Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Cẩm nang an toàn sức khỏe - Phần 20 ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (179.02 KB, 9 trang )

Cẩm nang an toàn sức khỏe
Phần 20
Lao ngoài phổi
Lao ngoài phổi là bệnh do trực khuẩn lao gây ra tại các bộ phận khác
của cơ thể không phải là phổi. Có thể nói chúng tấn công tất cả các bộ phận
của con người, từ thần kinh, tiêu hoá, vận động đến cơ quan sinh dục nam
cũng như nữ.
Người mắc bệnh lao ngoài phổi bên cạnh những triệu chứng chung
của bệnh lao phổi như sốt nhẹ về chiều, ăn không ngon, mệt mỏi còn có
những biểu hiện rối loạn chức năng của cơ quan bị bệnh như nhức đầu, thay
đổi tính tình đối với lao màng não, đau nhức khi vận động đối với khớp hay
cột sống, rối loạn đường ruột đối với bộ máy tiêu hoá Nhưng những biểu
hiện đó thường không gây chú ý cho người chung quanh và bệnh nhân dễ
dàng cho qua nên dẫn đến việc chậm trễ đi khám bệnh. Ngược lại, ở bệnh
nhân lao phổi, việc ho khạc khiến người chung quanh chú ý nhiều hơn và
bệnh nhân rất cảnh giác nên việc đi khám bệnh thường xảy ra sớm hơn.
Lao ngoài phổi tuy không nguy hiểm cho người xung quanh nhưng lại
vừa khó định bệnh do rất ít khi tìm thấy vi trùng, vừa khó điều trị. Việc chẩn
đoán phải dùng nhiều xét nghiệm hoặc những phương tiện chẩn đoán sâu,
việc điều trị có thể ổn định về mặc bệnh tật nhưng luôn để lại di chứng trên
các chức năng liên quan, và những tàn phế trên các bộ phận, trừ trường hợp
lao tại một số màng như màng tim, màng phổi, lao tại các màng này do triệu
chứng ảnh hưởng đến các chức năng xảy ra mạnh hơn, gây chú ý cho bệnh
nhân và thân nhân sớm hơn, nên việc phát hiện sớm sẽ đưa đến một điều trị
tích cực và không để lại bất cứ một tổn hại nào về chức năng và cơ thể.
Ở lao hạch ngoại vi, sau thời gian điều trị, hạch thường nhỏ đi do hết
hiện tượng viêm, việc mổ lấy hết hạch là không cần thiết, cả về mặt bệnh tật
lẫn phương diện thẩm mỹ.
Một tiến bộ lớn trong công tác điều trị bệnh lao phổi hay lao ngoài
phổi đều được điều trị bằng một công thức với thời gian giống nhau, trừ lao
màng não, là thể lao ngoài phổi nguy hiểm nhất có thời gian điều trị dài hơn.


