Tải bản đầy đủ (.pdf) (7 trang)

Về tập thơ “Điêu tàn” của Chế lan Viên pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (167.21 KB, 7 trang )

Về tập thơ “Điêu tàn” của Chế lan
Viên: Vài nguồn tư liệu về dư luận khi
tác phẩm ra đời




Nhà thơ Chế Lan Viên

Cách nay 73 năm, vào mùa thu 1937, tập thơ Điêu tàn của Chế Lan Viên ra
đời, trở thành một trong những hiện tượng nổi bật trong sự phát triển phong
trào thơ mới (1932-1945)
Ở sưu tập tư liệu Chế Lan Viên − Về tác gia và tác phẩm (Vũ Tuấn Anh biên
soạn, Hà Nội: Nxb Giáo dục, 2000), về xuất xứ của tập thơ Điêu tàn và phản xạ
của dư luận văn nghệ khi tập thơ này ra đời, tư liệu hãy còn rất mờ nhạt.
Hồi ức của Hoàng Diệp (in trong trong sưu tập kể trên) kể rằng các bài thơ
trong tập Điêu tàn được viết khi Chế Lan Viên đang là học trò trường Quốc
học Quy Nhơn, tham gia hai nhóm văn thi sĩ ở Quy Nhơn khi đó là Thái Dương
văn đoàn và Trường Thơ Loạn. Khoảng nửa đầu năm 1937 hai người là Hoàng
Diệp và Chế Lan Viên từ Quy Nhơn cùng gửi bản thảo thơ mình ra nhà in Mai
Lĩnh ở Hà Nội.
“Mùa thu 1937 hai tập Điêu tàn và Xác thu đã được gởi về trong cùng một
thùng gỗ tại nhà ga Quy Nhơn. Hai chúng tôi đến tháo gỡ thùng sách ngay tại
kho ga và nhìn kỹ lại lần cuối cùng khuôn mặt thật của mình qua những trang
giấy còn thơm phức (loại giấy bouffant). Điêu tàn được tung ra thị trường”
(sách dẫn trên, tr.590).
Vẫn theo Hoàng Diệp thì vì hai nhóm thi văn nói trên tại Quy Nhơn không có
cơ quan ngôn luận nào trong tay nên ngay tại đây Điêu tàn không gây được
tiếng vang. Cũng theo Hoàng Diệp, chính một sự ngộ nhận bất ngờ của nhà văn
Khái Hưng trên báo Ngày nay ở Hà Nội, − ông này tưởng lầm Chế Lan Viên
thực sự là thuộc giòng dõi Chế Bồng Nga − và lời khen ngợi của nhà văn này


đối với tập thơ “đã đem lại cho Điêu tàn sự vinh quang ngoài tưởng tượng”.
(sách dẫn trên, tr. 590)
Hồi ký Văn thi sĩ tiền chiến (Sài Gòn, 1970) của Nguyễn Vỹ cũng kể rằng tác
giả này từng gặp Chế Lan Viên vào năm 1936 và đã được tác giả cho xem tập
Điêu tàn (có lẽ là ở dạng bản thảo, vì lúc đó tác giả chưa gửi ra Hà Nội để xuất
bản) và Nguyễn Vỹ khi đó từng có ý định lúc trở ra Hà Nội sẽ viết giới thiệu tài
năng trẻ này.
Rất tiếc, ngoài vài đoạn hồi ức đã tóm tắt đó, ở sưu tập kể trên không thấy có
bài của Khái Hưng và của Nguyễn Vỹ, tức là không tỏ rõ được rằng điều được
kể trong hồi ức kia là thực; ngoài ra hầu như không có gì khác của dư luận thời
đầu khi Điêu tàn mới ra đời. Đối với một tác gia có vai trò lớn trong nền văn
chương chính thống đương đại như Chế Lan Viên, tình trạng làm tư liệu như
vậy cho thấy mức độ quan tâm sơ sài, tắc trách của giới nghiên cứu chính
ngạch.
Nhân đi tìm tài liệu theo một đề tài khác, tôi gặp được một số tài liệu liên quan
đến Chế Lan Viên, đến sự tranh cãi trong dư luận xung quanh tập thơ Điêu tàn
khi nó mới ra đời, trong dịp nhớ về 70 năm từ ngày xuất hiện tập thơ này
(1937), 90 năm sinh nhà thơ (1920), xin thuật lại dưới đây, cũng là hé ra cho
những ai quan tâm thêm vài nguồn tư liệu mà nay vẫn còn khả năng tìm được.
Tờ báo tôi vừa đọc lại là tờ Bắc Hà, một tuần báo xuất bản từ 1935 đến 1938 ở
Hà Nội, qua nhiều lần chuyển đổi thành phần toà soạn và bộ biên tập.
Với tờ báo này, tất nhiên Chế Lan Viên chỉ là cộng tác viên góp mặt từ xa.
Qua đôi dòng tiểu sử mà các soạn giả cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941 dành
cho tác giả Chế Lan Viên, ta được biết cho đến khi đó (cho đến khi sách cuả
Hoài Thanh và Hoài Chân được biên soạn và xuất bản ở Huế năm 1942), nhà
thơ trẻ đã từng đăng thơ trên các báo Tin văn, Tiểu thuyết thứ bảy, Phụ nữ,
Trong khuê phòng, Người mới;

