Tải bản đầy đủ (.pdf) (9 trang)

Hội chứng rối loạn tiêu hóa (Irritable Bowel Syndrome - IBS hoặc Spastic Colon) pot

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (118.96 KB, 9 trang )

Hội chứng rối loạn tiêu hóa
(Irritable Bowel Syndrome - IBS
hoặc Spastic Colon)

Đây là một hội chứng gây ra bởi sự co thắt không đều của các cơ vòng
trong hệ thống tiêu hóa (Spastic Colon), đưa đến đau bụng và thay đổi vấn
đề đại tiện, chẳng hạn ngày bón ngày tiêu chảy. Đặc điểm của tình trạng này
là, tất cả cơ quan trong hệ thống tiêu hóa đều “có vẻ” lành lặn, không bị
viêm hoặc hư hỏng, “sứt mẻ” như trong trường hợp ung thư, nhiễm trùng,
viêm đỏ v.v. Vì thế, đây không phải là một căn bệnh (not a disease) đưa đến
tử vong mà “chỉ” là một hội chứng (syndrome) tuy khó chịu, nhưng hoàn
toàn không nguy hiểm đến tính mạng (Irritable Bowel Syndrome viết tắc là
IBS).


Ai có thể bị IBS?
Đây là một hội chứng rất thông thường, mà gần như ai cũng có thể bị.
Tuy nhiên, phụ nữ dễ bị hơn quý ông, và người da trắng dễ bị hơn người Á
và Phi Châu. Theo một thống kê đăng tải vào cuối năm 1993, gần 20% công
dân Hoa Kỳ mang những triệu chứng của IBS. Và như thế, trên nước Mỹ,
người ta chi khoảng 8 triệu Mỹ kim hàng năm để định và trị “căn bệnh” khó
chịu này. Vì IBS không gây ra bởi những hư hỏng thể xác của hệ thống tiêu
hóa, người ta tin rằng một số bệnh nhân “yếu đuối” về mặt tinh thần dễ mắc
bệnh này hơn. Người ta cũng nhận thấy những người bị hành hạ về thể xác
cũng như những nạn nhân của xách nhiễu tình dục khi còn bè cũng dễ bị IBS
hơn những người lớn lên trong một hoàn cảnh bình thường. Ngay cả những
biến cố, tai họa xảy ra trong thời thơ ấu cũng có thể đưa đến chứng rối loạn
tiêu hóa.
Triệu chứng của IBS
Hội chứng thường bắt đầu từ lứa tuổi dậy thì hoặc tuổi mới trưởng
thành, kéo dài hơn 3 tháng và tái phát nhiều lần với những cơn đau bụng


kèm theo sự thay đổi về vấn đề đại tiện.
a) Thay đổi vấn đề đại tiện
“Bệnh” phát triển chậm chạp nhưng mỗi ngày một trầm trọng hơn. với
những thay đổi đại tiện rõ ràng hơn. Bệnh nhân không còn đi cầu một cách
đều hòa như xưa nữa. Thay vào đó họ bị hành hạ bởi những cơn đau bụng
song song với những chu kỳ ngày-bón-ngày-tiêu-chảy. Tùy theo từng cá
nhân, họ có thể có khuynh hướng bón nhiều hơn tiêu chảy hoặc ngược lại.
Bệnh nhân IBS với khuynh hướng dễ bị bón có thể chỉ đi đại tiện một
lần trong nhiều ngày đến nhiều tuần lễ, xen vào đó bởi những cơn tiêu chảy
ngắn ngủi. Phân có thể được diễn tả như “cứng như gỗ” hoặc “nhỏ như cọng
rau”, nên bệnh nhân phải uống thuốc sổ hoặc dùng thuốc bơm hậu môn một
cách thường xuyên hơn. Những cơn đau bụng có thể mỗi ngày một nặng
hơn, và bệnh nhân lúc nào cũng cảm thấy buồn cầu. Nhưng khi rặn thì
không ra phân.
Mặt khác, bệnh nhân IBS với khuynh hướng dễ bị tiêu chảy, thường
đi đại tiện nhiều lần trong ngày, tuy nhiên mỗi lần chỉ một ít phân lỏng mà
thôi. Ban đầu bệnh chỉ nhẹ nhàng nhưng lâu dần có thể biến thành những
cơn đau bụng buồn cầu cực kỳ khó chịu và khẩn trương. Bệnh nhân như
người bị “Tào Tháo đuổi”, hậu môn cứ đau quặn từng cơn, nhất là vào sáng
sớm hoặc sau mỗi bữa ăn. Mỗi ngày họ có thể phải đi cầu từ 4 đến 5 lần.
Phân đầu tiên còn thành khuông nhưng trở nên mềm, nhão rồi lỏng hơn sau
mỗi lần đại tiện. Phân đôi lúc pha lẫn với hơi, nên có thể bị “bắn tung tóe”
một cách rất khó chịu. Những cơn đau bụng có thể thuyên giảm đôi chút sau
mỗi lần đại tiện, nhưng chẳng bao lâu bệnh lại tái phát với như cơn đau quặn
từng hồi. Bệnh có thể nặng đến nỗi bệnh nhân không dám đi ra đường vì
phải “ôm” cái nhà cầu “cho chắc ăn”.
b) Đau bụng
Những cơn đau bụng có thể thay đổi tùy theo cá nhân và được diễn tả
như đau sơ sơ, nhè nhẹ, lâm râm, đau quặn từng cơn, nặng bụng, xình bụng,
đau son sót, đau ran rát, đau như “dao cắt”, đau liên tục, đau nhè nhẹ suốt

