CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ
“GIANG BẠN ĐỘC BỘ TẦM HOA” CỦA ĐỖ PHỦ
(tiếp theo và hết)
Đến với thơ tuyệt cú Đường luật ta thường gặp âm điệu hài hòa và hay sa vào “quản huyền” do
đó có thể át luật:
“Thiên đóa vạn đóa áp chi đê”
(Nghìn đóa muôn bông ép trĩu cành)
Theo luật thi bài thơ làm theo thể trắc thì tiếng thứ hai và tiếng thứ tư của dòng thơ thứ hai phải
mang thanh bằng mới đúng luật. Nhưng ở đây tác giả lại dùng thanh trắc (đóa), vượt ra khỏi khuôn
khổ của luật cốt để diễn tả cho được mật độ đậm đặc, mức độ tăng cấp của “ngàn đóa vạn đóa” đang
đua nở. Những bông hoa như đang khoe sắc hương trước vũ trụ bao la và như muốn giao cảm với con
người. Chỉ bằng hai dòng thơ với mười bốn tiếng mà ta như thấy cả một rừng hoa bên dòng suối cạnh
nhà cô Hoàng Tứ.
Nếu như hai câu đầu nhà thơ đặc tả hoa thì hai câu sau nhà thơ đặc tả những cánh bướm và
những tiếng chim:
“Lưu liên hí điệp thời thời vũ,
Tự tại kiều oanh kháp kháp đề”.
(Lưu luyến quẩn quanh vờn lũ bướm,
Ung dung thánh thót hót hoàng oanh).
Đây là một đôi câu đối rất chỉnh. Nó cho ta thấy cảnh một đàn bướm đang múa rập rìu trên
những cánh hoa xuân và một bầy oanh đang hát vang chào mùa xuân xinh đẹp. Cảnh vật ấy, đôi câu
đối ấy đã làm tăng thêm vẻ đẹp của hoa nói riêng và của bức tranh xuân nói chung. Cả bài thơ không
hề xuất hiện một tính từ nào miêu tả màu sắc của hoa, cũng không một lần đề cập đến hương thơm
quyến rũ của hoa nhưng độc giả - những người yêu mến thơ Đương vẫn cảm nhận được màu sắc,
hương vị của những bong hoa đua nở ấy. Đây chính là cái tài của nhà thơ Đỗ Phủ: ngôn ngữ thơ hàm
súc, cô đọng, nói ít gợi nhiều.
Trong hai câu thơ trên Đỗ Phủ đã sử dụng dồn dập các từ láy bộ phận (lưu liên, tự tại) và từ láy
toàn phần (thời thời, kháp kháp) vừa tạo được âm vang cho câu thơ, vừa miêu tả một cách sinh động
cảnh sắc hoa thơm, bướm lượn, chim hót vang trời. Có thể nói, Đỗ Phủ rất xem trọng cái đẹp của âm
nhạc trong thơ, thơ ông đạt đến trình độ “thi trung hữu nhạc”. Chẳng thế mà, Đỗ Phủ đã vận dụng rất
tài tình việc điệp song thanh và tượng thanh. “lưu liên” và “tự tại” là hai từ song thanh như một chuỗi
ngọc, âm điệu uyển chuyển. “kháp kháp” là từ tượng thanh hình dung tiếng kêu của con chim kiều
oanh, cho người ta tưởng tượng thính giác của cảnh. “thời thời”, “kháp kháp” là điệp từ cho hai câu
trên, dưới đối nhau khiến ý của từ càng mạnh hơn, sinh động hơn, càng biểu đạt được tình yêu hoa,
yêu bướm của thi nhân, và biểu đạt ý vui mừng bừng tỉnh khi nghe tiếng chim oanh kêu.
Từ “vũ” ở câu ba và từ “oanh” ở câu bốn là âm lưỡi, ở đây tác giả đã vận dụng một
chuỗi âm lưỡi tạo thành ngôn ngữ tình cảm để nói lên cảm thụ vui vẻ không đừng được trong
lòng thi nhân. Thiên nhiên rộn rã, hữu tình: nhiều hoa lắm bướm, bướm vờn hoa nô đùa quấn
quýt không nỡ rời khỏi muôn hoa đương tung tóe sắc màu. Hai chữ “hí” (cười, nô đùa) và “vũ”
(múa) được nhà thơ sử dụng thật tinh tế và giàu sức gợi cảm. Nó vẽ ra trước mắt chúng ta một
bức tranh sinh động đầy âm sắc và rộn rã nhạc điệu. Mà đâu chỉ có hoa rực rỡ, bướm thắm tươi,
cả chim kia cũng yêu kiều khả ái: “Tự tại kiều oanh kháp kháp đề”. Những tiếng hót đầy tình
cảm của bầy chim oanh làm cho không gian như giãn nở ra. Không gian màu xuân vốn đã tươi
trẻ, rực rỡ lại càng rộn rã vui tươi hơn. Cái hồn của những bông hoa hay của cả bức tranh xuân
được quyết định bởi sự kết hợp tài tình đó. Người ta nói thơ Đường có đặ điểm “Thi trung hữu
họa” quả là không sai và Đỗ Phủ đúng là bậc thầy của thơ tả cảnh.