không thấy nói đến tờ Bắc Hà. Song việc Chế
Lan Viên có tác phẩm trên tờ tuần báo này là sự việc có thật.

Có lẽ tác giả này xuất hiện lần đầu trên tuần báo Bắc Hà ở Hà Nội là ở số 9 ra
ngày 3/10/1936, bút danh chỉ gồm hai từ Lan Viên, với hai bài thơ: Trưa hè ở
Quy Nhơn và Rùng rợn. Bài thứ hai rõ ràng là thuộc đề tài của Điêu tàn song
về sau không thấy trong tập thơ ấy ở dạng sách in:
Trong tháp sầu gạch rơi:
Giật mình, trong bóng tối,
Khách lặng nhìn, tự hỏi:
“Tay ai động tháp Hời?”
Tuần báo Bắc Hà khi ấy do Trần Đình Kim (tức Trần Huyền Trân) điều khiển,
toà soạn đặt ở 17 Cao Đắc Minh (có lúc còn gọi là Hậu Giám hoặc Văn Miếu).
Sau hai bài thơ trên, Lan Viên còn có văn xuôi đăng trên tuần báo này; đó là
các bài văn ngắn mang tên Hồn thu (đăng số 11, ra ngày 19/10/1936), Ngày sau
(đăng số 15, ra ngày 19/11/1936) và truyện vui mang tên Nhuận bút (đăng số
18, ra ngày 7/1/1937).
Sau thời gian trên, Bắc Hà đổi trụ sở đến 57 phố Huế, Hà Nội và người quản lý
là Nguyễn Cao Nhạc. Trong khoảng hai tháng tồn tại của toà soạn này, Lan
Viên xuất hiện một lần với bài thơ Nắng mai, ký tên Chế Lan Viên (đăng số 9,
ra ngày 5/6/1937); bài thơ này về sau sẽ có mặt với đúng tên gọi ấy trong tập
Điêu tàn.
Rồi tuần báo Bắc Hà lại đổi chủ và đổi toà soạn nữa, từ 18/9/1937 trở về tay
hai ông chủ sáng lập là Bùi Đình Tiến và Bùi Đức Dậu, trở lại là tuần báo
thương mại và kỹ nghệ, dành khoảng 8 trang mỗi số cho đề tài ấy, 12 trang còn
lại cho các trang phụ nữ và thơ văn. Kể từ thời gian ấy đến hết năm 1937 Bắc
Hà ra được 15 số nữa, rồi bước và năm thứ tư, đánh lại số từ 1 (ra ngày thứ bảy
1/1/1938); suốt thời gian ấy không thấy sự góp mặt của Chế Lan Viên; mãi tới
số 9 (5/3/1938), toà soạn Bắc Hà quyết định hợp tác với nhiều nhà văn độc lập
hoặc nhóm nhà văn, trong đó có Cấp Tiến văn đoàn và Thái Dương văn đoàn,
thì Chế Lan Viên lại xuất hiện trên mấy số cuối cùng của Bắc Hà.
Thành phần Thái Dương văn đoàn tham gia tờ Bắc Hà được nêu tên gồm: Các
cô (sic!) Huyền Trân, Yến Lan; các ông Chế Lan Viên, Thanh Tịnh, Xuân

Khai, Tịnh Nhơn, Huy Vân.

