Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

Gợi ý giải đề Văn khối D nhom gv truong chu văn an

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (110.14 KB, 7 trang )

Gợi ý giải đề Văn khối D
(Dân trí) - Đề Văn khối D nhiều giáo viên nhận định: đề không khó, nội dung đều
nằm trong các tác phẩm hay của chương trình nhưng nghiêng về phần lớp 11 nhiều.
Do đó sẽ không có nhiều thí sinh đạt điểm cao

Dưới đây là Gợi ý giải đề Ngữ Văn khối D của nhóm giáo viên môn Văn trường
THPT Chu Văn An - Hà Nội.
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm): Một trong những đặc điểm cơ bản của nền văn học Việt Nam từ
năm 1945 đến năm 1975 là chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng
mạn. Anh/ chị hãy nêu những nét chính của đặc điểm trên.
- Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn là đặc điểm nổi bật của văn học
VN giai đoạn 1945- 1975.
- Khuynh hướng sử thi được thể hiện ở những phương diện sau:
+ Đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử và có tính chất toàn dân tộc
+ Nhân vật chính thường là những con người đại diện cho tinh hoa và khí phách,
phẩm chất và ý chí của dân tộc, tiêu biểu cho lý tưởng của cộng đồng hơn là lợi ích,
khát vọng cá nhân
+ Con người chủ yếu được khám phá ở bổn phận, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, ở
lẽ sống lớn và tình cảm lớn
+ Lời văn sử thi cũng thường mang giọng điệu ngợi ca, trang trọng và đẹp một cách
tráng lệ hào hùng
- Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng khẳng định cái tôi đầy tình cảm, cảm xúc và
hướng tới lí tưởng. Cảm hứng lãng mạn trong văn học từ 1945- 1975 chủ yếu được
thể hiện trong việc khẳng định phương diện lý tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp
của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương
lai tươi sáng của dân tộc.
Cảm hứng lãng mạn đã nâng đỡ con người Việt Nam có thể vượt lên mọi thử thách,
trong máu lửa của chiến tranh đã hướng tới ngày chiến thắng, trong gian khổ cơ
cực đã nghĩ tới ngày ấm no hạnh phúc. Cảm hứng lãng mạn trở thành cảm hứng
chủ đạo không chỉ trong thơ mà còn trong nhiều thể loại văn học khác.


• Khuynh hướng sử thi kết hợp với cảm hứng lãng mạn làm cho văn học giai
đoạn này thấm nhuần tinh thần lạc quan, đồng thời đáp ứng được yêu cầu
phản ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển cách
mạng. Tất cả những yếu tố trên hoà hợp với nhau, tạo nên đặc điểm cơ bản
của văn học VN từ 1945- 1975 về khuynh hướng thẩm mĩ.
Câu 2 (3,0 điểm): Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ
của anh/chị về ý kiến sau: Một người đã đánh mất niềm tin vào bản thân thì chắc
chắn sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa. (Theo sách Dám thành công
- Nhiều tác giả, NXB Trẻ, 2008, tr.90).
- Giới thiệu được vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của niềm tin vào chính bản thân
mình trong cuộc sống của mỗi con người
- Giải thích khái niệm niềm tin vào bản thân: Đó là ý thức về năng lực, phẩm
chất, giá trị của mình trong cuộc sống, biết đánh giá được vị trí, vai trò của mình
trong các mối quan hệ của cuộc sống…
- Vì sao đánh mất niềm tin vào bản thân sẽ đánh mất nhiều thứ quý giá khác:
+ Mình là người hiểu rõ mình nhất, đánh mất niềm tin vào bản thân sẽ trở thành
người không có ý chí, không có nghị lực, không có quyết tâm, không biết mình là ai,
sống để làm gì, vì thế, mọi điều khác như tiền bạc, công danh, sẽ trở thành vô
nghĩa…
+ Không có niềm tin vào bản thân sẽ không thể có cuộc sống độc lập, dễ bỏ qua các
cơ hội trong cuộc sống, dễ đổ vỡ, sa ngã, đánh mất chính mình…
- Việc đánh mất niềm tin vào bản thân đang là một thực tế nhức nhối trong
cuộc sống hiện đại của một bộ phận giới trẻ:
+ Nhiều bạn trẻ vì sống quá đầy đủ, được bao bọc từ nhỏ nên khi phải đối diện với
thử thách cuộc sống thì không thể tự sống bằng chính khả năng của mình, không đủ
bản lĩnh sống, dẫn đến phải gục ngã, đầu hàng trước cuộc sống.
+ Trong thời đại hội nhập quốc tế, một bộ phận giới trẻ khác không trau dồi, rèn
luyện nên không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội dẫn đến tâm lý
thua kém, tự ti, không xác định được phương hướng của cuộc đời, dễ bị người khác
lừa gạt, lôi kéo -> hình thành một bộ phận thanh niên có tính cách bạc nhược, ăn

