Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

NHÀ TÂY SƠN ÐÁNH VỚI NHÀ NGUYỄN Ở MẶT NAM pptx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (131.42 KB, 6 trang )

Quách Tấn, Quách Giao
Nhà Tây Sơn
ÐÁNH VỚI NHÀ NGUYỄN Ở MẶT NAM

Ði đánh mặt Bắc, Tây Sơn Vương không quên mặt Nam. Vương cử Nguyễn
Lữ, Nguyễn Văn Lộc và Võ Văn Cao đi vào Phú Yên, Diên Khánh, Bình
Thuận để xem xét tình hình, liên lạc cùng Vua Thủy Xá (Pơtau Ea), Hóa Xá
(Pơtau Apui), và vận động thân hào nhân sĩ địa phương hưởng ứng cuộc
nam chinh.
Phái đoàn ra đi mùa thu năm Quý Tỵ (1773).
Thủy Xá và Hỏa Xá là con cháu của Vua Chiêm Thành, chiếm cứ sơn phần
Phú Yên Diên Khánh và vùng Ðăk Lăk, Ban Mê Thuột, không thần phục
chúa Nguyễn, thường kéo người Thượng xuống quấy phá xóm làng Việt
Nam. Ðược nhà Nguyễn phong cho chức Chưởng Cơ, không nhận. Tây Sơn
Vương hứa phục hồi danh vị Phiên Vương khi bình định xong miền Nam,
hai Vua hoan nghênh phái đoàn và hứa sẽ giúp đỡ quân Nam tiến.
Mọi tầng lớp nhân dân Phú Yên, Diên Khánh, Bình Thuận đều chán ghét
quan quân nhà Nguyễn, ai nấy đều mong có cuộc đổi thay.
Còn quan quân nhà Nguyễn thì chỉ lo bóc lột nhân dân, không nghĩ gì đến
việc an nguy của quốc gia, cho nên việc phòng thủ rất lỏng lẻo. Phái đoàn về
trình tâu rõ tình hình, Vương liền cử Ngô Văn Sở làm Chinh Nam Ðại
Tướng Quân, cùng Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng vào đánh chiếm ba phủ
Phú, Diên, Bình.
Xuất quân mùa đông năm Quý Tỵ (1773).
Mặt tây được hai Vua Thủy, Hỏa yểm hộ, binh Tây Sơn cứ thẳng tiến vào
Nam. Ði tới đâu được hoanh nghênh tới đó, và lấy ba thành dễ dàng như trở
bàn tay. Tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Hiền bị giết, và Nguyễn Khoa
Kiên bị bắt sống.
Ðại thắng, Ngô Văn Sở kéo binh về, để Nguyễn Văn Lộc và Lê Văn Hưng ở
lại trấn giữ.
Trong khi Ngô, Nguyễn, Lê đi chinh Nam thì ở Quy Nhơn, Nhưng Huy và


