Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Phỏng vấn chỉ là bước khởi đầu ppt

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (102.16 KB, 5 trang )

Phỏng vấn chỉ là bước
khởi đầu

Nhiều sinh viên trong buổi giao lưu hướng nghiệp với các nhà tuyển
dụng thường lo lắng làm thế nào để vượt qua buổi phỏng vấn đầy
khó khăn. Thực tế, nhà tuyển dụng lại coi “phỏng vấn chỉ là bước
khởi đầu của quá trình tìm việc”.

Ngày 2/12, trang việc làm Vietnamworks.com tổ chức buổi giao lưu với
chủ đề hướng nghiệp với các sinh viên ĐH Bách khoa TPHCM. Sinh
viên Nguyễn Hoàng Linh Nhật, Khoa Quản lý công nghiệp thắc mắc làm
sao biết người tuyển dụng đòi hỏi người phỏng vấn tính cách như thế
nào để có thể lấy lòng người tuyển dụng được?

Ông Nguyễn Công Hải, giám đốc marketing Công ty Nutifood Việt Nam
trả lời rằng phỏng vấn chỉ là bước khởi đầu của một quá trình đi làm.
Nếu rớt phỏng vấn thì vẫn còn cơ hội ở những chỗ làm khác, có khi lại
tốt hơn. Vì thế, ứng viên nên thể hiện con người thật của mình, có gì thì
thể hiện cái đó. Nếu là người ít giao du, sống khép kín thì vẫn có những
việc phù hợp. Còn nếu thể hiện mình là một con người khác thì sẽ bất lợi
trong công việc sau này vì có những việc không phù hợp.

Nhưng sinh viên Bạch Nhật, Khoa Quản lý công nghiệp lại kể một câu
chuyện về một người bạn của mình, nhờ thể hiện không trung thực con
người của mình trong buổi phỏng vấn và cách ăn nói khéo léo mà thành
công trong công việc. Vậy có nên theo cách này hay không?

Nhà tuyển dụng là trưởng phòng nhân sự công ty P&G nói rằng quy
trình tuyển dụng của một công ty đã được xây dựng trong thời gian dài.
Mục đích tuyển dụng là tìm người phù hợp với công ty nên mỗi nơi sẽ
có một cách tuyển dụng khác nhau. Văn hóa mỗi nơi cũng khác nhau.


Một người rớt ở công ty này thì không có nghĩa là sẽ không thành công
ở một nơi khác. Vì thế, dù sao đi nữa ứng viên khi bước vào buổi phỏng
vấn vẫn nên thể hiện đúng khả năng chứ không nên đánh bóng, nói quá
về mình.

Thường có hai kiểu câu hỏi phỏng vấn là gây sức ép hoặc tạo không khí
thoải mái. Theo các nhà tuyển dụng, trong cả hai trường hợp, đây đều là
chiến lược phỏng vấn để đánh giá đúng bản chất ứng viên. Ông Nguyễn
Công Hải cho biết sức ép hay không là tùy thuộc vào vị trí tuyển dụng
để đánh giá ứng viên. Tuy nhiên, thoải mái cũng không có phải là muốn
trả lời sao cũng được.

Chị Huỳnh Nga, Công ty Navigos kể: có lúc chị hay xen vào những câu
hỏi dễ. Đó là chiến lược phỏng vấn. Ngoài ra, căng thẳng hay thoải mái
lại còn tùy vào tính cách riêng của từng nhà tuyển dụng, tùy vào văn hóa
công ty. Tuy nhiên, nếu ứng viên có đầy đủ năng lực, quyết tâm thì đều
có thể vượt qua.

Các nhà tuyển dụng cũng kể trường hợp có khi họ cho ứng viên ngồi
chơi 5 phút mà không hỏi gì cả. Nếu ứng viên có kinh nghiệm thì có thể
hỏi ngược lại người phỏng vấn chứ không nên ngồi gãi đầu gãi tai.

Một trong những câu hỏi mà nhà tuyển dụng hay đưa ra cho các ứng
viên là những câu hỏi thử thách tư duy logic. Ngay trong buổi giao lưu,
anh Lý Trường Chiến, trưởng VPĐD phía Nam báoDân trí đố các bạn
sinh viên: “Từ TPHCM đi Vũng Tàu có bao nhiêu cây xăng?”.

Anh Tống Viết Bảy, Giám đốc nhân sự công ty S-fone đưa ra một ví dụ
khác: Người quản lý giao cho một sinh viên mới ra trường một địa bàn
và hỏi có bao nhiêu chợ, cửa hàng điện thoại di động. Nếu trả lời mình

là sinh viên mới ra trường nên không biết là rớt phỏng vấn rồi. Các nhà
tuyển dụng cũng khuyên sinh viên nếu thấy thích một công ty nào thì có
thể gửi hồ sơ phỏng vấn dù lúc đó công ty không tổ chức tuyển dụng.

Anh Huỳnh Kim Tước, cố vấn thị trường Việt Nam của Google mách
nhỏ cho các bạn sinh viên một cách tiếp cận được với sếp sau khi gửi hồ
sơ cho công ty. Đó là đợi khi cô thư ký ra về thì gọi điện lên công ty, lúc
đó sẽ gặp sếp. Đây mới là người mà bạn cần gặp. Hoặc có thể chuẩn bị
một câu tiếng Anh thật chuẩn với nội dung muốn gặp sếp khi gọi điện
cho cô thư ký.
Hiếu Hiền (Dantri)

×