Thiết bị kỹ thuật chăm sóc sức
khỏe tại nhà
Trên thị trường hiện nay có bán nhiều loại thiết bị kỹ thuật y tế phục
vụ nhu cầu của người bệnh tại nhà. Đặc điểm chung của các thiết bị này là
gọn nhẹ, dễ sử dụng, tính năng tự động, đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều
trị thông thường. Theo các nhà chuyên môn, hiệu quả sử dụng thiết bị y tế tại
nhà phần lớn dựa vào kỹ năng sử dụng, nghĩa là người dùng phải hiểu tính
năng thiết bị. Do vậy, người tiêu dùng cần thiết phải tìm hiểu kỹ trước khi
mua và sử dụng sản phẩm.
Đèn hồng ngoại: Trên thị trường hiện đang có bán 3 loại đèn sưởi hồng
ngoại, cả 3 đều có tác dụng chữa bệnh xương, khớp, làm giảm đau, vết bầm tím.
Đèn có hình dạng tương tự như những chiếc đèn bàn nhưng chân đế được thiết kế
to hơn, bóng đèn là loại chuyên dụng. Khi bật, tia hồng ngoại từ bóng rọi vào
những vết thương sẽ giúp giảm đau, làm tan máu bầm và sưởi ấm. Đèn sưởi hồng
ngoại còn có thêm tác dụng trong việc chỉnh sửa sắc đẹp, chúng còn được sử dụng
tại các trung tâm thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia thì việc
sử dụng loại đèn này phải hết sức cẩn thận, vì tia hồng ngoại chỉ có tác dụng với
việc chữa bệnh, sẽ không tốt nếu thời gian sử dụng đèn quá lâu (thường thì không
quá 10 -15 phút) và đặc biệt không được rọi trực tiếp vào mắt. Ngay cả việc sử
dụng đèn để sưởi ấm cũng chỉ được bật đèn và để cách người sử dụng khoảng 30 -
50 cm, và sử dụng không quá 15 phút. Nếu để lâu có thể sẽ gây khô xương. Hiện
nay, đèn Inraphil HP 3616 có chân đế được sản xuất bởi nhà máy Philip, công suất
150 W, sử dụng ánh sáng phân kỳ, chuyên chữa các bệnh vôi hóa, xương khớp và
sưởi ấm. Giá đang có bán trên thị trường là 380.000 đồng/chiếc. Đèn
Infrarotlampe IL 10 của Beurer, chân đế được sản xuất tại Đức, bóng được sản
xuất tại Hà Lan, chuyên chữa các bệnh xương, khớp, vôi hóa, sưởi ấm, làm tan
máu bầm, công suất 100 W và được bán trên thị trường với giá 250.000 đồng.
Nhiệt kế đo thân nhiệt: Có rất nhiều dòng nhiệt kế với xuất xứ đa dạng,
nhiều kiểu đo. Mới đây hãng sản xuất các thiết bị chăm sóc sức khỏe có tên Beurer
đã cho ra đời hai model nhiệt kế chính là FT25, chuyên dùng để đo thân nhiệt qua
tai và FT40 đo qua trán. Giá của hai model này như nhau và là 520.000
đồng/chiếc. Đây là một loại thiết bị cảm ứng điện tử cực nhanh và nhạy. Nhiệt kế
đo tai FT25 được cấu tạo bởi bốn bộ phận chính: Nắp khoang chứa pin, nút bật bộ
nhớ (On/Mem), màn hình hiển thị và đầu cảm ứng. Trọng lượng của nhiệt kế là 70
gram gồm pin. Kích cỡ gọn nhẹ: 38 x 152 x 54 mm, bộ nhớ của nó ghi được 9 lần
đo! Trên nhiệt kế có một số biểu tượng giúp nhận biết khi sử dụng. Biểu tượng tai
nhấp nháy, cho biết máy vẫn đang trong quá trình kiểm tra, khi nào biểu tượng
ngừng hoạt động, có nghĩa là đã xong khâu đo nhiệt. Biểu tượng pin rỗng nhấp
nháy báo cho bạn biết đã đến lúc phải thay pin. ER1 cho biết máy vẫn đang trong
quá trình kiểm tra, ER2 báo động nhiệt độ môi trường dao động quá lớn, ER3 cho
biết nhiệt độ môi trường dưới 10 độ hoặc trên 40 độ, ER báo lỗi của nhiệt kế. Hi
cho biết nhiệt độ đo được lớn hơn 42,2 độ, cần kiểm tra lại xem nhiệt kế có bị bẩn
hay không. Lo, nhiệt độ thấp hơn 34 độ và cũng cần kiểm tra lại. Tiện dụng hơn
một chút là model FT40, nhiệt kế đo trán. Với loại nhiệt kế này, bạn có thể nhanh
chóng biết được nhiệt độ cơ thể chỉ sau vài giây. Loại nhiệt kế này sẽ tự động tắt
sau khi sử dụng xong để tiết kiệm pin và đảm bảo mỗi pin đo được ít nhất 5.000
lần. Công nghệ đo mới nhất có sử dụng cảm ứng tia hồng ngoại đã đem lại độ bền
lâu dài của nhiệt kế. Với tốc độ 512 lần quét mỗi giây đảm bảo tính chính xác với
độ tin cậy rất cao. Kích thước và trọng lượng của loại nhiệt kế này gọn nhẹ hơn
nhiều so với FT25, có 36 g, tiện lợi khi du lịch. Cấu tạo máy gồm ba phần chính:
đầu cảm ứng, màn hình hiển thị và nút scan. Thiết bị này có thể nói là một trong
những dòng nhiệt kế đẳng cấp cao nhất.
