Yếu tố xã hội trong từng
ô cửa sổ
Nếu không gian kiến trúc là thiên nhiên thứ hai của con người thì những khung
cửa là nơi gặp nhau với thiên nhiên thứ nhất.
Lòai người tràn ngập hạnh phúc với suối sông và đồng cỏ, với đá và hoa, với gió
và cả một trời màu sắc… Lòai người cũng rất nhỏ bé, mong manh trong thiên
nhiên hạnh phúc đó. Cho nên, họ đã lượm lặt, sắp xếp một góc nhỏ trong không
gian cho riêng mình, gọi là Kiến trúc – ngôi nhà.
Thu mình yên ổn trong thứ hạnh phúc riêng tư, ngôi nhà mở to những con mắt –
khung cửa nhìn ra bao la hạnh phúc của thiên nhiên. Bên những thềm cửa ấy, mùa
hạ, mùa thu, mùa đông cứ trôi qua, còn mùa xuân mọi người cứ mong mùa xuân
chầm chậm thôi – đọng lại.
Nơi có khung cửa là nơi để hướng tới. Đó là ranh giới giữa trong và ngòai, của
chung và riêng, của cởi mở và giữ gìn, của vô tư và mời mọc,…Đến từ đây bước
qua giới hạn này, khugn cửa sẽ mở ra bao nhiêu điều ngạc nhiên, thú vị vì vô vàng
ngóc ngách không gian riêng tư độc đáo. Giấu sau khung cửa là những cảm xúc
kết tủa lại trong không gian nội thất bằng kinh nghiệm của nhà thiết kế, bằng
phong cách của chủ nhân.
Khơi đi từ đây, khung cửa sẽ mở ra những khung trời rực rỡ thiên nhiên lung linh
mùa tiết, mở ra những ngưỡng vọng cao hơn, đẹp hơn.
Có ai đó đã ví ô cửa tựa con mắt của ngôi nàh, sao mà đúng vậy. Theo những chặn
đường đời, đôi mắt ấy đã ghi dấu bao kỷ niệm của tôi từ tấm bé cho đến lúc trưởng
thành. Và giờ đây, bên vuông cửa nhà mình tôi phóng tầm mắt ra hồ nước mênh
mông to rộng nhất thành phố. Xa xa là mái chèo của một đôi tình nhân nhẹ nhàng
khua nước, cả chiếc thuyền rộng to lớn trang hòang lộng lẫy, đang đưa du khách
chiêm ngưỡng cỏ cây hoa lá và cả những công trình kiến trúc ven hồ. Tất cả khối
hình được khắc họa dưới bóng hòang hôn rực rỡ đầy mỹ cảm
Cửa sổ chính là đôi mắt của ngôi nhà, chớp mở liên tục theo thời gian mỗi ngày,
và tùy theo tâm trạng buồn vui của thời tiết mà chúng ta có những khung trời rộng
mở hay bó hẹp qua ô cửa. Ngày nay, chúng ta không khó để có được những ô cửa
an tòan, sang trọng, cầu kỳ, đa năng, và thậm chí lạnh lùng với xung quanh giống
như những đôi mắt đẹp được che đậy dưới những gọng kính tân kỳ. Nhưng bạn
hãy dạo một vòng qua những ô cửa của nắng, của gió, của hoa lá, của mây và của
cả những nỗi niềm…
Dưới chân đèo Bảo Lộc, nơi sương và gió luôn đuổi nhau, chẳng ích gì những ô
cửa kính sang trọng, cầu kỳ mà thật thích hợp với một khugn cửa giản dị mà chắc
chắn…
Sau một đêm thức dậy, khi ngòai trời kia hãy còn tối, thì lời chào buổi sáng của
hoa cũng khiến khung cửa giật mình, mở toang để đón nắng, đón gió vào nhà và
cũng để đón mùa xuân.
Đợi chờ ai mà ô cửa buông rèm, hay chỉ mong một chút nắng viếng thăm?- Sau
một ngày dài rong ruổi, ngay cả chiếc xe đạp cũng muốn nghỉ ngơi bên khung
cửa đẹp như thế này.
Đối với các nhà thiết kế cũng như các chủ nhà, vẻ đẹp của cửa sổ luôn là một ưu
tiên hàng đầu. Theo kiến trúc sư Thomas Beeby :”Cửa sổ mà đã xấu thì tòan bộ
căn nhà – cả về mặt vật chất cũng như thẩm mỹ - đều lâm nguy”. Còn Kiến trúc sư
Norman Askins nhận xét :”Không có thành phần nào của căn nhà có thể được nhìn
thấy từ bên trong lẫn bên ngòai như cửa sổ”.
