên
Tử "cao rao danh Cha cả sáng". Như thế Hàn Mặc Tử có phải là một nhà thơ của
đạo TC? Nghĩa là Tử phải có một tín đồ dùng thơ để phụng sự Tôn giáo mình?
Thưa không phải. Tử tìm vào Đạo - Đạo Thiên Chúa cũng như Đạo Phật chỉ để tìm
nguồn cảm hứng, để tìm nguồn an ủi khi bị tình đời phụ rẫy hoặc thể xác dày vò.
Lý tưởng chính của Tử là Thơ. Tôn giáo chỉ là những yếu tố phụ vào để làm cho
thơ thêm giầu sang và trọng vọng. Do đó nhiều khi bị hứng thơ lôi cuốn, Tử đã
thốt ra những lời có thể gọi là "phạm thượng" đối với những Dấng Thiêng Liêng
Tử phụng thờ. Ví dụ đương qùy trước Thánh Nữ Maria để ca ngợi ơn cứu nạn, mà
Tử dám nói:
Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ;
Dòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Thật chẳng khác nào đứng nói cùng một người ngang hàng ngang lứa hoặc Nàng
Thơ! Thậm chí trong khi cầu nguyện lúc đêm xuân, mà chàng vẫn để tứ thơ ngang
tàng theo hứng:
Ta chắp tay lạy qùy hoan hảo,
Ngửa trông cao cầu nguyện trắng không gian,
Để vừa dâng vừa hiệp bốn mùa xuân
Nở một lượt giàu sang hơn Thượng Đế
(Đêm xuân cầu nguyện).

Nghĩ đến những gì "giàu sang hơn Thượng Đế", Tử biết là một tội lỗi lớn, nên tiếp
đó chàng van lơn thầm nguyện:
Tôi van lơn, thánh nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Lời xưng tội vẫn không thật nghiêm trang thành kính! Trong khi viết những lời tạ
tội, Tử đã nghĩ đến thơ nhiều hơn nghĩ đến Chúa, mặc dù Tử luôn luôn thờ Chúa
trên thơ.
Còn đối với Đạo Phật ? Hàn Mặc Tử đi vào Đạo Từ Bi không phải để tu, mà
cũng không phải để tìm hiểu những gì cao siêu huyền diệụ Tử vào Đạo Từ Bi cũng
như một lãng nhân vào vườn hoa nghìn huơng muôn sắc. Vào không phải với mục
đích của nhà vạn vật học hay nhà làm vườn, mà vào với tấm lòng con nhà nghệ sĩ
khoáng đạt phong lưu. Vào để thưởng thức những cái Đẹp khác thường vừa giàu
sang vừa thanh thoát. Hoa có bao nhiêu hương giống, cũng không cần biết. Vườn
hoa có tự bao giờ và rộng đến đâu, cũng không cần biết nốt. Mà chỉ biết rằng có
nhiều hương lạ, nhiều sắc lạ, và chỉ biết trải lòng mênh mông. Rồi những gì đã
thấm vào tâm khảm thỉnh thoảng trào ra ngọn bút những lúc Thơ về, khi thì đượm
đà, khi thì phảng phất, khi thì hiển hiện, khi thì ẩn tàng và tràn ra một cách tự
nhiên, khiến lắm lúc nhà thơ rưởng rằng đó là do mình sáng tạo ra chớ không ngờ
rằng mình đã chịu ảnh hưởng,
Và tất cả những gì đã thâu nhập được trong tôn giáo, trong Phật giáo, cũng
như trong Thiên Chúa Giáo - một khi đã vào thơ Tử thì không còn giữ nguyên
chất, vì đã bị tâm hồn Tử biến thể, pha trộn theo quan niệm và sở thích của mình.
Tử thường nói cùng bạn rằng: -Tôi lợi dụng văn chương và triết lý nhà Phật để làm
thơ mà thôi. Tôi dung hòa cả hai thể văn và tôn giáo: Thiên Chúa và nhà Phật. Đó
chính là muốn làm giầu cho nền văn chương chung.
Bởi vậy, khi đọc Hàn Mặc Tử, chúng ta nên mở tấm lòng cho rộng rãi, đừng
chấp về mặt tư tưởng cũng như về mặt ngôn từ, thì mới dễ cảm động cùng con
người thơ phức tạp, mới tận hưởng được tất cả những gì sâu kín ẩn
khuất dưới những hàng mây ráng lung linh.


