Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Truy tìm ung thư bằng quang tuyến từ tuổi 50 docx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (140.62 KB, 5 trang )

Truy tìm ung thư bằng quang
tuyến từ tuổi 50

Truy tìm ung thư vú qua chụp hình bằng quang tuyến (gọi là
mammography) là một phương án được áp dụng rộng rãi ở các nước phương
Tây. Một trong những điểm tranh luận về phương pháp xét nghiệm ung thư
vú này là nên bắt đầu từ tuổi nào để đem lại lợi ích tối đa cho phụ nữ mà
giảm ngân sách cho nhà nước.
Tập san Annals of Internal Medicine vừa công bố một phác đồ mới về
truy tìm ung thư. Theo nhóm USPSTF (United States Preventative Services
Task Force), phụ nữ Mỹ tuổi từ 50 trở lên nên thường xuyên đi khám ung
thư vú mammography. Thường xuyên ở đây có nghĩa là cứ hai năm xét
nghiệm một lần. Phác đồ mới nhất này ra đời sau một thời gian tranh luận
gay gắt giữa các nhóm chuyên nghiên cứu về ung thư.
Xét nghiệm từ tuổi 40 không hiệu quả
Bảy năm trước đây, cũng nhóm USPSTF khuyến cáo phụ nữ nên
thường xuyên khám ung thư vú bằng mammography từ tuổi 40. Nhưng có
nhiều bằng chứng khoa học gần đây cho thấy xét nghiệm từ tuổi 40 không
có hiệu quả ngăn ngừa ung thư vú hay giảm tỉ lệ tử vong từ bệnh này. Do đó,
dựa vào những bằng chứng mới nhất, nhóm USPSTF phân tích lợi và hại, và
đi đến kết luận xét nghiệm ung thư vú thường xuyên từ tuổi 50 là tối ưu.
Theo các dữ liệu nghiên cứu được trích dẫn trong bài báo, xét nghiệm
ung thư vú từ tuổi 50 có thể giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú khoảng
15%. Họ còn tính toán rằng cứ 1.339 phụ nữ trong độ tuổi 50-74 tham gia
xét nghiệm suốt 10 năm thì có thể giảm một ca tử vong. Còn đối với phụ nữ
trong độ tuổi 60-69, cứ 377 người xét nghiệm thường xuyên (trong vòng 10
năm) sẽ giảm được một ca tử vong. Tuy hiệu quả rất khiêm tốn nhưng đứng
trên phương diện kinh tế thì có thể chấp nhận được.
Dương tính giả - âm tính giả
Đương nhiên, không có phương pháp xét nghiệm nào được xem là
hoàn hảo. Đối với mammography, tỉ lệ dương tính thật (sensitivity) dao


động từ 77-95% và tỉ lệ âm tính thật (specificity hay độ đặc hiệu) dao động
từ 94-97%, tùy thuộc độ tuổi, mật độ mô trong vú, thiết bị và kỹ năng diễn
giải của bác sĩ chuyên khoa quang tuyến. Điều này có nghĩa là trong số 100
phụ nữ có kết quả mammography dương tính thì có đến 23 người không bị
ung thư vú, nhưng trong số 100 người có kết quả âm tính thì có 6 người thật
sự mắc bệnh ung thư vú. Do đó, kết quả dương tính giả và âm tính giả là một
trong những khiếm khuyết của xét nghiệm ung thư vú bằng mammography.
Mammography không gây tác hại lâu dài
Một vấn đề khác là mammography phát hiện nhiều loại ung thư vú ở
dạng nhẹ (DCIS, ductal carcinoma in situ), không gây tác hại lâu dài. Nhưng
nhiều phụ nữ bị DCIS thường được giới thiệu đi xét nghiệm tiếp, thậm chí bị
điều trị một cách không cần thiết. Tuy nhiên, với phát triển mới trong công
nghệ X-quang, các chuyên gia hi vọng tỉ lệ DCIS sẽ giảm dần trong tương
lai.
Phác đồ khuyến cáo xét nghiệm ung thư vú thường xuyên từ tuổi 50
được hiểu như là một cách thức tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Theo ước
tính của một chuyên gia ở MD Anderson Center (trung tâm chuyên điều trị
và nghiên cứu về ung thư ở Texas, Mỹ) thì chỉ với phác đồ này, ông Obama
đã tiết kiệm nhiều tỉ đôla.
VN: mỗi năm có khoảng 2.600 phụ nữ bị ung thư vú
Ở nước ta, được biết chưa có một phác đồ truy tìm ung thư vú ở phụ
nữ. Có lẽ chúng ta thiếu dữ liệu nghiên cứu nên chưa thể có phác đồ gì rõ
ràng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong tất cả các loại ung thư mà phụ nữ ở
nước ta mắc phải, ung thư vú thuộc vào bệnh phổ biến nhất (chiếm 22%
trong tổng số ung thư ở phụ nữ). Theo ước tính của tôi, nếu tỉ lệ ung thư vú
là 26,7 trên 100.000 dân (tuổi 40+) thì mỗi năm nước ta có khoảng 2.600
phụ nữ bị ung thư vú.
Câu hỏi đặt ra là nếu những dữ liệu của Mỹ áp dụng cho nước ta thì
chúng ta có cần một chương trình xét nghiệm ung thư thường xuyên hay
không? Nếu chi phí một lần xét nghiệm mammography ở Việt Nam là

200.000 đồng (trong thực tế có lẽ thấp hơn), và nếu phụ nữ tuổi từ 50 phải
xét nghiệm 10 lần (trong vòng 20 năm) thì chi phí xét nghiệm cho mỗi phụ
nữ chỉ 2 triệu đồng. Nhưng chúng ta cần xét nghiệm cho 1.339 người để
ngăn ngừa một ca tử vong, và điều này cũng có nghĩa chi phí xét nghiệm là
2,68 tỉ đồng (khoảng 148.000 USD) để giảm một ca tử vong. Cố nhiên, chi
phí này chưa kể đến chi phí điều trị. Nhưng để giảm một ca tử vong với chi
phí xét nghiệm khoảng 148.000 USD, tôi nghĩ cũng xứng đáng.
Tuy nhiên, những tính toán trên dựa vào giả định khoa học lấy từ
nghiên cứu trên các phụ nữ Mỹ. Chúng ta vẫn không có những dữ liệu như
thế ở Việt Nam và các ước tính trên có thể chưa đúng. Chúng ta cần nhiều
nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu kỹ hơn về tỉ lệ mắc bệnh ung thư (kể cả ung
thư vú), yếu tố nguy cơ, chi phí điều trị và hiệu quả của chương trình truy
tìm ung thư.

×