Đương nhi6n luôn luôn có những ngôi nhà với các cửa sổ được thiết kế riêng, độc
đáo, trong bay bướm hoặc lãng mạn hơn là những mẫu có sẵn ngòai thị trường.
Kiến trúc sư Ken Tate khẳng định :”Nếu bạn mua một đôi giày hàng hiệu của
Prada thì dù là giày sản xuất hàng lọat cũng được lắm rồi bởi ai đã có khả năng
mua được giày Prada thì cũng chẳng muốn đặt một đôi riêng cho mình đâu. Nhưng
khi bạn xây một ngôi nhà thật sự tuyệt vời, bạn phải đặt làm các cửa sổ cho riêng
ngôi nhà mình”.
Một xưởng gỗ hay một người thợ mộc giỏi có thể tạo những kiểu cửa sổ thật thích
hợp với ngôi nhà và với tính cách chủ nhà. Song, nếu kinh phí để làm “hàng độc”
kiểu đó quá sức mình, bạn có thể tìm đến các cửa hành đồ gỗ, nơi có thể cung cấp
nhiều lọai cửa sổ làm sẵn với giá cả phải chăng. May mắn là hiện nay bạn có nhiều
lựa chọn hơn bao giờ hết, bởi các nhà sản xuất sản phẩm đồ gỗ và kim lọai có
nhiều lọai cửa sổ được thiết kế rất đẹp, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách
hàng.
Trong trường hợp này, theo Kiến trúc sư Thomas Beeby :”Nếu chúng ta không đủ
khả năng đặt làm những cửa sổ riêng, chúng ta có thể thay đổi phần tay nắm của
cái cửq làm sẵn ấy”. Bởi “nếu bạn lại thật gần và chạm tay vào một tay nắm cửa
được chế tác tinh vi, bạn sẽ nhận thấy đó là sự khác biệt giữa người thật và
mannequin, giữa da thịt và plastic” – Kiến trúc sư Ken Tate.
Khi chúng ta lên kế hoạch thiết kế lại những cửa sổ trong nhà, điều chúng ta cần
phải quan tâm hàng đầu là màu sắc. Nếu cửa sổ là đểm nhấn của căn phòng, hãy
sử dụng màu cửa sổ tương phản với màu tường. Song, nếu chúng ta muốn đôi mắt
mình được thư giãn, hãy trang hoàng cửa sổ bằng những màu trung tính hay kết
hợp màu vải màn cửa sổ với màu tường.
Về kích thước, cửa sổ có thể nhỏ từng nấc vuông đến rộng vài mét vuông tùy theo
công năng, vị trí đặt cửa, kiểu cách kiến trúc ngôi nhà… Cũng tùy theo nhà vách
đất, vách ván hay tường xây gạch, đá… mà có kiểu dáng cửa sổ khác nhau. Vì thế,
bộ sưu tập hình ảnh cửa sổ có thể lên đến hàng ngàn kiểu dáng, chủng loại khác
nhau cũng chưa thực sự đầy đủ. Khác từ kiểu cách của cánh cửa : cửa chống, cửa
lùa, cửa bản lề có một cánh hay nhiều cánh… cho đến kiểu dáng chấn song…
Những khác biệt ấy hoàn toàn không quan trọng. Cái khác nhau thể hiện ở mỗi ô
cửa sổ - được nhận ra từ những chi tiết rất nhỏ, tưởng chừng như không lưu tâm –
cho thấy lối sống và tính cách của những người cư ngụ trong ngôi nhà ấy, không
phụ thuộc chuyện họ giàu hay nghèo.
Có những ô cửa sổ thường xuyên được treo một giò phong lan hay đơn giản là
ngọn vạn niên thanh quấn quanh song cửa, sáng sáng có chú chim sâu bé xíu sà
xuống đùa nghịch với những giọt sương long lanh trên mặt lá. Có những ô cửa sổ
thường xuyên khép kín, từ chối những món quà vô tận của thiên nhiên là gió, trăng
và ánh nắng ấm áp. Cũng có những ô cửa sổ tội nghiệp bị coi như cái miệng thùng
rác, từ đó thường bay ra đủ thứ : vỏ trái cây, tàn thuốc hoặc những cặn nước uống
thừa… Những chi tiết ấy khiến kẻ không tò mò cũng ít nhiều hiểu về chủ nhân
ngôi nhà đôi chút, không phân biệt nhà giàu hay nghèo, cửa sổ nhà tranh vách hay
biệt thự sang trọng.
