Tải bản đầy đủ (.pdf) (17 trang)

Những Điều Cần Biết Về Ung Thư Não Bộ - Phần 1 ppsx

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (141.19 KB, 17 trang )

Những Điều Cần Biết Về Ung
Thư Não Bộ
Phần 1

Bác sĩ Trần Lý Lê, Chuyên Khoa Nội Thương và Khảo Cứu Ung
Thư
Ung thư não bộ nguyên phát (Primary brain tumor)
Tài liệu của viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ (National Cancer
Institute)
Tài liệu này chỉ đề cập đến ung thư não bộ nguyên phát; ung thư lan
đến não bộ có nguồn gốc từ các bộ phận khác được gọi là ung thư não bộ thứ
phát.
Ung thư phổi, ung thư vú,, ung thư thận, da loại melanoma, và một số
loại ung thư khác thường lan đến não bộ. Khi xảy ra, loại ung thư này được
gọi là ung thư não bộ di căn.
Não bộ là sự cấu tạo của một khối tế bào thần kinh, mềm, xốp, bao
bọc bởi xương sọ và 3 lớp màng gọi là meninges; giữa những lớp màng này
là một chất lỏng gọi là cerebralspinal fluid (CSF) hay "dịch não tủy", có tài
liệu dịch là nước tuỷ sống. CSF chảy vào những khoang trống trong não bộ
có tên là ventricles.
Não bộ điều khiển những việc làm ta muốn như nói và đi, hoặc những
công việc làm theo bản năng như thở. Não bộ cũng điều khiển ngũ giác
(ngửi, nghe, thấy, sờ, nếm) và trí nhớ, tình cảm cũng như bản chất.
Hệ thần kinh dẫn đưa các tín hiệu giữa não bộ và các phần khác trong
cơ thể; dây thần kinh nối trực tiếp từ não bộ đến tai, mắt, mũi hoặc gián
tiếp qua tủy sống để dẫn đến thân mình. Tại não bộ và tủy sống, những tế
bào glial (glial cells) bao quanh những tế bào thần kinh (neurons, nerve
cells) và giúp giữ tế bào thần kinh tại chỗ, không di động.
Ba phần chính của não bộ điếu khiển những cử động, công việc
khác nhau:
1. Đại não (cerebrum): Phần lớn nhất, sử dụng những tín hiệu, tin tức


nhận được từ các giác quan, bảo cho ta biết những sự việc xảy ra chung
quanh và bảo ta phải làm gì để phản ứng. Đại não điều khiển việc đọc, nghĩ,
học, nói và tình cảm (feel).
Đại não có phần bên phải và phần bên trái (right hemisphere, left
hemisphere): Phần đại não trái kiểm soát phần cơ thể bên phải và ngược lại,
phần đại não phải kiểm soát phần cơ thể bên trái.
2. Tiểu não (cerebellum): Nằm phía sau sọ, điều khiển sự thăng bằng
và những tác động cần sự phối hợp (complex actions) như nói và đi cùng
lúc.
3. Brain stem: Phần não bộ nối liền đại não, tiểu não và tủy sống với
nhau. Brain stem điều khiển cảm giác đói, khát, thở, thân nhiệt, áp huyết và
những hoạt động căn bản cần thiết cho sự sống.
Phân loại và xếp hạng bướu
Ung thư bắt đầu từ tế bào, đơn vị căn bản của cơ thể, tế bào tích tụ
thành những mô (tissues), mô hợp thành bộ phận trong cơ thể. Bình thường,
tế bào tăng trưởng rồi sinh sôi tạo ra tế bào mới khi cần thiết. Tế bào tăng
trưởng trở thành tế bào "già", chết, và được tế bào mới thay thế, cứ tuần tự
như thế.
Khi sự biến thái có trật tự này bị đảo lộn, tế bào cứ tiếp tục sinh tế bào
mới dù cơ thể không cần hoặc tế bào "già" không chết, cứ tiếp tục sống.
Những khối tế bào dư thừa này tích tụ lại tạo thành những khối, u. Bướu
khởi thủy từ não bộ gọi là ung thư nguyên phát hay primary brain tumor.
Hầu hết những loại bướu não bộ trong trẻ em đều thuộc loại này.
Ngược lại, hầu hết những loại bướu não tìm thấy trong người lớn là do
ung thư lan đến từ các loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vú Những
loại bướu này gọi là ung thư thứ phát hay secondary brain tumor và đặt tên
theo loại ung thư lúc khởi đầu; chẳng hạn, ung thư phổi lan đến não bộ. Sở
dĩ có sự phân loại cặn kẽ này vì cách chữa trị mỗi loại ung thư khác nhau.
Bướu não có thể là bướu lành hoặc bướu độc.
1. Bướu lành: Khối u không có tế bào ung thư:

• Bướu não lành bị cắt bỏ và thường không tái sinh
• Cạnh, thành (borders) bướu não lành rất rõ nét, tế bào không "ăn
lậm" (invade) đến những tế bào chung quanh hoặc lan ra nơi khác. Tuy
nhiên, bướu não lành vẫn có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ nhất là khi
khối u nằm ở những vị trí quan trọng và đè lên những bộ phận khác, chẳng
hạn như bướu não lành nằm đè lên thần kinh dẫn ra mắt, dù không phải ung
thư nhưng người bệnh sẽ không nhìn thấy nữa. Đôi khi, bướu não lành có
thể gây nguy hại đến tính mạng vì lý do trên.
• Hiếm khi bướu não lành trở thành bướu độc.
2. Bướu độc (ác tính):
• Thường nguy hiểm đến tính mạng
• Bướu độc lớn nhanh, choán chỗ và ăn lậm đến tế bào chung quanh.
Hiếm khi, tế bào ung thư được bao bọc bởi một lớp tế bào bình thường, hiện
tượng này gọi là encapsulated, giúp việc cắt bỏ dễ dàng hơn.
• Đôi khi, tế bào ung thư lan ra những nơi khác ngoài não bộ.
Xếp hạng ung thư não bộ (tumor grade)
Bướu não được xếp hạng theo cách nhận dạng qua kính hiển vi, từ
hạng thấp (hạng I, grade I) đến hạng cao (hạng IV, grade IV) tùy theo mức
độ bất thường. Bướu hạng cao thường sinh sôi nhanh hơn bướu hạng thấp.
Hạng I: mô thần kinh bình thường, tế bào gần giống như tế bào bình
thường và tăng trưởng chậm.
Hạng II: Mô bất thường, các tế bào có dấu hiệu bất thường.
Hạng III: Mô trông bất thường, tế bào khác xa những tế bào bình
thường và tăng trưởng nhanh.
Hạng IV: Mô bất thường và tăng trưởng rất nhanh.
Khối u ở hạng thấp (low grade) có thể thay đổi và biến thái thành khối
u hạng cao qua thời gian. Sự kiện này xảy ra trong người lớn nhiều hơn là
trẻ em bị ung thư não bộ.
Các loại ung thư não bộ nguyên phát
Có nhiều loại ung thư não bộ nguyên phát; được đặt tên theo loại (tế

bào) hoặc nơi khởi thủy của (tế bào) ung thư. Loại bướu não thông thường
nhất là gliomas, xuất phát từ glial cells. Glial cells là những tế bào bao bọc
mỗi sợi thần kinh và tách rời các thần kinh này.
Ở người lớn, những loại ung thư thông thường nhất bao gồm:
+ Astrocytoma: Ung thư xuất phát từ những glial cells có hình ngôi
sao (astrocytes) tìm thấy trong đại não người lớn; trong đại não, tiểu não và
brain stem của trẻ em.
- Astrocytoma hạng I & II gọi là "hạng thấp"
- Astrocytoma hạng III còn gọi là "hạng cao" hay anaplastic
astrocytoma.
- Astrocytoma hạng IV còn gọi là glioblastoma hoặc "malignant
astrocytic glioma".
+ Meningioma: Xuất phát từ meninges, những màng bọc não bộ và
tủy sống, là các ung thư "hạng thấp" như I, II, hoặc III; loại bướu này tăng
trưởng rất chậm.
+ Oligodendroglioma: Loại bướu này xuất phát từ những tế bào,
oligodendrocytes, tạo ra màng (chứa) chất béo bao bọc sợi thần kinh, tìm
thấy ở đại não của những người trung niên. Bướu tăng trưởng rất chậm và
thường không ăn lan ra những tế bào chung quanh, hạng II hoặc III.
Trong trẻ em, các loại ung thư não bộ thường thấy bao gồm:
+ Medulloblastoma: Còn gọi là primitive neuroectodermal tumor, tìm
thấy trong tiểu não, là loại bướu hạng IV.
+ Astrocytoma hạng I & II: xuật hiện nhiều nơi trong não bộ, thường
thấy nhất là loại "Juvenile pilocytic astrocytoma, hạng I.
+Ependymoma: Loại bướu này xuất phát từ những tế bào lót
ventricles (khoang trống trong não bộ và rãnh, central canal, trong cột tủy
sống), tìm thấy ở trẻ em và người trong tuổi 20, hạng I, II hoặc III.
+ Brain stem glioma: Bướu xuất phát từ phần thấp nhất của não bộ,
loại bướu này thường tìm thấy ở trẻ em và người trung niên, có thể bướu
hạng thấp hoặc cao; loại thường thấy nhất là "diffuse intrinsic pontine

glioma".
Những yếu tố gia tăng nguy cơ bị ung thư não bộ
Không ai biết nguyên nhân của ung thư não bộ và y học cũng không
thể giải thích người nào có thể hoặc không thể bị loại ung thư này, điều chắc
chắn là ung thư không "lan" từ người này qua người kia như sự nhiễm trùng.
Việc khảo cứu đã tìm ra những yếu tố làm gia tăng tỷ lệ của ung thư
(risk factors), những người có nhiều yếu tố này có tỷ lệ ung thư cao hơn
những người khác:
- Phóng xạ: Phóng xạ từ máy phát quang tuyến hoặc từ các máy móc
khác gia tăng mức rủi ro bị bướu não, thường là loại meningioma hoặc
glioma.
- Gia tộc: Tỷ lệ bướu não gia tăng với những người có thân nhân bị
ung thư não bộ.
Hầu hết những người có yếu tố gia tăng tỷ lệ bướu não kể trên không
bị ung thư não bộ và ngược lại, có những bệnh nhân với bướu não không có
một yếu tố nào kể trên.
Y học chưa kiểm nghiệm được lý thuyết cho rằng việc sử dụng
cellular phone có gia tăng tỷ lệ bướu não hay không, cũng như chưa kiểm
nghiệm được sự chấn thương não bộ (head injury) có gia tăng tỷ lệ bướu não
hay không.
Triệu chứng
Triệu chứng tùy thuộc vào kích thước, loại bướu và nơi bướu chiếm
chỗ trong não bộ. Khi cục bướu đè trên giây thần kinh, gây sưng trướng
(edema, swelling) hoặc hủy hoại những vùng não bộ, tạo thành những triệu
chứng như sau:
• Nhức đầu, thường về buổi sáng
• Buồn nôn, ói mửa
• Thay đổi tiếng nói, khả năng nghe, thấy
• Gặp khó khăn với việc giữ thăng bằng hoặc đi đứng
• Thay đổi về mặt tâm thần như bản chất, tính tình hoặc khả năng tập

trung tư tưởng
• Mất trí nhớ
• Tay chân co giật không kiểm soát được
• Mất cảm giác hoặc có cảm giác kim chích trên tay chân
Khi có những triệu chứng này, bạn cần gặp bác sĩ để khám bệnh tìm
nguyên nhân.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều loại khám nghiệm dưới đây:
1. Khám toàn khoa để xem xét tình trạng sức khoẻ chung.
2. Khám hệ thần kinh (neurologic exam): Bác sĩ kiểm nghiệm khả
năng nghe, thấy, hiểu tiếng nói, trí nhớ, cảm giác, khả năng điều khiển bắp
thịt
3. Magnetic Resonance Imaging (MRI): MRI là một kỹ thuật chụp
hình ảnh, dùng một từ trường cực mạnh để chuyển những làn sóng xuyên
qua thân thể để lấy hình ảnh não bộ. Đôi khi bác sĩ dùng thuốc nhuộm để
giúp phân biệt các cấu trúc của não bộ.
4. Computerized Axial Tomography Scan (CAT Scan): Chụp một
chuỗi hỉnh ảnh của não bộ; đôi khi bác sĩ dùng "thuốc nhuộm" để giúp phân
biệt các cấu trúc của não bộ.
5. Angiogram: bác sĩ dùng hóa chất (một loại phẩm, có thể nhìn thấy
trên quang tuyến) chích vào mạch máu đưa lên não bộ, và chụp X- ray của
những mạch máu, để tìm bướu não.
6. Spinal tap: Sau khi chích thuốc tê ngoài da, bác sĩ dùng một kim
nhỏ, dài khoảng 10 cm, châm vào cột sống tại khoảng cách giữa hai đốt
xương và lấy ra chất lỏng cerebralspinal (CSF) để thử nghiệm tìm tế bào ung
thư. Cách khảo nghiệm này kéo dài khoảng 30 phút, sau đó bệnh nhân cần
nằm thẳng trên một mặt phẳng để tranh nhức đầu. Dịch não tủy được phân
chất để tìm dấu hiệu ung thư.
7. Sinh thiết, trích mô (Biopsy): Những tế bào não bộ được lấy ra để
tìm ung thư, sinh thiết là cách chẩn bệnh ung thư chính xác nhất. Bác sĩ giải