Tuy nhiên, việc điều trị lao ngoài phổi tốn kém hơn do phải phối hợp với
nhiều loại thuốc kèm theo biện pháp điều trị vật lý phục hồi.
Để phòng ngừa lao ngoài phổi, chúng ta cần lưu ý đến những triệu
chứng khác thường của cơ thể (như đã nói ở trên), kịp thời đến cơ sở y tế để
khám và điều trị.
BS Hoàng Thị Quý
Tác hại của thuốc lá
Theo Tổ chức Sức khỏe thế giới thì cứ 2 người hút thuốc lá, có 1
người sẽ chết vì những bệnh có liên quan đến thuốc lá, trong đó có 50% chết
trong lứa tuổi trung niên. Thuốc lá mang đến 3 loại bệnh lý sau:
- Bệnh tim mạch: Người hút thuốc lá dễ bị cơn đau thắt ngực và nhồi
máu cơ tim, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ bị đột tử. Người hút thuốc là còn
dễ mắc bệnh cao huyết áp, và biến chứng tai biến mạch máu não.
- Bệnh ung thư: Thuốc lá là nguyên nhân số 1 gây ung thư phổi. Khả
năng bị ung thư phổi tăng gấp 10 lần ở những người hút thuốc lá so với
những người không hút thuốc lá. Nếu hút càng lâu năm với số lượng càng
nhiều, khả năng bị ung thư phổi càng cao. Ngoài ra, thuốc lá còn có thể gây
ra các bệnh ung thư khác như: ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung
thư vòm hầu, ung thư tuỵ, ung thư bàng quang Khi đã phát hiện khối ung
thư, thời gian sống còn lại chỉ tính bằng tháng.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính: Khởi đầu, người hút thuốc lá chỉ bị
ho đàm thường xuyên, nhất là vào buổi sáng. Tuy nhiên, lúc này chức năng
hô hấp của phổi đã bị sụt giảm dần, mà chưa có biểu hiện triệu chứng. Khi
chức năng phổi đã giảm nhiều, người bệnh bắt đầu bị khó thở. Lúc đầu chỉ
khó thở khi làm việc nặng. Về sau khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi hay khi
sinh hoạt cá nhân như thay quần áo, đi vệ sinh Và tình trạng tàn phế hô
hấp đó kéo dài cho đến khi người bệnh tử vong vì suy hô hấp.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm ảnh hưởng đến người xung quanh, nhất
là những người trong gia đình. Đó là bệnh lý của những người phải thường
xuyên hít khói thuốc lá do người khác hút thuốc lá, còn gọi là bệnh "hút

thuốc lá thụ động". ở người lớn, hút thuốc lá thụ động cũng gây bệnh tim
mạch, và ung thư phổi mặc dù tỉ lệ thấp hơn hút thuốc lá trực tiếp. ở trẻ em
hút thuốc lá thụ động cũng gây bệnh viêm đường hô hấp. Ngoài ra, bố mẹ
hút thuốc lá còn làm tấm gương xấu cho trẻ và phần lớn những trẻ này cũng
nghiện thuốc lá khi lớn lên.
Làm thế nào để bỏ thuốc lá
Ngưng thuốc lá không đơn giản chỉ là từ bỏ một thói quen lâu dài.
Muốn ngưng thuốc lá, cần phải được chuẩn bị tư tưởng một cách chu đáo, và
phải có kế hoạch hẳn hoi. Một kế hoạch ngưng thuốc lá bao gồm các biện
pháp cụ thể để có thể tự chính mình quyết tâm không hút thuốc lá, và giữ ý
chí này trong thời gian dài, kết hợp với cách sử dụng các loại thuốc cần thiết
để hỗ trợ cho người muốn ngưng thuốc lá vượt qua được tác dụng gây
nghiện của nicotin.
Các biện pháp cụ thể để bỏ thuốc lá:
- Quyết định bỏ thuốc lá.
- Chọn một ngày thuận tiện làm ngày bắt đầu ngưng thuốc lá và cố
gắng đừng hoãn lại vì mọi lý do.
- Trước ngày bắt đầu ngưng thuốc lá, giặt sạch quần áo và làm hết mùi
thuốc lá trong phòng ngủ, phòng làm việc, xe hơi
- Vứt bỏ toàn bộ các dụng cụ có liên quan đến thuốc lá như hộp quẹt,
gạt tàn thuốc, hộp đựng thuốc
- Cố gắng không hút thuốc lá trong suốt ngày được chọn làm ngày
ngưng hút và sau đó.
- Không đến những nơi có thể làm hút thuốc trở lại, tìm cách không đi
ngang nơi có quầy thuốc lá vẫn thường mua.
- Bạn bè, đồng nghiệp và gia đình cần khuyến khích và tạo điều kiện
để không hút thuốc lá trở lại.
- Chuẩn bị sẵn những cách từ chối khi bị mời thuốc lá.
Cách dùng thuốc
Vì nicotin là chất gây nghiện nên khi ngưng thuốc lá đột ngột có thể