(như ta biết, hai cái tên được giới thiệu là “các cô”
nói trên, chính là hai ông Trần Huyền Trân và Xuân Khai).
Chế Lan Viên đưa đăng các bài thơ: Ngoài hồn (số 10, ra ngày 12/3/1938) và
Xuân về trong sọ (số 12, ra ngày 26/3/1938), hai bài thơ bộc lộ những suy tư
siêu hình này không in trong tập thơ Điêu tàn, lúc ấy đã phát hành và bắt đầu
có dư luận.
Trên cả ba số Bắc Hà cuối cùng (các số 10, 11, 12) đều có quảng cáo cho tập
thơ ấy, một nội dung quảng cáo khá lạ, và nhất là nhiều thông tin; xin dẫn lại
nguyên dạng bản quảng cáo được đóng khung ấy (đăng chân trang 9 số 12):



“Một linh hồn lạ nhất trong các nhà thơ xưa nay:
CHẾ LAN VIÊN trong Thái Dương
ĐIÊU TÀN, thơ Chàm − thơ Ma
Một tập thơ đã sửng sốt, rung động lòng người, đã xao xuyến trong làng thơ
hiện đại,
đã được khen ngợi bởi:
ĐÔNG CHI (báo Mai), HÀN MẶC TỬ (Tràng an), KHÁI HƯNG (Ngày nay),

THANH ĐỊCH (Tràng an), TRỌNG MINH (Tân tiến), LÊ THANH (Phụ nữ),
TRƯƠNG TỬU (Ích hữu), PHẠM VĂN KÝ (Gazette de Hue).
Đọc Quan Niệm về thơ của Trường Thơ Loạn ở tựa Điêu tàn”


Hơn thế, cũng ở số 12 Bắc Hà còn mở mục “Chiến địa” để đăng bài của Chế
Lan Viên (với ghi chú rõ là thành viên Trường Thơ Loạn) nhan đề Ông Trương
Tửu cãi lại ông Trương Tửu.

Theo nội dung bài này, có thể biết được rằng từ khi tập Điêu tàn của Chế Lan
Viên ra mắt, chỉ riêng nhà phê bình Trương Tửu đã có hai bài đăng báo, một
bài nhan đề Quan niệm về thơ Chế Lan Viên, bài khác nhan đề Thi sĩ của Điêu
Tàn (đều đăng ở báo Ích hữu). Theo Chế Lan Viên thì ý kiến của Trương Tửu
về tập Điêu tàn đã được Hàn Mặc Tử “giả lời một cách đau đớn”, dưới đầu đề
Ông Trương Tửu cãi lại ông Trương Tửu (không rõ bài của Hàn Mặc Tử đăng
báo nào?) chính là cái đầu đề mà Chế Lan Viên mượn dùng lại ở bài này, nhằm
vạch ra sự mâu thuẫn của nhà phê bình: một mặt khen thơ trong tập Điêu tàn,
mặt khác, lại công kích việc tác giả lý thuyết hoá cái điên cái mê của mình
trong bài tựa Điêu tàn, bài tựa mà Trường Thơ Loạn (có lẽ chỉ gồm 3 tác gia
Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên) xem là tuyên ngôn thơ của mình.
Nói riêng ở khía cạnh tìm tòi tư liệu văn học sử, bài báo này của Chế Lan Viên
cũng như nội dung khung quảng cáo cho Điêu tàn trên Bắc Hà dẫn trên khiến
người nghiên cứu phải lưu ý tới việc tìm tòi hơn nữa để hình dung toàn cảnh
những thảo luận và tranh cãi xung quanh tập thơ Điêu tàn nay sau khi nó được
in xong và phát hành tại Hà Nội, cuối 1937 đầu 1938.
Những bài phê bình tập thơ Điêu tàn thời đầu đã đăng báo là:
− hai bài của Hàn Mặc Tử: một bài đăng báo Tràng an ở Huế (6/7/1937), nhan
đề Những văn tài mới nở: Chế Lan Viên − thi sĩ của vương quốc Chiêm Thành,
có thể là bài phê bình tập thơ này xuất hiện sớm nhất vì Hàn được Chế cho xem
tập thơ từ trước khi gửi đi xuất bản; một bài trả lời sự phê bình của Trương Tửu
đối với Trường Thơ Loạn, hiện chưa tìm thấy, chưa rõ đăng báo nào (thông tin
về bài này có trong bài Chế Lan Viên đáp lại Trương Tửu trên Bắc Hà).
− bài của Đông Chi trên báo Mai (báo này xuất bản ở Sài Gòn, từ tháng 8/1935
đến tháng 10/1939; giám đốc là Đào Trinh Nhất). [hiện chưa tìm thấy]
− bài của Khái Hưng trên tuần báo Ngày nay của Tự Lực văn đoàn (xuất bản ở
Hà Nội từ 30/1/1935 đến 7/9/1940; hiện có sưu tập lưu tại Thư viện quốc gia
Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội). [hiện chưa tìm thấy]
− bài của Trần Thanh Địch nhan đề Đọc ‘Điêu Tàn’ của Chế Lan Viên trên
nhật báo Tràng an (Huế, s. 299, ngày 01/5/1938)