Tứ Linh làm phản.
Nguyên Nhưng Huy và Tứ Linh nghe Tây Sơn Vương chuẩn bị Nam chinh,
liền đến xin xung phong. Nghĩ rằng Huy, Linh trước kia đã từng quấy rối
những vùng miền trong, để cho họ đem quân vào, sợ đồng bào sanh biến,
nên Vương không chấp nhận lời thỉnh cầu. Hai người bất mãn, nhân dịp đem
quân đi tuần phòng ban đêm, bỏ trốn về nguồn An Tượng, tập hợp đám côn
đồ, kéo xuống đánh phá vùng Trường Úc. Trần Quang Diệu đem quân đánh
dẹp. Huy, Linh bị bắt. Tây Sơn Vương muốn tha vì có công lấy thành Quy
Nhơn. Nhưng chư tướng đồng xin giết đi bởi Công nhỏ không bù được họa
lớn, giữ lại trong quân là nuôi ong tay áo, cho về An Tượng là thả cọp về
rừng. Vương phải theo ý chư tướng. Huy, Linh thản nhiên ra pháp trường,
cười bảo nhau:
- Ðược thì vểnh râu, thua thì đứt cổ.
Ở Phú Yên, đầu xuân năm Giáp Ngọ (1774), Châu Văn Tiếp nổi dậy.
Châu Văn Tiếp là người Phù Ly, làm nghề buôn nhưng sức mạnh võ giỏi.
Khi Tây Sơn đánh chiếm thành Quy Nhơn, Châu không theo, đem gia đình
vào Phú Yên, cất nhà ở dưới chân núi Trà Lương thuộc Tuy An, nuôi chí
diệt Tây Sơn phò Nguyễn chúa. Kịp lúc binh Tây Sơn đánh chiếm Phú Yên,
Châu chiêu mộ hơn nghìn người, dựng cờ khởi nghĩa. Cờ thêu bốn chữ lớn
Lương Sơn Tá Quốc.
Trấn thủ Phú Yên là đô đốc Nguyễn Văn Lộc hay tin, đem quân đến vây
đánh. Quân Châu Văn Tiếp chưa được huấn luyện kỹ càng, vừa xáp chiến đã
rã tan, Tiếp tẩu thoát, chạy lên núi theo thượng đạo vào Gia Ðịnh cung thuận
Ðịnh Vương.
Mùa thu năm ấy, viên lưu thủ đất Long Hồ trong Nam là Tống Phước Hiệp
cử đại binh cùng Nguyễn Khoa Toàn ra đánh Tây Sơn.
Quân Nguyễn đánh chiếm Bình Thuận. Tống Phước Hiệp để Nguyễn Khoa
Toàn ở lại, còn mình kéo binh ra đánh Diên Khánh. Trấn thủ Lê Văn Hưng
chận đánh. Nhưng nhận thấy quân địch đã đông lại có trọng pháo yểm hộ,
liệu không thắng nổi, bèn bỏ thành trống, rút toàn quân về Phú Yên cùng

Nguyễn Văn Lộc chống địch.
Chiếm được Diên Khánh rồi, Tống Phước Hiệp chia binh làm hai đạo kéo ra
Phú Yên. Quân bộ thì đóng tại núi Xuân Ðài thuộc Ðồng Xuân, quân thủy
thì đóng ở đầm Lãnh Úc nằm phía đông nam Ðồng Xuân. Rồi đưa thư ra
Quy Nhơn đòi Tây Sơn Vương trả Ðông Cung Nguyễn Phúc Dương.
Tây Sơn Vương muốn giữ kỹ Nguyễn Phúc Dương để làm con bài phòng
khi dùng đến, bèn đưa lên chiến khu. Lại truyền Nguyễn Huệ xuống Quy
Nhơn để lo việc Nam chinh. Nguyễn Huệ liền giao Tây Sơn cho Bùi Thị
Xuân và Võ Ðình Tú quản đốc, kéo đạo binh người Thượng mới tuyển mộ
xuống Quy Nhơn. Rồi vâng lệnh anh, vượt Cù Mông vào Phú Yên.
Nguyễn Huệ phóng tin cho Nguyễn Văn Lộc và Lê Văn Hưng biết để hợp
lực công địch. Quân Tây Sơn cắt đứt liên lạc giữa thủy binh và bộ binh của
địch, rồi chia quân làm hai cùng lúc đánh Xuân Ðài và Lãnh Úc. Tống
Phước Hiệp không thấy Vua Tây Sơn đáp ứng lời yêu sách của mình, cũng
không thấy quân Tây Sơn khởi động, đương nghi nghi ngờ ngờ, thì bị đánh
úp. Không kịp trở tay, binh của Tống cả thủy lẫn bộ đều bị tiêu diệt. Tống
tẩu thoát về Nam. Quân Tây Sơn tiến đánh, lấy lại Diên Khánh và Bình
Thuận. Nguyễn Huệ giao việc phòng thủ cho Nguyễn Văn Hưng và Lê Văn
Lộc rồi kéo đạo binh người Thượng trở về Quy Nhơn[38].
Ðể giữ yên mặt Bắc, Tây Sơn Vương đưa tin thắng trận cho Hoàng Ngũ
Phúc, Nguyễn Phúc liền xin chúa Trịnh phong cho Vương làm Tây Sơn
Hiệu Trưởng Tráng Tiết Tướng quân và phong Nguyễn Huệ làm Tây Sơn
Hiệu Tiên Phong tướng quân.
Vương lại sai Lý Tài vào trấn Bình Thuận, hiệp lực cùng Lê Văn Hưng ở
Diên Khánh để phòng thủ mặt Nam. Trần Quang Diệu can:
- Lý Tài là người Tàu, bụng dạ khó lường, không nên cho đi xa. Cọp sẩy
chuồng khó bắt lại. Vương cười:
- Ðã biết vậy. Song Lý Tài đánh giặc có công mà lòng phản bội chưa có hình
tích. Trừ đi không khỏi mang tiếng bẻ ná quên nôm. Hống nữa cũng như
Tập Ðình, Lý Tài mạnh là nhờ nanh vuốt. Nay đám thủ hạ đã tử trận gần hết,