xuất hiện các triệu chứng như bứt rứt, mệt mỏi, kém tập trung, trầm cảm,
mất ngủ, dễ nóng nảy, tức giận Trong những trường hợp này, cần phải
cung cấp một lượng nicotin để xoa dịu nhu cầu nicotin của cơ thể, nhưng
không phải qua khói thuốc lá mà sử dụng dưới dạng viên, mảnh dán da hoặc
kẹo nhai (chewing gum). Trong các chế phẩm này đều có một lượng nicotin
bằng 1/3 đến 1/2 lượng nicotin có trong điếu thuốc lá. Dùng nicotin có thể
giúp bỏ thuốc lá dễ dàng hơn, và khả năng bỏ thuốc lá thành công tăng gấp 2
lần. Thời gian sử dụng thường không quá 8 tuần, dùng lâu dài hơn thường
không cần thiết.
Cần đo hô hấp ký cho người hút thuốc lá
Hiện nay, số bệnh nhân tắc nghẽn đường thở chiếm 10-30% trong
tổng số những người hút thuốc lá. Giúp tất cả mọi người hút thuốc lá cai
nghiện là quan trọng nhưng trước mắt nên tập trung cho nhóm người có tắc
nghẽn đường thở, bởi đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao.
Tình trạng nghẽn tắc đường thở có thể phát hiện dễ dàng bằng một
phương pháp đơn giản là hô hấp ký. Người bệnh chỉ cần gắng sức thổi vào
máy để đo lưu lượng luồng khí. Phát hiện tắc nghẽn đường thở sẽ là động cơ
to lớn giúp đối tượng cai thuốc lá và phải được xem là vấn đề của cộng đồng.
Không chỉ có bác sĩ chuyên khoa phổi mà cả những nhân viên y tế chăm sóc
sức khỏe ban đầu đều cần quan tâm đến việc đề nghị và gửi người hút thuốc
lá đi đo hô hấp ký và bản thân người hút thuốc lá cũng nên chủ động đi đo
hô hấp ký. ở những xí nghiệp có ô nhiễm không khí, nguy cơ nghẽn tắc
đường thở có thể cao gấp nhiều lần; nếu công nhân có hút thuốc lá thì trong
những đợt khám sức khỏe cần quan tâm đến việc đo hô hấp ký.
Chỉ cần đo hô hấp ký mỗi năm một lần để đề phòng các loại bệnh gây
tử vong cao: tắc nghẽn đường dẫn khí mãn tính, cơn đau tim, ung thư phổi
và tai biến mạch máu não.
Ai cần đo hô hấp ký? Đó là những người hút thuốc lá 20 gói - năm trở
lên Số gói-năm = (Số điếu thuốc hút trong một ngày) x số năm đã hút. Nếu
hút thuốc lào, thuốc rê thì 1 g thuốc rời bằng 1 điếu thuốc lá. Nếu đã hút hơn

20 gói - năm, lại hơn 40 tuổi và hay làm việc nơi có ô nhiễm không khí thì
càng cần phải đo hô hấp ký.
Ung thư phổi
Ung thư phổi có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư ở nam
giới. Gần đây, tỷ lệ này không tăng ở nam nhưng ngày càng tăng ở nữ, đứng
đầu về tỷ lệ tử vong trong các bệnh ung thư ở nữ trong những năm đầu thập
kỷ 90.
Giống như các bệnh ung thư khác, ung thư phổi bắt đầu khi một hoặc
nhiều tế bào phân chia một cách không kiểm soát được. Sau khoảng 20 lần
phân chia như vậy, một khối tế bào nhỏ đường kính khoảng 1 cm hình thành.
Nếu các tế bào này tiếp tục nhân lên thì khối u tiếp tục gia tăng về kích
thước. Ở một số giai đoạn của quá trình này, những tế bào có thể rời khỏi
khối u ban đầu và phát triển đến các phần khác của cơ thể và phát triển thành
những khối u mới. Những khối u ở phổi có thể gây chảy máu, làm tắc nghẽn
đường hô hấp, gây ho, khó thở hay nhiễm khuẩn. Khối u có thể phát triển ra
thành ngực gây đau. Tuy nhiên, đôi khi ung thư phổi phát triển to mà bệnh
nhân không có triệu chứng đau, ho.
Triệu chứng hay gặp nhất của bệnh ung thư phổi là ho kéo dài, thở
ngắn. Ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu của ung thư
phổi. Một thời gian sau, bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn
giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi. Cần lưu ý
rằng có khoảng 13% bệnh nhân không biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào
như trên khi khối u của họ được phát hiện.
Nguyên nhân chính của bệnh ung thư phổi là hút thuốc lá (90%). Một
số bệnh nhân bị ung thư phổi không hút thuốc nhưng đã hít một số lượng
đáng kể khói thuốc lá. 90% bệnh nhân ung thư phổi đã hút trên 10 điếu
thuốc lá một ngày, trong 20 năm. Ngoài ra, những người có nhiều nguy cơ
ung thư phổi là: công nhân tiếp xúc với bụi silic, tiếp xúc với tia phóng xạ.
Những công nhân mỏ uranium, fluorspar và hacmatite có thể tiếp xúc với tia
phóng xạ do hít thở không khí có chứa khí radon.