− bài của Trọng Minh trên báo Tân tiến (xuất bản ở Sa Đéc và Sài Gòn, từ
22/5/1937 đến tháng 3/1939; giám đốc là Lê Quang Trinh; hiện có sưu tập lưu
tại Thư viện quốc gia Việt Nam). [hiện chưa tìm thấy]
− bài của Lê Thanh trên báo Phụ nữ (xuất bản tại Hà Nội từ 16/2/1938 đến
tháng 4/1939; chủ nhiệm là bà Nguyễn Thị Thảo; toà soạn ở số 7 Hội Vũ).
[hiện chưa tìm thấy, sưu tập báo này có thể đã mất]
− hai bài của Trương Tửu: một bài nhan đề Một thi sĩ của Điêu Tàn trên Ích
hữu số 101 (26/01/1938); bài thứ 2 Quan niệm về thơ của Chế Lan Viên cũng
đăng báo Ích hữu số 102 & 103 (09 Fevrier 1938).
− bài của Phạm Văn Ký trên tuần báo Gazette de Hue (báo chữ Pháp, xuất bản
ở Huế từ 1/3/1935 đến 1945, chủ nhiệm Bùi Huy Tín, hiện có sưu tập lưu tại
Thư viện quốc gia Việt Nam). [hiện chưa tìm thấy]
− bài của Chế Lan Viên Ông Trương Tửu cãi lại ông Trương Tửu đăng trên
Bắc Hà ngày 26/3/1938 (sưu tập hiện có lưu tại Thư viện quốc gia Việt Nam).
Như thế, ít nhất đã có chừng trên dưới mười bài báo, trong đó có ít nhất một
cuộc tranh luận, xoay quanh tập thơ Điêu tàn ngay sau khi nó ra đời. Phải có
phản xạ ít ra là như vậy để đến ba bốn năm sau, lúc ngồi kiểm lại diễn tiến của
phong trào thơ mới và nhận xét các khuôn mặt thơ tiêu biểu, Hoài Thanh &
Hoài Chân mới có thể ghi nhận “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa
làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”.
Điều đáng trách là các giới phê bình và nghiên cứu hậu thế chỉ bằng lòng dừng
lại ở việc dẫn lại mấy lời trên của Hoài Thanh & Hoài Chân mà không ai tiến
hành tìm hiểu lại dư luận báo chí đối với tập thơ này ngay sau khi nó ra đời.
Những nguồn tư liệu đã kê ra ở trên, xin chuyển đến các bạn nghiên cứu có
quan tâm.
Hà Nội, 2007 - 2010

×