Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Chế độ ăn cho người bệnh gan ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (96.12 KB, 5 trang )

Chế độ ăn cho người bệnh gan

Hỏi:Tôi bị bệnh viêm gan B, muốn nhờ bác sĩ cho biết những thức ăn tốt và
không tốt cho bệnh này. (Văn Tiến)
Đáp:Gan là một cơ quan rất quan trọng của cơ thể, thực hiện rất nhiều chức
năng khác nhau. Theo một số tài liệu, gan đảm nhiệm tới trên 500 chức năng khác
nhau trong cơ thể, nhiều người ví gan như một nhà máy sinh hóa khổng lồ. Gan
giúp giải độc cho cơ thể, tham gia vào các quá trình chuyển hóa, điều hòa hệ tiêu
hóa và việc cung cấp năng lượng cho cơ thể. Gan cũng giúp cho việc cân bằng
giữa các chất đường, đạm, mỡ; giữ cho cơ thể có được điều kiện sức khỏe tốt nhất.
Do vai trò quan trọng của gan nên khi gan bị viêm hay tổn thương không
hồi phục thì sức khỏe của người bệnh bị đe doạ nghiêm trọng. Bên cạnh việc điều
trị viêm gan thì chế độ ăn uống, dinh dưỡng và tập luyện cũng đóng góp vai trò vô
cùng quan trọng, góp phần không nhỏ trong quá trình trị liệu bệnh gan. Vì vậy
việc lựa chọn chế độ dinh dưỡng cho những người mắc bệnh viêm gan là điều
chúng ta cần quan tâm.
Chế độ ăn cho người bị viêm gan cần đảm bảo cả 2 yếu tố chất và lượng:
Đảm bảo cho người viêm gan đủ những chất cần thiết để tồn tại và phát triển, bao
gồm những chất cơ bản như đạm, bột – đường, sinh tố và các yếu tố vi lượng, chất
xơ tùy theo thể trạng và tính chất bệnh lý của gan. Nhìn chung, ở cơ thể trưởng
thành trung bình chúng ta cần từ 1800 đến 2500 kcal/ngày, trong đó đạm cần 1-1,5
gr/kg thể trọng. Ngoài ra cơ thể chúng ta cũng cần khoảng từ 20-30 gr chất xơ.
Chất này có nhiều trong trái cây và rau như cam, chuối, cà rốt, đậu đỏ, đậu đen,
gạo lức, các loại rau (muống, dền, cải cúc, rau ngót…). Chế độ ăn cụ thể cho tình
trạng bệnh như sau:
1. Với người bị viêm gan B cấp tính: cần ăn thành nhiều bữa, tránh ăn quá
no một lúc, không nên ăn những thức ăn khó tiêu có nhiều gia vị, dầu mỡ ; nên
uống nhiều nước nhưng không uống nước đá, đặc biệt không uống bia rượu, cà
phê, thuốc lá. Bên cạnh đó trong giai đoạn viêm cấp cần có chế độ nghỉ ngơi
thường xuyên, không làm việc quá sức, tránh các căng thẳng tâm lý không cần
thiết, hạn chế dùng thuốc một cách tối đa và nên tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ,