Ở hầu hết các bệnh ung thư, kết quả điều trị tốt nhất khi ung thư được
phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ví dụ, có 50% bệnh nhân được phẫu thuật
cắt bỏ khối u sống thêm được 5 năm, tuy nhiên số bệnh nhân này còn ít.
Trong tất cả các bệnh nhân bị ung thư phổi chỉ có 10% sống thêm được 5
năm sau khi được chẩn đoán.
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị mới đưa chất đồng vị phóng
xạ vào phế quản, điều trị bằng tia xạ, điều trị bằng laser, các thuốc hoá chất
mới, những nghiên cứu sinh học phân tử đang được tiến hành và đã thu được
một số kết quả.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng ung thư phổi yếu tố quan trọng nhất là
giảm số người hút thuốc lá, cải thiện vệ sinh công nghiệp, và tránh tiếp xúc
với bụi silic.
Chương 9: Các bệnh đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu là một bệnh tương đối phổ biến, bệnh cảnh
rất đa dạng, có thể từ không có triệu chứng gì đến những thể nặng có thể gây
chết người.
Tác nhân gây nhiễm trùng tiểu thường là do vi trùng, vi nấm
Nhiễm trùng tiểu dễ xảy ra ở một số người tắc nghẽn đường tiểu (sỏi
đường tiểu, u tuyến tiền liệt ở nam ); phụ nữ có thai; tiểu đường, cao huyết
áp
Triệu chứng:
- Không có triệu chứng, vô tình đi xét nghiệm mới biết bị bệnh.
- Thường gặp tiểu gắt, tiểu khó, tiểu lắt nhắt
- Nặng hơn, bệnh nhân có biểu hiện của nhiễm trùng toàn thân: sốt
cao, lạnh run, môi khô, lưỡi bẩn.
- Đau quặn bụng hoặc vùng hố thắt lưng.
- Tiểu gắt, tiểu khó, tiểu đau, nước tiểu đục có thể có máu. Trường
hợp này nếu không giải quyết kịp thời bệnh diễn tiến nặng có thể gây tử
vong.

- Nhiễm trùng tiểu cấp, không biến chứng nếu được điều trị đúng sẽ
khỏi hẳn, không để lại biến chứng.
- Một số trường hợp nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần, những trường
hợp này phải đến thăm khám tại cơ sở y tế để tìm nguyên nhân gây nhiễm
trùng tiểu.
Nếu không được điều trị đúng, bệnh diễn tiến nặng đưa sẽ đến biến
chứng nhiễm trùng huyết, choáng nhiễm trùng dẫn đến tử vong hoặc bệnh sẽ
tiến triển dần đến viêm thận mãn tính.
Vì vậy, khi thấy tiểu khó, đặc biệt có kèm sốt nên đến khám bác sĩ để
có chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.
BS Lê Thị Tuyết Phượng

×