Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Câu chuyện... củ Gừng pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (174.18 KB, 7 trang )

Câu chuyện củ Gừng


Hồi nhỏ tôi thường nghe mẹ tôi hát ru em:
“Ù ơ Mẹ già (chứ mà) hai đứa… nuôi chung,
Đứa lo cơm cháo, (à…) đứa dùm thuốc thang
Thuốc thang, (chứ mà) thang thuốc bỏ Gừng
Ta không bỏ bạn (à…),(chứ mà) bạn đừng có bỏ ta ”
Những cặp “vợ chồng tiên”, chồng (hay vợ) già thường an ủi người yêu trẻ
của mình bằng câu “Gừng càng già càng cay”…
Để kêu gọi sự gắn bó keo sơn với nhau, những đôi tình nhân cũng dùng
câu:
“Tay bưng đĩa muối chấm Gừng…
Gừng cay muối mặn, xin đừng bỏ nhau”.
Hồi nhỏ, tôi cũng đã từng nghe câu chuyện giữa cha tôi (một người biết
nhiều về thuốc nam, hay chữa bệnh giúp cho dân làng) và ông Quảng Lào (một
thầy thuốc người Lào chuyên “bắt ngải giải bùa” cho dân chúng ở miền Trung)
như sau:
- “Ông nuôi “ngải” từ bao giờ?”- Ông Quảng Lào hỏi.
+ “Đâu có!”- Cha tôi đáp.
- “Vậy chớ đám Gừng sau hè ông để làm gì?”
+ “Ừ thì phòng khi trái gió trở trời, có ai bị trúng gió hoặc cảm mạo, liệt
giường thì mình giã Gừng, pha với nước chè và ít đường thành Trà gừng, đổ cho
họ để hồi dương, để chống lạnh, hoặc để làm nước mắm gừng chấm thịt vịt ”.
- “Đối với tôi, đám Gừng ấy là một “bầy ngải” vô cùng quý giá. Mỗi ngày
ông cứ ăn một lát Gừng tươi (củ Gừng thật già mới tốt), năm nọ qua năm kia thì
mọi tà ma quỷ quái của bệnh tật sẽ lánh xa ông”.
+ “Thầy nói thật đó chớ?”.
Ông Quảng Lào lặng lẽ móc từ trong khăn gói mà ông luôn kè kè bên mình
ra một củ Gừng và con dao nhỏ, cắt một lát ra ăn và chậm rãi nói:
- “Tôi qua đây lúc nào cũng ăn ở trong nhà ông, chỗ thân tình tôi mới bày