Có những ô cửa sổ quen thuộc trên đường đi lại hằng ngày từng có lúc cho ta
những giây phút dừng chân thú vị, ngắm nhìn một mái tóc xõa dài được nâng niu
chải chuốc đón những tia nắng ban mai. Hay những ô cửa sổ vách nứa nhà sàn
vùng dân tộc chụm mấy mái đầu trẻ thơ giương đôi mắt tròn xoe, đen nhánh, hồn
nhiên nhìn khách lạ vào buôn làng, để lại ấn tượng khó quên cho lữ hành.
Có một họa sĩ trẻ Hà Nội nói :”Nếu xây cho tôi một ngôi nhà, xin hãy cho tôi một
khung cửa sổ”. Cửa sổ là nơi không chỉ người họa sĩ mà bất kì ai trong chúng ta
chắc chắn có những lúc đứng bên, nhìn ra ngoài, tưởng tượng và mơ mộng. Hãy
nhìn lại những ngôi nhà cũ, ở đó luôn có những điều khiến ta phải học hỏi và duy
trì ngay từ một khung cửa sổ nhỏ.
Nhà xây thời Pháp, cửa sổ khi nào cũng có ba lớp : cửa kính, cửa chớp và chấn
song. Cửa kính chống gió lạnh mà nhà vẫn sáng. Cửa chớp làm nhà tối mà vẫn
thoáng khí. Cửa kính, cửa chớp ở điều kiện khí hậu Việt Nam thật thuận lợi, linh
hoạt, vừa chống mưa vừa chống nắng. Chấn song sắt uốn duyên dáng thì tạo một
sự an toàn, đêm mùa hè có thể mở toang cửa sổ đón gió mà vẫn cảm thấy an tâm.
Thậm chí, nếu để ý kỹ, bạn có thể thấy phí bên dưới cửa sổ của một ngôi nhà cũ có
cả một vài ô vuông gạch hoa thủng để khí ra vào , tạo thông thoáng trong nhà.
Cách thiết kế nhà cửa của người Pháp là luôn luôn tạo một sự linh hoạt, gần gũi và
phù hợp nhất với điều kiện thiên nhiên. Người Việt Nam chịu ảnh hưởng khá
nhiều từ phong cách này và đã học được cách thiết kế nhà ở hiện đại từ thời Pháp
thuộc Đáng tiếc thay, vài chục năm trở lại đây, người ta đã bỏ qua những nguyên
tắc phù hợp với thiên nhiên và khí hậu, thậm chí bỏ qua cả cách sử dụng vật liệu
kiến trúc giản dị mà hiệu quả thời xưa, khung cửa sổ ngày nay cũng bắt đầu khác
xa trước với duy nhất một lớp cửa kính khung nhôm, tách biệt nội thất với không
gian bên ngoài.
Cũng dễ hiểu thôi, kỹ thuật hiện đại mang lại chiếc máy điều hòa không khí cho
nên cửa chớp trở nên không cần thiết nữa. môi trường sống xung quanh, so với
xưa, cũng đã thay đổi nhiều : tiếng ồn, bụi bặm nhiều hơn trước. Vì thế, một tấm
cửa kính ngăn cách tuyệt đối với không gian bên ngoài quả là một phương án tối
ưu. Tuy nhiên, các kiến trúc sư vẫn khuyên rằng, trong điều kiện cho phép, ở nhà
thiết kế theo điều kiện tự nhiên thì vẫn tốt hơn.
Nói đến cửa sổ ta sẽ nghĩ ngay đến sự tiếp xúc, sự hoà nhập. Sự tiếp xúc này càng
linh hoạt thì việc sử dụng cửa sổ trong nhà càng có hiệu quả. Có một số nguyên
tắc nhất định mang tính chất kỹ thuật khi làm cửa sổ, chẳng hạn như các nguyên
tắc tính độ chiếu sáng, độ thông thoáng, các tính toán chiều rộng, bề cao… Dĩ
nhiên, các kiến trúc sư sẽ lo việc này cho bạn.
Ở Phương đông một số người vẫn còn dùng thước Lỗ Ban, một loại thước với hệ
số đo theo phong thuỷ Á Đông, để đo đạc thiết kế cửa sổ và cửa đi nhà mình.
Thứơc này sẽ xác định số đẹp, số xấu, số tài, số lộc để quyết định số đo của cửa.
Độ mở lớn bé của cửa sổ tuỳ thuộc vào tính chất sử dụng của căn phòng. Với
phòng công cộng thí cửa mở cao, tạo sự hoành tráng. Với phòng ngủ cửa sổ thấp
và nhỏ hơn, tạo sự ấm cúm. Với nhà kho thì cửa sổ nhỏ hẹp để an toàn.