Nha Trang , mùa xuân Tân Sửu, 1961
QUÁCH TẤN
********
Hàn Mặc Tử và Chúa
Hàn Mặc Tử: một kiếp khổ đau!
Cách đây 65 năm, vào buổi trưa ngày 11 tháng 11 năm 1940, một người nằm xuống
sau nhiều năm tháng đau đớn, nứt nở thịt da. Ông ta là bệnh nhân của trại cùi Qui Hòa
mang số hiệu 1314. Trên cây Thánh giá trồng trên mộ phần của ông, ghi hàng chữ
Phêrô Phanxico Nguyễn Trọng Trí. Đây chính là nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Ông vừa giống lại vừa khác thế nhân chúng ta. Giống ở chỗ cùng mang kiếp nhân
sinh, với thịt xương và một cấu trúc thần kinh cao đẳng, biết ăn, biết ngủ, biết cảm
xúc, biết tư duy. Nhưng khác ở chỗ: Thế nhân chết đi thì rơi vào quên lãng, tĩnh mịch
còn Hàn Mặc Tử chết rồi nhưng tiếng thơ còn mãi! Chúng ta chết rồi, linh hồn có thể
còn khắc khoải chưa biết về đâu vì không trang bị một niềm tin tưởng siêu linh, còn
Hàn Mặc Tử thuở sanh tiền đã đối đầu và tôi luyện trong niềm đau khổ cực điểm
nên linh hồn đã được thăng hoa trong một niềm tin vào Chúa!
Hàn Mặc Tử: Một linh hồn vượt hẳn cõi nhân gian!
Nhìn lại phong trào thơ mới ở Việt Nam khoảng 1932-1945, sự xuất hiện của tiếng
thơ dồi dào và sâu đậm nhất trong khuynh hướng nói về cõi Chết, về siêu hình, nhất là
về Chúa thì độc nhất có Hàn Mặc Tử .
Tập Thơ Điên của HMT khiến người đọc bỗng hoàn toàn rời khỏi cái thế giới thực tại
của thế nhân đến nỗi Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam phải thảng thốt viết
rằng:
Một tác phẩm như thế, ta không thể nói hay hay dở, nó đã ra ngoài vòng nhân gian,
nhân gian không có quyền phê phán. Ta chỉ biết trong văn thơ cổ kim không có gì
kinh dị hơn Ta chỉ biết ta đương đứng trước một người sượng sần vì bệnh hoạn, điên
cuồng vì đã quá đau khổ trong tình yêu
Ông Hoài Thanh thú nhận rằng ông phải bỏ ra ròng rã “ngót một tháng trời” để đọc
toàn bộ thơ của HMT và ông “đã mệt lả” (sd) (tr.205) . Kể ra thật đúng khi ta tìm

gập rất nhiều câu thơ như sau:
Hồn của HMT không những chỉ vơ vưởng trong cõi vô hình mà nhiều lúc đã:
Cười như điên sặc sụa cả mùi trăng
Gào thét một hồi cho rởn óc
Cả thiên đàng, trần gian và địa ngục
(Hồn là ai?)
Hồn có lúc lạc vào nơi thiên sầu, địa thảm giới Lâm bô, có lúc lại bay ra Ngoài vũ trụ
để:
Tắm gội trong nguồn ánh sáng,
Ca những điệu ngọc vàng cao sang sảng.
Hoặc có lúc tinh khiết, nhẹ nhàng ngoài mức ngôn ngữ phàm tục :
Thượng thanh khí tiết ra nguồn tinh khí
Xa xôi đồi trăng mọc nước Huyền vi
Đây miên trường, đây vĩnh cửu, tề phi
(Đừng cho lòng bay xa)
Hàn Mặc Tử: một viên kim cương trong giòng thơ Kytô giáo ở Việt Nam!
Hàn Mặc Tử đã sống đạo, chết đạo và sáng tác thơ Đạo một cách tha thiết khiến nhiều
người cho Tử là một “nhà thơ tôn giáo”, nhưng thực sự Tử đã vượt hẳn lên cái mục
đích “truyền bá đức tin” của những thừa sai và giáo đồ trong giai đoạn tiên khởi ở
Việt Nam. Thơ của HMT là một sự cảm nghiệm độc đáo! Đọc thơ Tử, người ta bèn
thấy nguồn đạo trong thơ Tử không hạn hẹp với ý nghĩa một tôn giáo mà là một cái gì
thuộc về hoàn vũ (universel).
Hoài Thanh trong cuốn Thi Nhân Việt Nam (1941) nhận định rất đúng rằng:
“Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, cả hai đều chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire và
qua Baudelaire, ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe, tác giả tập Chuyện lạ. Có khác
chăng là Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường, mà Hàn Mặc
Tử đã đi ngược lại từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe và đi thêm một đoạn
nưã cho gặp Thánh Kinh của đạo Thiên Chúa.
Chính nhờ Thánh kinh và tinh thần Tin Mến Cậy sốt sắng vào Thiên Chúa. thơ
Hàn Mặc tử đưa người đọc gần Chúa vô cùng!

