Kiến thức lớp 12
Nghị luận xã hội-phần3
Suy nghĩ về câu "Hiền dữ phải đâu là tính sẵn - Phần nhiều do giáo dục mà nên"
của Hồ Chí Minh
Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta luôn quan tâm tới công
tác giáo dục. Cùng với việc nhấn mạnh đến vấn đề học tập của
các thế hệ thanh, thiếu niên; Bác Hồ cũng đặc biệt chú trọng đến
việc giáo dục đạo đức. Bác đã từng nói trong bài thơ “Nửa đêm”
(Nhật ký trong tù):
“Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Câu nói trên chính là sự chiêm nghiệm của Bác về con người.
Trước hết, Bác phủ nhận quan điểm cho rằng, đức tính con
người là “tính sẵn”. Con người, do ảnh hưởng phần nhiều của sự
giáo dục và môi trường sống, cùng sự phấn đấu, rèn luyện của
mỗi cá nhân mà hình thành những con người thiện, ác khác
nhau. Người cho rằng để mỗi con người trở thành một người
thiện, một công dân tốt, có ích cho xã hội thì sự tác động của xã
hội, đặc biệt là quá trình giáo dục có một ý nghĩa thật to lớn.
Nội dung hai câu thơ trên đã thể hiện đầy đủ nhất những suy nghĩ
của Người về vai trò giáo dục trong quá trình phát triển nhân
cách. Kẻ hiền, người dữ trên đời đều không phải khi sinh ra đã là
như thế, mà đó là kết quả trực tiếp của sự giáo dục trong xã hội:
“Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Quan điểm này cũng hướng
đến mục tiêu: nếu xã hội chúng ta muốn có nhiều người hiền tài,
hạn chế những điều ác, thì xã hội cần quan tâm đến việc giáo
dục, đến việc đào tạo thế hệ mai sau.
Mỗi cá nhân con người đều có những năng lực tiềm ẩn. Làm thế
nào để phát hiện, khơi dậy và phát huy những năng lực ấy? Đó là
một trong những mục đích cao cả của giáo dục, của các nhà
trường, các nhà giáo. Giáo dục là quá trình tác động tới thế hệ trẻ
về đạo đức, tư tưởng, hành vi nhằm hình thành niềm tin, lý
tưởng, động cơ, thái độ, hành vi, thói quen ứng xử đúng đắn
trong xã hội. Câu ca dao :
” Con ơi muốn nên thân người ,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha .”
thêm một lần nữa khẳng định quan điểm đúng đắn trên. Đứa con
nhất thiết phải được hưởng sự giáo dục của những thế hệ đi
trước. Bởi vậy, giáo dục được xem là yếu tố quan trọng nhất, có
ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và sâu sắc nhất. Cũng chính vì thế,
Sainte Vremod cũng đã từng nói: “Nếu được giáo dục chu đáo
không con người nào không có cái tốt, cái tuyệt hảo” .
Mặt khác, quá trình hình thành và phát triển nhân cách thực chất
là sự tác động qua lại giữa các nhân tố bên trong, bên ngoài. Vì
vậy, cần có sự nỗ lực, tích cực, tự giác, ý thức vươn lên tự hoàn
thiện mình của mỗi cá nhân. Như Edison đã chỉ ra: “Thiên tài chỉ
có 1% là linh cảm còn 99% là mồ hôi và nước mắt”.
Hai câu thơ ngắn gọn, súc tích của Hồ Chủ Tịch trích “Nhật ký
trong tù” cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Qua đó, đã làm
sáng tỏ về vai trò của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển
nhân cách con người.
Từ hai câu thơ, mỗi người trẻ tuổi chúng ta cần tích cực rèn
luyện, tự hoàn thiện nhân cách để cái đẹp ngày càng lấn át cái
xấu; chiến thắng những thói hư, tật xấu trong chính bản thân
mình, hướng đến giá trị “chân - thiện - mỹ - ích”, góp phần xây
dựng một xã hội tốt đẹp, nhân văn hơn.
Hơn nữa, tự bản thân cần phải chăm chỉ học tập, nâng cao ý
thức tự học, vạch ra và thực hiện những kế hoạch phát triển bản
thân, không ngừng học hỏi và trau dồi rèn luyện kiến thức chuyên
môn, kĩ năng, kĩ xảo, nâng cao khả năng sáng tạo đồng thời rèn
luyện phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỉ luật, kĩ năng sống,
giúp đỡ bạn bè cùng nhau tiến bộ, tích cực tham gia các hoạt
động xã hội nhằm nâng cao khả năng giao tiếp và mở rộng các
mối quan hệ. Ngoài những yếu tố trên còn cần phải rèn luyện sức
khỏe để trở thành con người khỏe mạnh, không ngại khó khăn có
niềm tin hơn vào chính mình và cuộc sống. "Mỗi một người dân
yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức
là cả nước mạnh khỏe”.
Thật vậy, mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện bản thân, học tập và
làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để trở thành một con
người phát triển toàn diện, một công dân có ích cho xã hội trong
công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.