Tôi luôn bị mê hoặc bởi hình ảnh của những chiếc khung cửa, ở cả hai nghĩa đen
và bóng của nó. Chẳng có lời giải thích rõ ràng nào nhưng tôi tin chắc rằng mình
hoàn toàn bị cuốn hút bởi cái nguyên lý : rộng mở - khép kín, trong – ngoài … của
những vật thể khi vuông khi tròn kia.
Hãy nhìn từ bên ngoài, những khung cửa lớn nhỏ bao giờ cũng trải rộng đến hơn
70% diện tích mặt tiền nhà. Nó quan trọng lắm vì là một trong những yếu tố quyết
định đến sự thành bại trong ý đồ kiến trúc tổng thể của một ngôi nhà đẹp. Thế
nhưng ở đây, tôi chỉ đơn giản bị hấp dẫn bởi điều ẩn dụ và khép kín bên trong chứ
không bởi màu sắc hoặc dáng vẻ bên ngoài của những khung cửa. Nó dường như
đang ôm ấp cái nơi chốn mà ai nấy trong chúng ta đều trong ngóng trở về sau một
ngày bận rộn với chuyện cơm áo đời thường. Tôi cảm nhận rõ lắm cái khoảng
“không gian lung ling biết hát” đằng sau những khung cửa đó: có tiếng ho khan
ấm áp của ông bà, có tiếng đùa vui của bố mẹ, rồi có cả tiếng khóc cười thi thoảng
đâu đó của bầy trẻ thơ.
Ở một góc nhìn ngược lại từ bên trong ngôi nhà… vẫn kỳ diệu thay những ô cửa
sổ. Nó bỗng trở nên rộng mở, âm thầm chuyển tải về đây bao nhiêu là mùi hương
của khí trời, âm thanh sắc màu của trăng sao, mây gió, cỏ cây bốn mùa mưa nắng.
Nó giúp cho cái tiểu ngã nhỏ bé là tôi sống hoà quỵên vào cái đại ngã vô lượng vô
biên ở bân ngoài kia : vũ trụ, thiên nhiên, đất trời, vạn vật…
Tôi yêu biết bao những buổi ban mai vừa hừng sáng, lặng lẽ ở một góc nhà với ly
cà phê trên tay, với làn khói thuốc nhẹ bay trong nắng sớm và tôi thật bình yên
ngắm nhìn trần gian đang mở dần ra bên ngoài những khung cửa sổ.
Có lẽ chẳng thể bỏ qua các khuôn cửa sổ khi cố tình tìm về một Hà Nội cổ kính,
giản dị phía sau một Hà Nội sầm uất, hiện đại song cũng đầy vẻ lai tạp với nhôm,
kính, mái vẩy, chóp nhọn và những mặt tiền đầy phù điêu ngạo mạn đang mọc lên
như nấm sau mưa. Cho tới nay, những tài sản kiến trúc của Hà Nội mà không ai có
thể phủ nhận về giá trị chính là các ngôi nhà cổ vẫn được quen gọi là kiểu Pháp.
Tại đó, chúng ta được chiêm ngưỡng các nét uốn lượn tinh tế của mảng đắp nổi,
được đi qua những cánh cửa gỗ có kê môn với tay nắm thanh nhã, được ngắm nhìn
đường phố với tán cây qua những khung cửa sổ luôn tuân thủ theo nguyên tắc :
thông thoáng và đẹp. Không khó đi tìm các cặp mắt lãng mạn này, bởi cho tới nay,
tại các căn nhà cổ Hà Nội, trải qua bao biến thiên thời cuộc, còn khá nhiều khuôn
và cánh cửa sổ ngoài chớp trong kính sơn xanh vẫn lặng lẽ che đỡ cho căn phòng
bên trong khỏi mọi ảnh hưởng của gió lùa, nhiệt độ thất thường và cả những cặp
mắt tò mò.
Những con đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng không thể
quyến rũ hồn người như ngày nay nếu thiếu vắng hơn 100 tòa biệt thự đã có tên
tuổi dưới một thế kỷ, song vẫn giữ vẻ đẹp qua các đường nét cửa sổ thanh mảnh,
ngang và dọc, đôi khi điển xuyết nét cong của phần cửa bán nguyệt thông gió phía
trên. Những vẻ đẹp thầm kín trong những khuôn cửa đơn độc – đôi khi tại các góc
thật bất ngờ của Hà Nội hệt như cặp mắt đen của ai đó mà ta chợt bắt gặp trong
một nơi thật náo nhiệt, dù lặng lẽ nhưng nói lên thật nhiều.