HMT vướng vào bệnh cùi lúc tuổi còn trẻ đang lúc yêu đời. Bệnh này như một định
mệnh đã đọa đầy
Hàn Mặc Tử trong một vũng đau thương tuyệt vọng:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?
(Những giọt lệ)
Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bồi hồi ruột gan
(Muôn năm sầu thảm)

Hàn Mặc Tử trong bài "Hồn là ai" đã tự mô tả cái hành hạ thể xác bằng giọng thống
thiết sau:

Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Dựa vào sự phát triển của bệnh cùi trong đời ông, ta thấy ba giai đoạn tương ứng
trong thi nghiệp của ông:
1) Giai đoạn tiền bệnh: trước năm 1936 (nghĩa là trước lúc vô bệnh viện Qui Hòa
(1937) ,đánh dấu bằng những tập " Đường luật" và "Gái Quê"với một giọng trong
sáng, nồng thắm, yêu đời cuồng nhiệt, một khí lực phương cương dồi dào tính dục
trong lứa tuổi đôi mươi.
2) Giai đoạn bệnh phát lộ đánh dấu bằng tập thơ "Đau Thương", "Thơ Điên" nên
tiếng thơ thống thiết, cực kỳ bi thảm như một con chim biết rằng mình sắp chết.
Thiên kiến của người đời xa lánh mình cọng vào đó sự đau khổ vì tình duyên trắc trở
đã làm HMT càng đau khổ:
Lòng ta sầu thảm hơn mùa lạnh
Hơn hết u buồn của nước mây
Của những tình duyên thường lở dở

Của lời rên xiết gió heo may
3) Giai đoạn cuối cùng của Hàn Mặc Tử được định mốc bằng tập thơ "Xuân Như Ý".
Khi ý thức rằng mình không còn hy vọng sống lâu HMT càng tìm nguồn giải thoát
cho linh hồn khắc khoải qua tôn giáo và những khải thị siêu phàm. Giọng thơ không
còn rên rĩ, mà thanh thoát, thăng hoa.
Vào bệnh viện Qui Hòa, thi nhân đã tập được đức tính an vui trong nguồn đau khổ.
Trong một lá thơ gửi cho ông bạn thân là Trần Thanh Địch, Tử kể lại rằng mỗi ngày
đều đều ông liên lỉ ít nhất năm sáu lần vừa đọc kinh vừa ngâm thơ.
Nhưng ba tháng sau, cơ thể quá suy kiệt và thêm bị chứng kiết lỵ nên vài ngày thì tạ
thế (ngày 11 tháng 11 năm 1940 hưởng dương 29 tuổi).
Trên giuờng bịnh, biết mình sắp chết, tâm hồn thi nhân vẫn vô cùng sáng suốt và giữ
một thái độ bình thản như sốt sắng viết một bản kinh nguyện bằng tiếng Pháp là La
Pureté de l'âme. (Sự thanh khiết của linh hồn) để dọn mình về với Chúa.
Lý tưởng Thiên Chúa giáo trong thơ Hàn Mặc Tử
Trên chủ trương sáng tác thi văn của ông, Hàn Mặc tử đã khẳng dịnh lý tưởng Thiên
Chuá giáo của mình:
“Đức Chúa trời tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng
người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy
chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng
vọng là “thiên thần” và “ loài người”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ
ba nữa: “loài thi sĩ”! Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với
một sứ mạng rất thiêng liêng: Phải biết tận hưởng những công trình châu báu của
Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn
người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch. (Thư gửi cho
Trọng Miên: Quan niệm về Thơ).
Đọc thơ của HMT, người ta đã tìm thấy Thánh Kinh, cho nên lời thư viết trên này chỉ
là phu diễn cái ý cốt tủy cho rằng thế gian này tạo ra do lòng yêu và vinh quang của
Thiên Chúa.”Chính cái chìa khóa tình yêu đã mở tay Thiên Chúa tạo dựng các
loài”( thánh Thomas d'Aquin). Sự sáng tạo là điều Chúa muốn như là một sự ân tứ
dành cho con người, như là một tài sản chuyển đạt và giao phó cho con người thụ

