Bệnh da trên bệnh nhân đái
tháo đường
(Kỳ 2)
BS Trần Thế Viện
BM Da liễu Đại học Y dược TPHCM
Những sang thương da trong bệnh đái tháo đường:
Chứng gai đen
Sang thương căn bản là những mảng màu nâu hay xám đen, mềm như
nhung với bề mặt có những nhú nhìn có vẻ hơi dơ, vị trí thường gặp ở vùng nếp:
cổ, nách, bẹn. Chứng gai đen có thể được xem như là một yếu tố tiên lượng chỉ
điểm thể đái tháo đường type 2 đang tiến triển, do những bệnh nhân này thường có
tình trạng tăng insulin trong máu. Chứng gai đen thường liên quan tới tình trạng
béo phì, kháng insulin, và tăng insulin trong máu. Những nguyên nhân khác gây ra
chứng này gồm: tình trạng cường androgen ở nữ và dùng một số thuốc như
corticosteroids hệ thống, estrogen, hay nicotinic acid. Sự liên quan của bệnh này
với ung thư thường ít xảy ra. Điều trị nhìn chung không đạt được kết quả khả quan
, tuy nhiên chứng gai đen có thể giảm nếu loại trừ được các nguyên nhân.
Chứng dày da trong đái tháo đường
Có vài hội chứng liên quan tới việc dày da khu trú trên bệnh nhân đái tháo
đường, gồm: giới hạn vận động khớp và hội chứng giống giống xơ cứng bì
(limited joint mobility & scleroderma-like syndrome); chứng xơ cứng bì phù ở
bệnh đái tháo đường (scleredema diabeticorum).
Giới hạn vận động khớp là tình trạng dày vùng da và mô liên kết quanh
khớp của các ngón tay. Khởi đầu từ những khớp liên đốt xa của ngón tay út và tiến
triển dần tới tất cả các ngón. Bệnh xảy ra ở cả 2 type của bệnh đái tháo đường và
là một dấu hiệu sớm của đái tháo đường type 1 ở người trẻ, 30-50% bệnh nhân
trưởng thành đái tháo đường type 1 có giới hạn vận động khớp. Lâm sàng có một
hình ảnh đặc trưng là dấu “prayer sign” : bệnh nhân không thể áp sát các khớp liên
đốt ngón và lòng bàn lại với nhau. Những khớp lớn như khuỷu tay, đầu gối, bàn
chân có thể bị ảnh hưởng. Hội chứng giống xơ cứng bì, có đặc điểm da ở vùng
lưng bàn tay và bàn chân dày lên, giống như sờ vào sáp hay kính; có thể xảy ra
một mình, nhưng thường thì đi kèm với giới hạn vận động khớp. Điều trị insulin
tích cực có thể ngăn ngừa và kiểm soát được 2 chứng bệnh này.
Chứng xơ cứng bì phù ở bệnh đái tháo đường thường liên quan tới những
bệnh nhân đái tháo đường có từ lâu, thường type 2. Theo Fitzpatrick bệnh gặp
trong khoảng 2,5-14% bệnh nhân bị đái tháo đường. Biểu hiện lâm sàng âm thầm
vì không gây đau và sờ vào cảm giác giống như miếng gỗ. Thường phân bố đối
xứng ở vùng cổ và lưng trên, nhưng có thể lan lên mặt, xuống vai và vùng ngực.
Bệnh có thể dẫn tới giảm cử động của cổ và vai. Bệnh cần được chẩn đoán phân
biệt với xơ cứng bì phù có liên quan tới viêm họng do streptococcus có đặc điểm
khởi đầu cấp và giảm theo thời gian. Điều trị thì khó khăn, một số có thể thành
công với điều trị methotrexate liều thấp, prostaglandin E1, hay radiotherapy.
Phát ban u vàng
Đái tháo đường là một nguyên nhân thường gặp của tăng tricgyceride máu
và phát ban u vàng có lẽ là dấu chỉ điểm đầu tiên của bệnh đái tháo đường chưa
điều trị và chứng tăng triglyceride máu nặng. Sang thương căn bản là những sẩn
màu vàng hơi đỏ, kích thước từ 1-4 mm ở trên mông và mặt duỗi của chi; các sang
thương thường xảy ra theo đợt và có thể hợp lại thành một mảng lớn; thường
không có triệu chứng cơ năng. Kiểm soát tốt đường huyết và điều trị tích cực tăng
triglyceride, phát ban u vàng sẽ sạch hoàn toàn trong 6-8 tuần.
Nhiễm trùng da
Nhiễm vi khuẩn: những vi khuẩn thường gặp trong nhiễm trùng da ở bệnh
nhân đái tháo đường là Streptococcus nhóm A & B, Staphylococcus aureus.
Những vị trí thường bị là da, mô mềm, và xương (viêm mô tế bào, loét chân, và
loét do tư thế). Viêm tai ngoài ác tính (maglinant external otitis) là nhiễm trùng
ống tai ngoài, tuy ít gặp, nhưng có thể đe dọa tính mạng vì ảnh hưởng tới nội sọ do
Pseudomonas aeuruginosa gây ra, thường thấy sau khi bơm rửa tai với nước máy;
khoảng 70-94% bệnh nhân bị bệnh viêm tai ngoài ác tính có bệnh đái tháo đường,
chẩn đoán thường trể và tỉ lệ tử vong khá cao 20-40%. Viêm cân hoại tử
(necrotizing fasciitis) là nhiễm trùng mô mềm đe dọa tới tính mạng do lan dọc
theo bề mặt của cân, vị trí thường gặp ở đáy chậu, thân, bụng, và chi trên; sang
thương căn bản là hồng ban, sưng phù, nền cứng, hoại tử, có thể có bóng nước; vi
trùng thường gặp là E. coli và nhóm kị khí (Bacteroides, peptostreptococcus,
Clostridium); khoảng 10-60% bệnh nhân bị viêm cân hoại tử xảy ra trên bệnh
nhân đái tháo đường và tỉ lệ tử vong lên tới 40% mặc dù đã điều trị kháng sinh
thích hợp và cắt lọc.
Nhiễm vi nấm: mức độ thường gặp nhiễm nấm da ở bệnh nhân bị đái tháo
đường cũng giống như nhóm dân số bình thường, mặc dù tỉ lệ này có thể cao hơn.
Các bệnh cảnh lâm sàng có thể gặp: nấm bàn chân, nấm kẽ, viêm quanh móng và
nấm móng, candida âm hộ-âm đạo, viêm qui đầu, nấm lưỡi, viêm khóe môi. Ở
bệnh nhân nữ tuổi mãn kinh với tình trạng nhiễm candida âm đạo âm hộ tái đi tái
lại cầm tầm soát bệnh đái tháo đường.Thường điều trị chống nấm tại chỗ, nhưng
nếu cần có thể kết hợp dùng thuốc kháng nấm toàn thân để diệt tận gốc mầm bệnh,
tuy nhiên cần cân nhắc cẩn thận khi dùng thuốc kháng nấm uống thời gian dài và
những tác dụng phụ của nó, đặc biệt ở những bệnh nhân đái tháo đường có bệnh
khác kết hợp.