Đó là một khuôn cửa sổ cheo leo lên trên tầng áp mái của ngôi nhà cũ kỹ, nơi
chênh vênh một nhánh cây khô hoặc chìa ra cặp chân đong đưa của cậu bé chắc
hẳn đang chơi đùa cùng đốm nắng. Một khuôn cửa nửa đóng, nửa mở, phí sau gợi
về khoảng không gian có buồn vui, có hy vọng, có ước mơ của những cá thể cùng
ngắm chung bầu trời. Một cành phượng xanh lửng lờ thả tiếng nhạc ve vào khuôn
cửa trên tầng hai của căn nhà kề sát bên bờ nhà thờ. Một ô cửa tò vò, dù chót vót
trên cao song cũng đã bị tàn phá bởi mưa nắng thời gian. Mỗi khuôn cửa sổ một
dáng, mỗi cánh cửa là một câu chuyện. Đó có thể là một câu chuyện của thời thơ
ấu, ai chẳng đã từng cầm dao khía dọc ngang vào lớp sơn trên cánh gỗ hoặc phi
tàu bay giấyqua chấn song cửa sổ kế bên? Hay là câu chuyên về những đêm mộng
mơ của những thiếu nữ, nhìn gió thổi trăng bên ngoài trời đêm để liên tưởng tới
mối lương duyên chưa từng hé nụ…
Cũng là khuôn cửa, song thi vị hơn khi được trổ ra một khoảng không gian có mái
ngói cổ nhấp nhô, nơi đó đôi khi đậu những cánh chuồn chuồn xen cùng ánh nắng.
Đã từng bắt gặp ở nhà ai đó một khuôn cửa sổ, dù không phải là gỗ, song có một
tán ổi xanh và lửng lờ treo chiêac lồng chim trống vắng. Lồng không nhất thiết
nhốt chim mới là lồng, bởi khi đó người ta nhớ đến những âm thanh được lưu giữ
bên trong. Cũng vậy, đôi khi cửa sổ được đóng kín thường gợi nhiều hơn là mở
toang ra cùng gió. Trong khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, nếu bên dưới tràn
ngập sắc màu của hàng hoá, đèn biển và dòng người thì bên trên, thật đáng ngạc
nhiên, hầu như các khuôn cửa sổ vẫn giữ nguyên dáng vẻ như từ lúc mới hình
thành.
Đó là những cánh cửa sổ đã ám đen vì mưa nắng, là những chấn song sắt đã han rỉ
và những bậu rửa trát vửa lở lói, đôi khi mọc um tùm những bụi cây dại và cỏ, đôi
khi bị che lấp bởi quần áo, dây điện nhằng nhịt và đủ thứ linh tinh khác, song chứa
đầy hồn xưa hương cũ. Những khuôn cửa im lặng nhìn xuống lòng đường, cao
ngạo nhìn lên bầu trời và thản nhiên nhìn ngang vào các căn nhà đôi diện. Dù cũ
và ít được chăm lo, song mỗi khuôn cửa sổ vẫn đang âm thầm sống cuộc đời riêng
biệt của nó. Và vì thế, đôi khi hãy nhìn kỹ vào sâu bên trong những cặp mắt Hà
Thành, để cùng trải nghiệm những khoảnh khắc sống đôi khi dài vô tận, cũng đôi
khi để quên đi những giấc mộng đời thoảng qua như một cơn gió lướt trên tàn lá
mùa thu. Những khuôn cửa sổ có thể nói lên nhiều điều, có thể còn nhiều hơn
chính chủ nhân của căn nhà mà nó là đôi mắt khép mở mỗi sớm mỗi chiều…
Ô cửa sổ, mỗi thời kỳ mỗi khác, mỗi giai đoạn lại gợi lên những đặc trưng riêng
với những tính chất và công năng khác nhau. Dù cho khác nhau về kiểu dáng, chất
liệu, màu sắc hay vị trí nhưng hầu hết cá ô cửa sổ đều thể hiện được vai trò dựng
mối liên quan mật thiết giữa trong và ngoài, sự tiếp xúc hoà nhập tạo ra những
không gian thoáng đãng, mang khí trời, ánh sáng thiên nhiên vào trong từng ngóc
ngách của nội thất. Hơn thế, ô cửa sổ còn là mối giao cảm giúp con người hồi
tưởng, mộng mơ về biết bao kỷ niệm với nơi họ đã sống và lớn lên. Vẻ đẹp của
cửa sổ đã tạo nên một cái nhìn hợp lý cho không gian nội thất, tạo nên một tổng
thể hoàn chỉnh.