hưởng (Car la création est voulue par Dieu come un don adressé à l'homme, comme
un héritage qui lui est destiné et confié Catéchisme de l'Église Catholique 1997).
Nhưng theo Tử, thì con người phàm tục thế gian ít khi hiểu đưôc và mang ơn “loài thi
sĩ” nếu không nói là vô tình bạc đãi khinh khi.
Qua biểu tượng Máu và Hồn, Tử đã vô tình dự phóng bản ngã của mình trênhình
ảnh của Chúa Giê su trong gương cứu chuộc trong buổi Tiệc Ly với lời nói cuối cùng
với các môn đệ trên bánh thánh và rượu nho: “Này đây là Mình ta, hãy cất lấy mà ăn.
Này đây là chén Máu ta, hãy cất lấy mà uống”.
Hàn Mặc tử, khi viết tựa cho tập Tinh Huyết của Bích Khê đã viết rằng:
“Sáng tạo là điều kiện cần nhất, tối yếu của thơ, mà muốn tìm nguồn cảm xúc mới lạ,
không chi bằng đọc sách về tôn giáo cho nhiều. Như thế, thơ văn mới trở nên trọng
vọng, cao quí, có một ý nghĩa thần bí.”
Đọc nhiều thơ của HMT, người ta thấy tràn ngập nào là ánh sáng, nào là hương, nào
là hoa, nào là châu báu, nào là tiếng nhạc, nào là lời kinh ít ai ngờ đó là khung cảnh
trang hoàng để phụng vụ trong những giáo đường Công giáo trong thực tế mà trí
tưởng tượng phong phú của thi nhân đã chuyển hóa ra thành những lời thơ trọng
vọng Ngay cả những lời thơ trùng trùng điệp điệp về sự vãi máu, nôn khạc huyết ra
từ cổ họng của HMT, biết đâu chẳng đã được gợi hứng từ hình ảnh con chim bồ nông
mổ ngực để máu vọt ra cho đàn chim con xúm lại mà uống; hình này thường được
chạm trên cánh cửa của Nhà Tạm đựng Mình Thánh Chúa trên bàn thờ của giáo
đường (Chim bồ nông - pélican là loài thủy điểu, khi bắt được mồi thường nuốt tạm
và chứa trong cái bìu da ở cổ họng để đem về cho bày con mổ vào họng mình ra mà
ăn. Do đó, có truyền thuyết là chim bồ nông tự mổ ngực mình ra để lấy máu nuôi con.
Thánh Thomas d'Aquin trong Vần thơ Thánh vịnh (Rhythmus Sancti) đã dùng hình
ảnh chim này mà ca vịnh Thánh thể như hình Chúa Giêsu đổ huyết ra vì nhân loại.
Còn Alfred de Musset, nhà thơ Pháp (1810-1857) đã thi vị hóa hình ảnh bồ nông như
thân kiếp của thi nhân làm thơ bằng máu lệ của mình trong một bài thơ danh tiếng.
HMT lấy hứng về thi liệu từ Kinh thánh và những bài kinh nguyện của tín đồ Công
giáo để xây dựng tứ thơ của mình.
Bài Thánh Nữ Đồng trinh trứ danh của HMT đã diễn đạt lại ý tứ của kinh Kinh Mừng

quen thuộc của người Công giáo với một giọng vô cùng thành khẩn:
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn,
Giầu nhân đức , giầu muôn hộc từ bi,
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lậm lụy vừa trải qua dưới thế
Tôi cảm động rưng hai hàng lệ