ngày với từng cơn co thắt thường xuyên. Bệnh nhân thường hay đau bụng
dưới bên tay trái, nhưng họ cũng có thể bị đau ở nhiều chỗ khác nhau. Đau
cùng một lúc, hoặc mỗi ngày đau một chỗ khác nhau. Họ cũng có thể bị đau
toàn bụng chứ không nhất thiết đau ở một vị trí nào nhất định. Trong một vài
trường hợp hiếm hoi, cơn đau có thể lang ra sau lưng.
Một trong những đặc điểm đáng kể là trong một số bệnh nhân, những
cơn đau ở bụng trên bên phải (right upper quadrant) xẩy ra thường xuyên
hơn trong lúc họ đang đi đứng. Cơn đau giảm dần hoặc chuyển xuống bụng
dưới khi họ đi nằm hoặc nằm “chổng mông”. Đây là trường hợp khi hơi bên
trong ruột gìa di chuyển tùy theo tư thế của bệnh nhân. Khi đứng, chất gas
“chạy” lên bụng trên bên trái. Khi nằm hơi sẽ đi xuống dưới hậu môn rồi ra
ngoài. Hơi làm nở giãn thành ruột gìa gây ra đau đớn khó chịu. Vì thế, khi đi
trung tiện (nôm na là đánh rắm) bệnh nhân có thể sẽ thoải mái hơn.
Một số bệnh nhân có thể bị đau hậu môn, với những cơn co thắt cực
kỳ khó chịu. Một điểm khác cực kỳ quan trọng là triệu chứng của IBS gần
như không bao giờ đánh thức bệnh nhân trong khi họ đang ngủ. Nếu trường
hợp này xẩy ra, Quý vị nên đi bác sĩ của mình càng sớm càng tốt.
c) Đầy hơi
Tuy đầy hơi, xình bụng có thể đưa đến những triệu chứng kể trên,
bệnh nhân IBS có thể “chỉ” cảm thấy khó chịu với “cái bụng căng to như cái
trống”. Họ có thể cứ phải ợ hơi liên tục hoặc “đánh rắm” liên miên. Bụng
thường rất thon nhỏ vào buổi sáng khi họ mới thức dậy, rồi trở nên to dần
dần. Bụng dưới cứ lớn dần như người đang có bầu. Ngoài ra, một số bệnh
nhân cũng có thể có những triệu chứng của bệnh đau bao tử, với những cơn
ợ chua, đắng hoặc hôi miệng, buồn nôn, ói mửa v.v.
Vì hội chứng của rối loạn tiêu hóa có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ vấn
đề tâm lý và tinh thần, những triệu chứng kể trên có thể thường xuyên hơn
khi bệnh nhân vì một hoàn cảnh hoặc điều kiện khó khăn nào đó trở nên
buồn phiền, chán nản hoặc u sầu. Ngay cả trong một số phụ nữ, những triệu
chứng của IBS trở nên rõ rệt hơn theo từng chu kỳ kinh nguyệt của họ.

Cách định bệnh
Vì IBS có cùng những triệu chứng của những căn bệnh hiểm nghèo
hơn, đáng kể nhất là các loại ung thư (nhất là ung thư đường ruột), hoặc các
bệnh khác nhau liên quan đến hệ thống tiêu hóa như bệnh đau bao tử, bệnh
nhiễm trùng, viêm đại tràng v.v., bệnh nhân sẽ được đi khám nghiệm qua
nhiều phương thức khác nhau. Tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của mỗi cá
nhân, bệnh nhân sẽ trải qua một số thử nghiệm khác nhau.
Sau đây là những điều Quý vị nên biết. Nếu tự nhiên bị biếng ăn, mất
ngủ, bị xuống ký lô, bị nóng sốt, bị đi cầu ra máu, bị mất quá nhiều nước,
hoặc cơ thể trở nên khác thường một cách kỳ lạ vô nguyên cớ, nhất là ở
những người lớn tuổi, có lẽ đây không phải là những triệu chứng của hội
chứng rối loạn tiêu hóa. Những bệnh nhân này, nên đi bác sĩ càng sớm càng
tốt.
Cách chữa trị
Theo định nghĩa, IBS chỉ được mệnh danh một khi những căn bệnh
hiểm nghèo kể trên đã được loại bỏ. Vì thế, trên lý thuyết, nếu một bệnh
nhân IBS bị “bỏ rơi” và không được chữa trị, họ cũng chẳng sao. Trừ khi, vì
“chán đời” họ “mua chai thuốc chuột về nhà uống chơi”.
Sau đây là tóm tắt của một vài phương thức trị bệnh chính:
Thay đổi cách thức ăn uống: Tuy một số thức ăn nước uống có thể
tăng thêm hoặc thuyên giảm những triệu chứng của IBS trong một số bệnh
nhân, điều này khó có thể chứng minh một cách cụ thể. Tiếc thay, một số
bệnh nhân, vì quá sợ hãi, nên có thể nhịn ăn một cách quá đáng, không cần
thiết. Tôi thường chỉ khuyên bệnh nhân IBS nên tránh những thức ăn có thể
gây ra qua nhiều chất gas, chẳng hạn như một số các loại rau quả khác nhau.
Nói một cách tổng quát, họ cũng nên kiêng cữ uống quá nhiều cáfè cũng như
uống sữa. Cả hai thức uống này đều có thể gây ra tiêu chảy hoặc xình bụng,
đầy hơi.
“Ăn nhiều rau, Uống nhiều nước!”. Điều nói thì dễ làm thì khó. Nhất
là nhiều loại rau khác nhau có thể tạo ra nhiều chất gas trong ruột già. Quý

vị nên ăn thử nhiều loại rau khác nhau, để xem cơ thể có thể “tiêu hóa” được
loại nào. Nếu cần nên uống thêm các loại fiber (chất sơ) bày bán trên thị
trường như Metamucil, Konsyl, LA Formula, Citrucel, FiberCon, Benefiber
v.v. Nên tránh nhai kẹo chewing gum, hoặc uống nước ngọt có gas.
Tập thể dục đều đặn có thể giúp cho cơ thể nói chung và hệ thống tiêu
hóa nói riêng được hoặt động một cách đắc lực hơn.
Thuốc men: Tùy theo từng cá nhân, người bác sĩ của Quý vị có thể sẽ
phải chữa trị bằng nhiều loại thuốc men khác nhau. Tuy nhiên trong trường
hợp IBS, thuốc men chỉ nên đóng một vai trò phụ trong việc chữa trị mà
thôi. Nếu dùng chỉ nên dùng khi thật cần, và càng dùng ít chừng nào, càng
tốt chừng nấy.
Tóm lại: Vì hội chứng tiêu hóa là một bệnh “tâm lý” (nhưng không
phải bệnh tâm thần hoặc bệnh điên), sự thành công trong việc chữa trị ảnh
hưởng trực tiếp đến mối tương quan đồng nhất và chặt chẽ giữa bệnh nhân
và bác sĩ. Sự trấn an, khuyến khích và giải thích tỉ mỉ về bệnh lý từ người y
sĩ song song với một số phương thức trị liệu khác nhau thích ứng cho mỗi
một cá nhân sẽ là một trong những điều kiện tiên quyết trong việc chữa trị
bệnh nhân với hội chứng rối loạn tiêu hóa. Vì thế, ngoài “phước chủ, lộc
thầy”, lòng kiên nhẫn và sự cố gắng của bệnh nhân cũng đóng một vai trò
không kém quan trọng. Họ cần phải biết cách “tự chủ” lại cơ thể của họ, và
“bắt” hệ thống tiêu hóa của họ phải “phục tòng” sự điều khiển của họ. (Nói
thì dễ, làm thì khó)
Như viết ở trên, tuy bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng
“bệnh” rất khó chữa trị. Người y sĩ, hơn bao giờ hết, sẽ phải đóng một vai
trò của một nhà tâm lý học, “dìu dắt” bệnh nhân vượt qua những khó khăn
của cuộc sống, tránh né, đề phòng hoặc hướng dẫn những phương thức thích
ứng với những trường hợp căn thẳng (stressfull situations). Có như thế bệnh
mới có thể thuyên giảm được.
Bs Bùi Xuân Dương

×