Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122 KB, 3 trang )

Viêm phế quản mạn tính ở người cao tuổi

Viêm phế quản mạn tính (VPQMT) là một bệnh thuộc đường hô hấp dưới. Bệnh
hay gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi mà trong đó chủ yếu ở người cao tuổi
(NCT), nam giới gặp nhiều hơn nữ giới.
Nguyên nhân của bệnh VPQMT
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh VPQMT ở NCT, trong đó do sự giảm chức năng đề
kháng của cơ thể. Sức khỏe nói chung bị sa sút bởi tuổi tác cao và sự xâm nhiễm của vi
sinh vật gây bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng. Một số nguyên nhân thuận lợi như:
nghiện thuốc lá, thuốc lào; sống trong môi trường có nhiều bụi, dùng bếp than lâu ngày
như: đun than tổ ong, than củi, rơm rạ; cơ địa hay bị dị ứng đường hô hấp như: hen
suyễn, viêm phế quản nhiễm khuẩn mạn tính, kéo dài ngay từ lúc còn nhỏ tuổi; hoặc có
một số dị dạng về khung xương sườn, cột sống như: gù vẹo cột sống…

Biểu hiện của VPQMT ở NCT
Trong bệnh VPQMT thường có 3 hiện tượng: ho, khạc đờm nhầy hoặc mủ và khó thở.
Giai đoạn đầu của bệnh VPQMT là người bệnh ho và khạc ra đờm vào buổi sáng. Ho
thường xảy ra từng đợt, nhất là khi thời tiết thay đổi (nóng, lạnh đột ngột, chuyển mùa từ
nóng sang lạnh hoặc ngược lại), mỗi đợt kéo dài từ một tuần đến vài tuần, mỗi năm có
khi xảy ra ho đến 5 - 6 lần. Tính chất của đờm thường có màu trắng, lỏng hoặc đặc
quánh, đôi khi có bọt. Bệnh càng kéo dài thì gây ho càng nhiều, đờm ngày càng đặc hơn
và đổi màu (thường là màu vàng). Khối lượng đờm do ho, khạc ra trong một ngày có khi
lên tới 100ml hoặc hơn thế nữa. Những tháng sau, năm sau ho ngày càng tăng lên và số
lượng đờm cũng tăng dần lên và bệnh cũng càng nặng hơn: mỗi đợt ho sẽ kéo dài hơn vài
tuần và số lần ho cũng tăng lên một cách đáng kể. Ở giai đoạn muộn hơn của VPQMT
thường có khó thở. Lúc đầu người bệnh chỉ mới cảm thấy nặng ngực, dần dần là khó thở
thực sự. Bệnh càng lâu và càng nặng thì sự thiếu hụt không khí càng nhiều, gây rối loạn
chức năng hô hấp một cách đáng kể. Do đó, người bệnh luôn thiếu dưỡng khí gây nên
mệt mỏi, sụt cân, ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể, nhất là hệ tuần hoàn
và hệ thần kinh trung ương (tim đập nhanh, mệt mỏi, buồn ngủ…).
VPQMT ở NCT thường có 2 loại: loại lành tính và loại ác tính. VPQMT lành tính là loại


chỉ xảy ra ở phần thân của các phế quản lớn (khí quản, phế quản gốc, thùy và phân thùy)
nếu hiện tượng viêm nhẹ thì ít khi gây suy hô hấp, loại VPQMT lành tính chiếm tỷ lệ cao
nhất (khoảng 90%). VPQMT thể ác tính chiếm tỷ lệ thấp hơn rất nhiều (khoảng 10%)
thường xảy ra ở các tiểu phế quản và gây nên hội chứng tắc nghẽn thở ra dẫn đến suy thở
và rất dễ dẫn đến tâm phế mạn ở NCT.
Khám thực thể khi nghe phổi sẽ thấy có ran rít và ran ẩm nhỏ hạt ở 2 phế trường. Trong
những đợt tiến triển cấp tính thì khi nghe phổi có thể thấy nhiều ran hơn khắp 2 phế
trường. Khi bệnh có xu hướng tiến triển xấu đi (hình thành bệnh khí phế thũng) thì khám
thấy rì rào phế nang giảm rõ rệt.
Các loại cận lâm sàng như xét nghiệm công thức máu sẽ thấy đa hồng cầu (một thời gian
vài năm sau khi bị VPQMT); lưu lượng hô hấp khi gắng sức sẽ giảm; dung tích sống, thể
tích thở ra tối đa giảm; Pa02 và PaC02 giảm (khi đo khí trong máu). X-quang có thể thấy
mạng lưới phế - huyết quản tăng đậm.
Phòng bệnh VPQMT ở NCT
Một số thói quen như nghiện thuốc lá hoặc thuốc lào nên bỏ càng sớm càng tốt. Nếu chưa
có điều kiện dùng bếp ga, bếp điện thì cần cải thiện việc dùng bếp than, củi, rơm rạ bằng
cách dùng loại bếp ít khói. Nhà ở cần thông thoáng để tránh hiện tượng khói bếp ứ đọng
nhiều giờ, không khí không được lưu thông. Cùng với cộng đồng tích cực tham gia hoặc
vận động mọi người trong gia đình, làng xóm, dân phố vệ sinh môi trường sống càng
sạch, càng ít bụi càng tốt.
Nếu bị viêm đường hô hấp (hô hấp trên và hô hấp dưới) cần được khám và điều trị dứt
điểm không để bệnh trở thành mạn tính.
Cần tập thể dục thường xuyên để điều hòa nhịp thở như: hít thở, đi bộ, chơi thể thao. Tập
thể dục và chơi thể thao là phải tùy theo sức của mình, không nên gắng sức tập quá khả
năng hoặc quá sức lực của mình và phải tập theo bài bản.
PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

×