4 phương pháp nâng cao năng
lực làm việc của nhóm
Tạo ra sự hòa hợp cho một nhóm làm việc là điều không dễ chút nào. Bởi
nhóm là sự tập hợp của nhiều tính cách và phương pháp làm việc vào một nơi với
mục đích cùng đạt được kết quả vượt trội.
Tuy nhiên không phải nhóm làm việc nào cũng có thể hoạt động hiệu quả
theo như lý thuyết. Thậm chí một số nhóm còn nảy sinh xung đột nặng nề, đồng
thời mang lại cho các thành viên tâm lý nặng nề và hoạt động kém hiệu quả.
Vậy với vai trò của một người quản lý, bạn cần làm gì để có thể tạo ra được
một nhóm làm việc thống nhất và hiệu quả. Để làm được điều này, bạn cần suy
nghĩ một cách cẩn trọng và lên kế hoạch chi tiết cho hoạt động của nhóm trước khi
tiến hành thành lập một nhóm làm việc.
Mặc dù trong quá trình tiến hành, sẽ có khá nhiều điểm mà bạn không thể
kiểm soát được, ví dụ như tính cách của từng cá nhân, nhưng với một số phương
pháp dưới đây bạn vẫn có thể tạo ra một môi trường thuận lợi để các thành viên
trong nhóm phát huy được hết sở năng của họ nhằm đạt tới một cái đích chung do
bạn đặt ra.
Lựa chọn thành viên cho nhóm làm việc
Những người có phương pháp làm việc và quan niệm về sự nỗ lực để đạt
tới mục tiêu tương đồng nhau sẽ có khả năng hòa hợp cao khi làm việc nhóm. Vì
thế, trong quá trình thành lập nhóm, bạn nên lựa chọn những nhân viên có thói
quen làm việc hoặc thường đưa ra các phương pháp giải quyết những khó khăn
khá giống nhau.
Tuy nhiên, để tạo ra một nhóm đa dạng thành viên là điều không dễ. Tuy
nhiên, bạn có thể lựa chọn một nhân viên thường đảm nhiệm công việc có tính
sáng tạo để kết hợp với một nhân viên khác thường đảm nhận công việc phân tích.
Mặc dù có những kỹ năng hoàn toàn khác nhau nhưng họ đều là những
người có tinh thần trách nhiệm cao trong việc hoàn thành công việc đúng thời hạn
và thường xuyên cập nhật về tiến trình công việc.
Đưa ra mục tiêu rõ ràng và cụ thể cho nhóm làm việc
Bạn cần đặc biệt lưu tâm tới mục tiêu đã đưa ra. Bởi nếu các thành viên
trong nhóm đều hiểu rõ những gì cần đạt tới, họ sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm ra
tiếng nói chung trong phương pháp thực hiện công việc đó. Những sự khác biệt về
chính kiến có thể dễ dàng giải quyết khi các thành viên trong nhóm cùng ngồi lại
và sử dụng mục tiêu đã đề ra làm thông tin định hướng.
Nói một cách khác, nếu mục tiêu không rõ ràng, mỗi thành viên sẽ thực
hiện công việc theo một hướng nghĩ riêng. Khi đó nhóm làm việc không tránh
khỏi tình trạng bất đồng; sự kết nối giữa các thành viên trở nên rời rạc bởi thành
viên nào cũng khăng khăng với cách nghĩ của riêng họ.
Khích lệ nhân viên bằng tinh thần cạnh tranh
Sự đồng tâm trong nhóm sẽ mạnh mẽ nhất khi họ có cùng một kẻ thù. Họ
sẽ cùng dồn sức để bảo vệ danh tiếng cho nhóm làm việc của mình. Điều này có
thể tạo nên tinh thần cạnh tranh thân thiện trong công ty nhưng cũng có thể tạo ra
tình trạng đấu tranh lẫn nhau để đạt được mục tiêu.
Vì thế khi thực hiện phương pháp này, bạn cần rất thận trọng. Bởi nếu
nhóm làm việc không nhận được sự hỗ trợ từ người quản lý trực tiếp. Họ cũng sẽ
coi sếp của mình là một kẻ thù chung. Khi đó nhóm làm việc cũng đồng tâm
nhưng không để đạt các mục tiêu đã đề ra, mà để đấu tranh vì quyền lợi riêng.
Có quy trình giải quyết bất đồng trong nhóm
Hầu hết các nhóm làm việc đều có các bất đồng. Trên thực tế, đây là một
phần quan trọng và cần thiết trong quá trình làm việc đi tới một kết quả cuối cùng.
Cách giải quyết các xung đột này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới suy nghĩ của từng
thành viên đối với nhóm làm việc của mình.
Có nhiều cách để giải quyết các bất đồng. Bản thân người quản lý có quyền
phủ quyết, nhưng các thành viên trong nhóm lại cũng có quyền đa số. Vì thế, bạn
cần phải lập quy trình cho việc giải quyết các bất đồng. Đối với từng loại bất đồng,
bạn nên đưa ra những quy trình riêng để giải quyết và nên để các thành viên tham
gia thảo luận về những bất đồng.