Tải bản đầy đủ (.doc) (2 trang)

Ôn thi vào lớp 10_CĐ8: Cảm nhận về tình cha con trong truyện "Chiếc lược ngà"

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (54.82 KB, 2 trang )

Cảm nhận về tình cha con trong truyện "Chiếc lược ngà"
Truyện “Chiếc lược ngà” (Nguyễn Quang Sáng) được viết trong cuộc kháng chiến
chống Mĩ nhưng chủ yếu tập trung nói về tình người trong cảnh ngộ éo le của chiến
tranh. Đoạn trích “Chiếc lược ngà” (Sgk Văn 9, tập I) thể hiện tình cha con thắm
thiết, sâu nặng của ông Sáu và bé Thu.
Ông Sáu về thăm nhà sau bao năm ở chiến khu với cái tình của người cha nôn nao,
cháy bỏng khát khao được gặp con. Nhưng ngay từ giây phút đầu, điều mà ông bấy
lâu mong đợi được nghe con gái gọi tiếng “Ba !” không được đền đáp. Đứa trẻ hoàn
toàn ngơ ngác, lạnh lùng, đối xử với ông như người xa lạ. Với lòng mong nhớ con,
ông càng đón chờ tình cảm của con, nó càng cố tình cự nự. Điều đó, khiến ông đau
đớn “hai tay buông xuống như bị gãy”. Có những tình huống, tưởng chừng thế nào nó
cũng chịu thua, không ương ngạnh được nữa, phải gọi tiếng “Ba”. Nhưng nó vẫn
không chịu cất tiếng “Ba” mà ông Sáu chờ đợi.
Hành động trẻ con, nói năng cộc lốc, ngang ngạnh của Thu dành cho Ba khiến ông
Sáu, bạn ông Sáu và cả người đọc đau lòng và suy nghĩ. Khi có gia đình, hạnh phúc
được làm cha, tiếng gọi “Ba” của đứa con gái yêu chưa dành cho ông khiến ông “khổ
tâm đến nỗi không khác được, chỉ biết nhìn con vừa khẽ lắc đầu vừa cười”.
Phản ứng tâm lí của Thu là hoàn toàn tự nhiên. Thu còn quá bé để có thể hiểu tình thế
éo le xảy ra trong chiến tranh. Bản thân người lớn cũng chưa ai chuẩn bị cho Thu ứng
phó với bất thường. Điều đó, người đọc cảm được tình cảm chân thật, sâu sắc, mãnh
liệt Thu dành cho ba - người mà Thu biết trên ảnh, người cha được cô bé ghi sâu
trong lòng từ tấm ảnh, không phải người đàn ông xưng là "ba".
Đến khi được bà ngoại tháo gỡ thắc mắc trong lòng, về lai lịch vết thẹo, Thu vỡ lẽ đó
thực là ba mình. Trăn trở dằn vặt, cùng tình yêu, khát khao bấy lâu mong gặp mặt cha
dồn nén, bùng nổ dữ dội, quyết liệt vào giờ phút trước khi người cha lên đường.
Tiếng “Ba a a ba !” vỡ ra từ sâu thẳm lòng cô bé. Tiếng kêu mà ba nó chờ đợi
bao năm ròng. Tiếng kêu làm nhói tim mọi người. Ông Sáu sung sướng, hạnh phúc
nghẹn lời, không cầm được nước mắt. Thu vồ vập, cuống quít, níu giữ cha, níu giữ
yêu thương bấy lâu nó mong đợi. “Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn
vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”, “hai tay nó xiết chặt lấy cổ, chắc
nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó,


và đôi vai nhỏ bé của nó run run”.
Đối với người cha, đó là tiếng “ba” đầu tiên và cũng là tiếng yêu thương cuối cùng
ông được nghe từ con ! Ở chiến khu, ông cố gắng hết sức, thận trọng, tỉ mỉ làm cho
con chiếc lược ngà. Ông đặt vào đấy tất cả tình cảm cha con. Chiếc lược trở thành vật
thiêng, an ủi ông “gỡ rối phần nào tâm trạng”, nuôi dưỡng tình cha con. Ông thường
xuyên “lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm
mượt”. Lòng yêu con đã biến người chiến sĩ thành một nghệ nhân - nghệ nhân chỉ
sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, ông Sáu
vẫn nhớ chiếc lược, nhờ bạn chuyển lại cho con - cử chỉ chuyển giao đó là một ước
nguyện giữ gìn muôn đời tình cảm cha con, ruột thịt.
Truyện “Chiếc lược ngà” đã diễn tả một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu
nặng của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Hình ảnh cây lược
được gắn vào đó một trái tim thổn thức tình ruột thịt, khẳng định giá trị nhân bản sâu
sắc, cao đẹp thiêng liêng !
(Sưu tầm)

×