phẫu não bộ (neurosurgeon) lấy tế bào não bộ bằng 2 phương pháp:
• Biopsy cùng lúc với trị bệnh: Khi bác sĩ cắt bướu ra khỏi não bộ,
những bướu này được đem thử nghiệm.
• Stereotactic biopsy: Bác sĩ mở một mảng da đầu, khoan một lỗ nhỏ
vào xương sọ gọi là burr hole, rồi qua lỗ nhỏ này, dùng kim để lấy tế bào
não bộ. Máy móc như CT, MRI được dùng để "định chỗ" của bướu, giúp bác
sĩ lấy tế bào một cách chính xác. Bác sĩ dùng phương pháp này khi khối u
nằm sâu trong não bộ hoặc tại một vị trí khó giải phẫu.
Đôi khi, ta không thể làm sinh thiết vì ảnh hưởng đến những vùng não
bộ bình thường chung quanh, MRI, CT được sử dụng để định bệnh thay cho
sinh thiết.
Những điều cần hỏi khi bác sĩ trước khi làm sinh thiết (biopsy):
• Tại sao tôi cần làm sinh thiết? Kết quả từ sinh thiết có thay đổi việc
chữa bệnh cho tôi không?
• Bác sĩ dùng cách nào để làm sinh thiết cho tôi?
• Thời gian lấy sinh thiết là bao nhiêu lâu? Tôi sẽ thức hay ngủ? Đau
nhiều hay không?
• Có thể có biến chứng gì khi lấy sinh thiết?
• Bao nhiêu lâu thì tôi được biết kết quả?
• Nếu tôi có bướu não, Bác sĩ nào sẽ thảo luận với tôi về cách chữa
trị? Và bao giờ thì thảo luận?
Chữa trị
Bệnh nhân bị ung thư não bộ có nhiều loại trị liệu để chọn lựa, giải
phẫu, xạ trị, hóa chất hoặc nhiều cách chữa trị chung với nhau tùy thuộc vào
tình trạng sức khỏe, loại (type), thời kỳ (stage) và hạng thứ (grade) của
bướu, kích thước (size), nơi chỗ (location) và có tế bào ung thư trong CSF
hay không?
Quý vị có thể muốn tham dự thử nghiệm lâm sàng, và có thể thảo luận
với bác sĩ của mình. Bác sĩ có thể mô tả chi tiết về các cách chữa trị, phản
ứng phụ của mỗi cách trị liệu và kết quả. Bác sĩ có thể giới thiệu quý vị đến

một chuyên viên, hoặc quý vị có thể nhờ bác sĩ giới thiệu đến chuyên viên.
Những chuyên viên chữa trị ung thư não bộ bao gồm: bác sĩ thần kinh
(neurologist), bác sĩ giải phẫu não bộ (neurosurgeon), bác sĩ chuyên khoa
ung thư, bác sĩ xạ trị ung thư hoặc bao gồm cả chuyên viên điều dưỡng về
ung thư và dinh dưỡng. Trẻ em có thể sẽ cần được dạy học kèm tại nhà.
Trong bất cứ thời kỳ ung thư nào, bệnh nhân cũng cần được giảm đau
và giảm triệu chứng, giảm phản ứng phụ, và áp lực tinh thần. Loại chữa trị
này được gọi là “supportive care”, “palliative care” hoặc chữa trị triệu
chứng.
Trước khi bắt đầu chữa trị quý vị có thể thảo luận với bác sĩ và đặt các
câu hỏi như:
• Tôi bị loại bướu não nào? Bướu lành hay bướu độc?
• Loại bướu này xếp hạng (tumor grade) như thế nào?
• Phản ứng phụ của việc chữa trị gồm những gỉ? Làm thế nào để tiết
giảm? Có biến chứng không? Tạm thời hay vĩnh viễn?
• Tôi có trở lại bình thường sau khi chữa trị hay không? Việc đi đứng
có giới hạn gì không?
• Việc chữa trị ảnh hưởng ra sao đếnsinh hoạt hàng ngày?
• Có chương trình thử nghiệm lâm sàng (Clinical Trial) nào để chữa
loại bướu não của tôi hay không? Bác sĩ có thể tìm giúp tôi?
• Tôi sẽ phải đi khám bệnh định kỳ thường xuyên ra sao?
Giải phẫu
Giải phẫu là phương thức trị liệu chính cho hầu hết mọi loại bướu não.
Bệnh nhân được chụp thuốc mê, cạo sạch tóc trên da đầu. Bác sĩ mở lớp da
đầu, đục một lỗ hổng trong xương sọ gọi là craniotomy, dùng cưa để cắt một
miếng xương sọ, như cách mở một cửa sổ để vào não bộ. Sau khi cắt bỏ
bướu, bác sĩ sẽ dùng khoảng xương sọ đã lấy ra lúc bắt đầu cuộc giải phẫu,
một miếng kim loại hay một miếng lưới bằng plastic để vá lại sọ, rồi khâu
trở lại da đầu. Bệnh nhân có thể "thức" trong thời gian giải phẫu và cử động
cơ thể hay trả lời câu hỏi theo lời chỉ dẫn của bác sĩ. Khả năng làm theo