Máy đo huyết áp: Những người bị huyết áp cao đều tự trang bị cho mình
một máy đo huyết áp để tự kiểm tra. Máy trên thị trường chủ yếu là máy điện tử,
quấn quanh cổ tay hoặc bắp tay. Máy dùng cảm biến điện để tính áp suất và cho
kết quả sau vài phút, với những thông số cơ bản như huyết áp tâm thu, huyết áp
tâm trương, nhịp tim tính theo phút. Mẫu máy khá đa dạng, với nhiều chương trình
được cài đặt sẵn. Giá máy tùy nhãn hiệu, xuất xứ. Máy của Đức giá 750.000 đồng
- 1 triệu đồng. Máy Omron (Nhật) giá 450.000 đồng/máy, hàng Hàn Quốc giá
600.000 - 650.000 đồng/máy.
Máy xông khí: Gia đình nào có người hay bị viêm đường hô hấp có thể tự
mua cho mình một chiếc máy xông khí để chủ động điều trị, đỡ mất thời gian đi
lại. Loại máy này kết cấu nhỏ gọn, dùng áp lực nén khí làm thuốc (đã hòa tan với
nước cất) sủi bọt, biến thành hạt nhỏ li ti để hít vào mũi, họng. Trong quá trình
xông, người bệnh cần thở sâu và chậm để thuốc thấm vào vùng bị ảnh hưởng. Giá
máy Italy là 650.000 đồng, máy Nhật giá 800.000 đồng, hàng Trung Quốc giá thấp
hơn song độ bền kém hơn.
Máy xông hơi: Có cấu tạo giống như hình phễu, dưới là bình cắm điện. Cơ
cấu hoạt động khá đơn giản: cho nước, hoặc nước thơm vào bình, cắm điện. Hơi
nước bốc lên sẽ giúp giãn chân lông, giúp dễ bài tiết chất bẩn, chất độc hại ra khỏi
da mặt. Sau khi sử dụng, nên dùng nước hoa hồng và khăn lạnh để thu gọn lỗ chân
lông. Phương pháp này rất tốt để làm đẹp da và giúp hấp thụ kem dưỡng da một
cách tốt nhất, giá của máy dao động từ 250.000 - 500.000 đồng/máy.
Máy đo đường huyết: Thích hợp với gia đình có người bị bệnh tiểu đường
để thường xuyên kiểm tra lượng đường trong máu. Máy có kích thước nhỏ gọn, có
màn hình hiển thị lượng đường trong máu, và các chương trình được cài đặt để xác
định giờ đo, lưu trữ kết quả xét nghiệm Kèm theo máy có que thử. Máy đo
đường huyết giúp người bệnh có thể tự kiểm soát đường huyết và chủ động trong
quản lý bệnh đái tháo đường của mình. Tuy nhiên, máy không dùng được cho mọi
đối tượng, không dùng được cho những người bệnh có tiền sử hoặc đang mắc các
biến chứng và xơ vữa mạch máu. Không chích thử ở các vùng có vết thương vì có
thể gây nhiễm trùng. Người mắc bệnh máu không đông nên tham khảo ý kiến của
các chuyên gia y tế trước khi sử dụng.