cho ông đó, chớ nếu ai cũng biết “dụng ngải” như rứa thì cái nghề thầy thuốc của
tôi chắc phải dẹp tiệm. Ông thấy đó, năm nay tuổi đã sáu mấy rồi, lội suối băng
ngàn bằng cặp chân từ quê tôi bên Lào qua đây, và đi tỉnh này tỉnh nọ mà không
bao giờ bị sốt rét hay những bệnh của rừng thiêng nước độc làm cho tôi phải nằm
xuống một ngày ”.
Không phải tự nhiên mà những lời ru, câu ca, tiếng hát hay câu chuyện dân
gian lại lấy Gừng làm nền tảng như vậy, mà vì Gừng đã đi vào đời sống người dân
các nước với nhiều công dụng tuyệt vời, đã trở thành vĩnh cửu.
Trong gia vị, chẳng những Gừng làm thơm cá, thịt mà còn có tác dụng giải
độc nữa: trong Gừng chứa một enzym phân giải protein rất mạnh: Gừng tươi giã
ướp thịt các loại cùng gia vị khác trước khi kho nấu sẽ giúp thịt mau mềm và thơm
ngon… Và cũng chính nhờ enzym phân giải protein này làm cho cá, thịt được
phân giải thành các acid amin dễ tiêu hóa giúp hấp thu tốt và không còn các peptid
lạ gây dị ứng cho những ai dễ bị dị ứng với cá, thịt các loại. Cá Ngừ chẳng hạn, là
món ăn dễ gây dị ứng nhất trong các loài cá. Mẹ tôi bao giờ cũng giã Gừng tươi
ướp cá Ngừ nửa giờ trước khi kho nấu.
Gừng vừa làm thơm bánh mứt, ô mai, chè, đậu hũ vừa giúp chống bệnh
đường ruột để các món ấy được “an toàn” trong bụng. Gà, vịt, nghêu, sò, ốc,
hến… kho nấu với Gừng giã hay Gừng xắt chỉ, vừa làm tăng hương vị, vừa để
phòng chống ngộ độc thực phẩm. Từ lâu nhân dân ta đã biết bảo quản men rượu
khô bằng Gừng, Riềng và giúp rượu sau này cất ra có mùi thơm đặc trưng. Điều
kỳ diệu là Gừng ức chế vi khuẩn độc, vi khuẩn lên men thối mà không ảnh hưởng
đến nấm men rượu… Người dân phương Tây rất khoái món bia gừng. Dân chúng
Philippines thích uống nước Gừng có thêm đường như một loại cà phê. Dân tộc
Triều Tiên có món Kim chi là loại rau làm dưa chua có thêm Gừng, Tỏi giã hay
xắt rối vừa bảo quản dưa chống sự lên men thối, vừa tạo mùi vị đặc trưng, vừa nên
thuốc. Có lẽ vì thế mà người ta cho rằng ăn Kim chi ngừa được cúm chim (bird
flu). Người miền Trung nước ta cũng thích uống Trà gừng trong mùa thu đông…
Ngày xưa khi chưa có dầu cao, dầu gió, người ta cũng đã biết dùng củ
Gừng tươi để cạo gió (đánh gió). Nếu có ai đó bị cảm mạo, ho hen, viêm họng…

đều có thể được các bà nội trợ cho ăn cháo nóng với Gừng hoặc uống ly trà nóng
có Gừng giã và đường. Nếu trúng gió nặng bị á khẩu (đớ lưỡi không nói được) sẽ
được cạy miệng đổ nước trà gừng tươi giã với ít đường hay muối vào để cấp cứu.
Ăn Gừng thường, người ta cũng biết được Gừng làm ấm phổi, mạnh tim, tráng
dương, giúp “hâm nóng” cho các cặp vợ chồng lớn tuổi. Ngày nghỉ cuối tuần bạn
thử làm món ốc hương (hoặc nghêu, sò, ốc khác) hấp Gừng, chấm nước mắm
gừng cho ông xã dùng sẽ thấy ổng “trả bài” rất thuộc!
Gừng tươi giã nát ướp cá Ngừ 30 phút trước khi kho sẽ không bị dị ứng.
Khi ăn cá biển, nhất là cá Ngừ, cá Nục không được tươi, rất dễ bị dị ứng.
Nhưng nếu bạn giã một củ Gừng tươi để ướp cá 30 phút trước khi kho thì sẽ tránh
được loại “phản ứng phụ” khó chịu này. Ngày tết nếu gia đình nào thiếu món mứt
gừng sẽ rất khó tránh các bệnh đường ruột thường xảy ra do ăn quá nhiều.
Nếu bị nhức đầu do ăn không tiêu, buồn nôn, hãy ăn vài lát Gừng tươi hoặc
ngậm viên kẹo gừng. Người bị say tàu xe, 30 phút trước khi lên tàu xe, ăn một củ
Gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái chấm muối sẽ ngừa được nôn mửa. Trước đây có
một nghiên cứu khoa học tại Mỹ về tác dụng chống say tàu xe của Gừng. Nhưng
mới đây các nhà khoa học Anh chứng minh rằng Gừng không trực tiếp có tác dụng
ngừa say tàu xe mà là làm êm dịu cái bao tử, do đó có thể chống nôn. Họ cho 60
phụ nữ uống bột gừng khô trước khi giải phẫu, cho thấy Gừng có tác dụng ngừa
đau bao tử trong khi giải phẫu. Người bị đau dạ dày mà xét nghiệm thấy có HP+
(có Helicobacter pylory gây viêm loét dạ dày) chữa bằng kháng sinh và các thuốc
làm êm bao tử hoài không hết, tôi thường khuyên ăn vài lát Gừng già sau mỗi bữa
ăn trưa và tối, trong vài tháng thì khỏi. Các bà có bầu thường bị “hôi cơm, tanh cá”
(nôn ọe), có thể ăn lát Gừng tươi hoặc ngậm viêm kẹo gừng, 30 phút trước khi ăn
sẽ tránh được mà không sợ phản ứng phụ gì cả.
Khi bị té, trặc, bầm, sưng đau: Gừng tươi giã nát với ít muối bó vào chỗ đau
để qua đêm sẽ khỏi. Gừng có tác dụng kháng viêm giảm đau rất tốt và có tính
kháng sinh ngừa nhiễm trùng tốt. Gừng tươi (rửa sạch chứ đừng gọt vỏ), giã nát,
ngâm với rượu đế để dành xoa bóp trị đau nhức.
Với các chứng viêm nhiễm đường hô hấp trên, kể cả ở họng hầu (viêm

