Thuốc trị viêm gan mạn tính
do virus C
Nhiễm virut viêm gan C cấp thường có nguy cơ 50 - 80% trở thành viêm gan
C mạn. Có đến 50 - 70% tất cả các trường hợp ung thư gan là có sự liên quan
tới virut viêm gan C. Những người viêm gan C mạn không điều trị hiếm khi
thanh thải virut tự nhiên trừ khi tình trạng miễn dịch bị thay đổi.
Biểu hiện của bệnh
Trên 50% bệnh nhân viêm gan do virus C sẽ chuyển thành mạn tính, ngoài ra nếu
nguyên nhân gây viêm gan C mạn là do truyền máu thì sau 10 năm có tới 20% số
bệnh nhân chuyển thành xơ gan, ngay cả với những thể nhẹ và vừa không có triệu
chứng và chỉ tăng nhẹ men transaminase. Diễn tiến của viêm gan mạn C thường
chậm và âm thầm. Mức độ tiến triển phụ thuộc vào nồng độ HCV- ARN và thời
gian nhiễm bệnh.
Ảnh minh họa
Biểu hiện lâm sàng của viêm gan mạn C cũng tương tự như viêm gan mạn do
virus B, thường gặp nhất là mệt mỏi, vàng da ít gặp. Các biểu hiện ngoài gan cũng
ít gặp hơn. Triệu chứng khởi đầu có thể biểu hiện những đợt rầm rộ như trong
viêm gan cấp (l/3 trường hợp), phần còn lại thường âm thầm làm phần lớn bệnh
nhân không nhận biết được, thường chỉ biểu hiện bởi triệu chứng cơ năng chung là
mỏi mệt, cảm giác nặng tức vùng hạ sườn phải, nhiều lúc có đau cơ, đau khớp
hoặc nhiều lúc chỉ có cảm giác nhức mỏi chung chung. Trong những đợt tiến triển,
các triệu chứng thường phong phú và rầm rộ hơn với sốt, vàng da, vàng mắt, nước
tiểu vàng hoặc sẫm màu, đau cơ, đau khớp và nhất là đau tức vùng gan và ngứa.
Khám thấy gan to vừa, căng chắc ấn đau tức, vàng da vàng mắt, hồng ban và giãn
mạch hình sao.
Giai đoạn sau khi đã có biến chứng xơ gan, các biểu hiện viêm thường giảm dần,
thay vào đó là các triệu chứng của xơ gan cổ trướng và suy gan là nổi bật; hoặc
các triệu chứng của ung thư gan với gan rất lớn, gan cứng và có nhiều khối u lổn
nhổn.
Điều trị như thế nào?
Ở các bệnh nhân nhiễm virut viêm gan C mạn, mục tiêu điều trị là diệt trừ virus,
ức chế virut sao chép lâu dài và giảm tình trạng viêm gan.
Dùng Corticoid điều trị viêm gan C không có kết quả.
Interferon alpha là thuốc điều trị hiệu quả, nó làm biến mất sự tăng men
transaminase sau 1-2 tháng điều trị. Nhiều nghiên cứu cho thấy, interferon làm
men transaminase trở lại bình thường trong 50% trường hợp, cũng như làm giảm
hoạt tính mô học. Hiệu quả lâu dài của việc điều trị interferon vẫn chưa được biết
hết. Vì sau khi ngừng điều trị 3 - 6 tháng thì gần 1 nửa có hiện tượng tái phát.
Hiện nay thường dùng liệu pháp peg - interferon kết
hợp với ribavirin cho tỷ lệ đáp ứng virut học kéo dài
trên 50% các bệnh nhân đã dần thay thế các chế độ
điều trị cũ.
Peg - Interferon là sự phối hợp giữa interferon với
polyethylen glycol, còn gọi là pegylate hoá, làm
thanh thải thuốc chậm đi và do đó phơi nhiễm kéo
dài với nồng độ thuốc cao hơn, nên chỉ dùng một tuần một lần. Điều trị phối hợp
với ribavirin cho tỷ lệ đáp ứng cao hơn, lớn hơn 50%. Trường hợp bệnh nhân
chống chỉ định dùng ribavirin có thể được điều trị bằng peg - interferon. Các tác
dụng phụ: phần lớn các tác dụng ngoại ý là ở mức độ nhẹ và trung bình, không cần
hạn chế điều trị. Các tác dụng phụ hay gặp là đau nơi tiêm, mệt, ớn lạnh, sốt, đau
khớp, triệu chứng giống cúm, trầm cảm , ngoài ra có thể gặp giảm bạch cầu trung
tính, thiếu máu, phát ban, tăng cảm giác, nhìn mờ, lú lẫn, rong kinh, táo bón, rối
loạn tâm thần
Ribavirin: Được phát hiện vào năm 1972, là một chất tương tự guanosine có phổ
hoạt tính rộng chống lại các virus RNA và DNA gồm cả các Flaviviridae như virut
viêm gan C. Ribavirin có vai trò quan trọng trong phác đồ phối hợp với peg -
interferon trong suốt quá trình điều trị. Các tác dụng phụ hay gặp là gây tan máu,
ngoài ra còn gây quái thai, do đó không được dùng cho phụ nữ mang thai.
Tuy nhiên, không được dùng các thuốc trên điều trị cho bệnh nhân viêm gan mạn
do virus C trong các trường hợp sau: bệnh nhân xơ gan mất bù, bệnh tự miễn, rối
loạn nhịp tim, bệnh thiếu máu và thiếu máu cục bộ, suy thận, phụ nữ có thai và
cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi. Cần thận trọng khi sử dụng cho các bệnh nhân
thiếu máu 3 dòng, bệnh nhân có các rối loạn tâm thần, các rối loạn co giật.
Tóm lại, sự phát tán của HCV ngày càng có khuynh hướng tăng lên ở khu vực
châu Á - Thái Bình Dương. Quá trình điều trị và hiệu quả điều trị còn gặp nhiều
khó khăn do các nguyên nhân khác nhau. Điều quan trọng là cần tránh lây nhiễm
virus viêm gan C bằng các biện pháp vệ sinh, loại bỏ kỹ những nguồn cho máu và
các chế phẩm từ máu bị nhiễm virus viêm gan C; tránh dùng chung những dụng cụ
có thể dính máu của nhau như kim tiêm, kim châm cứu, dao cạo, bàn chải đánh
răng Phòng chống các tệ nạn xã hội như nghiện ma tuý, mại dâm, thực hiện
sống chung thuỷ một vợ một chồng, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục với
người nhiễm virus viêm gan C.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng