THỊ TRƯỜNG THẺ VIỆT NAM HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
THỊ TRƯỜNG THẺ VIỆT NAM HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI
Trong những năm gần đây, thị trường thẻ ngân hàng tại Việt Nam tiếp tục phát
triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 12/2007 đã có 29 tổ chức phát hành thẻ, trong đó có 5
ngân hàng thương mại nhà nước; 19 ngân hàng thương mại cổ phần; 4 ngân hàng liên
doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 1 tổ chức phát hành thẻ phi ngân hàng.
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thẻ không ngừng lớn mạnh, với 4280 máy ATM;
22.959 thiết bị ngoại vi (POS, EDC). Số lượng thẻ phát hành tăng lên cả về số lượng và
chủng loại với 120 thương hiệu thẻ, trong đó phân theo phạm vi thì thẻ nội địa 71 loại
(chiếm 59%), thẻ quốc tế 49 loại (41%); phân theo nguồn tài chính, thẻ ghi nợ 73 loại
(chiếm 61%), thẻ tín dụng 44 loại (chiếm 37%) và sự xuất hiện của loại thẻ trả trước 3
loại (2%). Thống kê tính đến ngày 15/11/2007 cho thấy toàn thị trường đã đạt mức phát
hành thẻ là 8.282.783 thẻ (tăng gần 4 triệu thẻ so với năm 2006), trong đó có 7.771.494
thẻ ghi nợ nội địa (94%); 25.637 thẻ tín dụng nội địa (0.3%); 302.046 thẻ ghi nợ quốc tế
(3.65%) và 183.616 thẻ tín dụng quốc tế (2.2%).
Cùng với sự phát triển không ngừng về mặt khoa học kỹ thuật và công nghệ,
nhu cầu đòi hỏi của khách hàng ngày càng tăng. Nắm bắt được xu thế đó, để thu hút
được khách hàng về phía mình trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng
trong nước ngày càng chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển mảng dịch vụ, đặc biệt
các dịch vụ tiện ích đi kèm với thẻ. Giờ đây, thẻ không chỉ đơn thuần là một phương
tiện rút tiền mặt mà đã trở thành phương tiện đa mục đích, giúp người sử dụng có thể
tiếp cận được nhiều dịch vụ giao dịch thông qua thẻ ngân hàng. Các dịch vụ tiện ích cơ
bản của thẻ cung cấp cho khách hàng như: thanh toán hàng hóa; rút tiền mặt; chuyển
khoản; thanh toán hóa đơn; mua sắm hàng hóa trực tuyến… cho đến nhiều dịch vụ
mới khác cũng đang được các ngân hàng chú trọng phát triển như: yêu cầu phát hành
sổ séc; yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn; chi lương qua tài khoản;
gửi tiền trực tiếp tại ATM; nhận tiền kiều hối; bảo hiểm… Ngoài việc thiết lập nhiều tiện
ích cho khách hàng, các ngân hàng còn tạo sự riêng biệt bằng các chương trình và sản
phẩm thẻ mang thương hiệu của mình như: Ngân hàng Sài Gòn Thương tín với thẻ
Sacom VISA Debit chú trọng vào lớp trẻ năng động; VCB ngoài việc giữ một số lượng
lớn thẻ các đơn vị nhờ dịch vụ trả lương, còn một loại thẻ đưa logo của kênh ca nhạc
MTV vào chiếc thẻ, được giới trẻ đón nhận như thể hiện một phong cách; thẻ của
Techcombank lại khuyến khích bằng cách liên kết với các đối tác thương mại khác như
trung tâm mua bán, siêu thị, với hãng Pacific Ariline giảm giá mua hàng, giá vé máy
bay; hay thẻ của ACB được phát hành rộng rãi ở các khu vực người nước ngoài tập
trung đông, thiên về thanh toán hơn là rút tiền vv...
Bên cạnh đó, để nhằm chia sẻ cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thẻ và tạo
thuận lợi cho người sử dụng, các ngân hàng đã liên kết tạo thành các liên minh thẻ.
Các liên minh thẻ hiện nay bao gồm: i) Liên minh thẻ Vietcombank (nay là Công ty
Smartlink) có 25 thành viên, với 2056 máy ATM (48%), 17.502 máy POS/EDC (57%) và
số lượng thẻ đã phát hành 4.721.946 thẻ (57%); ii) Liên minh thẻ Đông Á có 5 thành
viên tham gia đã phát hành 1.766.053 thẻ (21%), với 783 máy ATM (18%), 1682 máy
POS/EDC (57%) và iii) Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính quốc gia Banknetvn với
số lượng máy ATM chiếm 62% (2654 máy), máy POS/EDC chiếm 46% (10.548) và đã
phát hành 5.170.229 thẻ (chiếm 62%). Các liên minh này đã phần nào kết nối hoạt
động thẻ của các ngân hàng lại với nhau, tuy nhiên thị trường thẻ Việt Nam vẫn còn
manh mún, có sự khác biệt lớn trong quan điểm của các ngân hàng, giữa các liên minh
về lợi ích kinh tế và lợi ích cộng đồng. Phạm vi phát hành và sử dụng thẻ còn hạn chế,
mới chủ yếu tập trung ở một số tỉnh, thành phố lớn; đối tượng sử dụng thẻ chủ yếu tập
trung vào tầng lớp đang làm việc trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, cán bộ, công chức
làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và mới đây là đối tượng hưởng lương
từ ngân sách nhà nước (theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ). Tiện ích và các
dịch vụ đi kèm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, khách hàng sử
dụng thẻ ngân hàng chủ yếu để thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ. Các máy ATM
cũng mới chỉ chủ yếu phục vụ để rút tiền mặt còn các dịch vụ tiện ích đi kèm chưa đáp
ứng được nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Đặc biệt khi chúng ta chưa xây
dựng được một Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất tại Việt Nam.
Dịch vụ thẻ phát triển giúp cho khách hàng ngày càng tiếp cận dễ dàng hơn với
các dịch vụ thanh toán hiện đại, thúc đẩy các ngân hàng thương mại tiếp tục phát triển
mảng dịch vụ thanh toán áp dụng công nghệ cao như dịch vụ homebanking, internet
banking, mobile banking… Dự kiến đến cuối năm 2010 toàn thị trường đạt mức phát
hành 15 triệu thẻ, trong đó 70% các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách
sạn, cửa hàng tự chọn v.v. lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ. Phấn đấu đến
năm 2020 con số này đạt lần lượt là 30 triệu thẻ và 95%. Trong thời gian tới, thị trường
thẻ Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh, là một thị trường đầy tiềm năng, hứa hẹn đem
lại nhiều lợi ích cho người sử dụng và lợi nhuận cho các tổ chức trong và ngoài nước
hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng./.
Một số chỉ tiêu liên quan đến thị trường thẻ tính đến 15/11/2007:
- Số lượng máy ATM: 4280 máy
- Số lượng POS/EDC: 22.959 máy
- Thẻ phát hành: 8.282.783 thẻ, trong đó có:
+ 7.771.494 thẻ ghi nợ nội địa (94%)
+ 25.637 thẻ tín dụng nội địa (0.3%)
+ 302.046 thẻ ghi nợ quốc tế (3.65%)
+ 183.616 thẻ tín dụng quốc tế (2.2%).
Hà Nội, ngày 18/12/2007
Đặng Thị Thanh, Phạm Thị Hải Hà
(Phòng Phát triển Dịch vụ - Hệ thống Thanh Toán)