Hai tiếng “tự tại” (ung dung, thảnh thơi) dường như không chỉ để nói về chim oanh đang
thảnh thơi hát khúc nhạc xuân mà còn là tâm thế của một con người biết yêu, biết cảm, biết
nâng niu gìn giữ cái đẹp của tạo hóa – thiên nhiên, vũ trụ bao la. Con người đó hẳn là có một
tâm hồn trong sáng, một trái tim ấm nồng đang nhấm nháp hương vị của cuộc đời. Đồng thời nó
còn gợi tả cảnh thanh bình, trong lành, mối tương giao hòa hợp giữa con người với thiên nhiên.
Cả bài thơ là một bức tranh đẹp hài hòa giữa tình và cảnh. Không gian yên bình được
lồng trong thời gian đang vào xuân, với cảnh vật nên thơ tràn trề nhựa sống: muôn hoa đưa nở
khoe hương sắc, những cô cậu bướm đủ màu đang múa lượn quanh, đâu đó tiếng chim hót líu
lo, và đặc biệt bức tranh còn được điểm tô bằng bóng dáng thấp thoáng của cô thiếu nữ có tên
Hoàng Tứ. Phải là con người yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống, có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm mới
viết lên được những vần thơ hay, bức tranh đẹp nhường vậy.
Nghiên cứu bài thơ này tôi luôn băn khoăn tự hỏi: Thiên nhiên trong bài thơ thì cân đối,
hữu tình còn con người ở đây (nhà thơ) thì lại đơn lẻ (độc bộ tầm hoa). Vậy có phải nhà thơ đi
“tầm hoa” hay không? Cả bốn câu thơ trong bài đều không nói rõ điều này. Nhà thơ không phải
đi tìm mà đã thấy, và cái lạ hơn nữa là cả bốn dòng thơ cũng đều không nói rõ được cái tên của
loài hoa, hoa mà nhà thơ đang đi tìm là hoa gì. Hơn nữa xuyên suốt bài thơ không có một tiếng
nào nói đến màu sắc, hương thơm của ngàn hoa mà Đỗ Phủ đi tìm. Điều đặc biệt lạ là dòng sông
mà nhà thơ nói “một mình dạo chơi tìm hoa ven sông” mà cả bài không một tiếng nào gợi tới
dòng sông, nước sông, hình dáng của sông ra sao? Vậy phải chăng đây là một thứ hoa, một
dòng sông tâm tưởng, mang tính ước lệ tượng trưng cốt để thể hiện một nỗi ước mong, một
niềm hy vọng của nhà thơ về một xã hội tốt đẹp đầy tình người? Dòng sông ấy chính là dòng
sông khát vọng, dòng sông của hạnh phúc, của tình đời.
Bài thơ tuy ngắn mà ý tứ thật sâu xa, dồi dào, giàu sức chất chứa đã để lại trong lòng
người đọc nhiều điều cần phải suy ngẫm bên những ý vị ngọt ngào. Chúng ta nhận thấy từ cảnh
vật được miêu tả tới hình thức cấu tứ ngôn ngữ được sử dụng đều toát lên thế cân đối, hài hòa
tạo nên vẻ đẹp hữu hình của một bức tranh xuân tràn đầy sức sống, khơi gợi ở lòng người một
tình yêu, một khát vọng sống mãnh liệt, một khát vọng được giao hòa, giao cảm với thế giới
xung quanh.
Có thể nói, nội tâm hóa là nghệ thuật đặc sắc của thi nhân đời Đường nói chung, của Đỗ
Phủ nói riêng khi xây dựng bức tranh thiên nhiên “Giang bạn độc bộ tầm hoa”. Nó vừa là sản
phẩm của cảm xúc và trí tưởng tượng mãnh liệt, vừa là sự bộc lộ mối giao cảm đặc biệt giữa con
người và vũ trụ theo quan niệm: Thiên - nhân nhất thể, thiên - nhân cảm ứng, âm - dương giao
cảm…
ThS. Lê Thị Hải