Bệnh tim do rượu, thuốc gì?
Rượu là một thức uống khá phổ biến ở Việt Nam, cả ở thôn quê lẫn thị thành. Rượu đã
trở thành một nét văn hóa trong đời sống ẩm thực của con người Việt Nam. Tuy nhiên,
việc lạm dụng rượu đã dẫn tới những hậu quả khôn lường. Ngoài những bệnh do rượu
chúng ta đã biết như xơ gan, viêm tụy cấp thì còn một bệnh mà chính các cán bộ y tế
cũng chưa thực sự để ý tới. Đó là bệnh cơ tim giãn do rượu.
Hình ảnh cơ tim bình thường và cơ tim giãn do rượu.
Cơ chế bệnh sinh
Khi uống rượu, cơ thể chúng ta tiếp thu chất ethanol từ rượu, và trải qua hai bước chuyển
hóa trong gan. Bước thứ nhất, enzyme ADH (alcohol dehydrogenase) chuyển hóa
ethanol thành acetaldehyde. Bước thứ hai, enzyme ALDH2 (acetaldehyde dehydogenase)
chuyển hóa acetaldehyde thành acetate, hay nói nôm na là axít axetic mà chúng ta thấy
trong dấm. Thật ra, acetate còn được chuyển hóa một lần nữa nhưng ở ngoài gan, và
chúng ta sẽ không quan tâm ở đây. Trong ba hoạt chất ethanol, acetaldehyde và acetate
thì acetaldehyde được xem là độc hại nhất vì nó có khả năng gây đột biến gen và gây ung
thư. Đặc biệt hơn, các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu tim mạch - Trường đại học
Wyoming, Laramie của Mỹ đã nghiên cứu và công bố vào năm 2008 rằng: acetaldehyde
gây độc cho tế bào cơ tim, gây rối loạn chức năng, cấu trúc và chuyển hóa của tế bào cơ
tim. Và ở những người nghiện rượu, uống rượu liên tục, lâu dài với số lượng lớn, khi mà
acetaldehyde luôn xuất hiện trong cơ thể với nồng độ cao thì sẽ gây nên tình trạng tế bào
cơ tim to ra có hình bầu dục rất kỳ lạ, tăng nhiều trọng lượng toàn bộ khối cơ, các buồng
tim giãn nhiều. Hậu quả làm mất dần chức năng co bóp của cơ tim. Đó là bệnh cơ tim
giãn.
Triệu chứng lâm sàng
Bệnh nhân có tiền sử uống rượu với số lượng lớn liên tục trong thời gian dài. Các dấu
hiệu của bệnh diễn ra rất từ từ và bệnh nhân thường có một giai đoạn dài từ vài tháng đến
vài năm hoàn toàn không có triệu chứng. Khi đến bệnh viện là đã có biểu hiện của suy
tim. Ban đầu là biểu hiện của suy tim trái: khó thở khi gắng sức, khó thở khi nằm và khó
thở về đêm. Giai đoạn nặng sẽ thấy có thêm các dấu hiệu của suy tim phải như phù ngoại
biên, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, cổ trướng. Có thể gặp các biểu hiện của hội chứng cung
lượng tim thấp như mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
Khám lâm sàng thường không có dấu hiệu đặc hiệu và đôi khi chỉ liên quan đến mức độ
suy tim của bệnh nhân. Khám tim hay gặp nhịp nhanh, đôi khi có tiếng ngựa phi, tiếng
thổi tâm thu do hở van hai lá và ba lá do giãn các buồng tim, mỏm tim xuống thấp và
sang trái (giãn thất trái) hay giãn về phía mũi ức của thất phải. Khám phổi trong trường
hợp ứ trệ tuần hoàn nhiều có thể thấy có ran ẩm, thở nhanh nông, tràn dịch màng phổi
phối hợp. Khám bụng có gan to, phản hồi gan - tĩnh mạch cổ dương tính, nhưng đa phần
các bệnh nhân có tĩnh mạch cổ nổi tự nhiên. Khám ngoại biên phát hiện phù chi dưới,
phù toàn thân, chi lạnh, đầu chi tím.
Diễn biến tự nhiên của bệnh sẽ dẫn đến suy tim tăng dần và có thể bị tử vong trong bệnh
cảnh suy tim nặng hay rối loạn nhịp. Tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm là 40 - 80%.
Dùng thuốc thế nào?
Người bệnh cần ngừng uống rượu. Đây là việc đầu tiên cần làm trong điều trị bệnh.
Điều trị nội khoa: nhằm mục đích ổn định tình trạng suy tim. Dùng các thuốc sau:
- Thuốc lợi tiểu: khi dùng thuốc lơi tiểu phải căn cứ vào chức năng thận và thể tích dịch
trong cơ thể. Thường lựa chọn các loại lợi tiểu quai như furosemid, torsemid hay
bumetanid.
- Thuốc giãn mạch: làm giảm gánh cho tim như ức chế men chuyển dạng angiotensin
(coversyl), nitrat (nitromint) và hydralazin trong đó ức chế men chuyển dạng angiotensin
là lựa chọn hàng đầu. Cần chú ý tác dụng hạ huyết áp tư thế của thuốc giãn mạch.
- Trợ tim: digitalis (digoxin) là thuốc được lựa chọn trong các trường hợp rung nhĩ có tần
số thất cao.
- Thuốc kháng vitamin K (sintrom): cần được sử dụng khi bệnh nhân có huyết khối trong
buồng tim, có rung nhĩ hay đã có tiền sử tắc mạch.
- Điều trị rối loạn nhịp: trong bệnh cơ tim giãn thường gặp nhiều khó khăn. Trong số các
thuốc chống rối loạn nhịp thì amiodaron (cordaron) là thuốc dường như có hiệu quả và ít
tác dụng phụ nhất.
- Thuốc chẹn bêta giao cảm: hiện duy nhất chỉ có carvedilol là thuốc được chấp nhận
dùng để điều trị suy tim tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng các
thuốc khác như bisoprolol hay metoprolol cũng có hiệu quả làm giảm tỷ lệ tử vong ở
bệnh nhân suy tim. Liều khởi đầu cần rất thấp và hết sức thận trọng khi nâng liều điều trị.
Điều trị phẫu thuật ghép tim: chỉ định trong các trường hợp suy tim nặng NYHA 3 hoặc 4
không đáp ứng với điều trị nội khoa (đã bao gồm cả chẹn bêta). Tuy nhiên phẫu thuật này
tốn kém và mới chỉ thực hiện tại môt số trung tâm y học lớn.
BS. Trần Tất Đạt (Khoa Tim mạch Bệnh viện 19/8)