bám, ỷ lại thậm chí là hư hỏng.
- Phải phân biệt giữa tự tin với tự phụ: Tin vào bản thân, khẳng định giá trị
của mình không có nghĩa là tự phụ, huyênh hoang, kiêu ngạo. Đánh giá được vị trí
của mình trong cuộc sống không có nghĩa là coi thường người khác. Niềm tin vào
bản thân càng không có nghĩa là bằng mọi cách để đạt được những điều mình muốn
bất chấp cương thường đạo lý, bất chấp lẽ phải.
- Phải làm gì để xây dựng niềm tin vào bản thân:
+ Đối với mỗi cá nhân phải không ngừng học tập, trau dồi, rèn luyện về kiến thức và
đạo đức, không ngừng giao lưu học hỏi. Sớm hình thành lý tưởng sống và dám đấu
tranh để thực hiện lý tưởng đó.
+ Đối với các cơ quan quản lý xã hội: Xây dựng và phát huy lối học sáng tạo, học đi
đôi với hành, học kết hợp với ứng dụng; giáo dục ý thức cá nhân và hình thành tính
tự tin, giàu tự trọng cho thế hệ học sinh, sinh viên; động viên, trân trọng, biểu
dương những cá nhân dám nghĩ dám làm, có những đóng góp tích cực cho xã hội.
- Liên hệ bản thân.
PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Câu II.a Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm): Phân tích hình ảnh thiên nhiên và
cái tôi trữ tình trong đoạn thơ sau:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này cây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si;
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi,
Mỗi buổi sớm, thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
(Vội vàng - Xuân Diệu, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2008, tr.22)
- Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ Mới, là hồn thơ dạt dào nhất
ở chốn nước non lặng lẽ. Phong cách nghệ thuật và cái tôi trữ tình của Xuân Diệu
đã được thể hiện rõ nét trong “Vội vàng”, bài thơ được coi là “bản tuyên ngôn sôi
nổi của quan niệm nhân sinh mới mẻ: niềm khát sống, khát yêu đến cuồng nhiệt”
(Nguyễn Hoành Khung).
- Xuân Diệu với con mắt xanh non, con mắt biếc rờn, con mắt phát hiện đã nhìn
ngắm thế giới theo cách của riêng mình và khám phá ra cả một bữa tiệc trần gian
trong những câu thơ mở đầu bài thơ:
+ Vạn vật vốn quen thuộc hiện lên trong thơ Xuân Diệu với một sức sống căng
tràn, khoẻ khoắn, đầy xuân sắc và tình tứ, lấp lánh và kỳ diệu (tháng mật, xanh rì,
cành tơ, khúc tình si…)
+ Vạn vật có đôi có cặp, hoà hợp say sưa ngây ngất trong mảnh vườn tình ái.
+ Thiện nhiên dạt dào, lôi cuốn không ngừng (điệp từ “này đây”) và mang hơi
thở, sức sống cuả con người, cụ thể là mang vẻ thanh tân của người con gái đẹp. Đây
là một cách tân táo bạo so với thơ ca trung đại bởi thơ trung đại bao giờ cũng lấy
thiên nhiên làm chuẩn mực (tháng giêng ngon như một cặp môi gần)
- Xuân Diệu cũng dõng dạc và say mê bày tỏ một cái tôi trữ tình trong đoạn thơ
đầu:
+ Cái tôi trữ tình là đóng góp lớn nhất của các nhà thơ mới cho nền thơ ca dân tộc,
nói như Hoài Thanh đã hình thành một thời đại thi ca “đời chúng ta nằm trong
vòng chữ tôi”… Trong thời đại ấy, Xuân Diệu là tiếng thơ thể hiện đầy đủ nhất cho
ý thức cá nhân của cái tôi thơ mới, đồng thời mang đậm bản sắc riêng.
+ Trước hết, nó hiện ra trong hình tượng của một cái tôi tích cực mãnh liệt đầy
khát khao giao cảm với cuộc đời. Vì thế mới có ước muốn táo bạo, cuồng vĩ, “tắt
nắng” “buộc gió” và một giọng điệu thơ mê say, đắm đuối như muốn bộc bạch với
mọi người, với cuộc đời niềm ngây ngất trước cảnh sắc trần gian đang bày ra trước
mắt.