thì con cọp già không nanh vuốt dù hung hãn đến đâu cũng không đáng sợ.
Hiện còn dùng được cứ dùng.
Ðó là cuối đông năm Giáp Ngọ (1774).
Mùa xuân năm Ất Mùi (1775), Tây Sơn Vương sai Nguyễn Lữ và Phan Văn
Lân đem thủy quân vào đánh Gia Ðịnh.
Quân Tây Sơn vây đánh Sài Côn (tức Sài Gòn). Ðịnh Vương Nguyễn Phúc
Thuần khiếp sợ, chạy về Trấn Biên (tức Biên Hòa). Tướng sĩ mở thành đầu
hàng. Quân Tây Sơn kéo vào thành. Nguyễn Lữ cho khuân hết lương thực
vũ khí xuống thuyền rồi sai Phan Văn Lân tải về Quy Nhơn, một mình giữ
Gia Ðịnh.
Sang năm Bính Thân (1776), Ðỗ Thành Nhân ở Ðông Sơn (Tam Phụ, Mỹ
Tho) dấy binh giúp nhà Nguyễn, kéo đánh Sài Côn. Nguyễn Lữ không
chống cự, bỏ thành rút quân về Quy Nhơn, Ðỗ Thành Nhân rước Ðịnh
Vương về Sài Côn lo việc phòng thủ.
Tháng 10 năm ấy, Tây Sơn Vương sanh đặng con trai đặt tên là Bảo và mở
yến tiệc ăn mừng. Ðông Cung Nguyễn Phúc Dương lúc bấy giờ ở tại chùa
Thập Tháp, thừa dịp quân canh ham vui lơ là canh gác, lẻn trốn xuống
thuyền chạy về Gia Ðịnh.
Lý Tài ở Bình Thuận biết rằng Vua tôi Tây Sơn Vương có ý nghi mình, bèn
bỏ vào đầu hàng chúa Nguyễn. Nhưng rồi lại bỏ chúa Nguyễn, kéo quân đến
chiếm cứ núi Chiêu Thái ở Biên Hòa. Nghe tin Ðông Cung Dương vào Gia
Ðịnh, Tài đón về tôn làm Tân Chính Vương, rồi đưa vào Sài Côn, tôn Ðịnh
Vương làm Thái Thượng Vương. Ðỗ Thành Nhân không phục bỏ về Ðông
Sơn.
Ðược tin lủng củng giữa bầy tôi nhà Nguyễn, tháng 3 năm Ðinh Dậu (1777),
Tây Sơn Vương sai Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đem thủy binh vào đánh Gia
Ðịnh.
Lý Tài không chống nổi, cầu viện quân Ðông Sơn, Ðỗ Thành Nhân làm ngơ.
Thành Sài Côn thất thủ, Lý Tài chạy trốn ở núi Chiêu Thái, Thái Thượng
Vương Thuần chạy qua Long Xuyên. Tân Chánh Vương Dương chạy đến

Vĩnh Long. Cả hai đều bị quân Tây Sơn bắt giết. Các quan võ nhà Nguyễn
đều quy hàng.
Hạ xong thành Sài Côn, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ kéo binh về Quy Nhơn,
giao cho đám hàng thần là Tổng Ðốc Chu, Hổ Tướng Hãn, Tư Khấu Uy, Hộ
Giá Phạm Ngạn trấn thủ đất Gia Ðịnh.

[38] Trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim chép: Nguyễn Nhạc
không lo mặt Bắc nữa, bèn lập mưu để đánh lấy đất Nam, đem con gái mình
là Thọ Hương dâng cho Ðông Cung và khoản đãi một cách rất tôn kính, rồi
sai người đến giả nói với Tống Phước Hiệp xin về hàng để lo khôi phục đất
Phú Xuân, Hiệp tưởng thật, không phòng bị Nguyễn Huệ đem quân đánh,
Phúc Hiệp thua chạy

×