Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Những điều cần biết về ung thư gan (Kỳ 1) doc

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (130.44 KB, 6 trang )

Những điều cần biết về ung thư gan
(Kỳ 1)

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, nằm dưới lồng ngực bên phải
khoang bụng. Gan có hai phần, thùy phải và thùy trái. Gan giữ nhiều nhiệm
vụ quan trọng trong việc duy trì sức khỏe. Gan “lọc” bỏ những chất độc
trong máu. Gan tạo ra men tiêu hóa và mật giúp tiêu hóa thức ăn. Gan biến
hóa thức ăn thành những dưỡng chất nuôi sống cơ thể.
Gan nhận máu từ hai mạch máu: tĩnh mạch cửa gan và động mạch gan.
(xem hình vẽ)

Hiểu biết căn bản về ung thư
Ung thư khởi đầu từ tế bào, đơn vị căn bản của mọi mô, mô tạo thành cơ
quan (bộ phận).
Bình thường, tế bào khỏe mạnh sinh sản và tăng trưởng tạo ra những tế bào
mới khi cần thiết. Khi tế bào khỏe mạnh già lão hoặc bị hư hoại, chúng chết, và
các tế bào mới thay thế.
Đôi khi, quá trình sinh - tử trật tự kể trên bị đảo lộn. Tế bào mới xuất hiện
trong khi cơ thể không cần đến, hoặc tế bào già lão, hư hoại không chết như đã
định, sự tích tụ của các tế bào mới và cũ tạo thành khối gọi là “khối u” hay bướu
(tumor).
Khối u (bướu) có thể “lành tính” hoặc “ác tính” (ung thư).
Bướu lành:
• Ít khi gây tử vong.
• Thường không cần giải phẫu để cắt bỏ.
• Không xâm lấn đến các mô lân cận.
• Không lan xa (di căn) đến những bộ phận khác trong cơ thể.
Bướu ác:
• Có thể gây tử vong.
• Có thể tái phát sau khi đã được cắt bỏ, chữa trị.
• Có thể xâm lấn đến các mô lân cận.


• Lan ra (di căn) đến các bộ phận khác.
Tế bào ung thư lan rộng bằng cách tách rời từ khối u đầu tiên hay khối ung
thư nguyên phát. Các tế bào này theo mạch máu hoặc mạch bạch huyết đến mọi bộ
phận trong cơ thể. Tế bào ung thư có thể “bám” vào các bộ phận khác và sinh sản,
tạo nên một khối u mới hay khối ung thư thứ phát, có thể gây hư hoại các bộ phận
này. Sự lan tràn của tế bào ung thư gọi là sự di căn.
Hầu hết các khối ung thư gan nguyên phát bắt đầu từ tế bào gan. Loại ung
thư này được gọi là ung thư tế bào gan - HCC (hepatocellular carcinoma hoặc
malignant hepatoma).
Khi ung thư gan lan tràn bên ngoài gan, tế bào ung thư thường di căn đến
các hạch bạch huyết lân cận, đến xương và đến phổi. Khi đến các bộ phận kể trên,
khối u mới cũng bao gồm các tế bào ung thư gan. Thí dụ như khi ung thư gan di
căn đến phổi vẫn được gọi là ung thư gan di căn phổi và chữa trị như ung thư gan
(không phải ung thư phổi).
Tương tự, khi ung thư di căn đến gan từ những khối u xuất phát từ các bộ
phận khác: đường tiêu hóa, phổi… chứng ung thư này khác với ung thư gan. Bác
sĩ có thể dùng tên gọi “ung thư gan thứ phát” để chỉ loại ung thư này. Tại Hoa Kỳ,
ung thư gan thứ phát thường thấy nhiều hơn là ung thư gan nguyên phát. Nhưng
tại các nước đang phát triển thì ung thư gan nguyên phát nhiều hơn ung thư thứ
phát.

Những yếu tố gia tăng nguy cơ bị ung thư gan
Y học chưa biết rõ nguyên nhân của ung thư gan và cũng không thể giải
thích tại sao người này bị ung thư mà người khác không bị ung thư. Tuy nhiên y
học đã có thể dùng thống kê để nhận định một số yếu tố gia tăng nguy cơ bị ung
thư gan nguyên phát. Các yếu tố này bao gồm:
• Nhiễm siêu vi viêm gan B (HBV) hoặc siêu vi C (HCV): ung thư gan xuất
hiện sau nhiều năm bị nhiễm siêu vi khuẩn kể trên. Khắp thế giới, nhiễm HBV
hoặc HCV là nguyên nhân chính gây ung thư gan.
HBV và HCV có thể lan từ người này sang người khác qua đường máu

(như tiêm chích, truyền máu không vô trùng) hoặc lây qua đường tình dục (quan
hệ tình dục không an toàn); hoặc mẹ lây sang con, do nhiễm siêu vi mà mang thai.
Dù nhiễm các siêu vi khuẩn kể trên là bệnh truyền nhiễm, nhưng ung thư gan
không lây lan từ người này sang người khác.
Nhiễm siêu vi có thể không gây triệu chứng, nhưng khi thử máu có thể tìm
thấy dấu vết của siêu vi khuẩn. Bác sĩ có thể tìm cách chữa trị và thảo luận cách
ngăn ngừa việc truyền nhiễm, gây bệnh cho người khác.
Thuốc chủng ngừa viêm gan siêu vi B được dùng để chủng ngừa cho những
người chưa hề bị nhiễm siêu vi, phòng ngừa nhiễm siêu vi và ung thư gan về sau.
Thuốc chủng ngừa viêm gan C còn trong vòng thử nghiệm, chưa được sử dụng.
• Uống rượu nhiều: uống nhiều hơn 2 ly rượu mỗi ngày trong nhiều năm,
gia tăng nguy cơ bị ung thư gan và một số ung thư khác. Tỷ lệ bị ung thư gia tăng
với lượng rượu uống.
• Bệnh gan do tích tụ sắt: những người bị tích tụ sắt trong gan hoặc các bộ
phận khác có nguy cơ bị ung thư gan.
• Xơ gan là một chứng bệnh xuất hiện khi tế bào gan bị hư hoại và được
thay thế bằng những mô liên kết (mô sợi) tạo thành “sẹo”. Xơ gan có thể do
nghiện rượu lâu năm, nhiễm độc thuốc và hóa chất, HBV/ HCV hoặc ký sinh
trùng. Khoảng 5% những người bị xơ gan bị ung thư gan.
• Aflatoxin: ung thư gan có thể do aflatoxin, một độc tố do nấm mốc tạo ra.
Aflatoxin đến từ mốc trên Đậu phụng, Bắp hoặc những hạt ngũ cốc khác bị mốc.
Tại châu Á và châu Phi, thực phẩm bị tạp nhiễm aflatoxin là việc thường xảy ra.
Aflatoxin từ ngũ cốc mốc cũng theo vào các chế phẩm từ ngũ cốc, do đó cơ quan
chức năng kiểm phẩm phải cấm bán những thực phẩm chứa một lượng cao
aflatoxin.
• Mập phì và tiểu đường: gia tăng nguy cơ bị ung thư gan.
Tiếp xúc càng nhiều yếu tố kể trên, nguy cơ bị ung thư gan càng cao. Tuy
nhiên, ung thư gan cũng có thể xuất hiện trong nhiều người không có yếu tố nguy
cơ và ngược lại.


×