+ Đồng thời, Xuân Diệu đã thể hiện nỗi ám ảnh về thời gian trôi nhanh, tuổi trẻ
qua mau. Người xưa coi thời gian là tuần hoàn, chu kỳ, tuần tự, còn Xuân Diệu cảm
nhận thời gian tuyến tính, một đi không trở lại. Điều đó dẫn tới lối ứng xử vội vàng,
cuống quít, tiếc thời gian, sợ mất mát, đang dẫm chân trên mảnh vườn tình ái đã lo
lắng nhìn thấy một hoang mạc cô liêu; tiếc xuân ngay ở giữa độ xuân thì (phân tích
“tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”)…
- Với một hồn thơ yêu đời yêu sống như vậy, “Vội vàng” cũng như cả sự nghiệp
thơ ca của Xuân Diệu đã thổi vào phong trào thơ mới một luồng gió nồng nàn sôi
sục, ít có trong thơ ca truyền thống.
Câu III.b. Chương trình Nâng cao (5,0 điểm): Phân tích tình huống truyện trong
tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
1. Giới thiệu chung:
Nguyễn Minh Châu là nhà văn giàu tâm huyết, luôn trăn trở về một nền văn học
xứng đáng với tầm vóc dân tộc và với sự kì vọng của nhân dân
- Từ cảm hứng sử thi lãng mạn, huyền ảo đã từng tạo nên vẻ đẹp rực rỡ trong
các tác phẩm thời kì chiến tranh, cảm hứng của ông dần dần chuyển sang tính chất
triết luận về những giá trị nhân bản đời thường, khám phá ý nghĩa bản chất con
người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và
hoàn thiện nhân cách. Hai tập truyện ngắn “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc
hành” (1983) và “Bến quê” (1985) đã đưa Nguyễn Minh Châu lên vị trí “Người mở
đường tinh anh và tài năng” (Nguyên Ngọc) của văn học nước ta từ sau năm 1975.
- Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” được in lần đầu tiên trong tập “ Bến quê
“, sau được tác giả lấy làm tên chung cho cả tuyển tập truyện ngắn của mình, in
năm 1987. Trong thiên truyện ngắn này, Nguyễn Minh Châu đã tạo dựng được một
tình hưống truyện vô cùng đặc sắc.
2. Phân tích tình huống truyện
a -Định nghĩa tình huống truyện: Là hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự
kiện đặc biệt khiến cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của
tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.
b- Tình huống truyện trong “Chiếc thuyền ngoài xa” được xây dựng qua việc