không tự ý dùng thuốc bừa bãi. Khi tình trạng nhiễm độc gan trầm trọng cần được
theo dõi chăm sóc trong bệnh viện, còn nếu mức độ nhẹ có thể nghỉ ngơi điều trị
tại nhà. Tự điều trị ở nhà cần lưu ý nên ăn nhẹ và ăn nhiều hơn về buổi sáng vì
một số nghiên cứu cho thấy buổi sáng cơ thể và khả năng hấp thu của gan tốt hơn
so với chiều; buổi chiều nên ăn ít hơn để tránh bị đầy bụng và nên ăn thành nhiều
bữa. Về cơ bản vẫn phải ăn đủ chất dinh dưỡng, đủ năng lượng. Sau khi gan bình
phục có thể ăn uống trở lại bình thường chỉ cần giảm mỡ và các đồ uống có hại
cho gan.
2. Với người bị viêm gan mạn tính: Một số tác giả cho rằng nguy cơ đầu
tiên lại chính là sự thiếu dinh dưỡng, chính vì vậy những người bị viêm gan mạn
tính được khuyên nên tiếp tục ăn uống một cách bình thường, tránh ăn kiêng quá
mức cần thiết. Đồng thời, để tạo ra sự ngon miệng nên thay đổi nhiều loại thức ăn
khác nhau trong chế độ ăn nhiều rau quả và trái cây để có đủ chất xơ, cũng như
nên ăn nhiều đạm nhất là đạm thực vật, uống thêm một số thuốc bổ bổ sung vi
tamin và khoáng chất. Tuy nhiên cần lưu ý không nên uống hay ăn những thực
phẩm chứa nhiều chất sắt vì gan là cơ quan có chứa rất nhiều chất sắt, gan của
người nhiễm siêu vi C có khuynh hướng giữ chất sắt nhiều hơn mức bình thường,
vì vậy đưa vào cơ thể thêm nhiều chất sắt dễ làm tăng nguy cơ tổn thương các cơ
quan khác như tim, tụy. Các chuyên gia cũng khuyên người bị bệnh gan nên tránh
nấu ăn bằng nồi sắt vì một số phân tử sắt có thể hòa tan vào thức ăn.
Ở những bệnh nhân viêm gan mạn tính giai đoạn đầu có thể sự tiêu hóa
chưa gặp trở ngại nào, nhưng về lâu dài hệ thống tiêu hóa sẽ yếu dần vì vậy dễ dẫn
đến thiếu dinh dưỡng. Vì thế, các chất đa sinh tố, axit folic được khuyến khích sử
dụng, nhất là trong những trường hợp viêm xơ gan do rượu.
Khi viêm gan mạn tính có vàng da, khả năng bài tiết mật có thể giảm vì thế
sự hấp thu các chất béo trở nên khó khăn hơn, các loại sinh tố hòa tan trong mỡ
như Vitamin A, D, E sẽ không hấp thụ đủ vì vậy nên bổ sung thêm các loại sinh tố
trên mỗi ngày.
Việc cần bổ sung chất đạm trong viêm gan là rất cần thiết vì chất đạm giúp
cơ thể nhanh phục hồi và có tác dụng chống đỡ lại bệnh tật, làm cho tế bào gan

tăng trưởng và phục hồi. Nên ăn các chất đạm có nguồn gốc từ thực vật như đậu
xanh, đậu nành và từ tôm cá…
Cần tránh tuyệt đối bia rượu, đây là kẻ thù rất nguy hiểm với gan. Nhiều
nghiên cứu cho thấy ở những người nghiện rượu bia lâu ngày dễ dẫn tới viêm gan,
xơ gan, đặc biệt dễ nhiễm siêu vi C và làm các bệnh gan trở nên trầm trọng hơn do
vậy sẽ giảm tuổi thọ so với những người bị viêm gan mà không uống rượu.
Tránh béo phì vì bệnh béo phì dễ dẫn đến các bệnh tim, mạch, huyết áp,
tiểu đường, nhiễm mỡ gan làm cho gan đã bị viêm có nguy cơ trở thành xơ gan. Vì
vậy những người viêm gan mạn tính cũng nên có chế độ tập thể dục một cách phù
hợp và giảm bớt các thức ăn có chất béo, cholesterol và đường đồng thời có chế độ
ăn uống ít calo hơn ở những người bị viêm gan mạn mà không mắc bệnh béo phì.
Nhưng cũng cần lưu ý ở những người béo phì bị viêm gan mạn vẫn có thể bị thiếu
dinh dưỡng trầm trọng mặc dù bên ngoài có vẻ như rất mập mạp.
Ngoài ra còn rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh có thể gây tổn thương các tế
bào gan, nên người bị viêm gan cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng
bất cứ một loại thuốc nào.
Tóm lại người bị viêm gan, ở với từng giai đoạn việc lựa chọn chế độ dinh
dưỡng hợp lý để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và tránh xa các chất độc hại là
rất cần thiết nhằm góp phần tạo nên chất lượng sống tốt hơn cũng như kéo dài tuổi
thọ cho người bệnh.

×