Bí quyết dạy trẻ thông minh
Kiềm chế cảm xúc của bản thân, kiên quyết từ chối những yêu cầu
không chính đáng của con, biết biểu lộ sự cảm thông với trẻ là những
nguyên tắc giúp bạn dạy con thành công.
Mọi trẻ em đều có tiềm năng cho sự phát triển trí tuệ. Cha mẹ cần nắm
vững những phương pháp thích hợp để sớm đánh thức được những tiềm
năng phát triển, trí tuệ ngay từ khi trẻ ở lứa tuổi mầm non.
Dưới đây là những chia sẻ của tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên
gia hàng đầu về giáo dục trẻ mầm non trong buổi hội thảo về những nguyên
tắc làm cha mẹ thành công, diễn ra tại Hà Nội:
Phụ huynh phải tự hiểu mình trước
Bạn là người thế nào, bạn mong muốn con cái mình sẽ trở thành
những người ra sao? Chính bạn cần nhận ra những quan điểm, mong muốn
của mình trước khi dạy con. Trong không ít gia đình, bố và mẹ có những
quan điểm, mong muốn mâu thuẫn nhau, và đó là khởi nguồn của những bực
bội và bất lực trong việc giáo dục con cái.
Bạn hãy tự vấn mình xem: Quan điểm của bạn như thế nào trong việc
quản lý, kiểm soát con cái? Liệu những quan điểm này có được trẻ chấp
nhận. Bạn muốn gì ở con mình và liệu điều bạn muốn có giống điều chúng
muốn?
Thật sự lắng nghe để hiểu trẻ
Lắng nghe và nghe hoàn toàn khác nhau. Lắng nghe tức là bạn toàn
tâm toàn ý dành mọi sự chú ý tới con. Khi bạn lắng nghe thật sự, trẻ sẽ cảm
thấy chúng được tôn trọng. Bố mẹ hãy khuyến khích con trao đổi các câu
chuyện ở lớp, ở nhà, những khó khăn, những nguyện vọng của trẻ, đồng
thời, đừng vội bác bỏ những ý kiến của trẻ để giúp chúng nuôi dưỡng lòng
tự tin.
Khi trẻ có cảm xúc tích cực và cần chia sẻ với bạn, hãy dừng tất cả
mọi việc, tắt bếp hay ngưng lau nhà rồi nhìn vào mắt con và chăm chú
lắng nghe từng lời nói, nhận biết cảm xúc của con sau mỗi lời đó và thể hiện
cảm xúc của bạn để trẻ có thể cảm nhận được.
Biểu lộ sự cảm thông với trẻ
Đồng cảm là năng lực hiểu và chia sẻ tình cảm với người khác. Khi
biết con mắc lỗi ở lớp hay làm hỏng việc gì đó, việc đầu tiên bạn làm là gì?
Đừng vội phán xét cho đến khi bạn hiểu được những suy nghĩ, tình cảm của
con và trải nghiệm những gì trẻ đang trải qua. Điều này không chỉ là lắng
nghe những gì con nói mà phải đọc hiểu được những cảm xúc của trẻ thông
qua nét mặt, ánh mắt, cử chỉ
Học cách tự kiềm chế
Bạn phải rèn khả năng tự kiểm soát những xúc cảm, tình cảm, hành vi
bột phát của mình trong những tình huống gây stress. Đó cũng là năng lực trì
hoãn những ý muốn đòi thỏa mãn ngay hoặc kháng cự lại sự cám dỗ. Đây là
một nguyên tắc hầu như ai cũng biết nhưng hầu hết mọi người đều khó thực
hiện. Bạn biết không nên đánh, mắng con nhưng lại không thể không nổi
cơn thịnh nộ khi bản thân mình thì mệt nhoài sau một ngày làm việc, mà con
lại không vâng lời. Nhưng, hãy dừng lại một phút, hít thở sâu, và bình tĩnh
lại. Nguyên tắc này không chỉ giúp bạn thành công trong việc dạy dỗ con cái
mà cả với các mối quan hệ khác nữa.
Luôn đóng vai trò người tư vấn, hướng dẫn con
Cha mẹ không nên ca thán, chỉ trích, mắng chửi, ngay cả khi trẻ phạm
sai lầm nghiêm trọng. Nếu trẻ phạm sai lầm thì trước hết, việc cha mẹ nên
làm không phải là tìm cách phân xét đúng hay sai, hay trừng phạt để răn đe,
mà nên bình tĩnh cùng chúng tháo gỡ những vấn đề đang làm chúng lo lắng,
sợ hãi. Và điều quan trọng là giúp chúng tự nhìn nhận lại vấn đề đó để rút ra
bài học cho việc tương tự trong tương lai.
Kiên quyết từ chối đáp ứng những yêu cầu không chính đáng
Bạn không cho con ăn kẹo trước bữa ăn, hay không muốn mua thêm
những đồ chơi vô bổ, tốn kém, nhưng lại gật đầu vì không thể chịu nổi cảnh
con mè nheo, khóc lóc hay lăn đùng ra ăn vạ? Nếu vậy, bạn đã thất bại rồi.
Nếu bạn luôn đáp ứng mọi đòi hỏi của con thì dần dần trẻ có thể trở thành
"ông hoàng", "bà chúa" và biến cha mẹ thành "ô sin", "nô lệ" cho mình. Hãy
khuyến khích trẻ dừng lại để suy nghĩ trước khi yêu cầu hoặc phải giải thích
lý do vì sao lại muốn điều gì đó.
Dành thời gian vui chơi với con
Bạn hãy cùng chơi với trẻ và chơi theo ý tưởng của chúng. Trước đó,
hãy cùng trẻ thảo luận về trò chơi, quy tắc chơi. Các bậc phụ huynh cũng có
thể giúp trẻ nhập vai, hiểu rõ nhiệm vụ và chơi không ăn gian. Trong quá
trình chơi, bạn hãy giúp con cảm nhận được sự an toàn, luôn khuyến khích
trẻ tự do thể hiện bản thân và tôn trọng luật chơi, bạn chơi.