phát hiện ra những nghịch lí của Phùng, một nghệ sĩ nhiếp ảnh săn tìm cái đẹp ở
ngoài bãi biển và ở toà án huyện
- Ở ngoài bãi biển
+ Nghệ sĩ Phùng đã phát hiện ra một cảnh đẹp trời cho trên một vẻ đẹp mờ
sương, mặt biển mà cả đời bấm máy anh chỉ có diễm phúc bắt gặp được một lần:
hình ảnh chiếc thuyền lướt vó nhạt nhoà trong làn sương mù màu trắng buổi bình
minh… Phát hiện ấy khiến người nghệ sĩ cảm thấy sung sướng hạnh phúc, tưởng
tâm hồn mình được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi, bắt gặp các tận Thiện, tận
Mĩ.
+ Nhưng ngay sau đó, người nghệ sĩ lại phát hiện ra một sự thực trớ trêu và đầy
nghịch lí như trò đùa quái ác của cuộc sống. Anh đã chứng kiến từ chiếc thuyền ngư
phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí mệt mỏi và cam chịu,
một lão đàn ông thô kệch dữ dằn độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách giải
toả những ấm ức khổ đau. Phùng cay đắng nhận thấy: hoá ra đằng sau cái vẻ đẹp
thơ mộng của “chiếc thuyền ngoài xa” trên biển sớm mờ sương lại là một sự thực
tàn nhẫn của bi kịch gia đình. Đằng sau cái vẻ đẹp ấy mới là sự thực của cuộc đời.
Cái vẻ đẹp bên ngoài ấy nhiều khi thường đánh lừa ta như vậy.
- Trong toà án huyện là nghịch lí: người đàn bà hang chài van xin để toà cho chị
được sống cùng người chồng vũ phu. Câu chuyện về cuộc đời chị đã giúp cho nghệ sĩ
Phùng và chánh án Đẩu “ngộ” ra được những chân lí sâu sắc, éo le của cuộc đời.
c-Ý nghĩa tình huống truyện:
- Giúp nhà văn gửi gắm những thông điệp tư tưởng và nghệ thuật: cái bên ngoài
chưa hẳn là bản chất thật bên trong, nhiều khi còn đối lập với phẩm chất bên trong,
không phải bao giờ cái Đẹp cũng thống nhất với cái Thiện, vì thế, cần phải có cái
nhìn đa chiều sâu sắc, cảm thông với cuộc sống và con người. Thể hiện tuyên ngôn
nghệ thuật về trách nhiệm người nghệ sĩ: Không nên tách rời nghệ thuật với cuộc
đời, cần phải rút ngắn khoảng cách giữa cuộc đời và nghệ thuật; nghệ sĩ không
được nhìn cuộc đời bằng con mắt đơn giản, dễ dãi, phải có tấm lòng, có can đảm, và
biết trăn trở về con người.
- Thể hiện một cách rõ nét nhất khả năng ứng xử, phẩm chất, tính cách của các

nhân vật:
* Người đàn bà:
+ Chịu nhiều thua thiệt, éo le của số phận, cuộc đời chất chồng những cay đắng khổ
đau: vất vả trong công cuộc mưu sinh, thường xuyên bị hành hạ về thân xác, đau
khổ dằn vặt về tinh thần
+ Nhưng ở chị vẫn ngời lên chất ngọc lấm láp từ cuộc sống còn nhiều vất vả đắng
cay: nhẫn nhịn, chịu đựng hi sinh vì con, là người đàn bà từng trải sâu sắc, thấu
hiểu các lẽ đời, vị tha, nhân hậu, bao dung, biết chắt chiu từng niềm vui nho nhỏ để
làm nên ý nghĩa cuộc đời.
* Nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu
+ Là những người chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu vì sự sống của dân tộc, trở
về với cuộc sống đời thường, vẫn say mê khám phá cái đẹp, đấu tranh với cái ác.
+ Hiện thực trớ trêu, đầy nghịch lí của cuộc đời đã giúp cho họ nhận thức được
những chân lí, những lẽ đời sâu sắc.
- Tình huống truyện góp phần làm nên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác
phẩm
+ Giá trị hiện thực: Cuộc sống đói nghèo lạc hậu tăm tối là nguyên nhân dẫn tới nạn
bạo hành gia đình. Cuộc chiến đấu bảo vệ quyền sống của cả dân tộc trải qua bao hi
sinh gian khổ nhưng cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống của từng con người còn đầy
cam go, lâu dài, cần có sự quan tâm của cách mạng, của cộng đồng
+ Giá trị nhân đạo: Sự chia sẻ cảm thông của tác giả với những số phận đau khổ tủi
nhục của những người lao động vô danh đông đảo trong xã hội. Lên án, đấu tranh
với cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại trong từng gia đình. Phát hiện, ngợi ca những
phẩm chất tốt đẹp của người lao động.
Nhóm giáo viên môn Văn trường THPT Chu Văn An - Hà Nội

×