họng): Gừng tươi và Củ cải trắng hai phần bằng nhau, giã nát với ít muối để ngậm
hoặc vắt lấy nước nhỏ mũi, ngày 3 lần trong 1 tuần. Buổi sáng, dậy sớm đi tập thể
dục, dưỡng sinh, nếu ngậm một lát Gừng hoặc viên kẹo gừng sẽ phòng tránh được
cảm lạnh, nhất là đối với người lớn tuổi…
Nói làm sao hết những kinh nghiệm dân gian phòng trị bệnh bằng Gừng.
Theo đông y thì Gừng tươi tác dụng vào 3 kinh phế, tỳ, vị. Còn Gừng khô tác
dụng vào 6 kinh phế, tâm, tỳ, vị, thận và đại tràng. Có tác dụng ôn trung (làm ấm),
tán hàn (chống lạnh), hồi dương, thông mạch, mạnh phổi, chữa thổ tả, đau bụng,
sình bụng, tay chân lạnh, mạch yếu, cảm lạnh, chống ho, thấp khớp do lạnh…
Những tác dụng trên vừa được chứng minh lại qua bản tin “Science report”
như sau: trong củ Gừng có nhiều tinh dầu, một trong số đó là jamical, có tính diệt
nấm và mecin có tính diệt khuẩn. Các nhà khoa học Đan Mạch đã chứng minh
Gừng có thể làm giảm những mối đe dọa của cơn đau tim và tai biến tim (đột quỵ)
vì nó chống kết tập tiểu cầu rất tốt. Trong một thí nghiệm kéo dài một tuần lễ, các
phụ nữ ăn 70 g Hành sống hoặc 5 g Gừng tươi mỗi ngày, cho thấy Gừng ngăn
chặn cơ thể sản xuất ra chất dramacin - một chất gây kết dính tiểu cầu tạo thành
cục máu đông, gây tắc nghẽn thành mạch trong tai biến tim mạch. Mỗi ngày vài lát
Gừng thay vì viên aspirin 80 mg để ngừa bệnh tim mạch do chứng huyết khối, vừa
dễ tìm, rẻ tiền, vừa không bị tác dụng phụ loét bao tử của aspirin.
Tác dụng của Gừng đối với sức khỏe như vậy đã rõ, các viện bào chế cũng
đã nghiên cứu làm ra các viên thuốc từ Gừng để chống nôn mửa, say tàu xe, hoặc
viên kẹo gừng ngừa ho, viêm đường hô hấp, cảm cúm, sình bụng, nhưng bạn cũng
có thể tự dùng Gừng tươi như kinh nghiệm dân gian đã từng dùng bấy lâu nay.
“Mỗi ngày vài lát Gừng già, lương y bất đáo gia”, hay nói cách khác:
“Gừng mỗi ngày, không cần bác sĩ”!

DS. PHAN BẢO AN

×