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước,
Cho tình tôi nguyên vẹn tựa trăng rằm
Theo Linh mục Phan Phát Hườn, bài AVE MARIA của Hàn Mặc Tử mà trong đó có
các đoạn thơ trên đây đã gây một xúc cảm sâu xa trong tâm hồn người đọc, công giáo
hay không công giáo. Đọc bài thơ này người ta liên tưởng tới bài LA VIERGE À
MIDI của Paul Claudel, hai bài thơ đều nói về Trinh nữ Maria nhưng hai giọng văn
khác hẳn. Đọc lên bài thơ của Claudel ta chia sẻ những tâm tình của một người vô
thần sau khi đã quay về với Chúa, tỏ tình rất mực đơn sơ với Trinh Nữ. Đọc lên bài
Ave Maria của Hàn Mặc Tử, ta cảm được, ta sờ được, ta thấy được sự cao sang của
Trinh Nữ.
Trong thi ca của HMT, người ta còn bắt gặp một ý thơ khác lấy từ Kinh Tin Kính như
:
Ngày tận thế là ngày tán loạn
Xác của Hồn, Hồn của Xác y nguyên.
HMT lại mang cái thị kiến của thánh Yoan trong sách Khải huyền về thành thánh
Yêrusalem: “ánh quang của thành tỏa ra tựa hồ minh châu cực quí, như ngọc thạch
bóng lộn ánh lưu ly ” vào bài Xuân Đầu tiên của mình qua câu:
Trái cây bằng ngọc vỏ bằng gấm
Còn mặt trời kia tợ khối vàng
Trên chín tầng diêu động cả trân châu
Dường sống lại muôn ngàn hoa phẩm tiết.
Niềm khổ đau cứu độ
Khảo sát về thơ Hàn Mặc Tử, chúng ta nhìn thấy một thiên tài. Bệnh hoạn và nghịch

cảnh chỉ là những tác nhân duyên khởi đã bức bách thiên tài này sáng tác ra nhiều bài
thơ kỳ lạ như những hạt cát khiến những con trai dưới biển sanh ra những hạt trân
châu.
Với Hàn Mặc Tử, sự đau đớn về thể xác, niềm tủi cực về tinh thần cũng gây ra một
phản ứng điên đảo khiến ông cười, nói, gào, thét lung tung để giải thoát tâm tư.
Nhưng ông không hề loạn trí, nghĩa là điên thực sự mà nói năng không mạch lạc theo
luận lý. Tập “Thơ Điên” là sự chuyển hoá sự đau khổ qua một “hiện tượng thoái
hồi” như là một phản ứng chống đỡ tự nhiên để giữ quân bình lành mạnh cho trí óc.
Hàn Mặc Tử , cũng như bao thi nhân vĩ đại có điểm độc đáo phi thường là đau khổ
không dìm sâu họ xuống bùn đen mà đưa họ lên cao lên cao gần Thượng Đế
Ở Hàn Mặc Tử, thể xác đau đớn ê chề nhưng linh hồn thì thăng hoa trong sáng nhờ
đôi cánh của tôn giáo được chắp vào trí tưởng của thi nhân.
Hàn Mặc Tử trong tận cùng đau khổ của thế gian đã tự ví mình: “khi xưa ta là chim
phượng hoàng, Vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất”; ý tứ mình "cao cường hơn
ngọn núi"; hồn mình "chơi vơi trong khí hậu chín tầng mây"
Trong bài viết Mùa Chay: Suy nghĩ về Đau Khổ trong Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu
giúp số 223, tháng 03- 2005, tác giả Thế Hùng đã viết:
“Chuá Giêsu là gương mẫu sống động cho những người đau khổ” Chúa Giê su
không cho chúng ta một câu trả lời trừu tượng về vấn nạn đau khổ.Hơn thế, Ngài cho
chúng ta một câu trả lời sống động và một gương mẩu để đi theo. Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II đả chỉ ra điều này một cách rõ nét trong Tông Thư năm 1984
“Salvicifi Doloris” (Ý nghĩa về Đau khổ con người theo Kitô giáo). Ngài viết rằng khi
có ai hỏi Chuá Kitô tại sao con người phải đau khổ, người đó “không thể không chú ý
đến Người đặt câu hỏi vì chính Người đó cũng đau khổ và ao ước trả lời câu hỏi đó
từ chính thập giá, từ con tim đau khổ của Người” Chuá Kitô không giải thích một
cách trừu tượng lý do vì sao có đau khổ, nhưng trước hết, Ngài nói:
“ Hãy theo Ta! Qua cuộc đau khổ của con, con hãy dự phần vào công cuộc
cứu rôĩ thế giới. Dần dần khi cá nhân đó vác lấy thập giá mình, trong tinh thần liên
kết với thập giá Chuá Kitô, ý nghĩa cứu độ của đau khổ sẽ hiện ra trước mắt người
đó”

