Nhà Văn Sơn Nam
Sơn Nam có tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11-12-
1926, tại làng Ðông Thái, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (nay là
tỉnh Kiên Giang), ông mất ngày 13-8-2008 tại TP Hồ Chí Minh.
Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, Sơn Nam là một trong số ít nhà văn
Việt Nam đã dành cả cuộc đời gắn bó với một vùng đất, và từ đó
những trang viết giản dị, nhân hậu, thấm đậm dấu ấn vùng văn
hóa Nam Bộ của ông đã chinh phục được nhiều thế hệ bạn đọc.
Viết văn và ham mê nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa dân gian, bước
chân Sơn Nam đã trải qua mọi miền đất Nam Bộ. Vì thế tư liệu
mà ông sưu tầm, cảm nhận, tích lũy được đã không chỉ sử dụng
trong sáng tạo văn chương qua một giọng văn rất riêng, với cái
nhìn bao dung đối với cuộc đời và con người, là nơi ông chuyển
tải tâm sự vui buồn; mà còn được sử dụng trong các khảo cứu có
tính chất chuyên sâu, mô tả các sự vật - hiện tượng văn hóa độc
đáo, đặc sắc. Nên hoàn toàn có thể nói rằng, muốn tìm hiểu "văn
hóa miệt vườn" thì không thể không đọc các trang sách của Sơn
Nam. Vì qua đó, có thể hình dung về lịch sử hình thành, cách
thức tổ chức cuộc sống cộng đồng làng xã, đặc điểm địa lý riêng
của một vùng đất
mới, cùng tập quán sinh sống của nhiều thế hệ người Việt Nam
có phong cách tự tin, lạc quan, có những phong tục, tập quán
sinh động và phong phú đã làm nên một vùng văn hóa Nam Bộ
rất chung, đồng thời cũng rất riêng trong nền văn hóa Việt Nam
thống nhất trong sự đa dạng. Ðể có các trang viết sinh động, để
có vốn liếng hiểu biết về lịch sử và thực tiễn văn hóa không mấy
ai sánh nổi, Sơn Nam đã tìm thấy động lực cho công việc của
mình, như ông viết: "Lịch sử Nam Bộ là lịch sử của công cuộc
khẩn hoang trường kỳ và tự lực.
Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Ðời ông nội
rồi đời cha tôi lo khẩn hoang mở đất, nên những trang viết của tôi
dành cho việc khẩn hoang mở đất là sở trường của tôi". Và,
chính những điều như thế đã làm cho Sơn Nam không chỉ là nhà
văn, mà ông thật sự trở thành một nhà "Nam Bộ học".
Ðọc tác phẩm và biết về Sơn Nam từ lâu, song cũng phải đến
đầu những năm 90 của thế kỷ trước tôi mới gặp ông ở TP Hồ Chí
Minh. Hôm ấy, tại khuôn viên của Hội Văn học - Nghệ thuật thành
phố, ngồi trò chuyện ít phút, tôi nhận ra một phong cách Nam Bộ
rất cụ thể toát ra từ con người ông. Vui vẻ, cởi mở, phóng
khoáng, hồn nhiên,
Sơn Nam cuốn hút người đối thoại ở một phong cách ngôn ngữ
vừa bình dị vừa hóm hỉnh, nhiều ví von, đưa tới cảm giác như
người quen lâu ngày gặp lại. Ðến khi tôi ngỏ ý xin ông một lời
khuyên nếu muốn tìm hiểu, khám phá Nam Bộ nên đến những
vùng nào, thì tôi hoàn toàn kinh ngạc. Sơn Nam giới thiệu các địa
chỉ, các vấn đề văn hóa mà có lẽ tôi khó lòng có thể đi và tìm hiểu
trong vài chục năm. Còn ông thì nói vanh vách về người và cảnh,
cứ như là mới từ nơi đó trở về. Rồi ông nói vui: "Ðọc sách bằng
mắt chưa đã thì anh "đọc bằng chân", đi cũng biết được nhiều!".
