THUYỀN GIẤY
Thuyền giấy
Tagor
Ngày lại ngày, tôi thả những chiếc thuyền giấy của tôi.
Từng chiếc một bơi trên dòng nước chảy,
Tôi viết tên tôi và tên làng tôi ở trên thuyền
bằng những chữ lớn màu đen
Tôi hi vọng rằng một người nào đó
trên một miền đất lạ
sẽ thấy chiếc thuyền này
và biết tôi là ai.
Trên những chiếc thuyền nhỏ của tôi,
Tôi chất đầy những hoa Siêu-li hái được ở trong vườn.
Và tôi hi vọng rằng trong đêm tối
những đoá hoa của bình minh này sẽ được mang vào
đất liền yên ổn.
Tôi buông những chiếc thuyền bằng giấy của tôi
rồi nhìn lên trời
và thấy những đám mây nhỏ
đang dong những chiếc buồm trắng phồng to.
Tôi không rõ người bạn nào của tôi ở trên trời
đã thả chúng xuống để chạy đua với những chiếc thuyền của tôi!
Khi đêm xuống.
Tôi úp mặt vào cánh tay
và mơ thấy thuyền của tôi
đang trôi, trôi mãi
dưới những vầng sao khuya
Những nàng tiên-giấc-ngủ đang đi trên những chiếc thuyền đó,
Và hàng hóa trong thuyền là những cái rổ
đựng đầy những giấc mơ
Đào Xuân Quý dịch
Lời bình
Sau mấy năm liền đau khổ trong tang tóc: đứa con gái thứ hai (1904) và đứa con trai đầu (1907)
chết, Tagor đã viết tập thơ “Trăng non”, coi đó là niềm an ủi và một dịp để tìm lại hình ảnh những đứa
con yêu quý đã qua đời. Lúc đầu lấy tên là “Trẻ non” xuất bản năm 1915.
Bài thơ “Thuyền giấy” cũng như “Mây và Sóng”, “Những đóa hoa nhài đầu tiên”,… là những bài
thơ rất hay rút trong tập “Trăng non” này. Tác giả nhắc lại trò chơi thả thuyền giấy để nói về kỉ niệm
tuổi thơ và tâm hồn tuổi thơ: ngây thơ và hồn nhiên, trong sáng và bay bổng tuyệt với. “Tôi” là nhân
vật trữ tình, có thể là nhà thơ thời bé nhỏ, cũng có thể là những đứa con yêu quý của Tagor, đứa còn và
đứa đã qua đời trong ốm đau bệnh tật.
Thả thuyền giấy, trò chơi hấp dẫn ấy đã diễn ra “ngày lại ngày”, chơi mãi mà không chán; thú vị biết
bao khi ngắm nhìn và thả hồn mình trôi theo “Từng chiếc một bơi trên dòng nước chảy”, xa dần… xa
dần… Những chiếc thuyền giấy như một mảnh linh hồn tuổi thơ, được đánh số, được “ghi tên tôi và tên
làng tôi, bằng chữ lớn màu đen”. Con thuyền sẽ mang tên tôi tên làng tôi đi đến những bến bờ xa lạ. Đó
là những cuộc phiêu lưu, những cuộc viễn du của tuổi thơ trong tưởng tượng vô cùng kì diệu:
“Tôi hi vọng rằng một người nào đó
trên một miền đất lạ
sẽ thấy chiếc thuyền này
và biết tôi là ai.”
Có tự hào về tên tuổi mình, về xóm làng quê hương mình mới có ước ao và hy vọng tốt đẹp ấy.
Chiếc thuyền giấy đã trở thành sứ giả của tuổi thơ trong việc tìm bạn và kết bạn ở mọi phía chân trời, ở
cửa sông, ở những bến bờ xa lạ. Con thuyền giấy vì thế đã được “chấy đầy những hoa Siêu-li hái được
ở trong vườn”. Hoa Siêu-li là một loài hoa cánh nhỏ, nhiều màu sắc rực rỡ, rất đẹp, nở vào lúc bình
minh, được trẻ em Ấn Độ rất thích. Hoa Siêu-li là hương sắc quê nhà, là quà tặng tuổi thơ gửi cho bè
bạn chưa hề gặp mặt, chưa hề biết tên và quen thân. Một món quà nhờ thuyền giấy mang theo chứa
đựng bao mơ ước và tình cảm thánh thiện, hồn nhiên, trong sáng:
“Và tôi hi vọng rằng trong đêm tối
những đoá hoa của bình minh này sẽ được mang vào
đất liền yên ổn.”