Hàn Mặc Tử lại dự phóng sự đau khổ của mình như hình ảnh cứu chuộc của Chúa
GiêSu: qua một hiện tượng “tự đồng hoá”( identification ) với Chuá KItô về tuẫn đạo
(Martydom). HMT đã tự gán cho mình vai trò làm Thi Nhân đã đổ hết bao nhiêu
nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng.
(Thay lời Tựa - Xuân Như Ý). Trong bài Nguồn Thơm, HMT đã nhiệt tình tôn vinh
những người đã vác Thập gía theo chân Chuá Giêsu:
Đây, thi sĩ của đạo quân Thánh giá
Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô
Để sớt cho cả xuân, xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ
Hàn Mặc Tử lại còn tha hóa tình cảm của mình khi mơ đến một "mùa Xuân Thái
Hòa" của “ năm muôn năm, trời muôn trời” cho cả và thiên hạ.
Linh hồn của con người đau khổ thường hay lên gần Chúa. Đó là tâm trạng của Hàn
Mặc Tử trong những ngày cuối cùng bệnh hoạn, khổ đau trong trại cùi Qui Hòa. Hàn
Mặc Tử đã thị kiến đến một mùa Xuân Như Ý: “Vinh quang Chúa cả trên trời, bình
an dưới thế cho người thiện tâm”.Câu thánh vịnh về mùa Giáng Sinh này đã khơi
nguồn cho Hàn Mặc Tử khi viết như sau:
Tứ thời xuân! Tứ thời xuân non nước!
Phút thiêng liêng nhuần gội áng thiều quang
Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian
(Nguồn thơm)
Ý thơ của Hàn Mặc Tử trong tập Xuân Như Ý khai triển một cách kỳ diệu vô cùng.
Tử cho rằng mình giống Khổng Tử khi chép kinh Xuân Thu với một cảm hứng dào
dạt:
Ngời phép lạ của đức tin kiều diễm
Câu tàn tạ không khen long cả phiếm
Bút Xuân Thu mùa nhạc đến vừa khi
(Đêm xuân cầu nguyện)
Sự thăng hoa của Hàn Mặc Tử được kết tinh bằng hình ảnh của một thiên đường đầy

vẻ đẹp tuyệt vời mà con người không còn than khóc, đau khổ nữa, một thiên đường
đầy: "Nhạc thơm, hương ấm, mộng ngọc, hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt
phẩm".
Câu nói của thi sĩ Pháp Alfred de Vigny: "Những khúc hát tuyệt vọng nhất là những
khúc hát đẹp vô vàn."phải chăng rất đúng khi áp dụng vào trường hợp của nhà thơ vô
cùng khổ đau Hàn Mặc Tử.
Như là một lời kết, chúng ta hãy nghe Linh mục Phan Phát Hườn nhận định rằng :
Hàn Mặc Tử bằng thi thơ của mình muốn nói lên điều mà ông TIN, điều mà các
nhà thần học đã tốn biết bao nhiêu mực, bao nhiêu giấy từ thế kỷ này qua thế kỷ
khác nói về sự kiện lịch sử Chúa xuống thế làm người, về mầu nhiệm Ngôi Lời
nhập thể trong cung lòng của Trinh Nữ Maria. ( Đức Tin trong thơ Hàn Mặc Tử -
Tựa cho cuốn Hàn Mặc Tử: Đau Khổ và Thơ của Lê văn Lân)
Với tâm tình của người yêu thơ Hàn Mặc Tử, bài viết này xin được xem như
một nén tâm hương cho một thi hào đã dùng những đau khổ và máu lệ của mình mà
nhào nặn ra biết bao lời thơ đẹp và sâu sắc tuyệt vời như những hạt kim cương.
LÊ VĂN
LÂN

×