Tôi hiểu phía sau câu nói vui ấy là cả một quá trình khổ công
nhọc nhằn mà một nhà văn hay nhà nghiên cứu nào đó lười nhác
thì không thể thực hiện nổi. Tôi nghĩ đối với ông, đọc và đi là hai
điều cơ bản để làm nên sức sống cho ngòi bút ông, vì như ông
đã nói: "Người viết cần đọc sách nước mình, nước ngoài, xưa và
nay. Riêng về văn chương cổ điển và dân gian thì không được bỏ
sót. Nếu thiếu căn bản tối thiểu, có thể ngẫu hứng làm vài bài thơ
hay, vài truyện ngắn xuất sắc, nhưng về lâu về dài lần đuối sức",
có lẽ đó cũng là bài học mà các nhà văn cần tham khảo. Một số
lần sau, gặp gỡ Sơn Nam trong những lần ông ra Hà Nội, vẫn
phong cách ấy, vẫn sự hồ hởi và gần gũi ấy, hầu như lúc nào
quanh ông cũng có hàng chục bạn văn, bất kể trẻ hay già và thi
thoảng lại cười vang vì một câu nói hóm hỉnh của ông. Tôi nghĩ
văn tài là một phần, phần nữa ông là người dễ mến, dễ được quý
trọng.
Sự nghiệp văn chương, khảo cứu văn hóa của nhà văn Sơn Nam
để lại khá đồ sộ, bao gồm truyện ngắn, truyện dã sử, biên khảo,
ghi chép, hồi ký. Người đọc biết tới các tác phẩm văn chương
của ông như Hương rừng Cà Mau, Vọc nước giỡn trăng, Bà chúa
Hòn, Ngôi nhà mặt tiền, Một mảnh tình riêng, Dạo chơi cùng
các công trình khảo cứu như Lịch sử khẩn hoang miền nam, Văn
minh miệt vườn, Gia Ðịnh xưa, Bến Nghé xưa, Miền Nam đầu thế
kỷ XX, Thiên Ðịa hội và cuộc minh tân, Người Sài Gòn, Gia định
xưa, Phong trào Duy Tân Bắc - Trung - Nam Ðặc biệt phải kể
tới tác phẩm Mùa len trâu của ông được chuyển thể qua tác
phẩm điện ảnh Mùa len trâu từng nhận giải Bông sen Bạc trong
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 và nhiều giải thưởng điện
ảnh quốc tế khác. Ðể có các tác phẩm như Mùa len trâu, Hương
rừng Cà Mau, Sơn Nam kể rằng, chúng: "được viết ra từ ký ức
quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt. Trời sinh ra cây tràm
thật là kỳ diệu, nó bám chặt rễ trong sình, chìm ngập trong nước
mà vẫn mạnh khỏe, vẫn sinh sôi nảy nở để giữ vững mảnh đất
bồi cho quê hương và giữ người cho đất. Chẳng nơi nào có được
những ngày rừng tràm nở rộ hoa trắng mênh mông, trùng trùng
điệp điệp, quyến rũ cơ man hàng vạn bầy ong làm tổ trên cành
hút nhụy hương rừng làm mật ban tặng cho người như đất U
Minh".
Dạt dào tình yêu quê hương, một lòng gắn bó với quê hương,
Sơn Nam chọn văn chương làm sự nghiệp của đời mình và ông
đã thành công trong phạm vi những điều ông ước muốn. Cuộc
sống còn vận động phát triển và sự vận động phát triển ấy đôi khi
lại làm cho một số sự vật - hiện tượng là đặc sắc của hôm nay lại
trở thành ký ức của ngày mai. Chính vì thế trang viết của Sơn
Nam về con người, văn hóa và vùng đất Nam Bộ càng trở nên
quý giá. Vào ngày ông đi xa, tôi viết những dòng này, phần để
tưởng nhớ ông, phần để bày tỏ tấm lòng đối với một nhà văn mà
tôi yêu mến.