Nói rằng, mơ ước rừng, hoa Siêu-li - quà tặng- “sẽ được mang vào đất liền yên ổn” là đến được
những bàn tay bè bạn gần xa. Nói rằng tình bè bạn tuổi thơ lúc nào cũng gắn liền với niềm hạnh phúc là
vậy.
Không có tưởng tượng thì không có thơ hay. Tagor đã sống lại tuổi thơ, đã nhớ lại hình ảnh tuổi thơ
của những đứa con bé bỏng yêu thương đã mất để sáng tạo nên những vần thơ đầy mộng tưởng. Thế
giới tâm hồn tuổi thơ vô cùng huyền diệu. Nếu trong “Mây và Sóng” em bé định cùng Mây bay lên
chín tâng không “chơi với vầng trăng bạc”, muốn cùng Sóng ca hát từ sáng sớm đến chiều tà, “ngao du
khắp nơi này nơi nọ” thì ở đây, “tôi” đã thấy có bạn nhỏ nào ở trên trời thả xuống con thuyền “chiếc
buồm trắng phồng to”… “chạy đua với những chiếc thuyền của tôi”:
“Tôi buông những chiếc thuyền bằng giấy của tôi
rồi nhìn lên trời
và thấy những đám mây nhỏ
đang dong những chiếc buồm trắng phồng to.
Tôi không rõ người bạn nào của tôi ở trên trời
đã thả chúng xuống để chạy đua với những chiếc thuyền của tôi!”
Cũng là cảnh nước chảy, thuyền trôi, mây trắng bay in xuống dòng sông. Nói “mây nhởn nhơ bay”,
nói “bạch vân thiên tải không du du”,… đã hay. Tagor qua tâm hồn tuổi thơ lại so sánh đám mây nhỏ
trên trời là “những chiếc buồm trắng phồng to” do một bạn nhỏ nào thả xuống để chạy đua với thuyền
giấy. Một hình ảnh đẹp, một ý thơ rất ngộ nghĩnh, nhiều thú vị.
Trong giấc mơ, em bé vẫn thấy những chiếc thuyền giấy của mình “đang trôi, trôi mãi/ dưới những
vầng sao khuya”. Con thuyền giấy đầy ắp “những cái rổ đựng đầy giấc mơ”. Và trên con thuyền giấy
ấy chỉ có những vị hành khách xa lạ đáng yêu - những Nàng Tiên-Giấc-Ngủ. Vần thơ của Tagor với
cảnh hứng vũ trụ và cảm hững lãng mạn đã cất cánh bay lên. Như nhà thơ đã có lần bày tỏ: “Cổ tích
mãi mãi là cội nguồn hứng khởi và ước mơ tuổi thơ”:
“Những nàng tiên-giấc-ngủ đang đi trên những chiếc thuyền đó,
Và hàng hóa trong thuyền là những cái rổ
đựng đầy những giấc mơ”
“Thuyền giấy” là bài thơ tuyệt bút. Đề tài bình dị mà hồn thơ đằm thắm, sâu xa. Vòm trời cao, áng
mây trắng, vầng trăng bạc, ánh sao khuya, chùm hoa Siêu-li thân thuộc, dòng sông, con thuyền, cánh
buồm, bến bờ xa, tên mình, tên làng mình, Nàng tiên và bạn nhỏ - được Tagor nói đến, nhắc đến với
bao trìu mến, yêu thương, được diễn đạt bằng những hình ảnh tươi xinh, non tơ, hấp dẫn.
Tuổi thơ qua “Thuyền giấy” rất hồn nhiên, nhiều mơ ước, khao khát đi tới mọi miền đất lạ với tình
bạn và lòng yêu thương. Tưởng tượng phong phú, kì diệu là yếu tố tạo nên chất thơ, sắc điệu thẩm mĩ
của bài thơ “Thuyền giấy”. Tagor đã lấy “trái tim trẻ thơ”, “tấm lòng trẻ thơ” để sáng tạo ra “Trăng
non”, “Thuyền giấy”,… Đúng như người xưa đã viết:
“Kìa trái tim trẻ thơ là trái tim chân thực vậy. Nếu để mất trái tim trẻ thơ, tức là để mất trái tim chân
thức, và mất luôn cả người chân thực… Những áng văn chương hay nhất trong thiên hạ, chưa bao giờ
lại không nảy sinh ra từ trái tim trẻ thơ cả”.
(Lý Chất (1527-1602) nhà văn trứ danh đời Minh).
Quả vậy, tấm lòng Tagor, ngọn bút của Tagor nảy sinh từ trái tim trẻ thơ. Ông đã sống trong vinh
quang và chết trong bất tử!