mệnh lệnh giúp bác sĩ bảo vệ các phần não bộ thiết yếu.
Khi không thể giải phẫu vì khối u nằm tại những nơi hoặc gần chỗ
hiểm yếu như hypothalamus, brain stem, việc giải phẫu sẽ ảnh hưởng đến
những mô, tế bào chung quanh và để lại biến chứng trầm trọng, bác sĩ sẽ
dùng xạ trị hoặc cả hóa chất để chữa trị. Bệnh nhân có thể bị nhức đầu hay
khó chịu vài ngày sau khi giải phẫu. Tuy nhiên, thuốc men có thể dung để
giảm đau. Trước khi giải phẫu, quý vị có thể thảo luận với bác sĩ về cách
giảm đau; sau khi giải phẫu, thuốc men có thể được gia giảm để dịu cơn đau
đớn.
Hậu giải phẫu, bệnh nhân sẽ mất sức mệt mỏi, thời gian hồi phục
không đồng nhất cho mọi người. Bệnh nhân sẽ nằm bệnh viện ít nhất vài
ngày sau khi giải phẫu.
Những biến chứng có thể xảy ra sau cuộc giải phẫu bao gồm sự sưng
trướng (edema) do CSF hoặc máu tụ lại trong não bộ. Bác sĩ sẽ sẽ theo dõi
để tìm dấu hiệu của biến chứng này, bác sĩ có thể dùng steroids để làm giảm
sự sưng trướng. Đôi khi, bác sĩ cần thực hiện một cuộc giải phẫu thứ nhì để
đặt một ống plastic nhỏ, mềm dẻo (shunt, một loại ống dẫn) tại ventricles,
luồn dưới da dẫn đến bụng để thoát CSF, máu ứ từ não bộ đến bụng.
Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra sau khi giải phẫu, bệnh nhân sẽ được
chữa trị bằng thuốc kháng sinh.
Những mô, tế bào não bộ bình thường có thể bị hủy hoại trong cuộc
giải phẫu, sư hư hoại này có thể gây biến chứng nặng nề ảnh hưởng đến giác
quan hoặc các cử động, tiếng nói, tâm thần Hầu hết các biến chứng sẽ
giảm dần theo thời gian, nhưng đôi khi trở thành vĩnh viễn. Bệnh nhân sẽ
cần tập vật lý trị liệu, tập nói, thay đổi cách sinh hoạt
Trước khi giải phẫu, quý vị có thể đặt câu hỏi với bác sĩ:
-Bác sĩ sẽ thực hiện cách giải phẫu nào cho tôi?
-Tôi sẽ ra sao sau khi mổ?
- Nếu đau đớn, có thể dùng thuốc gì?
- Tôi sẽ ở lại bệnh viện bao nhiêu lâu?

- Tôi có bị phản ứng phụ lâu dài hay không? Tóc có mọc lại không?
Có biến chứng gì không khi dùng mảnh sắt để "vá" sọ?
- Khi nào thì tôi có thể trở lại sinh hoạt bình thường?
- Tôi có cần đi khám bệnh định kỳ thường xuyên không?
- Cơ hội phục hồi hoàn toàn là bao nhiêu phần trăm?

×